Nông thôn mới Quảng Trị

https://nongthonmoi.quangtri.gov.vn


GIẢI PHÁP NÂNG CAO HIỆU QUẢ QUẢN LÝ, KHAI THÁC VÀ SỬ DỤNG CÁC THIẾT CHẾ VĂN HÓA, THỂ THAO TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH QUẢNG TRỊ

Thực tiễn đã chỉ ra rằng hệ thống thiết chế văn hóa có vai trò cực kỳ quan trọng và tiên quyết trong đời sống văn hóa của nhân dân, là nơi sinh hoạt văn hóa, tinh thần của cộng đồng, giữ vị trí nòng cốt trong tổ chức các hoạt động tuyên truyền phục vụ nhiệm vụ chính trị, xã hội của địa phương, khẳng định vai trò chỉ đạo, hướng dẫn các hoạt động văn hóa - văn nghệ ở cơ sở và là bộ mặt văn hóa của địa phương; phục vụ nhu cầu về hưởng thụ, sáng tạo văn hóa của nhân dân, góp phần giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc.
Lễ đón nhận làng văn hóa
Xuất phát từ quan điểm định hướng: Văn hóa là nền tảng tinh thần của xã hội, vừa là mục tiêu, vừa là động lực để thúc đẩy sự phát triển kinh tế của xã hội.  Nhận thức được tầm quan trọng đó UBND tỉnh đã chỉ đạo, hướng dẫn các địa phương, đơn vị cơ sở xây dựng quy hoạch, bố trí quỹ đất xây dựng các thiết chế văn hóa, thể thao theo lộ trình từng năm, từng giai đoạn. Trên cơ sở đó, Ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã thực hiện việc chỉ đạo, hướng dẫn cơ sở thực hiện việc quy hoạch, xây dựng, sử dụng các thiết chế văn hóa theo Thông tư số 12/2010/TT-BVHTTDL ngày 22/12/2010 của Bộ VH,TT&DL về Quy định mẫu về tổ chức, hoạt động và tiêu chí của Trung tâm Văn hóa-Thể thao xã; Thông tư số 11/2010/TT-BVHTTDL ngày 22/12/2010 của Bộ VH,TT&DL về Quy định tiêu chí của Trung tâm Văn hóa-Thể thao quận, huyện, thị xã, thành phố trực thuộc tỉnh; Thông tư số 06/2011/TT-BVHTTDL ngày 8/3/2011 của Bộ VH,TT&DL về Quy định Quy định mẫu về tổ chức, hoạt động và tiêu chí của Nhà văn hóa-Khu thể thao thôn; Thông tư số 05/2014/TT-BVHTTDL ngày 30/5/2014 trong đó chú trọng vào đầu tư xây dựng xây dựng nhà văn hóa làng, bản, khu phố, xã, phường, thị trấn để đảm bảo sinh hoạt văn hóa cho cộng đồng dân cư.
Tiếp tục chỉ đạo việc đầu tư xây dựng các thiết chế văn hóa, thể thao theo Nghị quyết 05/NQ-HĐND của HĐND tỉnh “Về phát triển sự nghiệp văn hóa, thể dục, thể thao; xây dựng thiết chế văn hóa, thể dục, thể thao cơ sở và phát triển thể thao thành tích cao đến năm 2015, tầm nhìn đến năm 2020”. Nghị quyết trên đã tạo điều kiện cho công tác đầu tư xây dựng, quản lý, khai thác, sử dụng các thiết chế trên địa bàn tỉnh có nhiều thuận lợi và đạt được nhiều kết quả quan trọng. Sau khi Nghị quyết được ban hành, ngày 03/2/2010 UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch số 268/KH-UBND về tăng cường chỉ đạo các ngành, các địa phương đẩy mạnh công tác tuyên truyền, xây dựng kế hoạch cụ thể và tích cực thực hiện nghị quyết; Qua thực tiễn, để đáp ứng tình hình phát triển trong giai đoạn mới, ngày 13/4/2012, HĐND tỉnh đã ban hành Nghị quyết số 04/2012/NQ-HĐND sửa đổi, bổ sung Nghị quyết 05/2009/NQ-HĐND; ngày 25/4/2014, HĐND tỉnh đã ban hành Nghị quyết số 02/2014/NQ-HĐND về huy động các nguồn lực và quy định mức hỗ trợ xây dựng nông thôn mới tỉnh Quảng Trị đến năm 2020 trong đó có quy định về đầu tư, quy chuẩn xây dựng NVH xã, thôn theo tiêu chí của Bộ VH,TT&DL. Tham mưu UBND tỉnh ban hành Quyết định số 19/QĐ-UBND ngày 07/1/2016 về Phê duyệt thiết kế mẫu trung tâm văn hóa xã, nhà văn hóa thôn. Đồng thời đề nghị các cấp ủy Đảng cần quan tâm tạo điều kiện thuận lợi, xây dựng cơ chế, chính sách huy động lực lượng toàn xã hội (các tổ chức kinh tế- xã hội, doanh nghiệp, cá nhân) để đầu tư xây dựng, phát huy công năng một cách có hiệu quả Nhà văn hóa, khu thể thao xã, thôn; đề xuất cơ chế hỗ trợ, huy động các nguồn lực về xây dựng các thiết chế văn hóa trong chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2015-2020.
 Chỉ đạo, hướng dẫn các địa phương, đơn vị xây dựng kế hoạch sử dụng, khai thác, quản lý các thiết chế văn hóa có hiệu quả, phát huy hết công năng sử dụng, phục vụ nhu cầu sinh hoạt văn hóa, tinh thần cho nhân dân. Thực hiện việc hướng dẫn các địa phương, đơn vị sử dụng các thiết chế văn hóa, thể thao chung, sinh hoạt lồng nghép vào Hội trường thôn, Đình làng, nhà rông, nhà dài…khi chưa có điều kiện về kinh phí, quỹ đất để xây dựng nhà văn hóa xã, thôn. Chỉ đạo, hướng dẫn việc trang cấp, sử dụng các thiết bị âm thanh, loa máy, trang thiết bị cần thiết từ chương trình mục tiêu quốc gia về văn hóa cho các nhà văn hóa xã, thôn vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới, vùng đặc biệt khó khăn.
Với sự vào cuộc tích cực của các cấp ủy Đảng, chính quyền, việc quy hoạch, đầu tư xây dựng, sử dụng các thiết chế văn hóa, thể thao từ tỉnh đến cơ sở từng bước hoàn thiện, đáp ứng nhu cầu sinh hoạt văn hóa, tinh thần của người dân, góp phần nâng cao ý thức của nhân dân trong việc giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc, phát huy tính dân chủ, tinh thần đoàn kết và nhu cầu hưởng thụ văn hóa, rút ngắn khoảng cách văn hóa giữa các vùng miền trong tỉnh. Đến nay, từ tỉnh đến cơ sở, phần lớn các huyện, thị, thành phố hoàn thành việc quy hoạch quỹ đất, huy động nguồn kinh phí để xây dựng các thiết chế văn hóa, thể thao đến năm 2020.
+ Các công trình văn hóa, thể thao quan trọng cấp tỉnh được đầu tư xây dựng như: Quảng trường và Nhà văn hóa trung tâm tỉnh, Trung tâm thông tin xúc tiến du lịch, Ban Quản lý di tích, Bảo tàng tỉnh, Đoàn Nghệ thuật tỉnh, Trung tâm huấn luyện thi đấu thể dục thể thao tỉnh, Nhà thi đấu đa năng thuộc khu thi đấu liên hợp thể thao tỉnh, Thư viện tỉnh, Nhà văn hóa thiếu nhi tỉnh, Trung tâm hoạt động thanh thiếu niên, Bể bơi tổng hợp...
+ Các thiết chế văn hóa, thể thao cấp huyện cũng được đầu tư, phát triển từng bước như: Nhà tập luyện và thi đấu huyện Vĩnh Linh, Thư viện và sân vận động Thị xã Quảng Trị, Nhà thiếu nhi huyện Cam Lộ.. Toàn tỉnh có 10 trung tâm văn hóa- thể thao cấp huyện, 12 khu vui chơi giải trí, 06 nhà văn hóa thiếu nhi, 05 nhà thi đấu theo môn thể thao, 07 nhà thi đấu đa năng, 04 sân vận động, 25 bể bơi, 1297 sân thể thao các cấp.
+ Toàn tỉnh có  100/141 xã, phường, thị trấn có nhà văn hóa- trung tâm thể thao, chiếm tỉ lệ 70,1%, với mức đầu tư từ 500 - 1200 triệu đồng/nhà văn hóa; Có  945/1073 làng, bản, khu phố có nhà văn hóa, khu thể thao chiếm tỉ lệ 88,7% với mức đầu tư từ 300 - 600 triệu đồng/nhà văn hóa. Hầu hết các nhà văn hóa- trung tâm thể thao các xã, phường, thị trấn, thôn, bản, khu phố được đầu tư mua sắm trang thiết bị phục vụ các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao, hội họp ở cộng đồng dân cư. Có 592/945 nhà văn hóa – khu thể thao làng, bản, khu phố đạt chuẩn theo quy định của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, đạt tỷ lệ 62,6% và 79/100 nhà văn hóa – Trung tâm thể thao xã, phường, thị trấn đạt chuẩn theo Quy định của Bộ VH,TT&DL, đạt tỷ lệ 79%; 100% xã, phường, thị trấn, thôn, bản chưa có nhà văn hóa- trung tâm thể thao đã có quy hoạch xây dựng mới giai đoạn 2017-2020. Gần 1.000 cụm bảng thông tin cổ động, 2.500 panô các loại, 9.227 hộp đèn pano tuyên truyền, 5.000 tấm appich, 75 cụm pano cỡ lớn, 1.348 sân thể thao, 810 đội văn nghệ, 450 câu lạc bộ trong các làng văn hoá duy trì, hoạt động thường xuyên, có 245 thư viện và 250 tủ sách phục vụ nhân dân trong các làng, bản, khu phố văn hoá đến đọc, nghiên cứu và tìm hiểu.
+ Được sự quan tâm của Bộ VH,TT&DL và các cấp ủy đảng, chính quyền, những năm qua việc đầu tư xây dựng thiết chế văn hóa, cung cấp các ấn phẩm văn hóa cho các vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới, hải đảo và vùng khó khăn của các huyện đã được chú trọng trong chương trình mục tiêu quốc gia về văn hóa như đầu tư, cung cấp, trang cấp hệ thống âm thanh, loa máy, xây dựng nhà văn hóa cho các làng, bản có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn như Nhà văn hoá Bản Cheng tại Tân Liên (huyện Hướng Hoá) với kinh phí 500 triệu đồng; Nhà văn hoá thôn Vùng Kho, xã Đakrông (huyện Đakrông) với kinh phí 600 triệu đồng. Ngoài ra, Ngân hàng Công thương Quảng Trị đã hỗ trợ gần 400 triệu đồng để xây dựng nhà sinh hoạt văn hoá cộng đồng cho Bản A Đeng, xã A Ngo (huyện Đakrông); Tập đoàn Viễn thông Quân đội Viettel hỗ trợ xây dựng 5 nhà cộng đồng tránh lũ kết hợp làm nhà văn hóa cộng đồng (mỗi công trình 400 triệu đồng) cho các huyện: Gio Linh, Cam Lộ, Triệu Phong, Hải Lăng và Đakrông. Các địa phương huy động nhiều nguồn lực trong xã hội, đặc biệt là các tổ chức quốc tế đã hỗ trợ một nguồn kinh phí đáng kể để xây dựng các thiết chế văn hoá, thể thao ở các làng văn hoá, góp phần đáp ứng nhu cầu hội họp và sinh hoạt văn hóa, tinh thần của nhân dân.
  Thực hiện chính sách hỗ trợ theo Nghị quyết 05/2009/NQ-HĐND và Nghị quyết 04/2012/NQ-HĐND của Hội đồng nhân dân tỉnh, ngân sách của tỉnh đầu tư xây dựng các thiết chế văn hóa, thể thao là 7,35 tỷ đồng (năm 2010: 02 tỷ đồng, năm 2011: 1,2 tỷ đồng, năm 2012: 2,5 tỷ đồng; năm 2013: 1,65 tỷ đồng, năm 2014, 2015, 2016, 2017: 00đ), kết hợp với nguồn ngân sách các huyện, thị, thành phố và nguồn đóng góp của nhân dân, nguồn ngân sách từ chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới của tỉnh để xây dựng nhà văn hóa- trung tâm thể thao xã, thôn trong toàn tỉnh.
Nhìn chung các thiết chế văn hóa, thể thao từ tỉnh đến cơ sở từng bước được xây dựng, hoàn thiện, phát huy hiệu quả sử dụng, dần đáp ứng nhu cầu sinh hoạt văn hóa, tinh thần của người dân. Đặc biệt các thiết chế văn hóa, thể thao cơ sở như Nhà văn hóa- khu thể thao thôn, Nhà sinh hoạt cộng đồng, Đình làng, nhà rông, nhà dài... đã phát huy hết công năng, hiệu quả sử dụng. Hàng tuần, tháng là địa điểm tập trung sinh hoạt của người dân như:  hội họp của các tổ chức đoàn thể Phụ nữ, Nông dân, Chi đoàn thanh niên, Người cao tuổi ..; Là nơi tổ chức giao lưu văn hóa, văn nghệ, các hội thi hội diễn nhân những sự kiện trọng đại, ngày lễ tết của quê hương đất nước; là địa điểm vui chơi giải trí, đọc sách cho trẻ em, tập thể dục dưỡng sinh, đi bộ của người già;  nơi giao lưu, tập luyện và thi đấu các môn thể thao của thanh thiếu niên; Là nơi tổ chức các buổi tập huấn, truyền đạt kiến thức, kỹ năng về khoa học kỹ thuật cho bà con nhân dân trong lao động, sản xuất…Ngoài ra, để tạo nguồn kinh phí tổ chức hoạt động, phát huy lợi thế về quỹ đất, trang thiết bị, sân, bãi và cảnh quan đồng thời tạo điều kiện thuận lợi trong sinh hoạt, phục vụ cho đời sống văn hóa tinh thần của người dân, được sự nhất trí của chính quyền địa phương và người dân, Ban điều hành văn hóa đã tạo điều kiện cho các hộ gia đình trong thôn thuê mặt bằng để thực hiện các sự kiện những vẫn bảo đảm an toàn các thiết chế văn hóa.
Bên cạnh những kết quả đạt được, việc xây dựng, quản lý, sử dụng các thiết chế văn hóa, thể thao ở cơ sở  còn một số hạn chế như mặc dù được chú trọng đầu tư nhưng chưa đồng bộ và hoàn chỉnh do nguồn kinh phí còn hạn hẹp. Phần lớn các thiết chế văn hóa, thể thao cơ sở được xây dựng từ sớm nên không đảm bảo theo quy chuẩn Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch; Ngân sách các cấp dành cho việc đầu tư xây dựng, sửa chữa, cải tạo, quản lý, sử dụng các thiết chế văn hóa, thể thao còn thấp so với lộ trình đưa ra, ngân sách cấp từ chương trình mục tiêu quốc gia về văn hóa không có. Một số địa phương nhất là ở đô thị, việc quy hoạch quỹ đất xây dựng các thiết chế văn hóa, thể thao cùng với nguồn kinh phí chưa có dẫn đến việc phải sinh hoạt lồng ghép vào hội trường thôn, nhà mẫu giáo, đình làng, nhà rông, nhà dài, nhà sinh hoạt cộng đồng. Các trang thiết bị như âm thanh, loa máy, các dụng cụ phục vụ sinh hoạt còn thiếu đồng bộ. Công tác quản lý, khai thác và sử dụng các thiết chế văn hóa, thể thao ở một số phường, xã còn hoạt động theo sự vụ, tư tưởng quản lý, khai thác còn ỷ lại, trông chờ cấp trên, không có kế hoạch hoạt động cụ thể.Việc thu hút các nguồn lực thực hiện xã hội hoá văn hoá còn gặp nhiều khó khăn. Cán bộ làm công tác văn hóa kiêm nhiệm nhiều công việc, cán bộ làm chuyên môn ít được đào tạo hướng dẫn, tập huấn, nên tổ chức các hoạt động văn hóa, thể thao chưa đáp ứng yêu cầu thực tiễn.
Để khai thác, quản lý và sử dụng có hiệu quả các thiết chế văn hóa, thể thao cần tập trung thực hiện một số giải pháp sau như có chính sách đầu tư phù hợp để cấp cơ sở có đủ nguồn lực về kinh phí, quy hoạch quỹ đất, nguồn nhân lực quản lý trong xây dựng các thiết chế văn hóa, thể thao đạt quy chuẩn của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch; Tăng cường kinh phí trong sự nghiệp văn hóa, thể thao để tăng cường hơn nữa công tác tuyên truyền, cổ động trực quan, khai thác và sử dụng các thiết chế văn hóa, thể thao có hiệu quả, đáp ứng nhu cầu sinh hoạt văn hóa, tinh thần của nhân dân; Cần có chính sách, cơ chế thuận lợi cho các tổ chức chính trị- xã hội, doanh nghiệp, cá nhân trong việc tham gia đóng góp để xây dựng, quản lý và sử dụng có hiệu quả các thiết chế văn hóa, thể thao, đẩy mạnh công tác xã hội hóa văn hóa ở cơ sở; Tăng cường công tác tập huấn cho cán bộ làm văn hóa các cấp, đặc biệt là cán bộ ở cơ sở về kỹ năng quản lý, hướng dẫn và tổ chức các phong trào văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao; Xây dựng cơ chế lồng ghép, phối hợp giữa phong trào xây dựng đời sống văn hóa với chương trình mục mục quốc gia xây dựng nông thôn mới, cụ thể với 02 tiêu chí liên quan đến xây dựng Nhà văn hóa, khu thể thao xã và Nhà văn hóa, khu thể thao thôn.
     Với nhận thức đúng đắn về vị trí, vai trò của sự nghiệp văn hóa trong sự phát triển của xã hội, những năm tới với sự đầu tư xây dựng hệ thống thiết chế văn hóa từng bước đồng bộ từ tỉnh đến cơ sở, đội ngũ cán bộ văn hóa ngày càng được nâng cao về trình độ chuyên môn nghiệp vụ, năng động, sáng tạo, chắc chắn sẽ nâng cao hiệu quả sử dụng các thiết chế văn hóa, thể thao, góp phần phục vụ nhu cầu sinh hoạt văn hóa phong phú, đa dạng của cộng đồng dân cư, làm giàu thêm bản sắc văn hóa dân tộc và địa phương.

Tác giả bài viết: Nguyễn Thị Huyền - Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây