Nông thôn mới Quảng Trị

https://nongthonmoi.quangtri.gov.vn


Du lịch về miền nông sản sạch

Không ngẫu nhiên khi tour du lịch do Dự án Chuỗi giá trị địa phương tổ chức lại thu hút sự quan tâm, hưởng ứng của nhiều người dân trên địa bàn. Chỉ với 0 đồng, du khách được đến và có những trải nghiệm thú vị ở vùng sản xuất nông sản sạch huyện Triệu Phong.
Khách tham quan nhận được những món quà nhỏ, đầy ý nghĩa

Trở về từ vùng sản xuất nông sản sạch Triệu Phong, bà Nguyễn Thị Minh (57 tuổi), trú tại khu phố 6, phường 1, thành phố Đông Hà rất mong lần thứ hai có chuyến trải nghiệm tương tự. Vài tuần trước, bà Minh đến cửa hàng nông sản sạch Triệu Phong, nằm trên đường Hàm Nghi, thành phố Đông Hà để mua thực phẩm. Cô nhân viên gửi tặng bà một tấm giấy mời tham gia chuyến du lịch 0 đồng. “Tôi đã quyết định lên đường để tận mắt xem bà con nông dân làm ra những sản phẩm mà gia đình mình sử dụng hằng ngày như thế nào. Đúng như kì vọng, chuyến đi đã cho tôi nhiều trải nghiệm quý”, bà Minh khẳng định.

 

Sau chuyến tham quan, ông Nguyễn Đức Châu (70 tuổi), trú tại khu phố 4, phường 3, thành phố Đông Hà khẳng định sẽ vận động con cháu sử dụng những thực phẩm do bà con nông dân tham gia Dự án Chuỗi giá trị địa phương làm ra. Trước đây, ông Châu chỉ biết đến phương thức canh tác tự nhiên qua sách báo. Một lần, ông được người hàng xóm tặng miếng thịt, mớ rau do bà con nông dân huyện Triệu Phong làm ra. Vừa rồi, do có việc bận, người hàng xóm lại tặng ông Nguyễn Đức Châu tấm giấy mời đi tham quan vùng sản xuất nông sản sạch. Ông Châu nhận tấm giấy mời, nói lời cảm ơn rồi nhấc máy rủ thêm người bạn cùng tham gia. “Trước đây, mỗi lúc cho thứ gì đó vào miệng, tôi cũng lo. Giờ tiếp xúc với bà con nông dân, nghe họ chia sẻ về quy trình sản xuất, tôi hoàn toàn yên tâm, tin tưởng. Thật bất ngờ vì bà con mình có thể sản xuất ra thuốc trừ sâu, phân bón từ các nguyên liệu có nguồn gốc thiên nhiên, thân thiện với môi trường”, ông Châu bộc bạch.

 

Năm 2015, mô hình canh tác tự nhiên ra đời tại huyện Triệu Phong với sự hỗ trợ tích cực của Tổ chức Tầm nhìn Thế giới và Dự án KOICA huyện Triệu Phong. Đến nay, mô hình đã gặt hái nhiều thành quả đáng mừng từ khâu sản xuất, chế biến, đóng gói đến tiêu thụ sản phẩm. Dưới sự giúp đỡ của chuyên gia nông nghiệp Hàn Quốc, cán bộ kĩ thuật Phòng Nông nghiệp&PTNT, Trạm Khuyến nông, Trạm Bảo vệ thực vật huyện Triệu Phong, bà con nông dân nhanh chóng làm quen với quy trình kĩ thuật để sản xuất nông nghiệp bền vững. Nhiều đặc tính ưu việt của quy trình này đã được ghi nhận. Trước tiên, quy trình kĩ thuật canh tác tự nhiên dễ làm, dễ áp dụng. Hầu hết các nguyên liệu đầu vào cho sản xuất do người dân tận dụng và tự làm thông qua quá trình lên men đơn giản. Thứ hai, thực hiện quy trình canh tác tự nhiên là bảo vệ sức khỏe cho người sản xuất lẫn người tiêu dùng. Vì không can thiệp hóa chất trong quá trình sản xuất nên nông sản làm ra bảo đảm an toàn tuyệt đối. Thứ ba, thực hành quy trình canh tác tự nhiên góp phần bảo vệ môi trường, giúp hệ sinh thái đồng ruộng dần được phục hồi. Sau khi áp dụng quy trình canh tác tự nhiên, theo ghi nhận của người dân, bà con không còn ngứa chân tay khi lội ruộng. Thứ tư là giá trị nông sản được nâng cao, tạo điều kiện cho bà con nông dân tăng thu nhập. Nhận thấy những đặc tính ưu việt ấy, hàng trăm hộ dân trên địa bàn đã tham gia dự án, bắt tay vào sản xuất các giống cây, con gồm: lúa, rau, lợn, gà.

 

Đến nay, sản phẩm nông sản sạch do người nông dân trong vùng Dự án chuỗi giá trị địa phương ở huyện Triệu Phong làm ra đã có mặt tại nhiều tỉnh, thành trong cả nước. Cửa hàng nông sản sạch Triệu Phong nằm trên đường Hàm Nghi, thành phố Đông Hà trở thành điểm đến tin cậy. Tri ân khách hàng và người thân, với ý tưởng cho bà con tận mắt thấy quy trình canh tác tự nhiên, vừa qua các cán bộ Dự án Chuỗi giá trị địa phương đã quyết định tổ chức tour du lịch về vùng sản xuất nông sản sạch. Chị Trần Thị Thúy, nhân viên Dự án Chuỗi giá trị địa phương, cho biết: “Gắn bó với mảnh đất Quảng Trị, chúng tôi biết mảnh đất này nổi tiếng với du lịch hoài niệm. Những năm gần đây, loại hình du lịch sinh thái bắt đầu được ưa chuộng. Qua thực tế công việc, chúng tôi nói với nhau, tại sao không tổ chức một tour du lịch cho khách hàng và người thân về với ruộng đồng? Đó chính là điều thôi thúc anh em tổ chức những chuyến tham quan về vùng sản xuất nông sản sạch Triệu Phong. Điều khiến chúng tôi bất ngờ nhất là chuyến đi đã nhận được sự đồng thuận, hưởng ứng cao từ người dân trên địa bàn”.

 

Để chuẩn bị một chuyến du lịch về với ruộng đồng cho 100 người tham gia, cán bộ, nhân viên Dự án chuỗi giá trị địa phương phải trăn trở, suy nghĩ và nỗ lực rất nhiều. Tất cả các khâu như: chuẩn bị phương tiện, bố trí các nhóm tham quan về từng xã, sửa soạn hội trường, phục vụ cơm trưa… đều được chuẩn bị hết sức chu đáo. Trong tour du lịch đặc biệt này, những người nông dân quanh năm chân lấm, tay bùn trở thành “hướng dẫn viên”. Bà Phan Thị Kim Chi (68 tuổi), trú tại xã Triệu Thượng, huyện Triệu Phong cho biết: “Ngày đón đoàn du khách đầu tiên ghé nhà thăm mô hình chăn nuôi gà sạch của gia đình, tôi lo lắng lắm, cả đêm trằn trọc mãi. Đến khi tiếp xúc, thấy mọi người vui vẻ, gần gũi nên tôi mới lấy lại sự tự tin”. Khác với bà Chi, ông Nguyễn Minh Sỹ, trú tại thôn Đồng Bào, xã Triệu Sơn, huyện Triệu Phong sớm bước qua sự ngại ngần. “Tôi xác định không nói văn hoa gì. Mình làm như thế nào, hiệu quả ra sao, tôi cứ chia sẻ thật”, ông Sỹ vui vẻ nói.

 

Với sự chuẩn bị chu đáo của Dự án Chuỗi giá trị địa phương và sự ủng hộ của mọi người, chuyến tham quan thử nghiệm diễn ra cuối tháng 8 đã thành công ngoài mong đợi. Đó cũng chính là động lực để cán bộ, nhân viên dự án tổ chức chuyến đi thứ 2 vào đầu tháng 9 vừa qua. Cũng như lần trước, đúng 7 giờ 30 phút sáng, 100 khách tham quan, trong đó có khoảng 50 em nhỏ tập trung tại Nhà văn hóa Trung tâm tỉnh, lên những chiếc xe mà Dự án Chuỗi giá trị địa phương chuẩn bị sẵn. Sau khi phân thành 3 nhóm, điểm danh, mọi người lên đường. Mỗi nhóm được về một vùng sản xuất nông sản sạch khác nhau như: Triệu Thượng, Triệu Trung, Triệu Sơn, Triệu Tài… để tìm hiểu để sau đó có sự đối chiếu, so sánh. Tham gia chuyến trải nghiệm, nhiều du khách chia sẻ, họ đã đi từ bất ngờ này sang bất ngờ khác. Một số người còn học được cách sản xuất nông sản sạch để về áp dụng cho gia đình. Ông Nguyễn Mỹ (66 tuổi), trú tại khu phố 7, phường 3, thành phố Đông Hà cho biết: “Tôi lớn lên chốn đồng quê gốc rạ, cũng từng làm nông. Vậy mà, tôi vẫn bất ngờ khi thấy bà con ở đây trồng trọt, chăn nuôi. Việc sử dụng phương pháp canh tác tự nhiên mang lại rất nhiều hiệu quả. Tôi nghĩ cần nhân rộng mô hình này ở các địa phương khác”.

 

Chuyến trải nghiệm về vùng sản xuất nông sản sạch Triệu Phong do Dự án Chuỗi giá trị địa phương khép lại với món quà nhỏ mà những người nông dân chân chất tặng du khách. Các thành viên tham gia tour du lịch 0 đồng đều bày tỏ niềm hi vọng những chuyến trải nghiệm ý nghĩa như thế này sẽ được tiếp nối. Và đó cũng chính là mong muốn của những người thai nghén ý tưởng và tổ chức tour du lịch về miền sản xuất nông sản sạch Triệu Phong.

Nguồn tin: Báo Quảng Trị

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây