Nông thôn mới Quảng Trị

https://nongthonmoi.quangtri.gov.vn


Cam Lộ hỗ trợ nông dân sản xuất các sản phẩm nông nghiệp có thế mạnh

Sau khi quán triệt Nghị quyết số 02 của Huyện ủy và các nội dung chủ yếu của Đề án số 01 của UBND huyện Cam Lộ về nâng cao hiệu quả sản xuất các sản phẩm nông nghiệp hàng hóa có thế mạnh của địa phương giai đoạn 2016-2020, Hội Nông dân huyện Cam Lộ tích cực triển khai nhiều hoạt động hỗ trợ nông dân và bước đầu mang lại hiệu quả.
Trồng lá vằng mang lại thu nhập cao cho nông dân Cam Lộ​

Hội Nông dân huyện Cam Lộ đã tham mưu với các cấp ủy đảng, chính quyền địa phương rà soát, đánh giá các vùng đang sản xuất kém hiệu quả, khuyến khích chuyển đổi cơ cấu cây trồng, con nuôi có giá trị hơn gắn với đầu tư cơ sở hạ tầng, cải thiện điều kiện sản xuất thích ứng với biến đổi khí hậu; gắn quy hoạch phát triển sản xuất nông nghiệp trong quy hoạch chung xây dựng nông thôn mới. Đến nay toàn huyện đã chuyển đổi cây trồng có giá trị cao hơn như trồng 77 ha dứa gắn với bao tiêu đầu ra, hỗ trợ giống, phân bón, bạt phủ... tại 16 tổ hợp tác; xây dựng 13 ha lúa hữu cơ Ong biển, cung ứng đầu vào giống phân bón, bao tiêu đầu ra ở Cam An; xây dựng cánh đồng mẫu lớn gắn xây dựng thương hiệu gạo sạch Cam Lộ được sản xuất tại Cam An 13,4 ha, 13,6 ha tại Cam Thanh theo chương trình WB7; chuyển đổi giống mới xây dựng cánh đồng mẫu lớn gắn với cung ứng làng bún Cẩm Thạch 10,5 ha lúa giống TBR-1… để tiến tới xây dựng thương hiệu gà Cùa, bún Cẩm Thạch, gạo an toàn Cam Lộ...

 

Hội Nông dân đã vận động nông dân sản xuất 2.600-2.800 ha diện tích lúa cả năm, trong đó 1.300 ha lúa 2 vụ; sử dụng 100% giống xác nhận và một số giống chất lượng cao; tập trung dồn điền, đổi thửa, cải tạo đồng ruộng, tham gia mô hình liên kết sản xuất lúa hữu cơ, sản xuất theo vùng, giống phục vụ nhu cầu thị trường; thực hiện chế biến gạo sạch ở vùng trọng điểm lúa, thực hiện liên kết cung ứng, tiêu thụ sản phẩm cho nông dân thông qua các HTX. Thực hiện có hiệu quả quy trình trồng xen, ứng dụng các giống mới có năng suất, chất lượng cao, phù hợp vào sản xuất, đưa giống lạc chùm Cam Lộ vào sản xuất ở các vùng bãi bồi ven sông Hiếu và một số vùng khác chưa có hệ thống tưới. Thực hiện kĩ thuật tưới thấm ở vùng có kênh mương, tưới tiết kiệm bằng hệ thống phun sương để phát huy tối đa các yếu tố kĩ thuật thâm canh tăng năng suất, chất lượng và góp phần chủ động nguồn giống đảm bảo cho sản xuất vụ đông xuân năm sau. Thực hiện có hiệu quả mô hình trồng lạc mật độ dày để nâng cao năng suất; đồng thời phát huy hiệu quả ngô vụ thu-đông gắn với chế biến thức ăn chăn nuôi bò trong mùa rét nhằm nâng cao hệ số sử dụng đất và thu nhập…

 

Vận động nông dân duy trì 3.500 ha cao su tiểu điền; thực hiện hướng dẫn kĩ thuật chăm sóc, khai thác hợp lí và xây dựng vành đai chắn gió; khuyến khích các hộ có điều kiện bảo vệ khai thác kết hợp với chăn nuôi gia cầm để phát huy hiệu quả. Tham gia nhân rộng các kết quả, giải pháp kĩ thuật của đề án “Thí điểm mô hình phục hồi và phát triển vườn tiêu” theo hướng an toàn sinh học, phục vụ cho dự án chỉ dẫn địa lí cây hồ tiêu Quảng Trị; phối hợp khảo sát, tham mưu việc quy hoạch vùng nguyên liệu sản xuất tập trung, ổn định cho làng nghề nấu cao dược liệu và thương hiệu cao chè vằng cho các làng nghề trên địa bàn; vận động thực hiện phát triển thêm một số cây cà gai leo, hà thủ ô, nghệ… theo hướng an toàn sinh học. Vận động nông dân tiếp tục thực hiện chương trình thụ tinh nhân tạo để nâng cao chất lượng, số lượng đàn bò lai có năng suất như các giống bò nhóm zebu, tạo ra các giống bò thương phẩm chuyên thịt chất lượng cao. Vận động phát triển các vùng chăn nuôi bò nái sinh sản thâm canh; phát triển theo hình thức gia trại, nông hộ nuôi nhốt, bán thâm canh, thâm canh; chăn nuôi bò thịt khép kín nhằm tạo ra sản phẩm hàng hóa lớn, ổn định, kết nối thị trường tiêu thụ. Đầu tư trồng cỏ tập trung, ứng dụng công nghệ tưới tiết kiệm để sản xuất theo hướng thâm canh gắn với phương thức nuôi bò nhốt quy mô lớn.

 

Hội Nông dân huyện đã triển khai vận động hội viên nông dân chuyển đổi 157 ha đất trồng lúa thiếu nước và đất trồng lúa kém hiệu quả gắn với đầu tư hệ thống tiêu, thoát úng. Trong đó chuyển sang cây trồng cạn đáp ứng nhu cầu thị trường tiêu thụ như ngô, cỏ kết hợp với chăn nuôi với diện tích 137 ha ở các xã Cam An, Cam Hiếu, Cam Thành, Cam Chính, Cam Nghĩa, Cam Thanh. Thực hiện chuyển 1.164 ha đất rừng sản xuất có dốc dưới 10% sang quy hoạch vành đai phát triển trang trại, gia trại và cây trồng khác có giá trị cao gắn với đầu tư giao thông, điện, nước tưới tiêu ở Cam An, Cam Thanh, Cam Hiếu, Cam Thuỷ, Cam Chính, Cam Nghĩa và thị trấn Cam Lộ sang trồng rừng sản xuất, cây dược liệu và hướng tới phát triển khu nông nghiệp công nghệ cao. Hỗ trợ hội viên nông dân phát triển các loại hình kinh tế trang trại, gia trại sản xuất hàng hoá theo hình thức công nghiệp, bán công nghiệp các sản phẩm có giá trị kinh tế cao, nhu cầu của thị trường lớn. Phối hợp thực hiện các chính sách khuyến nông, ứng dụng khoa học, cơ sở hạ tầng để tạo sự đồng thuận cao khi dồn điền, đổi thửa, vận động hội viên nông dân thực hiện mỗi hộ chỉ sản xuất một vùng liền thửa; khuyến khích các hộ không có khả năng sản xuất thì cho thuê, tạo điều kiện mở rộng diện tích thích hợp, thuận tiện áp dụng cơ giới, tiến bộ kĩ thuật vào sản xuất gắn với thu nhập của hộ sản xuất với một hoặc hai cây trồng chính để nâng cao hiệu quả sản xuất trên một đơn vị diện tích.

 

Nguồn tin: Báo Quảng Trị

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây