Nông thôn mới Quảng Trị

https://nongthonmoi.quangtri.gov.vn


Chương trình “Hạnh phúc Quảng Trị”- Nguồn lực quan trọng để xây dựng nông thôn mới

Với mong muốn thắt chặt hơn nữa mối quan hệ hữu nghị, hợp tác cùng phát triển, trong khuôn khổ các hoạt động kỷ niệm 20 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Hàn Quốc - Việt Nam (1992 - 2012), ngày 19/5/2012, UBND tỉnh Quảng Trị và Cơ quan Hợp tác Quốc tế Hàn Quốc (KOICA) đã ký thỏa thuận chung hợp tác thực hiện chương trình “Hạnh phúc Quảng Trị” với mục tiêu dài hạn là nhằm hỗ trợ giảm nghèo và nâng cao chất lượng đời sống của người dân địa phương dựa trên mô hình phát triển nông thôn mới (Saemaul Undong) của Hàn Quốc.
Kiên cố hóa giao thông nông thôn là một trong những lĩnh vực ưu tiên thực hiện của chương trình “Hạnh phúc Quảng Trị”
        Tháng 12/2013, biên bản thỏa thuận về việc thực hiện chương trình “Hạnh phúc Quảng Trị” đã được ký kết. Với tổng mức đầu tư 11,6 triệu USD (khoảng 246 tỷ đồng), trong đó Chính phủ Hàn Quốc viện trợ không hoàn lại là 9,6 triệu USD (khoảng 203 tỷ đồng), thời gian thực hiện từ năm 2014 - 2017. Để cụ thể hóa chương trình hợp tác này, sau một thời gian phối hợp khảo sát, nghiên cứu tình hình xây dựng nông thôn mới, UBND tỉnh và KOICA thống nhất triển khai thí điểm chương trình này tại 7 xã: Vĩnh Thành (Vĩnh Linh), Hải Thượng (Hải Lăng), Triệu Trạch (Triệu Phong), Cam Thủy (Cam Lộ), Thuận (Hướng Hóa), Mò Ó (Đakrông), Gio Phong (Gio Linh). 

       Tại những địa phương này chương trình sẽ hỗ trợ phát triển nông thôn mới; nâng cao năng lực địa phương trong đào tạo nghề nông nghiệp và các dịch vụ y tế; tăng cường năng lực ứng phó thiên tai và biến đổi khí hậu; đào tạo nâng cao năng lực quản lý cho cán bộ, chính quyền địa phương. Với nguồn lực đầu tư lớn, sự vào cuộc, giám sát tích cực, hiệu quả của các cấp, các ngành trong tỉnh và KOICA, chương trình “Hạnh phúc Quảng Trị” chuẩn bị được triển khai thực hiện tới đây sẽ giải quyết những vấn đề cơ bản trong xây dựng nông thôn mới ở các địa phương. 

        Là một trong những xã được chọn làm thí điểm xây dựng nông thôn mới của tỉnh, qua 4 năm thực hiện, xã Thuận, huyện Hướng Hóa đã đạt 11 tiêu chí và 5 tiêu chí gần đạt, tỷ lệ hộ nghèo đến cuối năm 2013 còn 14,2%, dự kiến đến hết năm 2014 giảm xuống 12%. Qua con số thống kê này có thể thấy đây là nỗ lực, cố gắng lớn của chính quyền và nhân dân địa phương trong thực hiện xây dựng nông thôn mới.

       Tuy nhiên, qua khảo sát, đánh giá của Ban Chỉ đạo xây dựng nông thôn mới tỉnh, một số tiêu chí của địa phương vẫn chưa thuyết phục và tính bền vững chưa cao như hệ thống giao thông nông thôn, các thiết chế văn hóa văn hóa, giáo dục, năng lực điều hành, quản lý của đội ngũ cán bộ địa phương. Cùng với đó là tính chủ động, tư duy, năng lực sản xuất của người dân chưa đồng đều, nguy cơ tái nghèo đối với nhiều hộ vẫn còn cao; tư tưởng trông chờ, ỷ lại vẫn còn ở một bộ phận người dân. 

        Đây chính là những lĩnh vực mà chương trình “Hạnh phúc Quảng Trị” đặt ra mục tiêu hỗ trợ, triển khai thực hiện trên địa bàn. Theo đó, chương trình sẽ thúc đẩy cải thiện cơ sở hạ tầng nông thôn, tập trung cho việc cải tạo, nâng cấp các tuyến đường giao thông, nhà văn hóa, trường học; xây dựng và nâng cấp hệ thống truyền thông, truyền thanh FM, điện phục vụ sinh hoạt, sản xuất. Hỗ trợ và thúc đẩy phát triển sản xuất và thu nhập qua việc chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật, quy trình sản xuất tiên tiến, giống cây con; xây dựng, nâng cấp trạm y tế xã đạt chuẩn quốc gia, nâng cao năng lực chuyên môn cho cán bộ y tế xã. Chương trình cũng sẽ dành riêng một hợp phần để nâng cao dân trí, đào tạo nhân lực, từng bước hình thành đội ngũ lao động nông nghiệp có tri thức và có tay nghề, có năng lực sáng tạo và kết nối cộng đồng trong phát triển kinh tế hộ gia đình cũng như tham gia xây dựng nông thôn mới. 

        Để triển khai có kết quả những mục tiêu của chương trình “Hạnh phúc Quảng Trị”, qua kiểm tra, đánh giá tình hình, Ban Chỉ đạo xây dựng nông thôn mới tỉnh đã yêu cầu UBND xã Thuận khẩn trương rà soát, đánh giá lại thực trạng tình hình một cách sâu sát, có đề xuất cụ thể từng nội dung cần tập trung đầu tư để phối hợp thực hiện tốt khi chương trình này được triển khai trên địa bàn. 

         Ông Hồ Ta Cô, Chủ tịch UBND xã Thuận cho rằng, nguồn lực đầu tư của chương trình “Hạnh phúc Quảng Trị” đối với địa phương là rất lớn và là động lực quan trọng thúc đẩy hoàn thành các mục tiêu xây dựng nông thôn mới nhưng đồng thời cũng đặt ra nhiều thách thức đối với năng lực lãnh đạo, điều hành, quản lý thực hiện của cấp ủy, chính quyền xã. Vì vậy, sự tích cực, năng động, sâu sát với thực tiễn của đội ngũ cán bộ địa phương là yêu cầu cấp thiết, yếu tố quan trọng để hoàn thành các mục tiêu đề ra của chương trình. 

          Đây cũng là quan điểm của bà Hồ Thị Thanh, Bí thư Đảng ủy xã Mò Ó, huyện Đakrông. “Có nguồn lực đầu tư nhưng việc đánh giá thực trạng, lập kế hoạch và triển khai thực hiện kém hiệu quả, chưa tạo sự đồng thuận, thống nhất cao trong cán bộ, nhân dân, chưa khắc phục được tư tưởng trông chờ, ỷ lại thì rất khó đạt được các mục tiêu, yêu cầu đề ra”, bà Hồ Thị Thanh cho biết thêm. 

          Với tỷ lệ hộ nghèo còn 21,3%, hộ cận nghèo còn trên 11%, cơ sở hạ tầng phục vụ sản xuất, dân sinh còn hạn chế, xã Mò Ó là xã khó khăn nhất trong số 7 xã được chọn làm thí điểm triển khai chương trình “Hạnh phúc Quảng Trị”. Để tiếp nhận và thực hiện tốt các mục tiêu của chương trình, cấp ủy, chính quyền xã Mò Ó đang tích chuẩn bị các điều kiện liên quan cũng như tăng cường công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức về vai trò của cộng đồng cũng như những lợi ích mang lại cho người dân trong thực hiện các mục tiêu xây dựng nông thôn mới. 

         Hàn Quốc là quốc gia có nhiều kinh nghiệm trong xây dựng nông thôn mới và được các chuyên gia trong và ngoài nước đánh giá là mô hình thành công nhất trên thế giới. Ở Quảng Trị, mô hình thí điểm làng kiểu mẫu Samuel Undong tại thôn Hiền Lương, xã Vĩnh Thành, huyện Vĩnh Linh do KOICA hỗ trợ thực hiện trước đây đã chứng minh được tính hiệu quả bền vững. Trong điều kiện nguồn lực đầu tư cho chương trình xây dựng nông thôn mới của các cấp, các ngành cũng như nguồn lực xã hội hóa chưa đáp ứng với yêu cầu thì việc KOICA tiếp tục ưu tiên dành nguồn kinh phí 9,6 triệu USD để triển khai các mục tiêu là hết sức có ý nghĩa. Đây là nguồn lực đầu tư to lớn, hiệu quả để các địa phương không chỉ hoàn thành các mục tiêu xây dựng nông thôn mới mà còn có điều kiện cơ bản để phát triển bền vững kinh tế - xã hội, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân.

Nguồn tin: Báo Quảng Trị

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây