Nông thôn mới Quảng Trị

https://nongthonmoi.quangtri.gov.vn


Khó khăn trong xây dựng nông thôn mới ở xã miền núi Vĩnh Khê

Cho đến thời điểm này, huyện Vĩnh Linh là đơn vị dẫn đầu của tỉnh trong thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới với 3 xã đã về đích trong năm 2014. Bằng nhiều giải pháp tích cực, hiệu quả đồng thời phát huy tiềm lực của địa phương, sự vào cuộc của người dân cũng như các ban, ngành đoàn thể, nông thôn mới ở Vĩnh Linh đã thực sự góp phần thay đổi diện mạo của địa phương. Tuy nhiên, đối với 3 xã địa bàn vùng núi của huyện đó là Vĩnh Hà, Vĩnh Ô, Vĩnh Khê- đa số là đồng bào dân tộc thiểu số thì quá trình thực hiện chương trình nông thôn mới vẫn còn gặp nhiều khó khăn.
Ngay từ khi triển khai Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới (NTM), huyện Vĩnh Linh đã xác định hướng đi rất rõ ràng, lấy phát triển kinh tế làm khâu đột phá từ đó làm nền tảng cho việc thực hiện các tiêu chí khác. Theo đó, các địa phương đã ưu tiên phát triển ngành nghề, các loại cây trồng, vật nuôi có thế mạnh, phù hợp với điều kiện kinh tế của địa phương như cây hồ tiêu, các loại cây màu cho năng suất cao như: cây ném, môn, lạc….Bên cạnh đó, các địa phương cũng tập trung vào công tác quy hoạch, chú trọng dồn điền đổi thửa. Huy động sức dân để thực hiện công tác giải phóng mặt bằng, đóng góp công xây dựng các công trình giao thông, thủy lợi….

Cho đến thời điểm này, toàn huyện Vĩnh Linh đã có 3 xã về đích trong chương trình mục tiêu xây dựng nông thôn mới, phấn đấu đến cuối năm 2015 sẽ có thêm 3 xã về đích trong chương trình này.

Ông Lê Tiến Dũng, Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Vĩnh Linh chia sẽ: “Phải nói rằng khi triển khai chương trình xây dựng NTM, chúng tôi gặp nhiều thuận lợi, trong Nghị quyết Đảng bộ huyện lần thứ XVII, BCH Đảng bộ huyện đã đưa chương trình xây dựng NTM là một trong 3 công tác trọng tâm toàn khóa, đây là cơ sở để lãnh chỉ đạo thực hiện. Tuy nhiên ở các xã ven biển bãi ngang, vùng núi vẫn gặp những khó khăn, việc nâng cao thu nhập vẫn còn gặp khó khăn, do phong tục tập quán, một phần do tư tưởng ỷ lại của một bộ phận dân cư, vấn đề cơ sở hạ tầng còn khó khăn, năng lực lãnh đạo điều hành của đội ngũ cán bộ vẫn còn hạn chế”.

Đối với địa bàn huyện Vĩnh Linh có 3 xã thuộc địa bàn vùng khó đó là Vĩnh Hà, Vĩnh Ô, Vĩnh Khê. Bắt tay xây dựng nông thôn mới, Vĩnh Khê chỉ đạt 1 tiêu chí, sau 4 năm thực hiện cho đến nay, xã đã đạt 5 tiêu chí về quy hoạch, điện, bưu điện, y tế, hệ thống tổ chức chính trị xã hội vững mạnh và tiêu chí trật tự an toàn xã hội. Những năm qua, trên cơ sở các nguồn vốn hỗ trợ như vốn từ Chương trình 135, vốn hỗ trợ nhà ở cho hộ nghèo, vốn đầu tư hàng năm đã xây dựng các công trình phục vụ đời sống sinh hoạt của người dân. Các cấp hội, đoàn thể cũng đã vào cuộc như Hội Phụ nữ, Đoàn thanh niên, Hội Cựu chiến binh  bằng nhiều việc làm cụ thể. Hội Phụ nữ xã đã huy động nguồn vốn vay cho chị em hội viên phát triển kinh tế chủ yếu bằng mô hình chăn nuôi, trồng trọt, đặc biệt là mô hình trồng sắn đã phát huy hiệu quả trong những năm trở lại đây, góp phần nâng cao thu nhập ổn định cho bà con địa phương.

Bà Hồ Thị Rai, Chủ tịch Phụ nữ  xã Vĩnh Khê cho chúng tôi biết thêm: “ Hưởng ứng Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, Hội Phụ nữ đã triển khai thực hiện thông qua các mô hình hiệu quả về bảo vệ môi trường, phát triển kinh tế giảm nghèo bền vững đặc biệt là tạo điều kiện để hội viên phụ nữ vay vốn để chăn nuôi, trồng trọt, hội viên vay vốn để trồng cây sắn đã phát huy hiệu quả. Toàn xã có 195 hội viên, trong đó có gần 50% hội viên đã thoát nghèo”.

Khó khăn đối với địa bàn vùng núi như Vĩnh Khê còn nhiều, do nhận thức của bà con về chương trình mục tiêu còn hạn chế, khó khăn về tập quán sinh sống, địa bàn đồi núi, đường sá đi lại vẫn là bài toán của địa phương. Bên cạnh đó, xuất phát điểm quá thấp so với mặt bằng chung của toàn huyện cũng là một trong những lý do mà Vĩnh Khê khó thực hiện các tiêu chí còn lại.

Trước thực tế đó, lãnh đạo huyện Vĩnh Linh đã xây dựng đề án Phát triển kinh tế - xã hội, giảm nghèo bền vững cho các bản có tỷ lệ hộ nghèo cao ở xã Vĩnh Hà, Vĩnh Khê và Vĩnh Ô giai đoạn 2011- 2015. Cho đến thời điểm này, thu nhập bình quân đầu người của địa bàn Vĩnh Khê đạt trên 14 triệu đồng/ người tháng. Đó cũng chính là kết quả của sự nỗ lực cố gắng của người dân địa phương.

Ông Hồ A ở Thôn Khe Lương, xã Vĩnh Khê đầu tư trồng hơn 1ha cao su cho khai thác hơn 3 năm nay, tuy giá cả thấp hơn những năm trước song cũng cho thu nhập ổn định bên cạnh trồng cây sắn. Ông Hồ A, Thôn Khe Lương, Vĩnh Khê, Vĩnh Linh tâm sự: “ Khi được lãnh đạo xã tuyên truyền về chương trình nông thôn mới, là một người dân chúng tôi hưởng ứng bằng những việc làm cụ thể, đặc biệt là tập trung phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập cho gia đình”.

Phát huy thế mạnh của địa phương vùng núi, những năm trở lại đây, mô hình phát triển kinh tế đa dạng hơn qua việc đầu tư tăng diện tích trồng rừng, chăn nuôi trồng trọt, người dân cũng đã biết làm ăn kinh tế để tăng thu nhập cho gia đình. Xác định người dân đóng vai trò quan trọng trong xây dựng nông thôn mới, do đó công tác tuyên truyền để cho đồng bào dân tộc nơi đây hiểu được chủ trương của Đảng và Nhà nước cũng chính là vấn đề quan trọng. Từ đó người dân ở vùng núi có ý thức hơn trong việc tham gia phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo, tham gia các phong trào văn hóa, tạo điều kiện để con cái học hành là những tiêu chí cần sự nỗ lực của chính mỗi một người dân.

Ông Hồ Văn Phúc, Phó Chủ tịch UBND xã Vĩnh Khê, huyện Vĩnh Linh cho biết: “Từ khi có Chương trình nông thôn mới, xã Vĩnh Khê đã xây dựng đề án thông qua Đảng ủy, Hội đồng nhân dân, khó khăn nhất là về thu nhập chưa đạt, đường bê tông hóa giao thông nông thôn,tiêu chí về nhà ở, giao thông nông thôn cũng chưa đạt, khó khăn về vốn để đầu tư cơ sở hạ tầng. Thời gian tới, trong Đại hội nhiệm kỳ 2015-2020 Đảng bộ xã Vĩnh Khê đã đưa các tiêu chí còn lại vào nội dung NQ để tiếp tục phấn đấu thực hiện trong đó tập trung các nguồn lực từ các dự án như: 135, phi chính phủ, huy động nguồn lực trong dân giống như xã hội hóa, kêu gọi các nguồn đầu tư để phát triển cơ sở hạ tầng. Bên cạnh đó, chúng tôi tăng cường công tác tuyên truyền trong dân để hiểu rỏ mục đích, ý nghĩa của chương trình NTM, làm sao để bộ mặt thôn bản thay đổi theo cái chung của toàn huyện. Xác định trong nhiệm kỳ 2015-2020 tập trung tuyên truyền trong dân chủ trương này”.

Triển khai thực hiện đề án của huyện với nhiệm vụ quạn trọng đó chính là tập trung chủ yếu vào việc làm chuyển biến căn bản về nhận thức của người dân và đội ngũ cán bộ trong việc sản xuất nông - lâm nghiệp bền vững, nhằm khai thác có hiệu quả tiềm năng lợi thế của địa phương. Thông qua việc hỗ trợ nguồn lực, chuyển giao tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất, các địa phương xây dựng mô hình trình diễn giúp nhân dân trong vùng học tập và làm theo. Xây dựng cơ chế chính sách hỗ trợ nhằm thu hút kêu gọi các nguồn đầu tư để thực hiện mục tiêu đã đề ra. Khắc phục những khó khăn của địa phương, từng bước thực hiện các tiêu chí có thể thực hiện như giáo dục, thu nhập, việc làm để góp phần cải thiện đời sống của người dân địa bàn vùng núi. Phấn đấu cuối năm 2015,Vĩnh Khê sẽ đạt 6-7 tiêu chí.

Ông Lê Tiến Dũng, Trưởng phòng NT&PTNT huyện Vĩnh Linh cho biết:  “Chúng tôi sẽ tập trung các giải pháp sau đây: ngoài việc triển khai thực hiện đề án phát triển KT-XH giảm nghèo bền vững cho 11 bản đồng bào dân tộc, triển khai lồng ghép các chương trình dự án, tạo nguồn lực cho địa phương hoàn thành các tiêu chí, coi trọng sự phát triển kinh tế thông quan các dự án nhỏ về chăn nuôi, trồng trọt, quan tâm đến công tác đào tạo cán bộ, xây dựng hệ thống chính quyền, đây cũng chính là một giải pháp quan trọng trong thời gian tới”.

Nguồn tin: www.quangtritv.vn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây