Nông thôn mới Quảng Trị

https://nongthonmoi.quangtri.gov.vn


Xây dựng nông thôn mới ở Vĩnh Kim

Với một hướng đi riêng, nhiều cách làm hay trong quá trình thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới (NTM), đến thời điểm này, Vĩnh Kim (Vĩnh Linh, Quảng Trị) trở thành 1 trong 3 xã đầu tiên của tỉnh đăng ký hoàn thành xây dựng NTM vào cuối năm 2014.
Phát triển diện tích cây hồ tiêu ở xã Vĩnh Kim
Lấy phát triển kinh tế làm khâu đột phá 

Là một xã sản xuất nông nghiệp là chủ yếu, để thực hiện xây dựng NTM, xã Vĩnh Kim đã lấy phát triển kinh tế làm khâu đột phá, từ đó làm nền tảng cho thực hiện các tiêu chí khác. Trong đó, ưu tiên phát triển nông nghiệp, thực hiện đổi thửa dồn điền, từng bước xoá bỏ tình trạng canh tác manh mún, tạo ra diện tích có quy mô lớn để thuận lợi cho việc chuyển dịch cơ cấu cây trồng, đầu tư áp dụng tiến bộ KHKT vào canh tác. 

Theo đó, đối với những hộ có diện tích đất nông nghiệp trên 0,5 ha chuyển sang trồng cao su tiểu điền, hồ tiêu và trồng xen canh các loại cây ngắn ngày có giá trị kinh tế cao như ném, môn, lạc... Thường xuyên tận dụng tối đa khả năng canh tác của đất đai để xen canh, gối vụ các loại cây trồng khác nhau, đưa hệ số sử dụng đất lên 2,5 lần và đã có trên 60% diện tích đạt cánh đồng trên 50 triệu đồng/ha trở lên. 
Trong chăn nuôi, do điều kiện đồng cỏ bị thu hẹp, chăn nuôi gia súc gia cầm theo lối chăn thả rông kém hiệu quả, thực hiện phương châm “nâng cao chất lượng, giảm số lượng”, địa phương đã chủ động khuyến khích người dân khai thác đất đai trồng cỏ để nuôi bò nhốt và cải tạo đàn bò theo hướng lai sind hoá. Thực hiện chăn nuôi tập trung tại khu vực quy hoạch để giảm ô nhiễm môi trường và phát triển theo hướng bền vững. 

Đến nay, toàn xã đã có 900-1.020 bò nhốt chuồng, bình quân mỗi hộ nuôi từ 1-2 con. Đây là một mô hình đem lại hiệu quả kinh tế khá cao, tận dụng tốt các phế phụ phẩm nông nghiệp, giảm chi phí sản xuất. Đối với hoạt động dịch vụ, là một xã thuần nông nên việc đầu tư phát triển, mở mang ngành nghề dịch vụ được địa phương quan tâm và tạo điều kiện. 

Nhờ vậy, các ngành nghề, dịch vụ được nhân dân đầu tư phát triển về chất lượng và số lượng. Nhiều hộ đã đầu tư cho con em đi học nghề, học thợ, đầu tư mua sắm các phương tiện vận chuyển, máy móc phục vụ sản xuất nông nghiệp, vận chuyển hàng hoá. Nhiều ngành nghề, dịch vụ mới được khai thác và nâng cao sức cạnh tranh như: cung ứng ga, gò hàn, điện dân dụng, dịch vụ đám cưới..., từ đó góp phần giải quyết việc làm tại chỗ cho lao động nông thôn. 

Những kết quả đạt được 

Nhờ chọn được hướng đi phù hợp nên kinh tế xã Vĩnh Kim đã có bước phát triển mạnh, giá trị thu nhập trong sản xuất nông nghiệp tăng cao qua các năm, đây chính là cơ sở quan trọng để địa phương hoàn thành các tiêu chí khác. Tính đến cuối năm 2013, tỷ lệ hộ nghèo toàn xã chiếm 6,09%, giảm 3,67% so với năm 2011. Thu nhập bình quân đầu người đạt 26,2 triệu đồng/người/năm, tăng 1,1 % so với mặt bằng chung của huyện. Bộ mặt nông thôn khang trang, sạch đẹp, đời sống nhân dân được nâng lên rõ rệt. 

Hiện tại, 100% đường xã, liên xã, đường liên thôn được nhựa hoá, bê tông hoá. Toàn xã có 730/769 ngôi nhà xây dựng đạt chuẩn, chiếm tỷ lệ 92,3%, không có nhà tạm bợ, dột nát, số hộ xây dựng cổng, tường rào chiếm tỷ lệ 16,8%. Kinh tế ổn định, người dân nâng cao ý thức trong việc chung tay xây dựng NTM. Với phương châm “lấy dân để vận động dân”, nhân dân trên địa bàn xã đã chung tay đóng góp tiền của, ngày công, hiến đất để mở mang hệ thống giao thông, chỉnh trang nông thôn, góp phần thực hiện tốt các tiêu chí về giao thông, thuỷ lợi, quy hoạch... 

Theo thống kê của địa phương, từ năm 2011-2013, nhân dân đã tự nguyện hiến trên 92.000 m2 đất, 415 cây cao su từ 5-10 năm tuổi và hàng ngàn mét vuông đất sản xuất để mở rộng các trục đường liên thôn, liên xã; 48/54 km đường ra khu sản xuất với 11.000 ngày công lao động. Thực hiện đối ứng làm đường bê tông với tỷ lệ nhà nước 60%- nhân dân 40%, giá trị thành tiền đạt trên 2,1 tỷ đồng. Tiến hành nạo vét kênh mương với chiều dài 26 km, gia cố, bảo trì 21 đập thuỷ lợi lớn, nhỏ đảm bảo nguồn nước tưới phục vụ sản xuất cho 56 ha lúa bằng 100% nguồn vốn đóng góp của nhân dân. Tính chung trong 3 năm triển khai xây dựng NTM, xã Vĩnh Kim đã phối hợp, lồng ghép và huy động nguồn lực địa phương tổng kinh phí đạt trên 83 tỷ đồng, trong đó nguồn vốn nhân dân đóng góp đạt trên 19,8 tỷ đồng. 

Và những cách làm hay 

Xác định rõ xây dựng NTM là một chương trình mục tiêu quốc gia, cần có thời gian lâu dài để hoàn thành nên trong quá trình thực hiện xã Vĩnh Kim đã chọn riêng một hướng đi phù hợp. Trên cơ sở Bộ tiêu chí quốc gia về xây dựng NTM, địa phương đã xây dựng Bộ tiêu chí “Thi đua xây dựng NTM” cho các thôn trên cơ sở ưu tiên tiêu chí dễ thực hiện trước với phương châm “Huy động sức dân, dân trực tiếp làm, dân hưởng thụ”. 

Đồng thời, muốn thực hiện thành công chương trình xây dựng NTM cần có sự tham gia tích cực của các đoàn thể trong hệ thống chính trị gắn với các phong trào thi đua yêu nước như cuộc vận động xây dựng mô hình “Làng văn hoá, gia đình văn hoá”; phong trào xây dựng làng xanh, sạch, đẹp, an toàn... Vào ngày 28 hàng tháng, xã chọn làm ngày phát động toàn dân thực hiện chỉnh trang nông thôn, cắt tỉa tường rào. 

Đến ngày cuối tháng, Ban thi đua khen thưởng của xã duy trì công tác kiểm tra chấm điểm thi đua “Vĩnh Kim chung sức xây dựng NTM”. 100% gia đình trên địa bàn đều treo ảnh Bác Hồ ở nơi trang trọng nhất. Để nhân dân hiểu rõ, đúng về chương trình xây dựng NTM, bên cạnh việc phối hợp tuyên truyền thường xuyên trong các hoạt động của các ngành, đoàn thể, địa phương đã chọn ngày 18/11 làm ngày tuyên truyền về NTM, thu hút đông đảo nhân dân tham gia hưởng ứng. 

Với những nỗ lực trong triển khai xây dựng NTM, đến thời điểm này xã Vĩnh Kim đã hoàn thành 18/19 tiêu chí, tăng 11 tiêu chí so với năm 2011. Tiêu chí khó đạt nhất đến thời điểm này ở Vĩnh Kim là hộ nghèo. Để hoàn thành chương trình xây dựng NTM trong năm 2014, địa phương phải có biện pháp để giảm tỷ lệ hộ nghèo xuống còn 5% theo quy định. 

Đồng chí Nguyễn Tấn Thuỷ, Phó Chủ tịch UBND xã Vĩnh Kim cho biết: “Địa phương đang triển khai nhiều biện pháp cụ thể, trong đó ưu tiên giao cho các hội, đoàn thể phụ trách các hộ nghèo, từ đó có biện pháp hỗ trợ giúp hộ nghèo phát triển kinh tế, nâng cao chất lượng cuộc sống. Đồng thời phối hợp với Ngân hàng CSXH tỉnh tạo thêm điều kiện cho hộ nghèo vay vốn phát triển kinh tế, vươn lên thoát nghèo. Phấn đấu đến cuối năm 2014, tỷ lệ hộ nghèo toàn xã giảm xuống còn 5% để địa phương hoàn tất chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM”. 

Nguồn tin: Báo Quảng Trị

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây