Nông thôn mới Quảng Trị

https://nongthonmoi.quangtri.gov.vn


Vai trò hợp tác xã kiểu mới trong tái cơ cấu ngành nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh Quảng Trị

Cùng với sự phát triển không ngừng của lực lượng sản xuất ở nông thôn, nhất là khi thực hiện Nghị quyết 10 của Bộ Chính Trị (khóa VI); việc giao đất nông nghiệp cho hộ gia đình, cá nhân sử dụng ổn định lâu dài vào mục đích sản xuất nông nghiệp theo Nghị định 64/NĐ- CP ngày 27- 9 -1993 của Chính phủ, hộ nông dân trở thành hộ kinh tế tự chủ, sức lao động trong nông nghiệp được giải phóng, khoa học - kỹ thuật được áp dụng có hiệu quả, tiềm năng đất đai được phát huy, vì vậy, sự phụ thuộc của xã viên vào HTX cũng ít dần.

Các chính sách: Về đất đai; tài chính, tín dụng; ứng dụng khoa học, công nghệ được triển khai trong nhiều năm qua đã làm cho người nông dân thực sự an tâm về quyền sử dụng đất đai lâu dài, tạo điều kiện thuận lợi cho hộ sản xuất mạnh dạn đầu tư phát triển sản xuất, kinh doanh, làm giàu cho mình, làm giàu cho xã hội. Và để phù hợp trong xu thế phát triển kinh tế hộ cá thể, kinh tế HTX được chuyển đổi mô hình hoạt động theo luật và được giao nhiệm vụ làm bà đỡ cho kinh tế hộ. Song do sự chậm đổi mới của HTX, việc duy trì sở hữu tập thể, thu trên đầu sào, cộng với tình trạng nợ đọng dây dưa kéo dài, kinh doanh dịch vụ hiệu quả thấp, chưa chú trọng giải quyết đầu ra cho sản phẩm... lợi ích mang lại quá ít cho thành viên nên tuy vẫn tham gia nhưng thành viên không mấy mặn mà đối với tổ chức của mình.
 Với tinh thần đó, Nghị quyết 13- NQ/TW của BCH Trung ương Đảng (Khoá IX) xác định kinh tế tập thể - với vị trí là thành phần kinh tế quan trọng ở nông thôn, mà nồng cốt là hợp tác xã nông nghiệp (HTXNN) đã có những bước phát triển đáng kể. Tuy nhiên, hoạt động của các HTXNN vẫn thực hiện theo lối hành chính bao cấp, chưa thoát khỏi cơ chế quản lý cũ. Vì vậy, Luật hợp tác xã năm 2012 ra đời là cơ sở để các HTX chủ động, linh hoạt, sáng tạo với mục đích là quản trị và hoạt động theo hướng đổi mới gắn các dịch vụ với nhu cầu của thành viên và thị trường làm cho HTX ngày càng lớn mạnh, thể hiện vai trò hạt nhân trong vai trò cầu nối giữa người nông dân với doanh nghiệp trong cung ứng dịch vụ, tổ chức sản xuất và tiêu thụ sản phẩm.
Tại Quảng Trị, đến hết năm 2016, trên địa bàn toàn tỉnh có 260 Hợp tác xã trong lĩnh vực nông nghiệp đã tổ chức đăng ký và hoạt động lại theo Luật hợp tác xã năm 2012 (đạt 90%/KH); với 68.800 thành viên, doanh thu bình quân 992 triệu đồng/HTX, lợi nhuận bình quân 114 triệu đồng/HTX. Tổng tài sản các hợp tác xã: 470.530 triệu đồng (tăng 42.656 triệu đồng so với trước khi đăng ký lại hoạt động). Trong đó: Tài sản lưu động 151.528 triệu đồng (giảm 4.167 triệu đồng so với trước khi đăng ký lại hoạt động), tài sản cố định 319.429 triệu đồng (tăng 28.688 triệu đồng so với trước khi đăng ký lại hoạt động). Tổng số vốn điều lệ: 81.774 triệu đồng (tăng 11.729 triệu đồng so với trước khi đăng ký lại hoạt động).Về tổ hợp tác toàn tỉnh có 1.700 tổ hợp tác nông nghiệp, trong đó có 200 tổ có đăng ký chứng thực tại địa phương theo Nghị định 151/2007/NĐ- CP.
Bên cạnh các chủ trương của Trung ương, Tỉnh ủy đã có Chương trình hành động số 71 (năm 2013) về tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể; Nghị quyết số 18 (năm 2010) của HĐND tỉnh về phát triển kinh tế tập thể. Nhờ triển khai tích cực các chính sách hỗ trợ nên mặc dù đang ở quy mô nhỏ (HTX cấp xã, thôn với tỷ lệ 88%) song có thể khẳng định rằng, HTX nông nghiệp trên địa bàn tỉnh đã từng bước thoát khỏi cơ chế quản lý cũ, vượt qua khó khăn, từng bước hình thành mô hình HTX kiểu mới; thể hiện được vai trò, vị trí của mình trong phát triển sản xuất nông nghiệp, kinh tế nông thôn.
Quá trình phát triển HTX trên địa bàn trong thời gian qua cho thấy: Hầu hết các HTX đã bảo toàn được nguồn vốn và từng bước sản xuất, kinh doanh có hiệu quả; Nhiều nội dung công việc trong quá trình sản xuất mà bản thân mỗi hộ xã viên không tự làm được, cần sự hỗ trợ, về cơ bản đã được hợp tác xã đảm nhận (trên 95% HTX) thực hiện như: Dịch vụ làm đất, thủy nông, điều hành lịch mùa vụ sản xuất, phòng trừ sâu bệnh, cung ứng vật tư nông nghiệp; Hợp tác xã cũng là cầu nối giữa nông dân và các đơn vị chức năng trong chuyển giao tiến bộ kỹ thuật, giống cây trồng, vật nuôi (85% HTX đảm nhận); HTX cũng là lực lượng nồng cốt tham gia đóng góp vào việc xây dựng cơ sở hạ tầng ở nông thôn, xoá đói giảm nghèo và xây dựng nông thôn mới.
 Tuy nhiên, Thực tế ở nhiều cơ sở, chúng ta đang ít quan tâm HTX làm ăn ra sao, họ đang cần cái gì, mà thường giao nhiều nhiệm vụ phục vụ xã hội cho HTX: Một mặt yêu cầu HTX phải giúp nhiều người kể cả người không phải thành viên cũng được hưởng lợi. Mặt khác yêu cầu HTX đóng góp thêm kinh phí cho các hoạt động ở nông thôn.... Đối với người dân mà không phải thành viên cũng đòi hỏi được HTX phục vụ, cần HTX trợ giúp nhưng chính bản thân họ chưa thực hiện tốt phần nghĩa vụ với HTX. Chính quyền cơ sở cũng chưa có biện pháp tích cực hỗ trợ HTX giải quyết khó khăn, thu nợ đọng, thúc đẩy nhân rộng cách làm hiệu quả, sáng tạo...
 Bên cạnh đó, đa số cán bộ quản lý chỉ mới tham gia các khóa ngắn ngày; hiện toàn tỉnh có 8% cán bộ HTX có trình độ Đại học, cao đẳng và có 47,3 % cán bộ trình độ trung cấp, sơ cấp, còn lại chủ yếu bồi dưỡng ngắn hạn. Hiêu quả hoạt động còn thấp, 40,6% HTX được đánh giá là hoạt động loại khá, giỏi, 52,2% hoạt động loại trung bình 7,2% hoạt động yếu, kém; có 3,4% HTX (9/260) hợp tác xã nông nghiệp thực sự thực hiện tốt các nội dung về năng lực quản lý điều hành, cung ứng dịch vụ, hiệu quả tài chính và hài lòng của khách hàng, 42% HTX (109/260) có năng lực hoạt động dưới mức trung bình, 99% HTX (257/260) bỏ qua vai trò của mình trong các khâu thu hoạch và sơ chế sản phẩm, trên 95% HTX (247/260) chưa thực hiện vai trò của hợp tác xã kiểu mới (mới chỉ phục vụ các dịch vụ đầu vào bắt buộc), quan trọng hơn hết chỉ có 1,5% HTX (4 HTX) trên địa bàn toàn tỉnh thực hiện chức năng liên kết tiêu thụ đầu ra tập trung cho thành viên và chỉ có 10% doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh (320/3.200 Doanh nghiệp) đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp. Đây được xem là nút thắt chính cho việc kết nối giữa thành viên với hợp tác xã và giữa hợp tác xã với các doanh nghiệp trong thời gian tới.
Giai đoạn 2016- 2020, trong xây dựng nông thôn mới đặt ra cho tỉnh nhà nhiều khó khăn, nhất là tiêu chí 13 (tổ chức sản xuất). Trong đó, chỉ tiêu 13.2 xã có mô hình liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ nông sản chủ lực dựa trên hợp đồng liên kết ổn định tối thiểu là một (01) chu kỳ sản xuất đối với cây lâm nghiệp, hai (02) chu kỳ thu hoạch đối với các sản phẩm khác và được sản xuất theo quy trình và chất lượng thống nhất giữa các bên tham gia liên kết đây được xem là điểm nghẽn của nhiều địa phương. Với 256/260 HTX ở 09 huyện, thành phố, thị xã mới đáp ứng được chỉ tiêu 13.1 (hoạt động theo luật hợp tác xã năm 2012), mặc khác tại huyện miền núi Đakrông không có hợp tác xã và chỉ huyện Hướng Hóa có 01 HTX nông nghiệp (chiếm tỷ lệ 0,26%).
Quảng Trị cùng với cả nước đang tích cực đẩy mạnh thực hiện việc tái cơ cấu lại ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng, phát triển bền vững gắn với xây dựng nông thôn mới, giai đoạn 2017- 2020 và định hướng đến năm 2025. Chương trình tái cơ cấu lại ngành nông nghiệp là một trong những nhiệm vụ hết sức quan trọng và cấp bách đó là phải tổ chức lại sản xuất, quy hoạch, chỉnh trang đồng ruộng xây dựng hợp đồng liên kết phát triển sản xuất nông nghiệp tập trung quy mô lớn, có sức cạnh tranh, hay như việc kêu gọi đầu tư, ký kết các hợp đồng cung ứng các dịch vụ đầu vào, bao tiêu sản phẩm đầu ra giữa người sản xuất với doanh nghiệp thì bản thân từng hộ nông dân khó có thể làm được, đòi hỏi phải có sự hợp tác liên kết, cần quy về một đầu mối chung. Để giải quyết các nút thắt trên, trước hết chúng ta cần phải xác định hợp tác xã kiểu mới, tổ hợp tác, trang trại là những đối tác chính, quan trọng trong tái cơ cấu ngành nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới bởi các lý do sau:
Thứ nhất, Chúng ta hiện đang hội nhập sâu vào nền kinh tế thị trường, toàn cầu hóa, tự do thương mại. Với sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ thông tin như hiện nay, tất cả các nhà buôn, công ty ở khắp nơi trên thế giới đều biết nơi nào, vùng nào của Việt Nam đang sản xuất gì, cần gì, hàng hóa chất lượng ra sao và đứng ở góc nhìn nào trong tổng cung – cầu hàng hóa. Trong bối cảnh như vậy, nông dân sẽ thiệt thòi vì họ chỉ biết sản xuất, còn bán cho ai thì chưa biết được, cần tiền thì phải bán sản phẩm, biết nhà buôn ép giá cũng chịu. Những vấn đề nói trên, hộ sản xuất cá thể đang rất cần sự hỗ trợ từ tổ chức kinh tế gần nhất, thiết thực nhất mà họ tham gia - đó là HTX - và HTX là đơn vị tổ chức thực thực hiện tốt nhất . Ở đó thành viên thực hiện việc dồn điền đổi thữa; chuyển đổi tập quán canh tác từ quảng canh, tự sản xuất, tự tiêu thụ qua áp dụng triệt để các biện pháp khoa học kỹ thuật hiện đại, sản xuất hàng hóa tập trung gắn với chế biến và tiêu thụ trong mối liên kết hài hòa về lợi ích.
Thứ hai, Về cách làm truyền thống, HTX dịch vụ các khâu cứng cho xã viên trong sản xuất như: Ứng dụng kỹ thuật tiến bộ, thuỷ lợi cho cây trồng, giống mới, thuốc bảo vệ thực vật, vật tư nông nghiệp cùng nhiều khoản đầu tư khác. Những vấn đề này hiện nay các tổ chức xã hội khác, tư nhân vẫn đang làm, những nơi không có HTX nông dân vẫn được đáp ứng. Nên HTX không phải là tổ chức duy nhất thực hiện các khâu hỗ trợ sản xuất mà phải cạnh tranh để có lợi nhuận.
Cái người dân cần nhất hiện nay trong sản xuất là cần được tư vấn để biết mình phải làm gì, làm như thế nào, bán cho ai, giá bao nhiêu. Để làm được điều này, HTX hiện phải đổi mới phương án kinh doanh, dịch vụ từ truyền thống sang làm đầu mối liên kết nhiều nhà, cốt lõi là nhà khoa học, nhà doanh nghiệp nhằm “giúp nhà nông tăng năng suất, chất lượng, giá trị gia tăng của nông sản và tiêu thụ được nông sản hàng hoá làm ra”; HTX cần chuyển hướng hành động mang tính trách nhiệm dịch vụ xã hội sang dịch vụ đa ngành, liên kết đa chiều, xây dựng lòng tin, gắn bó lâu dài với nông dân trên cơ sở lợi ích hài hoà giữa các bên.
Thứ ba, dẫn dắt thành viên tham gia chuỗi giá trị: Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp Quảng Trị đã xác định các sản phẩm chủ lực của Tỉnh và các đặc sản địa phương, là những ngàng hành có lợi thế cạnh tranh … Bối cảnh 95% HTX không xác định được ngành hàng ưu tiên trong kế hoạch sản xuất kinh doanh; năng lực hoạt động của các HTX rất khác nhau và hầu như chính trong nội bộ của HTX, giữa HTX với HTX không liên kết với nhau (mạnh ai người nấy làm). Do đó hợp tác xã, liên hiệp các hợp tác xã được xem là chiếc cầu trong mắt xích xây dựng chuỗi giá trị nông sản.
Thứ tư, quy về 01 (một) đầu mối chung: Hàng năm, người dân  nhận được sự hỗ trợ từ ngân sách Trung ương và địa phương cho các nội dung như: Đào tạo nhân lực; hỗ trợ khoa học kỹ thuật; hỗ trợ chi phí đầu vào sản xuất; xúc tiến thương mại…. Các hỗ trợ này được thực hiện thông qua nhiều ngành, nhiều chương trình và nhiều cấp. Tuy nhiên, khoảng trống hiện nay là thiếu vai trò của 01 (một) tổ chức đầu mối chung - đó chính là HTX, tổ hợp tác hay trang trại, nơi sẽ cung cấp các cơ sở dữ liệu ... cho các đơn vị quản lý; cũng như theo dõi quá trình hỗ trợ và phát triển của thành viên để đảm bảo hiệu quả từ nguồn lực hỗ trợ và đóng góp cho mục tiêu chung về phát triển HTX của toàn tỉnh.
Để làm được một số nội dung trên, cần thực hiện đồng bộ một số nhiệm vụ, giải pháp sau:
1. Hỗ trợ các địa phương xây dựng và triển khai có hiệu quả chuỗi giá trị sản xuất cho các sản phẩm chủ lực có lợi thế cạnh tranh trên địa bàn tỉnh. Trong đó HTX là đơn vị thích hợp để liên kết các hộ sản xuất nhỏ lẽ, yếu thế tạo sức mạnh trong ứng dụng khoa học kỹ thuật, giảm chi phí sản xuất, tạo vùng sản phẩm và quan trọng là kết nối chế biến, tiêu thụ sản phẩm. Trước mắt, đề nghị UBND tỉnh hỗ trợ xây dựng một số chuỗi liên kết có hiệu quả trên địa bàn thực hiện thí điểm, rút kinh nghiệm cho các sản phẩm: Cà phê, hồ tiêu, cây ăn quả dược liệu, lúa chất lượng cao.
2. Trung ương cần sớm sửa đổi, bổ sung Nghị định 193/NĐ- CP của Chính phủ với các cơ chế cụ thể dành riêng cho loại hình HTX nông nghiệp. Trong đó:
- HTX phải làm đầu mối ký kết hợp đồng với các đơn vị cung ứng vật tư và tiêu thụ sản phẩm. Chủ trì đứng ra bàn bạc, ký hợp đồng với xã viên và tổ chức (hoặc cá nhân) thực hiện dịch vụ sản xuất. Thoả thuận với xã viên khoản chi trả chi phí đầu tư ban đầu, chia phần lợi nhuận tăng thêm cùng HTX theo tỷ lệ.
- Xã viên, hộ sản xuất tham gia hợp đồng cam kết phải làm đúng theo hướng dẫn kỹ thuật do cán bộ chỉ đạo. Cùng với HTX, cơ quan khuyến nông tổ chức kết hợp nhiều mô hình sản xuất, ứng dụng khoa học kỹ thuật có hiệu quả trên vùng sản xuất tập trung, cánh đồng lớn.
- Cán bộ kỹ thuật trực tiếp tập huấn và cầm tay chỉ việc trên thửa ruộng hợp tác với HTX đã ký hợp đồng với doanh nghiệp.
Để làm được các vấn đề trên, đề nghị Trung ương có chủ trương bố trí cán bộ có năng lực, chuyên môn phù hợp tăng cường cho HTX chỉ đạo sản xuất. Để khuyến khích cán bộ gắn bó với cơ sở, hiện địa phương đang rất cần cơ chế, chính sách khuyến khích ưu đãi thu hút nguồn nhân lực về an tâm công tác lâu dài cho HTX. Bên cạnh đó, để nâng cao năng lực cho các HTX, Trung ương cần có cơ chế bảo lãnh vay vốn thông qua nguồn quỹ hỗ trợ phát triển, hỗ trợ sau đầu tư để các HTX tiếp cận được các nguồn tín dụng, đầu tư. Đồng thời, ban đầu có thể giúp các HTX xây dựng nguồn quỹ bảo hiểm mất mùa cho nông dân tạo lập được niềm tin của xã viên đối với HTX.
3. Xây dựng cơ sở dữ liệu của HTX nông nghiệp để các cơ quan có thể tiếp cận và hỗ trợ nguồn lực theo đúng nhu cầu, phát huy tính hiệu quả, bền vững theo khung can thiệp của chuỗi giá trị ngành hàng;
4. Thành lập liên hiệp HTX sản xuất và kinh doanh theo chuỗi đối với một số sản phẩm chủ lực của địa phương mà hiện nay có nhiều HTX tham gia điều hành sản xuất như: Hồ tiêu, Cao su, lúa chất lượng cao, cây ăn quả, dược liệu…;
5. Tăng cường các hoạt động xúc tiến thương mại thông qua việc hỗ trợ HTX tham gia Hội thảo kết nối cung cầu, hội chợ quảng bá và giới thiệu sản phẩm; xây dựng website riêng của tỉnh để quảng bá các mặt hàng nông sản và dữ liệu các đơn vị  hợp tác tiềm năng cung ứng và tiêu thụ sản phẩm.
6. Hỗ trợ các mô hình điểm về HTX cho thanh niên hoặc phụ nữ lập nghiệp trên địa bàn huyện Hướng Hóa và Đakrông.
 Có chính sách riêng đủ mạnh khuyến khích để phát triển HTX tại khu vực đồng bào dân tộc thiểu số. Với những nguyên nhân khách quan như thiếu nhân lực điều hành HTX; điều kiện nông nghiệp miền núi khó khăn hơn đồng bằng; người dân chưa hiểu đúng về vai trò của HTX; thì nguyên nhân chủ quan của thực trạng này là thiếu sự hỗ trợ đúng mức và hướng dẫn của các cơ quan nhà nước, đồng thời xây dựng mô hình mẫu HTX nông nghiệp cho người đồng bào dân tộc thiểu số.
 Với 68.800 thành viên của 260 HTX nông nghiệp trên toàn tỉnh (vừa là chủ, vừa là khách, vừa là đối tác chính của liên kết 4 nhà) đã và đang đóng vai trò hết sức to lớn vào việc sản xuất các sản phẩm nông nghiệp và là cầu nối để thực hiện các chính sách hỗ trợ người dân tại vùng nông thôn, đặc biệt là thực hiện tốt chức năng quy hoạch vùng hàng hóa tập trung theo thế mạnh vùng miền, tạo ra hiệu quả kinh tế bền vững cho thành viên thông qua việc cung ứng dịch vụ đầu vào với giá ưu đãi, điều hành và quản lý sản xuất, tuyền truyền và áp dụng các tiến bộ khoa học và kỹ thuật, quảng bá và giới thiệu sản phẩm, tiến tới ký kết các hợp đồng tiêu thụ đầu ra cho thành viên, góp phần quan trọng trong xây dựng nông thôn mới bền vững về kinh tế, xã hội và môi trường; nâng cao chất lượng tăng trưởng, năng suất lao động và sức cạnh tranh của nền nông nghiệp. /.

Tác giả bài viết: Hoàng Minh Trí - Chi cục Phát triển nông thôn Quảng Trị

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây