Nông thôn mới Quảng Trị

https://nongthonmoi.quangtri.gov.vn


Tháo gỡ khó khăn để người dân được tiếp cận nguồn vốn cho vay hỗ trợ lãi suất

Mục tiêu cốt lõi và xuyên suốt của chương trình xây dựng nông thôn mới là nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho người dân. Để đạt được mục tiêu đến năm 2020, thu nhập bình quân đầu người khu vực nông thôn tăng ít nhất gấp 1,8 lần so với năm 2015, bên cạnh những chính sách khuyến khích phát triển nông nghiệp, nông thôn của tỉnh Quảng Trị thì hỗ trợ lãi suất vốn vay theo Quyết định số 21/2015/QĐ-UBND ngày 14/9/2015 của UBND tỉnh được xem là chính sách cần thiết và phù hợp với nhu cầu của người dân.
Phát triển chăn nuôi gia cầm ở Hướng Hóa

Với mức lãi suất ưu đãi, ngân sách nhà nước hỗ trợ 50% số tiền lãi cho khách hàng vay trong suốt thời hạn cho vay đối với khoản cho vay ngắn hạn; đối với khoản vay trung và dài hạn, ngân sách nhà nước hỗ trợ 50% lãi suất đối với 2 năm đầu, từ năm thứ 3 trở đi hỗ trợ 30% lãi suất. Chính sách này được xem là “đòn bẩy” nhằm giải quyết tình trạng thiếu vốn, kích thích các hộ dân, chủ trang trại, hợp tác xã sản xuất, kinh doanh giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập, xóa đói, giảm nghèo, góp phần xây dựng nông thôn mới.

 

Đến hết quý 1/2018, theo báo cáo của các huyện, thị xã đã có trên 210 hộ dân được tiếp cận nguồn vốn hỗ trợ lãi suất theo chính sách này. Hộ vay nhiều nhất là 600 triệu đồng, hộ vay ít nhất là 20 triệu đồng. Các hộ dân rất phấn khởi khi có được nguồn vốn hỗ trợ lãi suất này. Ông Đoàn Quang Bảy chủ trang trại nuôi bò, cá nước ngọt và vịt ở xã Triệu Thuận, huyện Triệu Phong cho biết, ông được vay từ nguồn vốn hỗ trợ lãi suất trong năm 2017 với số tiền 300 triệu đồng. Từ nguồn vốn này, ông đã đầu tư mua thêm bò, mở rộng đầu tư trang trại. Đây thực sự là chính sách có ích giúp người dân có thêm nguồn vốn để đầu tư sản xuất, kinh doanh, nâng cao thu nhập.

 

UBND tỉnh đã phân bổ thực hiện chính sách trong 3 năm là 11.100 triệu đồng, trong đó năm 2016 đã phân bổ cho các huyện, thị xã, thành phố thực hiện chính sách cho vay. Theo số liệu từ chi nhánh Ngân hàng Nhà nước, đến quý I/2018, trên địa bàn tỉnh có 6 đơn vị thực hiện chính sách cho vay hỗ trợ lãi suất theo Quyết định 21/2015/QĐ-UBND gồm có các huyện: Vĩnh Linh, Gio Linh, Triệu Phong, Cam Lộ, Hướng Hóa và thị xã Quảng Trị với doanh số lũy kế cho vay là 31.829 triệu đồng, cho 211 hộ gia đình và 19 trang trại tham gia vay vốn; tổng số tiền ngân sách đã hỗ trợ lãi suất cho người dân là 454 triệu đồng.

 

Với số liệu giải ngân nguồn vốn như trên có thể thấy đang còn nhiều khó khăn, vướng mắc khi thực hiện chính sách ở các địa phương. Ông Nguyễn Đức Hiếu ở thôn Hải Hòa, xã Linh Hải, Gio Linh cho biết, ông có trang trại nuôi lợn với quy mô 400 con lợn thịt, kết hợp với nuôi cá nước ngọt, trồng cây ăn quả, có nhu cầu vay số tiền 500 triệu đồng từ nguồn vốn hỗ trợ lãi suất của UBND tỉnh. Tuy nhiên, quá trình vay gặp nhiều khó khăn về hồ sơ vay vốn. Ông bắt đầu lập dự án sản xuất, kinh doanh và hồ sơ vay vốn từ tháng 6/2016, tuy nhiên cho đến nay vẫn chưa vay được nguồn vốn này. Ông cho biết hồ sơ vay vốn quá nhiều loại, có hồ sơ không thể đáp ứng được như hóa đơn đỏ mua vật tư, hàng hóa. Ông đã hoàn thành tất cả các hồ sơ theo yêu cầu, tuy nhiên vì chi phí phải trả thêm cho hóa đơn đỏ theo tính toán của ông nhiều hơn so với số tiền được hỗ trợ lãi suất nên ông không thể hoàn thành được hồ sơ này. Ông cho biết thêm, với cùng phương án sản xuất kinh doanh, nếu vay vốn không hỗ trợ lãi suất từ ngân hàng thương mại thì thủ tục giải quyết rất nhanh gọn và không cần nhiều hồ sơ cũng có thể vay được.

 

Để thực hiện chính sách này, các địa phương cũng đã tích cực tuyên truyền, triển khai về tận các thôn để người dân được biết. Tuy nhiên, bên cạnh những địa phương thực hiện tốt chính sách thì vẫn còn nhiều địa phương không có hộ nào vay được vốn. Ông Lý Văn Tâm, cán bộ địa chính xã Linh Hải, Gio Linh cho biết, xã đã tích lồng ghép các cuộc họp thôn để giới thiệu cho người dân biết về chính sách này, hỗ trợ người dân lập các phương án sản xuất, các hồ sơ thủ tục. Tuy nhiên hiện nay, trên địa bàn xã không có hộ nào vay được nguồn vốn này, hiện có 3 hộ đã có đề nghị vay vốn nhưng không thể hoàn thành hồ sơ theo yêu cầu của ngân hàng tại địa phương.

 

Chính sách vay vốn hỗ trợ lãi suất được thực hiện trên địa bàn 117 xã và 24 phường, thị trấn trên toàn tỉnh. Đối tượng áp dụng là những hộ gia đình, cá nhân, hợp tác xã nông nghiệp, tổ hợp tác nông nghiệp, chủ trang trại vay vốn đẩy mạnh phát triển sản xuất, kinh doanh, dịch vụ theo đề án xây dựng nông thôn mới tại 117 xã và đề án phát triển sản xuất nông nghiệp tại các phường, thị trấn. Mặc dù có sự chỉ đạo quyết liệt của UBND tỉnh, ngành Nông nghiệp và PTNT, chi nhánh Ngân hàng Nhà nước tỉnh, tuy nhiên đến nay vẫn còn 3 đơn vị chưa thực hiện được chính sách hỗ trợ lãi suất vốn vay gồm có các huyện Hải Lăng, Đakrông và thành phố Đông Hà; có địa phương đến năm 2017 mới triển khai cho vay được như huyện Vĩnh Linh và hiện nay còn rất nhiều hộ gia đình, chủ trang trại trên địa bàn tỉnh có nhu cầu vay vốn nhưng chưa thể vay được.

 

Từ thực tế này cần thấy rằng, chính sách hỗ trợ thì nhiều nhưng người dân có tiếp cận được không đó mới là vấn đề mà các cấp chính quyền cần phải quan tâm. Hy vọng trong thời gian tới, các cấp chính quyền cần có các giải pháp sớm tháo gỡ khó khăn cho các hộ gia đình, chủ trang trại, HTX có nhu cầu tiếp cận nguồn vốn cho vay hỗ trợ lãi suất để thực hiện các phương án sản xuất, kinh doanh, góp phần nâng cao thu nhập, xóa đói giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới.

 

 

Nguồn tin: Báo Quảng Trị

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây