Nông thôn mới Quảng Trị

https://nongthonmoi.quangtri.gov.vn


Hải Lăng tập trung thực hiện các giải pháp để giảm nghèo bền vững

Thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia về giảm nghèo, những năm trở lại đây, cấp ủy, chính quyền và các tổ chức hội, đoàn thể trên địa bàn huyện Hải Lăng đã tập trung các nguồn lực và thực hiện nhiều giải pháp thiết thực, hiệu quả trong việc hỗ trợ người dân giảm nghèo theo hướng bền vững.
Nhiều hộ dân ở xã Hải An đã vươn lên làm giàu từ mô hình nuôi tôm
Trên cơ sở chương trình công tác trọng tâm, kế hoạch, chỉ tiêu nhiệm vụ giảm nghèo hằng năm phù hợp với tình hình thực tế tại địa phương, huyện Hải Lăng đã tập trung thực hiện 7 nhóm giải pháp chủ yếu trong hỗ trợ cho hộ nghèo, hộ cận nghèo. Đặc biệt, địa phương đã áp dụng 7 nhóm giải pháp một cách cụ thể đối với từng nhóm hộ có khả năng thoát nghèo, từ đó thực hiện các chính sách đầu tư, hỗ trợ phù hợp. Tại xã Hải An, công tác giảm nghèo được Đảng ủy, chính quyền xã đặc biệt quan tâm. Ngay từ đầu năm, xã đã giao nhiệm vụ, chỉ tiêu cụ thể cho các đoàn thể nhận đỡ đầu giúp đỡ các hộ nghèo bằng nhiều hình thức như: Vốn vay, chuyển đổi sinh kế, tập huấn chuyển giao KHKT, xây dựng các mô hình vượt nghèo tùy vào điều kiện của từng hộ nghèo. Nhờ vậy, nhiều hộ nghèo sau khi được đỡ đầu đã cải thiện được thu nhập, vươn lên thoát nghèo.
 
Gia đình ông Mai Văn Lư và bà Lê Thị Đoái ở thôn Đông Tân An, xã Hải An là một trong những trường hợp mới thoát nghèo cách đây chưa lâu. Trước đây gia đình ông Lư thuộc diện hộ nghèo do thiếu vốn làm ăn. Nắm bắt được nhu cầu vốn vay của gia đình ông, UBND xã đã bố trí một phần kinh phí từ nguồn vốn giảm nghèo để hỗ trợ 200 con gà giống, thức ăn, tập huấn kỹ thuật cho gia đình ông. Đồng thời tạo điều kiện cho ông tham gia vào Tổ hợp tác trồng ném gồm các hộ nghèo để chuyển đổi sinh kế. Nhờ được hỗ trợ đúng cách, gia đình ông Lư đã có điều kiện vươn lên trong làm ăn. Riêng chăn nuôi gà trong 4 tháng đợt đầu ông đã thu lãi 12,5 triệu đồng, hiện nay đang tiếp tục xoay vòng vốn nuôi đợt 3. Còn việc tham gia Tổ hợp tác trồng ném cũng đã tạo việc làm, tăng thêm thu nhập cho gia đình.
 
Ông Lư chia sẻ: “Trước đây vợ chồng tôi chủ yếu làm nghề biển, nhưng gần đây tuổi cao sức yếu nên làm nghề biển cũng khó, gia đình lại thiếu vốn khi muốn chuyển sinh kế làm ăn. Vừa rồi được xã hỗ trợ nuôi gà, trồng ném nên kinh tế gia đình khá hơn trước, bây giờ đã thoát được nghèo, vợ chồng tôi rất cảm ơn sự quan tâm của chính quyền địa phương”. Còn với gia đình chị Đặng Thị Luyến ở thôn Thuận Đầu, xã Hải An lại có hoàn cảnh khác. Gia đình chị thuộc hộ nghèo do chồng mất sớm, một mình chị nuôi 2 con nhỏ, nhà cửa tạm bợ. Trước hoàn cảnh của chị, xã Hải An đã giao cho Hội LHPN xã giúp đỡ chị về nguồn vốn vay thông qua kênh của hội để buôn bán nhỏ tại địa phương. Mặt khác, xã đã hỗ trợ xây nhà đại đoàn kết để gia đình chị có nơi ở ổn định.
 
Chị Luyến cho biết: “Khi được hỗ trợ xây nhà đại đoàn kết, tôi cảm thấy rất mừng vì có được ngôi nhà khang trang, kiên cố để tập trung buôn bán, phấn đấu thoát nghèo. Đặc biệt từ khi được vay ưu đãi 50 triệu đồng để buôn bán, tôi cũng có thêm nguồn thu nhập ổn định để chăm lo cuộc sống”. Đối với xã vùng biển Hải An - địa phương có tỷ lệ hộ nghèo cao thì cấp ủy, chính quyền xã đã rà soát, nắm rõ nguyên nhân, nhu cầu cần hỗ trợ của các hộ nghèo và cận nghèo để chọn ra giải pháp như hỗ trợ vốn, cây, con giống để chăn nuôi, trồng trọt, sắm ngư lưới cụ làm nghề biển. Đồng thời thực hiện nhiều giải pháp an sinh xã hội, từ đó công tác giảm nghèo đã đạt kết quả khả quan. Năm 2017 toàn xã đã có 28 hộ thoát nghèo, tỷ lệ hộ nghèo năm 2018 chỉ còn 8,8%.
 
Phó Chủ tịch UBND xã Hải An Nguyễn Công Tuấn cho biết thêm: “Để làm tốt hơn nữa công tác giảm nghèo bền vững, trong thời gian tới chúng tôi sẽ tiếp tục có những giải pháp cụ thể. Trong đó tập trung khảo sát tình hình và nhu cầu thực tế của hộ nghèo để tiếp tục giao cho các đoàn thể nhận đỡ đầu hộ nghèo, tăng cường vốn vay ưu đãi, tuyên truyền động viên hộ nghèo, hộ cận nghèo phấn đấu làm ăn, giúp hộ nghèo tiếp cận các dự án… Đối với hộ nghèo làm nghề biển thì chúng tôi tạo điều kiện vốn vay để họ đầu tư ngư lưới cụ, sửa chữa tàu thuyền, tiếp tục vươn khơi bám biển sản xuất. Đối với các hộ không làm nghề biển thì chúng tôi phối hợp với các ngành tổ chức dạy nghề trồng trọt, chăn nuôi kết hợp hài hòa “chân đồng, chân biển”…”.
 
Cùng với việc quan tâm đầu tư, hỗ trợ giảm nghèo tại 2 xã vùng biển, huyện Hải Lăng đã thực hiện các giải pháp cụ thể với từng nhóm hộ như nhóm giải pháp về y tế, tín dụng, dạy nghề, việc làm, nhà ở, tập huấn kiến thức, trợ giúp xã hội trong toàn huyện… Từ đó đã tạo cơ hội, điều kiện cho hàng trăm hộ nghèo vươn lên thoát nghèo. Cùng với đó, huyện còn huy động nhiều nguồn lực khác để đẩy mạnh công tác giảm nghèo. Một trong số đó là Chương trình phát triển vùng Hải Lăng do Tổ chức Tầm nhìn Thế giới tài trợ tại 7 xã trên địa bàn huyện. Đã có rất nhiều hộ dân được hưởng lợi từ chương trình này.
 
Ông Nguyễn Văn Hùng, Trưởng Chương trình phát triển vùng Hải Lăng cho biết: “Những hoạt động liên quan đến phát triển sinh kế của Chương trình phát triển vùng huyện Hải Lăng đã góp phần vào công tác giảm nghèo trên địa bàn huyện. Cụ thể, theo số liệu về tỷ lệ hộ nghèo của 7 xã trong vùng dự án thì trung bình mỗi năm một xã giảm nghèo từ 1,2 đến 1,5%. Riêng có hai xã Hải Dương và Hải Hòa thì tỷ lệ hộ nghèo ở mức dưới 5%. Chúng tôi cảm thấy hài lòng, vui mừng vì đã góp phần cải thiện sinh kế và giảm nghèo cho các xã thuộc dự án”.
 
Có thể thấy rằng, sự chỉ đạo sát sao của cấp ủy, chính quyền, sự tham gia tích cực của Mặt trận và các đoàn thể, sự hỗ trợ của các chương trình, dự án, tổ chức trên địa bàn Hải Lăng đã góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo toàn huyện xuống còn 6,7% năm 2017, phấn đấu đến cuối năm 2018 giảm thêm từ 1-1,5 %. Đây cũng là động lực để huyện Hải Lăng phát huy nội lực trong công tác giảm nghèo bền vững trong những năm tiếp theo.
 

Nguồn tin: Báo Quảng Trị

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây