Nông thôn mới Quảng Trị

https://nongthonmoi.quangtri.gov.vn


Doanh nghiệp đồng hành với giảm nghèo và xây dựng nông thôn mới

Xây dựng nông thôn mới là chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước, là nhiệm vụ trọng tâm của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội. Qua 3 năm triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, sản xuất nông nghiệp, nông thôn và đời sống nông dân Quảng Trị đã được cải thiện đáng kể. Trong đó, các doanh nghiệp đã có sự hưởng ứng tích cực hỗ trợ vốn xây dựng kết cấu hạ tầng, mở rộng phát triển sản xuất, kinh doanh về địa bàn nông thôn, bước đầu đem lại hiệu quả rõ rệt, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế, nâng cao thu nhập và cải thiện chất lượng cuộc sống cho người dân ở nông thôn.
Xây dựng CSHT đồng bộ ở miền núi tạo thuận lợi cho doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn
Là doanh nghiệp nhà nước hoạt động chủ yếu hướng vào nông nghiệp, nông thôn, nông dân, thời gian qua, Công ty TNHH MTV Thương mại Quảng Trị đã chú trọng xây dựng những đơn vị, chi nhánh có hoạt động chính gắn liền với phát triển sản xuất nông nghiệp, nông thôn như: Nhà máy chế biến nông sản Đông Hà có nhiệm vụ thu mua, chế biến, kinh doanh các loại nông sản, đặc sản của tỉnh; Nhà máy tinh bột sắn Hướng Hóa đem lại thu nhập cao cho đồng bào dân tộc thiểu số trồng sắn ở các xã vùng Lìa; Nhà máy sản xuất phân vi sinh Hướng Hóa với sản phẩm phân vi sinh chất lượng cao, giá rẻ thích hợp với nhiều loại cây trồng; Trung tâm thực nghiệm và chuyển giao kỹ thuật nông nghiệp, cung cấp giống cây trồng vật nuôi mới, chất lượng cao cho nông dân.
Cùng với nhiệm vụ phát triển sản xuất, kinh doanh, Công ty đã khá thành công trong việc liên kết với nông dân trong chuỗi giá trị nông sản, hỗ trợ giúp người dân nâng cao thu nhập, từ cung cấp giống cây trồng, vật nuôi, phân bón, trực tiếp tham gia hướng dẫn chuyển giao kỹ thuật, xây dựng mô hình sản xuất cho các hộ thành viên học tập, nâng cao hiệu quả sản xuất nông nghiệp, đến thu mua và chế biến nông sản cho nông dân. Thông qua hỗ trợ triển khai các mô hình kinh tế có thế mạnh của các địa phương như: trồng sắn nguyên liệu ở vùng Lìa (Hướng Hóa), mô hình trồng tiêu ở vùng Cùa (Cam Lộ), gạo trắng Hải Phú (Hải Lăng), gạo đỏ Triệu Phước (Triệu Phong), phát triển cây ném ở Hải Lăng, cây môn ở Vĩnh Linh…, Công ty đã đóng góp tích cực cùng với nông dân phát triển nền nông nghiệp hàng hóa có chất lượng cao, đáp ứng nhu cầu thị trường, nâng cao thu nhập và giảm nghèo bền vững.

Đặc biệt, từ mô hình trồng sắn nguyên liệu ở vùng Lìa, thu nhập của đồng bào dân tộc thiểu số miền núi Hướng Hóa được cải thiện đáng kể, nhiều hộ thoát nghèo, vươn lên làm giàu, hình thành “CLB 100 triệu đồng” cho những người trồng sắn, trong đó có người thu nhập 300 triệu đồng/năm từ trồng sắn. Trong quá trình phát triển sản xuất về nông thôn, Công ty đã tích cực góp sức cùng các địa phương xây dựng kết cấu hạ tầng nông thôn như xây dựng đường giao thông, chợ nông sản; thực hiện các chính sách an sinh xã hội, xóa đói giảm nghèo, làm cho diện mạo nông thôn ngày càng khởi sắc.

Theo số liệu điều tra mới nhất, hiện nay trên địa bàn tỉnh có gần 2.000 doanh nghiệp, trong đó có 13,4% doanh nghiệp hoạt động ở khu vực nông thôn. Mặc dù còn gặp nhiều khó khăn nhưng với khả năng của mình, các doanh nghiệp đóng trên địa bàn đã triển khai nhiều chương trình về an sinh xã hội, hỗ trợ đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng phúc lợi xã hội như đường giao thông, trường học, trạm y tế, nhà văn hóa, nhà sinh hoạt cộng đồng, nhà ở hộ nghèo...; đầu tư trực tiếp về nông thôn, cam kết tuyển dụng lao động, giúp nông dân phát triển sản xuất, tiêu thụ sản phẩm..., góp phần xóa đói giảm nghèo, thúc đẩy phát triển kinh tế- xã hội của tỉnh.

Ngoài ra, nhiều địa phương cũng nhận được sự đóng góp hỗ trợ của con em quê hương thành đạt ở khắp mọi miền đất nước và kiều bào tham gia trực tiếp vào xây dựng nông thôn mới ở quê nhà. Tuy nhiên, thực tiễn xây dựng nông thôn mới ở Quảng Trị cho thấy sự gắn kết giữa doanh nghiệp và nông dân trong chuỗi giá trị sản xuất nông sản còn nhiều hạn chế. Hiện tại, các hoạt động cung ứng phân bón và vật tư nông nghiệp, thu mua sản phẩm nông sản đều được các doanh nghiệp, nhà máy thực hiện qua các đại lý trung gian hoặc tư thương, còn thiếu doanh nghiệp xây dựng được các mối liên kết sản xuất- chế biến- tiêu thụ ổn định với các hộ sản xuất.

Đầu tư của doanh nghiệp về địa bàn nông thôn cùng với các khâu dịch vụ hỗ trợ sản xuất và tiêu thụ cho nông dân là kênh huy động vốn quan trọng trong xây dựng nông thôn mới. Chính phủ yêu cầu dòng vốn này đảm bảo 20% trong cơ cấu tổng nguồn đầu tư. Trong những năm qua, mặc dù tỉnh thường xuyên kêu gọi doanh nghiệp đầu tư vào nông thôn, liên kết với nông dân trong sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm, song đến nay có rất ít doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực này, trong khi nguồn vốn kinh doanh của hợp tác xã rất hạn hẹp. Nguồn vốn đầu tư của doanh nghiệp và hợp tác xã vào nông nghiệp, nông thôn đến năm 2013 chỉ đạt 408.883 triệu đồng, tương đương 4,8% tổng nguồn đầu tư cho xây dựng nông thôn mới.

Đưa được doanh nghiệp vào nông thôn là biện pháp cơ bản để vừa chuyển dịch cơ cấu lao động, cơ cấu nền kinh tế, vừa nâng cao giá trị thu nhập cho người nông dân. Vì doanh nghiệp đưa khoa học công nghệ về cho nông dân nhanh nhất; doanh nghiệp là nơi chuyển dịch cơ cấu lao động, rút được lao động ra khỏi nông nghiệp và doanh nghiệp cũng chính là nơi tiêu thụ sản phẩm cho nông dân. Tuy nhiên, quá trình hướng về nông nghiệp-nông thôn của doanh nghiệp cũng đang gặp phải những rào cản đáng kể như: cơ sở hạ tầng nông thôn còn rất nghèo nàn, lạc hậu; tác phong công nghiệp của lao động nông thôn chưa cao; việc tiếp cận vốn vay ngân hàng còn khó khăn..., khiến họ không mấy mặn mà tham gia đầu tư vào lĩnh vực này.

Sản xuất sản phẩm nông nghiệp hàng hóa là chìa khóa để ổn định thu nhập, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho người nông dân. Hiện có tới 85% hộ nghèo đang sống ở nông thôn. Một diện mạo nông thôn mới hình thành mà nông dân vẫn nghèo thì mất đi ý nghĩa tốt đẹp của nó. Trên hành trình giảm nghèo và xây dựng nông thôn mới, người nông dân rất cần được tư vấn để biết mình phải làm gì và làm như thế nào để sản phẩm nông nghiệp làm ra không bị lỗ, bán không ai mua, không chịu cảnh được mùa- mất giá và nghịch lý lợi tức nông dân có xu hướng giảm khi sản lượng ngày càng tăng…

Ai cũng biết xây dựng được mối liên kết chặt chẽ giữa sản xuất- chế biến- tiêu thụ, giữa nông dân- nhà doanh nghiệp- nhà quản lý, sẽ tạo ra lợi ích hài hòa cho cả doanh nghiệp và nông dân trong chuỗi giá trị sản xuất nông nghiệp, mở ra con đường kết nối nông dân với thị trường. Nhưng, để thu hút được doanh nghiệp đầu tư mạnh mẽ vào nông nghiệp, nông thôn khi sản xuất nông nghiệp vẫn còn nhiều rủi ro, bấp bênh về giá cả, thiên tai, dịch bệnh..., đòi hỏi Nhà nước cần có cơ chế, chính sách thực sự thông thoáng, hấp dẫn, hỗ trợ tích cực đối với doanh nghiệp trong lĩnh vực này.

Mặt khác, cần nâng cao nhận thức cho người dân hiểu rõ vai trò chủ thể của mình trong xây dựng nông thôn mới, từ đó tích cực tham gia liên kết với doanh nghiệp trong chuỗi giá trị sản xuất nông sản hàng hóa. Giải quyết tốt các vấn đề trên sẽ tạo động lực thu hút doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn, để doanh nghiệp có điều kiện thể hiện vai trò của mình, đồng hành cùng với nông dân trong giảm nghèo và xây dựng nông thôn mới. 



Tác giả bài viết: Thanhh Hải

Nguồn tin: Báo Quảng Trị

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây