Nông thôn mới Quảng Trị

https://nongthonmoi.quangtri.gov.vn


Quảng Trị: 14 nghề truyền thống, làng nghề truyền thống đã được công nhận

Hiện nay, toàn tỉnh có 53 làng có làng nghề với 66 nghề, làng nghề. Tập trung vào các nhóm nghề: Chế biến bảo quản nông lâm thủy sản, sản xuất hàng thủ công mỹ nghệ, sản xuất vật liệu xây dựng, mây tre đan.
Ông Trần Thanh Hiền, Phó giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT trao bằng công nhận cho làng nghề truyền thống nước mắm Gia Đẳng, xã Triệu Lăng
       Tổng giá trị sản xuất ngành nghề nông thôn năm 2015 phân theo 7 nhóm ngành của Nghị định 66/NĐ-CP ngày 7/7/2006 của Chính phủ (theo giá hiện hành) ước đạt trên 304 tỷ đồng. Tổng lao động thường xuyên và thời vụ hoạt động trong ngành nghề nông thôn trên 5.500 lao động. Thu nhập bình quân của lao động trong lĩnh vực ngành nghề nông thôn ước đạt 18 - 20 triệu đồng/người/năm.
       Đến 30/9/2015, UBND tỉnh đã công nhận 14 nghề truyền thống, làng nghề, làng nghề truyền thống gồm: 02 nghề truyền thống: làm mứt gừng ở Mỹ Chánh, xã Hải Chánh, Giá đỗ Lam Thủy, xã Hải Vĩnh (Hải Lăng);  01 làng nghề Chổi đót Văn Phong, xã Hải Chánh, huyện Hải Lăng; 11 làng nghề truyền thống gồm: làm bún, bánh ở Phương Lang, xã Hải Ba, sản xuất rượu ở Kim Long, xã Hải Quế, sản xuất nước mắm Mỹ Thuỷ, xã Hải An, làm nón lá ở Trà Lộc, xã Hải Xuân, làm nón lá Văn Quỹ, nón lá Văn Trị, xã Hải Tân (Hải Lăng), làm bún, bánh ở Cẩm Thạch, xã Cam An (Cam Lộ), làm bún Thượng Trạch, làm bún Linh Chiểu, xã Triệu Sơn, làm nước mắm Gia Đẳng, xã Triệu Lăng; làm Nón lá Bố Liêu, xã Triệu Hòa (huyện Triệu Phong.
      Trên cơ sở chính sách của tỉnh, năm 2014 - 2015, UBND tỉnh Quyết định khen thưởng cho 14 làng nghề đã được công nhận từ năm 2011 đến nay gồm bằng công nhận và tiền thưởng 255 triệu đồng. Dự kiến từ nay đến cuối năm 2015 sẽ thẩm định và đề nghị công nhận cho làng nghề Cao chè vằng Định Sơn, xã Cam Nghĩa và làng nghề truyền thống đan lát Lan Đình, xã Gio Phong, huyện Gio Linh.
      Việc khôi phục, củng cố và phát triển nghề truyền thống, làng nghề, làng nghề truyền thống nhằm mục đích phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội ở nông thôn, góp phần quan trọng trong sự nghiệp xây dựng nông thôn mới.
 
 
 

Tác giả bài viết: Thanh Bình- Chi cục PTNT

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây