Xây dựng nông thôn mới đang cần gì?

Thứ ba - 05/04/2016 03:07
Năm 2015, với sự vào cuộc của các cấp, các ngành và sự đồng thuận của nhân dân, tỉnh Quảng Trị có thêm 15 xã được công nhận đạt chuẩn xây dựng nông thôn mới (NTM) gồm: Hải Thượng, Hải Phú (huyện Hải Lăng); Triệu Trạch, Triệu Phước, Triệu Thuận, Triệu Thành (huyện Triệu Phong); Gio Sơn (Gio Linh); Vĩnh Thành, Vĩnh Nam, Vĩnh Lâm, Vĩnh Hiền (huyện Vĩnh Linh); Cam An (huyện Cam Lộ); Tân Hợp, Tân Liên (huyện Hướng Hóa) và Hải Lệ (thị xã Quảng Trị), nâng số xã đạt chuẩn trong toàn tỉnh lên 18 xã, đạt tỷ lệ 15,4%. Đến hết năm 2015, toàn tỉnh có 8 xã đạt từ 15 - 18 tiêu chí; 59 xã đạt từ 10 -14 tiêu chí; 32 xã đạt từ 5 - 9 tiêu chí; không còn xã đạt dưới 5 tiêu chí.
Ở nhiều địa phương trong tỉnh, nông dân tích cực đóng góp kinh phí, công sức xây dựng nông thôn mới
Ở nhiều địa phương trong tỉnh, nông dân tích cực đóng góp kinh phí, công sức xây dựng nông thôn mới
Đạt được kết quả trên, chỉ tính riêng trong năm 2015, tổng nguồn lực huy động đầu tư xây dựng NTM trong toàn tỉnh đạt trên 1.100 tỷ đồng, trong đó nguồn đóng góp của nhân dân bằng tiền mặt, công lao động và hiện vật quy ra tiền trên 278 tỷ đồng. Việc thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng gắn với xây dựng nông thôn mới; hệ thống cơ sở hạ tầng nông thôn tiếp tục được quan tâm đầu tư khá đồng bộ. Tuy vậy, theo đánh giá của Thường trực Ban Chỉ đạo Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM tỉnh (BCĐ), xây dựng NTM của địa phương vẫn còn những khó khăn, hạn chế, nhất là số xã đạt chuẩn NTM chưa nhiều, kết quả xây dựng NTM chưa đồng đều giữa các địa phương. Nguyên nhân chủ yếu của thực trạng này là một bộ phận cán bộ, đảng viên và nhân dân chưa nhận thức đầy đủ về mục đích, ý nghĩa và nội dung, đặc biệt là vai trò chủ thể của mình trong xây dựng NTM; ý thức tự giác, chủ động tham gia xây dựng NTM chưa cao. Các phong trào thi đua còn thiếu thường xuyên, chưa gắn vớ i các hoạt động cụ thể, thiết thực. Sản xuất nông nghiệp còn nhỏ lẻ, phân tán; sản phẩm hàng hóa chưa nhiều. Liên doanh, liên kết trong sản xuất, chế biến, tiêu thụ nông sản chưa rõ nét. Nhiều địa phương chưa chủ động huy động các nguồn lực, chủ yếu trông chờ vào ngân sách nhà nước… 

Là một trong những xã được đánh giá có nhiều thuận lợi và được chọn làm điểm xây dựng NTM của tỉnh, tuy nhiên đến nay xã Gio Phong (huyện Gio Linh) mới đạt 15/19 tiêu chí xây dựng NTM. Từ thực tiễn của của địa phương, Chủ tịch UBND xã Gio Phong Nguyễn Đức Sâm cho rằng: “Để đẩy nhanh tiến độ xây dựng NTM, yếu tố cơ bản là cán bộ địa phương phải thay đổi cung cách, lề lối làm việc và làm tốt công tác tuyên truyền, vận động để người dân thấy được vai trò chủ thể của mình trong xây dựng NTM. Bên cạnh đó, cấp ủy, chính quyền địa phương cần có chính sách và hỗ trợ tốt hơn cho người dân phát triển sản xuất nông nghiệp, kinh doanh - dịch vụ bởi khi ổn định sinh kế, có thu nhập, thấy được quyền lợi của mình thì người dân mới tích cực hiến kế, đóng góp kinh phí, công sức xây dựng NTM”. 

Lý giải nguyên nhân Đakrông là huyện duy nhất trong tỉnh chưa có xã đạt chuẩn NTM, đồng chí Phạm Văn Hùng, Phó Chủ tịch UBND huyện Đakrông cho rằng, xây dựng NTM ở địa phương gặp rất nhiều khó khăn, đặc biệt là yếu tố địa hình phức tạp, cơ sở hạ tầng còn thiếu; năng lực sản xuất, thu nhập của người dân còn thấp; trình độ dân trí chưa cao, ở nhiều nơi phong tục tập quán lạc hậu vẫn còn chi phối sản xuất, sinh hoạt của người dân cùng với với đó là năng lực, ý thức trách nhiệm của một bộ phận cán bộ còn hạn chế. “Để xây dựng NTM mới ở Đakrông, đầu tư nhiều kinh phí, nhiều công trình hạ tầng là chưa đủ mà cùng với đó là câu chuyện thay đổi nhận thức, thay đổi lối nghĩ cách làm của người dân. Đây là vấn đề lãnh đạo huyện rất trăn trở và quyết tâm thực hiện nhưng để giải quyết được thì cần rất nhiều công sức và thời gian”, đồng chí Phạm Văn Hùng chia sẻ. 

Trong điều kiện hiện nay, kinh phí từ ngân sách nhà nước đầu tư cho nông nghiệp, nông thôn gặp nhiều khó khăn, do vậy để triển khai hiệu quả xây dựng NTM, các địa phương cần phải chủ động, sáng tạo trong việc huy động sự đóng góp của người dân; kêu gọi các doanh nghiệp, con em xa quê đầu tư về hạ tầng cơ sở, sản xuất, chế biến và tiêu thụ nông sản. Đồng chí Trần Văn Thu, Chi cục trưởng Chi cục Phát triển nông thôn, Sở NN - PTNT cho biết: “Kinh nghiệm xây dựng NTM ở nhiều địa phương cho thấy, khi người dân hiểu, đồng thuận, doanh nghiệp thấy được lợi ích của mình và chính quyền công khai, minh bạch các nguồn kinh phí thì việc huy động công sức, kinh phí sẽ thuận lợi hơn rất nhiều”. 

Xung quanh vấn đề đẩy nhanh tốc độ cũng như tạo sự bền vững trong xây dựng NTM, đồng chí Hà Sỹ Đồng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Phó Trưởng Ban Thường trực Ban Chỉ đạo Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM tỉnh nhấn mạnh: ‘‘Các ngành chức năng, các địa phương cần chú trọng rà soát, điều chỉnh, bổ sung quy hoạch nông thôn mới phù hợp với quy hoạch của tỉnh, huyện và chủ trương tái cơ cấu ngành nông nghiệp. Tiếp tục thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững gắn với xây dựng nông thôn mới. Trong thực hiện cần chú trọng thực hiện các chính sách như: dồn điền đổi thửa; xây dựng cánh đồng lớn; liên doanh, liên kết trong sản xuất, chế biến và tiêu thụ nông sản; đổi mới và nâng cao hiệu quả các loại hình kinh tế hợp tác trong sản xuất nông nghiệp, nông thôn; nâng cao hiệu quả công tác đào tạo nghề cho lao động và chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông thôn”. Đồng chí Hà Sỹ Đồng cũng cho rằng, xây dựng NTM cần phải ưu tiên nguồn lực đầu tư cơ sở hạ tầng đối với các địa phương có điều kiện khó khăn, miền núi, vùng sâu, vùng xa, bãi ngang, ven biển. Quan tâm đúng mức đến việc giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa truyền thống, xây dựng lối sống văn hóa, ứng xử văn minh trong nông thôn; từng bước cải thiện môi trường nông thôn gắn với giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội nông thôn. 

Nguồn tin: Báo Quảng Trị

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Con số ấn tượng
69/101
Là số xã đạt chuẩn Nông thôn mới
14,5
Là số tiêu chí đạt bình quân của tỉnh
01/7 huyện đạt chuẩn nông thôn mới
(huyện Cam Lộ -đạt chuẩn năm 2019)
9 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao
(Kim Thạch, Vĩnh Thủy, Vĩnh Giang, Cam Chính, Cam Nghĩa, Cam Thành, Cam Hiếu, Triệu Đại, Triệu Trạch)
Liên kế website
Thống kê lượt truy cập
  • Đang truy cập73
  • Hôm nay10,354
  • Tháng hiện tại80,055
  • Tổng lượt truy cập8,173,591
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây