Quảng Trị nỗ lực thực hiện chương trình kiên cố hóa giao thông nông thôn.

Thứ tư - 23/07/2014 04:30
Từ năm 2002 đến nay, các địa phương trong tỉnh đã tích cực thực hiện chương trình kiên cố hóa giao thông nông thôn. Kết quả đã mang lại hiệu quả thiết thực, không chỉ làm thay đổi bộ mặt nông thôn, miền núi mà còn phục vụ đắc lực cho sinh hoạt và phát triển kinh tế - xã hội. Tuy nhiên, quá trình thực hiện chương trình này vẫn còn 1 số vướng mắc, khó khăn cần được tháo gỡ.
Người dân chung tay làm đường giao thông
Người dân chung tay làm đường giao thông
         Cách đây 12 năm, để thực hiện mục tiêu phát triển mạng lưới giao thông vận tải, Hội đồng nhân dân tỉnh Quảng Trị đã thông qua đề án kiên cố hóa giao thông nông thôn giai đoạn 2002 - 2015. Nhờ sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị trong việc tuyên truyền, vận động và các cấp chính quyền đã làm tốt việc huy động các nguồn lực, đặc biệt với phương châm “nhà nước và nhân dân cùng làm”, phong trào làm đường giao thông nông thôn đã có sức lan tỏa mạnh mẽ ở các địa phương. Nhân dân nhiều địa phương không chỉ đóng góp tiền mặt mà còn hiến đất, hiến cây, tự giải phóng mặt bằng, hoàn thiện nền đường, ở nhiều nơi còn đưa vào hương ước, quy ước của làng hàng năm mỗi hộ đều có đóng một khoản tiền nhất định, dự trữ sẵn nguồn quỹ để khi được bố trí nguồn vốn đối ứng của nhà nước sẽ triển khai. Chính nhờ vậy, sau 12 năm thực hiện, đến năm 2013 toàn tỉnh đã kiên cố giao thông nông thôn được 1882 km với tổng nguồn vốn đầu tư xây dựng 315 tỷ đồng, đạt 52,3% kế hoạch đề ra.
         Hệ thống đường giao thông được kiên cố hóa không chỉ làm thay đổi bộ mặt vùng nông thôn, miền núi, tạo điều kiện đi lại và lưu thông hàng hóa, mà còn đóng vai trò quan trọng trong kết cấu hạ tầng kỹ thuật của khu vực nông nghiệp, nông thôn, là động lực quan trọng phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao đời sống vật chất, văn hóa tinh thần cho nhân dân, là tiền đề để phát triển nông nghiệp, nông thôn theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa.
         Tuy nhiên, quá trình thực hiện chương trình này vẫn còn một số tồn tại, hạn chế như còn nhiều tuyến đường có chiều rộng mặt đường xây dựng chưa đạt chuẩn quy định tối thiểu 2,5 m, chưa có đơn vị quản lý, khai thác, bảo trì nên ít được sửa chữa thường xuyên, trong khi đó lưu lượng phương tiện và tải trọng ngày càng gia tăng, dẫn đến một số công trình xuống cấp, hư hỏng đi lại khó khăn. Mặt khác, do thiếu kinh phí nên số lượng đường giao thông nông thôn chưa được xây dựng còn khá lớn, phân bổ kinh phí thuộc phần ngân sách hỗ trợ chậm và bình quân nên nhiều địa phương đã huy động được nguồn kinh phí của nhân dân đóng góp nhưng vẫn bị động, chờ kế hoạch.
        Trước thực trạng đó tỉnh Quảng Trị có sự điều chỉnh đề án kiên cố hóa giao thông nông thôn giai đoạn 2015 - 2020 lồng ghép kết hợp bộ tiêu chí quốc gia về nông thôn mới nhằm huy động tối đa các nguồn lực và sử dụng hiệu quả nguồn vốn để đẩy nhanh tiến độ thực hiện.
        Theo đó phấn đấu đến năm 2020 sẽ kiên cố hóa kiên cố hóa được 80% đường giao thông nông thôn, theo đó dự kiến sẽ đầu tư 554 tỷ đồng để kiên cố hóa thêm 704 km. Để đạt được chỉ tiêu này, ông Nguyễn Hữu Anh, Phó Giám đốc Sở Giao thông vận tải cho biết: Một trong những giải pháp quan trọng nhất đó là nguồn vốn, theo đó ngoài nguồn vốn ngân sách của tỉnh bố trí hàng năm, tỉnh sẽ tranh thủ nguồn vốn ODA và các nguồn vốn khác cũng như tiếp tục huy động sự đóng góp của nhân dân. Đồng thời lồng ghép các chương trình, dự án, kể cả chương trình xây dựng nông thôn mới để đầu tư hoàn thiện việc xây dựng kết cấu hạ tầng ở vùng nông thôn, miền núi, trong đó có đường giao thông.
        Ngoài những giải pháp trên, theo chúng tôi, trong thời gian tới, các cấp, các ngành cần tiếp tục tuyên truyền, vận động để cho người dân hiểu sâu hơn về lợi ích thiết thực của công tác xã hội hóa giao thông và tích cực tham gia với phương châm “Nhân dân làm, Nhà nước hỗ trợ” thay cho phương châm Nhà nước và nhân dân cùng làm như lâu nay. Bên cạnh đó đa dạng hóa các hình thức huy động vốn, khuyến khích các hình thức đầu tư, tận dụng nhân lực, nguyên vật liệu tại chổ để tiết kiệm chi phí. Mặt khác tăng cường công tác giám sát trong thi công cũng như duy tu, bảo dưỡng khi công trình đưa vào sử dụng.

Tác giả bài viết: Bá Thuần

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Con số ấn tượng
69/101
Là số xã đạt chuẩn Nông thôn mới
14,5
Là số tiêu chí đạt bình quân của tỉnh
01/7 huyện đạt chuẩn nông thôn mới
(huyện Cam Lộ -đạt chuẩn năm 2019)
9 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao
(Kim Thạch, Vĩnh Thủy, Vĩnh Giang, Cam Chính, Cam Nghĩa, Cam Thành, Cam Hiếu, Triệu Đại, Triệu Trạch)
Liên kế website
Thống kê lượt truy cập
  • Đang truy cập136
  • Hôm nay22,187
  • Tháng hiện tại96,166
  • Tổng lượt truy cập8,189,702
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây