Quản lý, sử dụng đất hiệu quả sau đổi thửa dồn điền

Thứ hai - 27/05/2013 23:10
Theo tinh thần Nghị quyết Trung ương lần thứ 7 (khóa X) về nông nghiệp, nông dân, nông thôn, để tiến hành xây dựng nông thôn mới là phải quy hoạch lại đồng ruộng theo hướng quy vùng sản xuất hàng hóa, quy hoạch giao thông thủy lợi nội đồng đáp ứng yêu cầu cơ giới hóa và ứng dụng khoa học công nghệ tiên tiến vào sản xuất làm tăng năng suất lao động.
Nhờ ĐTDĐ, nông dân có điều kiện đưa máy móc vào thu hoạch mùa
Nhờ ĐTDĐ, nông dân có điều kiện đưa máy móc vào thu hoạch mùa
Để tiến hành quy hoạch lại đồng ruộng thì phải triển khai đổi thửa dồn điền (ĐTDĐ), tuy nhiên, trong quá trình thực hiện gặp nhiều khó khăn do ruộng đất manh mún. Thực trạng này đã làm tăng phí lao động, hạn chế khả năng đầu tư và áp dụng tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất, chất lượng sản phẩm thấp, thiếu khả năng cạnh tranh. Những khó khăn trên đặt ra vấn đề cần phải thực hiện ĐTDĐ để loại bỏ các tổn thất cho nông dân bằng cách tổ chức lại sản xuất, ứng dụng thành tựu KHKT, đáp ứng yêu cầu của sự nghiệp CNH, HĐH nông nghiệp nông thôn. 
Tính đến năm 2012, toàn tỉnh Quảng Trị có 6 huyện, gồm 56 xã triển khai ĐTDĐ với gần 29.500 hộ dân. Trong đó các huyện như Vĩnh Linh thực hiện ở 8 xã gồm 8.006 hộ với tổng diện tích chuyển đổi 2.988,92 ha, số thửa sau chuyển đổi còn 22.114 (trước chuyển đổi 55.504 thửa), bình quân 1 hộ/3-4 thửa. Triệu Phong 12 xã với 9.213 hộ dân với diện tích chuyển đổi là 3.424,64 ha, bình quân 1 hộ/3-5 thửa. Cam Lộ thực hiện 2 xã gồm 12 thôn, với diện tích hơn 250 ha; xã Cam Thanh chuyển đổi 3 thôn với 346 hộ, xã Cam An chuyển đổi 9 thôn với diện tích 200 ha; trung bình sau chuyển đổi 1 hộ sử dụng từ 1-4 thửa. Hải Lăng triển khai 17/22 xã đến nay đã thực hiện xong ĐTDĐ, tiến hành đo đạc chính quy và đã cấp đổi giấy CNQSD đất cho nhân dân. Huyện Gio Linh thực hiện 7 xã 30 thôn sau chuyển đổi còn 25.849 thửa (số thửa trước chuyển đổi 64.625 thửa), bình quân 1 hộ/2-5 thửa. Thành phố Đông Hà thực hiện 5 phường với 25 hợp tác xã, khu phố với 2413 hộ, số thửa trước chuyển đổi 18.372 thửa, sau chuyển đổi 8016 thửa, bình quân 1hộ/3-4 thửa...
Sau khi chuyển đổi tổng số thửa đất giảm từ 60-70% so với trước khi chuyển đổi, bình quân 1 hộ có từ 3-4 thửa. Hiệu quả sau ĐTDĐ đã khắc phục được tình trạng manh mún ruộng đất, cơ bản tạo được ô thửa lớn nhằm áp dụng tiến bộ KHKT. ĐTDĐ đã kết hợp rà soát, hoàn thiện quy hoạch thiết kế đồng ruộng như hệ thống thủy lợi, giao thông nội đồng, quy hoạch vùng canh tác các loại cây trồng, vật nuôi, quy hoạch đất phù hợp cho sản xuất, tiết kiệm sức lao động, góp phần đẩy mạnh CNH, HĐH nông nghiệp, nông thôn.
Bà Lê Thị Vinh, Phó Chủ tịch UBND huyện Hải Lăng cho biết: “Nhờ sát sao và linh hoạt trong chỉ đạo thực hiện nên huyện Hải Lăng đã sớm hoàn thành việc ĐTDĐ. Bắt đầu từ năm 2002, huyện đã triển khai ĐTDĐ ở xã Hải Thiện rồi đến các xã Hải Lâm, Hải Thọ, Hải Vĩnh và trên toàn huyện. Nếu trước đây mỗi hộ có 8- 9 thửa đất, có hộ 15 thửa, diện tích mỗi thửa trung bình vài trăm m2 thì sau khi ĐTDĐ số thửa chỉ còn lại 1- 3 thửa/hộ, diện tích của mỗi thửa ruộng trung bình hơn 1.600 m2. Phải khẳng định rằng sau ĐTDĐ huyện có điều kiện quy hoạch lại ruộng đồng, nâng cấp, xây dựng mới hệ thống giao thông nông thôn, tạo điều kiện cho cơ giới đến tận bờ ruộng để thu hoạch, vì vậy Hải Lăng đã rút ngắn được mùa vụ.
Nhờ ĐTDĐ tạo điều kiện nắm bắt cụ thể lại toàn bộ quỹ đất sản xuất nông nghiệp của các vùng trọng điểm lúa, có phương án sử dụng thích hợp. Bảo vệ nghiêm ngặt đất trồng lúa nước trước tình trạng chuyển đổi mục đích không theo quy hoạch. Qua thực tiễn sử dụng đất sau ĐTDĐ đã giúp nhân dân đầu tư thâm canh, chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi. Bố trí cơ cấu sản xuất mùa vụ, hình thành các vùng chuyên canh, thâm canh, các trang trại nông nghiệp, áp dụng các mô hình chăn nuôi thích hợp (lúa-cá, tôm, cua, vườn-ao-chuồng...).
Đặc biệt là thay đổi cách nghĩ, cách làm, tập quán canh tác trước đây của người nông dân quen canh tác trên diện tích nhỏ; phát triển các ngành nghề dịch vụ tại nông thôn, tiết kiệm thời gian lao động, chi phí sản xuất, bỏ bớt bờ vùng, bờ thửa, tăng diện tích canh tác nhưng quan trọng nhất là tạo điều kiện thuận lợi cho công tác lập hồ sơ địa chính, cấp giấy CNQSDĐ, sắp xếp, bố trí lại quỹ đất công ích phục vụ phúc lợi công cộng của cấp xã.
Tuy nhiên, sau khi chuyển đổi xong ngoài thực địa thì việc cấp lại giấy CNQSD đất cho nhân dân thực hiện chậm. Nguyên nhân là do các địa phương không có kinh phí để đo đạc chỉnh lý bộ hồ sơ địa chính. Công việc này tốn khá nhiều kinh phí nhưng không huy động người dân đóng góp, vì vậy dẫn đến người dân sử dụng đất thực tế không đúng với gíấy CNQSD đất đã được cấp trước đây. Đặc biệt ở những đơn vị có hệ thống bản đồ địa chính cũ (Hệ tọa độ HN 72) thì việc chỉnh lý bộ hồ sơ địa chính để cấp giấy là rất khó khăn như huyện Triệu Phong, Cam Lộ...
Thực tế trong các năm 2006-2007 được sự đầu tư của dự án Đa dạng hóa nông nghiệp đã đo đạc địa chính chính quy cho 20/21 xã thuộc huyện Hải Lăng, cấp mới và cấp đổi giấy CNQSD đất nên đã được người dân đồng tình phấn khởi khi được cấp đổi giấy chứng nhận. Kết quả đã cấp được 103.208 giấy CNQSD đất với diện tích 11.174 ha. Năm 2009 ngân sách tỉnh đầu tư kinh phí đo đạc chỉnh lý cho 4 xã Vĩnh Long, Vĩnh Lâm, Vĩnh Sơn, Vĩnh Thủy (Vĩnh Linh) đã đo đạc chỉnh lý và cấp giấy cho 254.346 ha với 6.432 giấy chứng nhận. Năm 2011- 2012 tiếp tục đấu tư, cấp đổi giấy CNQSD đất cho nhân dân một số xã ở các huyện Triệu Phong, Cam Lộ, Gio Linh, thị xã Quảng Trị, thành phố Đông Hà bằng vốn ngân sách tỉnh.
Hiệu quả từ ĐTDĐ và cấp giấy CNQSD đất đã giúp người sử dụng đất an tâm đầu tư sản xuất, tăng năng suất; tạo cơ hội cho người sử dụng đất thực hiện các quyền và nghĩa vụ theo quy định, góp phần xây dựng nông thôn mới theo hướng sản xuất hàng hóa hiện đại, tạo sản phẩm hàng hóa có thương hiệu, cải thiện đời sống nông dân, nông thôn. Đặc biệt là tăng cường công tác quản lý nhà nước về đất đai có hiệu quả hơn nhờ quản lý đúng đối tượng, mục đích sử dụng, diện tích giữa hồ sơ và thực tế sử dụng.

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Con số ấn tượng
69/101
Là số xã đạt chuẩn Nông thôn mới
14,5
Là số tiêu chí đạt bình quân của tỉnh
01/7 huyện đạt chuẩn nông thôn mới
(huyện Cam Lộ -đạt chuẩn năm 2019)
9 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao
(Kim Thạch, Vĩnh Thủy, Vĩnh Giang, Cam Chính, Cam Nghĩa, Cam Thành, Cam Hiếu, Triệu Đại, Triệu Trạch)
Liên kế website
Thống kê lượt truy cập
  • Đang truy cập100
  • Hôm nay22,277
  • Tháng hiện tại106,068
  • Tổng lượt truy cập8,306,365
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây