Phong trào thi đua phục vụ nông nghiệp và phát triển nông thôn ở Cam Lộ

Thứ năm - 24/10/2013 09:59

Trồng cây ăn quả trên vùng gò đồi Cam Lộ

Trồng cây ăn quả trên vùng gò đồi Cam Lộ
Thực hiện Nghị quyết liên tịch của Tổng LĐLĐ Việt Nam và Bộ NN-PTNT; Kế hoạch liên tịch số 01 của LĐLĐ tỉnh Quảng Trị và Sở NN-PTNT tỉnh, những năm qua, phong trào thi đua liên kết phục vụ nông nghiệp và phát triển nông thôn đã được các cấp công đoàn và CNVC, LĐ huyện Cam Lộ tích cực triển khai thực hiện và đã đạt được kết quả đáng khích lệ, góp phần phục vụ sự nghiệp xây dựng nông nghiệp, nông thôn trên địa bàn.
Xác định việc chuyển giao, ứng dụng KHKT vào sản xuất có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong nền nông nghiệp hiện đại theo hướng sản xuất hàng hóa, những năm qua, LĐLĐ huyện Cam Lộ đã phát động và triển khai phong trào thi đua liên kết phục vụ nông nghiệp và phát triển nông thôn trong CNVC, LĐ huyện Cam Lộ và đã được các cấp, ngành quan tâm, thu hút đông đảo CNVC, LĐ và nhân dân hưởng ứng tích cực. Qua đó phát huy tinh thần trách nhiệm và tính năng động, sáng tạo đội ngũ cán bộ, công chức, đẩy mạnh phong trào thi đua “lao động giỏi, lao động sáng tạo” làm cơ sở thúc đẩy phong trào thi đua phục vụ nông nghiệp và phát triển nông thôn một cách đồng bộ, trở thành phong trào trọng tâm của huyện.
Thông qua hoạt động của các CLB chuyển giao KHKT đã thu hút đội ngũ cán bộ quản lý, kỹ thuật trực tiếp về nông thôn, sát với ruộng đồng để giúp đỡ hướng dẫn nông dân ứng dụng tiến bộ KHKT và công nghệ vào sản xuất đời sống, góp phần tăng năng suất cây trồng vật nuôi, nâng cao chất lượng sản phẩm hàng hoá. 

Hiện nay, Công đoàn huyện Cam Lộ vẫn duy trì và củng cố chất lượng hoạt động của 10 CLB chuyển giao KHKT được thành lập trong những năm đầu khởi xướng phong trào, với tổng số 300 hội viên. Từ năm 2005 đến nay, các CLB đã phối hợp tổ chức được 492 lớp chuyển giao KHKT nông nghiệp cho trên 20.000 lượt người tham gia, trong đó nhiều nhất là các lớp thâm canh lúa, lạc, sản xuất giống; chuyển giao KHKT về chăn nuôi bò, lợn, gà, vịt, thỏ, nhím, các lớp bảo vệ thực vật... 

Việc đưa tiến bộ KHKT vào sản xuất nông nghiệp, trước hết là các loại giống cây, con có năng suất cao, chất lượng tốt phù hợp với từng địa bàn của các CLB, bảo đảm điều kiện thâm canh, chuyển đổi cơ cấu mùa vụ đã đưa lại hiệu quả kinh tế cao, góp phần tích cực chuyển đổi nhận thức cho người sản xuất; từng bước chuyển đổi được tập quán canh tác lạc hậu, tự cấp tự túc sang các phương thức sản xuất tiến bộ hơn theo hướng sản xuất hàng hóa. 

Kết quả của phong trào chuyển giao KHKT phục vụ nông nghiệp và phát triển nông thôn đã tạo sự phát triển vượt bậc về năng suất, chất lượng cây trồng, con nuôi trên địa bàn, nhất là các sản phẩm nông nghiệp hàng hóa chủ lực của huyện như cao su, lúa, lạc, đại gia súc. Đặc biệt là đưa giống tiến bộ mới vào sản xuất đại trà kết hợp với việc giới thiệu, chuyển giao và xây dựng chính sách thúc đẩy nhân rộng quy trình sản xuất tiên tiến theo hướng thâm canh, từng bước hình thành các vùng chuyên canh hàng hoá.

Kết quả nổi bật từ phong trào liên kết phục vụ nông nghiệp và phát triển nông thôn thể hiện rõ nhất trong quá trình thực hiện các đề án cũng như nghị quyết về phát triển kinh tế của huyện. Với đề án phát triển cây cao su giai đoạn 2008 -2010, định hướng đến 2020, huyện Cam Lộ đã tập trung công tác quy hoạch, giao đất và cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất; tổ chức tốt mạng lưới khuyến nông, hướng dẫn kỹ thuật cho nông dân; đảm bảo giống chất lượng cao cho 100% diện tích trồng mới và áp dụng các chính sách bù lãi suất vay ngân hàng để khuyến khích, hỗ trợ phát triển cây cao su. Nhờ đó, tổng diện tích trồng mới đã đạt 870,83 ha, nâng diện tích cao su trên địa bàn huyện lên 2.857 ha, vượt 357 ha so với nghị quyết đề ra.

Một trong những mô hình chuyển giao KHKT vào sản xuất là chương trình sản xuất giống lạc, thử nghiệm các biện pháp canh tác lạc thích ứng với hạn hán và theo quy trình canh tác tiến bộ. Huyện đã tranh thủ nhiều nguồn đầu tư của tỉnh, dự án nước ngoài và đầu tư một phần ngân sách khá lớn để giới thiệu và chuyển giao các tiến bộ kỹ thuật vào canh tác lạc, trong đó đã thử nghiệm nhiều giống lạc tiến bộ như L14, L20, L23, L26 và đưa giống L14 vào sản xuất đại trà thay dần các giống lạc kém chất lượng. 

Đồng thời tiến hành chọn lọc, bảo tồn giống lạc chùm Cam Lộ để làm cơ sở lai tạo giống thích hợp sau này. Riêng chương trình thử nghiệm các biện pháp canh tác lạc thích ứng với điều kiện hạn hán của Hội KH&KT huyện do Quỹ Môi trường toàn cầu tài trợ thực hiện từ năm 2009 đến nay đã tạo được sự đột phá mới trong kết hợp phương thức canh tác truyền thống với các yếu tố kỹ thuật tưới tiết kiệm nước đảm bảo vừa nâng cao hiệu quả sản xuất, vừa bảo vệ và cải tạo các vùng đất bạc màu, xói mòn. Năng suất lạc bình quân vụ đông xuân vùng thí điểm từ 15 tạ/ha tăng lên trên 23 tạ/ha, cá biệt đạt 40 tạ/ ha; năng suất lạc hè thu từ 12,5 ta/ha tăng lên 22,5 tạ/ha...

Đối với cây hồ tiêu, một trong những loại cây công nghiệp dài ngày bị các đối tượng sâu bệnh gây hại nghiêm trọng nên huyện đã phối hợp với nhiều cấp, ngành tiến hành thử nghiệm nhiều biện pháp ứng dụng tiến bộ kỹ thuật cải tạo vườn tiêu và đã đem lại các kết quả khả quan ban đầu. 

Trong lĩnh vực chăn nuôi, xác định chăn nuôi đại gia súc là hướng đi quan trọng trong chiến lược phát triển của địa phương, huyện đã có đề án cải tạo và phát triển đàn bò. Theo đề án, huyện tập trung vào các giải pháp tổng hợp nhằm cải tạo chất lượng đàn bằng thụ tinh nhân tạo giống bò zebu trên nền bò vàng Việt Nam, tạo giống bò lai 2 máu có ưu điểm về thể trọng và tính thích nghi cao, từng bước thay đổi căn bản tập quán chăn nuôi thả rong, quảng canh của người dân sang hướng nuôi nhốt. 

Để giúp cho người dân vững tin trong sản xuất, thời gian gần đây, Công đoàn huyện Cam Lộ còn phối hợp triển khai nhiều hoạt động tích cực khác, tiêu biểu như phối hợp cùng Công đoàn ngành Nông nghiệp &PTNT tổ chức các lớp “Triển khai vùng an toàn dịch bệnh gia cầm”, thu hút đông đảo bà con tham gia. Tại các lớp tập huấn, người dân được hướng dẫn những kỹ thuật cơ bản để nâng cao hiệu quả chăn nuôi như kỹ thuật chọn giống, nuôi dưỡng, chăm sóc gia cầm, thủy cầm; những kỹ năng theo dõi và phát hiện dịch bệnh để khai báo với cơ quan chức năng nhằm có biện pháp xử lý kịp thời, góp phần nâng cao chất lượng ngành chăn nuôi trên địa bàn…

Ngoài ra, một số mô hình chuyển giao ứng dụng KHKT triển khai có kết quả đang được nghiên cứu thêm để nhân rộng như mô hình trồng nấm, trồng hoa; mô hình chăn nuôi lợn an toàn sinh học, nuôi thỏ, nhím.... 

Có thể khẳng định, những thành quả đạt được trên lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn của huyện Cam Lộ trong thời gian qua có sự đóng góp tích cực của đội ngũ cán bộ, CNVC, LĐ huyện thông qua phong trào liên kết phục vụ nông nghiệp và phát triển nông thôn. Đây là cơ sở để LĐLĐ huyện Cam Lộ tiếp tục đổi mới phong trào thi đua, xây dựng giai cấp công nhân vững mạnh, đồng thời củng cố khối liên minh công nhân – nông dân – trí thức, đáp ứng với yêu cầu mới, góp phần thực hiện thắng lợi mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội của địa phương.

Nguồn tin: Báo Quảng Trị

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Con số ấn tượng
69/101
Là số xã đạt chuẩn Nông thôn mới
14,5
Là số tiêu chí đạt bình quân của tỉnh
01/7 huyện đạt chuẩn nông thôn mới
(huyện Cam Lộ -đạt chuẩn năm 2019)
9 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao
(Kim Thạch, Vĩnh Thủy, Vĩnh Giang, Cam Chính, Cam Nghĩa, Cam Thành, Cam Hiếu, Triệu Đại, Triệu Trạch)
Liên kế website
Thống kê lượt truy cập
  • Đang truy cập53
  • Hôm nay1,025
  • Tháng hiện tại116,614
  • Tổng lượt truy cập8,316,911
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây