Phấn đấu đưa Cam Lộ trở thành huyện đạt chuẩn nông thôn mới đầu tiên của tỉnh Quảng Trị

Chủ nhật - 27/12/2015 19:45
Sau 5 năm triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới (NTM) giai đoạn 2010-2015, huyện Cam Lộ (Quảng Trị) đã tập trung đầu tư nguồn lực để tổ chức sản xuất, tạo bước đột phá về chuyển dịch cơ cấu kinh tế, nâng cao hiệu quả sản xuất nông nghiệp và thu nhập cho nhân dân, làm cho diện mạo NTM không ngừng phát triển khởi sắc.
Phát triển diện tích cây hồ tiêu ở Cam Lộ
Phát triển diện tích cây hồ tiêu ở Cam Lộ
Tính đến thời điểm này, tuy chưa có xã nào trên địa bàn huyện đạt chuẩn NTM, nhưng với cách tiếp cận phù hợp không chạy theo hoàn thành từng tiêu chí một của chương trình mà chú trọng tính bền vững là tạo việc làm, nâng cao thu nhập và đời sống của nông dân, từ đó huy động sức dân chung tay xây dựng NTM, nên NTM huyện Cam Lộ chuyển biến tích cực, phấn đấu về đích sớm, trở thành huyện đạt chuẩn NTM đầu tiên của tỉnh Quảng Trị vào năm 2018. 

Để tập trung nguồn lực đầu tư, hỗ trợ các xã làm mô hình điểm xây dựng NTM, huyện Cam Lộ chọn xã Cam Thủy là xã điểm NTM của tỉnh, 2 xã điểm NTM của huyện là Cam An và Cam Nghĩa. Huyện ủy, UBND huyện có cơ chế đặc thù, chính sách ưu tiên trong đầu tư nguồn lực và huy động đóng góp tại các xã điểm; đồng thời chỉ đạo các xã trong huyện tập trung huy động nguồn lực, đóng góp công sức, hiến đất, hiến cây, hiến công, hiến kế xây dựng NTM. 

Trên cơ sở đó, Ban chỉ đạo xây dựng NTM các địa phương tổ chức thực hiện một cách toàn diện và có chiều sâu, tạo phong trào thi đua trong nhân dân, huy động nhiều nguồn lực từ các chương trình dự án, các doanh nghiệp, hợp tác xã, lực lượng vũ trang và người dân nông thôn tham gia xây dựng cơ sở hạ tầng, đổi thửa dồn điền, cải tạo đồng ruộng, chỉnh trang nông thôn, đẩy mạnh phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập, xóa nhà tạm, xóa đói giảm nghèo. 

Với phương châm “làm điểm nhân diện”, nhiều xã có mô hình hay, cách làm sáng tạo và hiệu quả như các xã Cam Thủy, Cam An, Cam Nghĩa vận động người dân di dời mồ mả ra khỏi khu dân cư và nơi sản xuất, đổi thửa dồn điền kết hợp cải tạo đồng ruộng; tổ chức cắm mốc giải phóng mặt bằng mở rộng nền đường, xây dựng hệ thống giao thông, kênh mương nội đồng, chỉnh trang đồng ruộng, chỉnh trang nông thôn; quy hoạch khu chăn nuôi tập trung ra khỏi khu dân cư, đưa điện ra ngõ thắp sáng đường quê… 

Bên cạnh đó, các xã còn chủ động phối hợp ký giao ước với các đơn vị lực lượng vũ trang và một số doanh nghiệp trên địa bàn nhằm giúp đỡ địa phương xây dựng NTM về ngày công lao động, kinh phí, thu mua nông sản, bảo vệ an ninh trật tự thôn, xóm. Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị- xã hội cũng tích cực vận động thành viên, hội viên thực hiện cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư” gắn với xây dựng NTM; tham gia chương trình xây dựng NTM bằng các phong trào thiết thực như: Phụ nữ với chương trình “5 không, 3 sạch”, “Phụ nữ chung sức xây dựng NTM”; Nông dân với chương trình xóa đói giảm nghèo; Đoàn Thanh niên với chương trình Con đường thanh niên tự quản, chương trình Thắp sáng đường quê… 

Với sự nỗ lực chung của toàn huyện, Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM ở Cam Lộ đã huy động nguồn lực 1.425 tỷ đồng xây dựng NTM, trong đó ngân sách nhà nước lồng ghép 695,9 tỷ đồng, chiếm 48,84%; nhân dân đóng góp 226,5 tỷ đồng, chiếm 15,9%; nguồn lực khác 502,5 tỷ đồng, chiếm 35,26%. Đến nay, kết cấu hạ tầng kinh tế- xã hội trên địa bàn huyện Cam Lộ được đầu tư tương đối đồng bộ, tổng số tiêu chí NTM đạt được là 118/152 tiêu chí, đạt 77,6% và tổng số chi tiêu đạt được 246/312 chỉ tiêu, đạt 78,85%. Bình quân mỗi xã đạt 15 tiêu chí NTM, mỗi năm tăng 2,34 tiêu chí/xã. 

Nhận thức sâu sắc việc nâng cao thu nhập cho người dân nông thôn có ý nghĩa quyết định đến tiến độ và chất lượng xây dựng NTM, UBND huyện, Ban chỉ đạo xây dựng NTM huyện Cam Lộ đã tập trung chỉ đạo nhân rộng mô hình chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi có hiệu quả, quy hoạch nhiều vùng chuyên canh tập trung, phát triển mạnh kinh tế hợp tác, kinh tế trang trại, gia trại, đặc biệt là tiếp tục thực hiện 4 đề án phát triển nông nghiệp của huyện, gồm: Phát triển cây cao su; Nâng cao hiệu quả kinh tế vùng lạc; Thí điểm phục hồi vườn tiêu; Cải tạo và phát triển đàn bò. 

Bên cạnh đó, huyện tổ chức khảo nghiệm một số loại giống có năng suất và chất lượng cao đưa vào sản xuất, đưa tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất và phòng trừ dịch bệnh, liên kết với doanh nghiệp gắn sản xuất với chế biến, tiêu thụ, nâng cao giá trị nông sản. Nhờ đó, thu nhập bình quân đầu người khu vực nông thôn không ngừng được nâng lên, ước đạt 20 triệu đồng/người/năm, đạt và vượt kế hoạch đề ra. 

Nhiều xã đã tập trung chỉ đạo thực hiện các đề án phát triển nông nghiệp của huyện rất hiệu quả như Cam Tuyền, Cam Chính, Cam Nghĩa, Cam Hiếu… Thông qua tổ chức lại sản xuất đã xuất hiện trên 200 mô hình sản xuất trình diễn với tổng vốn ngân sách hỗ trợ khoảng 3,5 tỷ đồng, đem lại năng suất, thu nhập cao hơn trước từ 15-40%. Có nhiều mô hình nhân ra diện rộng hiệu quả cao như trồng cỏ nuôi bò thâm canh, mô hình trồng mới và phục hồi vườn tiêu... Đến nay, toàn huyện có 7/8 xã đạt tiêu chí thu nhập, 8/8 xã đạt tiêu chí việc làm, 4/8 xã đạt tiêu chí hộ nghèo, 6/8 xã đạt tiêu chí nhà ở dân cư. Tỷ lệ hộ nghèo nông thôn năm 2015 là 6,1%, giảm 12% so với năm 2010, bình quân giảm 2,5%/năm. 

Kinh tế chuyển dịch đúng hướng, đời sống nhân dân không ngừng cải thiện nên lĩnh vực văn hóa, xã hội phát triển tích cực. Cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư” gắn với xây dựng NTM đã động viên, khơi dậy trong các tầng lớp nhân dân tinh thần đoàn kết giúp đỡ nhau phát triển kinh tế, chung sức xây dựng NTM, xây dựng gia đình văn hóa, môi trường văn hóa. Năm 2015 có 47% làng, bản văn hóa đạt chuẩn về cơ sở vật chất văn hóa; 92% gia đình đạt danh hiệu gia đình văn hóa; 8/8 xã đạt tiêu chí văn hóa NTM. An ninh trật tự xã hội ở các xã giữ vững ổn định. Hệ thống chính trị từ huyện đến cơ sở được củng cố, tăng cường nâng cao chất lượng, hiệu lực, hiệu quả hoạt động, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới. 

Những thành tựu đạt được, nhất là mô hình, cách làm hay trong tổ chức lại sản xuất nông nghiệp, nâng cao thu nhập và xóa đói giảm nghèo, huy động nguồn lực xây dựng NTM thời gian qua chính là tiền đề quan trọng để Cam Lộ nỗ lực phấn đấu đạt chuẩn huyện NTM năm 2018, xây dựng nông thôn Cam Lộ phát triển giàu đẹp. 

Nguồn tin: Báo Nông nghiệp Việt Nam

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Con số ấn tượng
69/101
Là số xã đạt chuẩn Nông thôn mới
14,5
Là số tiêu chí đạt bình quân của tỉnh
01/7 huyện đạt chuẩn nông thôn mới
(huyện Cam Lộ -đạt chuẩn năm 2019)
9 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao
(Kim Thạch, Vĩnh Thủy, Vĩnh Giang, Cam Chính, Cam Nghĩa, Cam Thành, Cam Hiếu, Triệu Đại, Triệu Trạch)
Liên kế website
Thống kê lượt truy cập
  • Đang truy cập129
  • Hôm nay16,313
  • Tháng hiện tại90,292
  • Tổng lượt truy cập8,183,828
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây