Nông dân Cam Lộ thi đua xây dựng nông thôn mới

Thứ ba - 27/09/2016 04:09
Những năm qua, bằng những việc làm cụ thể, Hội Nông dân huyện Cam Lộ (Quảng Trị) đã tham gia ý kiến trong quy hoạch, chỉnh trang nông thôn, tổ chức sản xuất, chuyển dịch cơ cấu kinh tế, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi theo hướng nâng cao giá trị gia tăng, tạo việc làm, cải thiện thu nhập và nâng cao đời sống cho người dân nông thôn.
Nông dân Cam Lộ hưởng ứng phong trào xây dựng nông thôn mới
Nông dân Cam Lộ hưởng ứng phong trào xây dựng nông thôn mới
Thực hiện phương châm “Nhà nước và nhân dân cùng làm”, các cấp hội đã vận động hội viên tích cực tham gia hàng ngàn ngày công, đóng góp hàng trăm triệu đồng để xây dựng và sửa chữa các công trình công cộng, bê tông hoá đường giao thông, kênh mương nội đồng phục vụ tốt cho việc sản xuất, đi lại, sinh hoạt của nông dân. Các chi hội nông dân ở một số xã như Cam Thủy, Cam An, Cam Nghĩa... đã vận động hội viên hiến đất làm trường mẫu giáo, mở rộng các trục đường giao thông nông thôn, di dời mồ mả cải tạo đồng ruộng, cải tạo vườn tạp, chỉnh trang làng xóm. Phong trào hiến đất, hiến cây, hiến tài sản để phục vụ xây dựng nông thôn mới lan rộng ở nhiều địa phương. Xuất hiện nhiều cá nhân, hội viên tiêu biểu hiến đất, hiến công để xây dựng các công trình cơ sở hạ tầng, thiết chế văn hóa, đường giao thông nông thôn vì lợi ích của cộng đồng.
 
Nét nổi bật trong phong trào thi đua yêu nước, chung sức xây dựng nông thôn mới của nông dân Cam Lộ là đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững. Từ phong trào này ngày càng có nhiều gương nông dân dám nghĩ, dám làm, đưa khoa học kỹ thuật và công nghệ tiên tiến vào sản xuất, nâng cao giá trị kinh tế trên một đơn vị diện tích, xây dựng các trang trại, gia trại có giá trị kinh tế cao và giúp những người khác cách làm ăn, ổn định cuộc sống. Trên lĩnh vực sản xuất nông nghiệp, hội viên nông dân đã chú trọng phát triển nông nghiệp toàn diện, bền vững theo hướng đa dạng, phát huy thế mạnh từng vùng, liên kết xây dựng các vùng chuyên canh để sản xuất hàng hóa. 

Đối với vùng lúa ở Cam An, Cam Thanh, Cam Thủy, Cam Hiếu..., hội đã vận động hội viên đầu tư thâm canh, đưa cơ giới vào đồng ruộng, hình thành vùng chuyên canh giống chất lượng cao, đảm bảo an ninh lương thực, nâng cao hiệu quả kinh tế. Các diện tích đất lúa thiếu nước tưới chuyển sang trồng cây trồng cạn, hoa màu để tái cơ cấu sản xuất nông nghiệp ứng phó với biến đổi khí hậu. Thực tiễn chỉ đạo sản xuất chuyển đổi cây trồng cạn trên đất lúa thiếu nước thời gian qua ở Cam Lộ mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn nhiều so với trồng lúa, vừa ứng phó tốt với khô hạn. 

Đối với vùng gò đồi, vùng đất đỏ ba dan ở Cam Chính, Cam Nghĩa, Cam Thành có khả năng phát triển cây công nghiệp dài ngày và trồng rừng. Hội Nông dân đã bám sát các nghị quyết chuyên đề, đề án về phát triển cây cao su, hồ tiêu của huyện, vận động nông dân mở rộng diện tích trồng cao su, xây dựng các mô hình vườn tiêu sạch bệnh có năng suất cao, mở rộng các trang trại, gia trại nông-lâm kết hợp. Đến nay, toàn huyện phát triển được 350 ha hồ tiêu và hơn 4.200 ha cao su. Nhiều hộ nông dân đã trồng được 1 đến 2 ha cao su và hồ tiêu kết hợp với đưa chăn nuôi ra xa khu dân cư góp phần bảo vệ môi trường, cho thu nhập hàng năm lên đến hàng trăm triệu đồng. Ngoài ra, hội còn xây dựng các mô hình sản xuất trồng ngô vụ đông, trồng đậu vụ hè thu, trồng rau sạch... mang lại hiệu quả kinh tế cao, vừa khai thác tốt tiềm năng đất đai, không bỏ hoang đất. 

Đặc biệt, với đề án nâng cao hiệu quả vùng lạc, hội vận động nông dân áp dụng KHKT vào sản xuất, đưa giống lạc mới L14 vào sản xuất đại trà, thay dần các giống lạc kém chất lượng, bảo tồn và khôi phục những ưu thế lai của lạc chùm Cam Lộ, áp dụng các biện pháp luân canh, xen canh, tưới tiết kiệm nước, phòng trừ dịch hại tổng hợp hiệu quả kinh tế cao. Hiện tại, nông dân Cam Lộ đang tổng kết nhân rộng mô hình trồng lạc xen sắn, lạc xen sắn, ngô; mô hình trồng lạc thịt vụ đông xuân- lạc giống vụ hè thu- ngô vụ đông cho hiệu quả kinh tế cao gấp 2- 3 lần trồng lạc một vụ còn một vụ để hoang đất vì khô hạn như trước đây. Mô hình lạc xen sắn sau khi thu hoạch lạc thì cây sắn phát triển các tháng còn lại trong năm không để hoang đất, vừa có thêm nguồn thu từ sắn, vừa có độ che phủ chống bạc màu đất vì khô hạn. Bên cạnh trồng trọt, chăn nuôi cũng được phát triển theo hướng nâng cao chất lượng đàn gia súc và đa dạng hoá các loại vật nuôi. Sau khi có đề án “Cải tạo và phát triển đàn bò” của huyện, Hội Nông dân đã vận động hội viên thay đổi tập quán từ chăn thả sang chăn nuôi nhốt. Mô hình trồng cỏ nuôi bò thâm canh, bán thâm canh được phát triển, tốc độ lai sind đàn bò tăng nhanh đáng kể, chiếm 54,6% tổng đàn bò của huyện. Nhiều hộ trước đây chỉ chăn nuôi theo dạng nhỏ lẻ 1 đến 2 con để tận dụng thức ăn sẵn có là chủ yếu, nay đã vay vốn đầu tư trồng cỏ, thụ tinh nhân tạo cải tạo con giống, mở rộng chuồng trại chăn nuôi từ 5 đến 10 con. Hiện nay mô hình trồng cỏ nuôi bò thâm canh được nhân rộng ra toàn huyện. 

Để giúp nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi và giảm nghèo bền vững, các cấp Hội Nông dân huyện đã làm tốt các hoạt động dịch vụ hỗ trợ nông dân. Hàng năm phối hợp với các ngành liên quan tổ chức từ 60 - 70 lớp tập huấn về kỹ thuật chăn nuôi bò thâm canh, chăn nuôi lợn, nuôi gà thả vườn, nuôi cá, kỹ thuật làm giống lúa, lạc, hồ tiêu, cao su, trồng nấm, trồng rừng... Hội Nông dân huyện còn hướng dẫn cho nông dân xây dựng nhiều mô hình sản xuất có hiệu quả như mô hình trồng ngô đông ở thị trấn Cam Lộ, trồng đậu xanh vụ hè thu ở Cam Hiếu, lạc xen sắn ở Cam Tuyền, lúa - cá, nuôi nhím, lợn rừng, dê, chim bồ câu... Chỉ tính trong 3 năm trở lại đây, Hội Nông dân huyện đã xây dựng hơn 10 mô hình phát triển kinh tế hiệu quả, được nhân rộng và trở thành phong trào thi đua rộng khắp trong toàn huyện. Qua phong trào thi đua đã xuất hiện các tập thể và nhiều hộ nông dân tiêu biểu đã tận dụng và phát huy những lợi thế tiềm năng sẵn có ở địa phương, luôn suy nghĩ tìm tòi, áp dụng các phương thức sản xuất mới, ứng dụng các tiến bộ khoa học công nghệ vào sản xuất, kinh doanh. Toàn huyện có gần 2.500 hộ sản xuất, kinh doanh, dịch vụ giỏi các cấp. 

Từ phong trào thi đua yêu nước, chung sức xây dựng nông thôn mới, nông dân Cam Lộ đã nỗ lực vượt qua khó khăn, thách thức, đóng góp sức lực, trí tuệ của mình sự phát triển của quê hương. Chính họ đã góp phần làm cho phong trào thi đua của huyện ngày càng phát triển, lan tỏa cả bề rộng và chiều sâu, góp phần tích cực vào việc thực hiện thắng lợi mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội của địa phương. 

Nguồn tin: Báo Quảng Trị

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Con số ấn tượng
69/101
Là số xã đạt chuẩn Nông thôn mới
14,5
Là số tiêu chí đạt bình quân của tỉnh
01/7 huyện đạt chuẩn nông thôn mới
(huyện Cam Lộ -đạt chuẩn năm 2019)
9 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao
(Kim Thạch, Vĩnh Thủy, Vĩnh Giang, Cam Chính, Cam Nghĩa, Cam Thành, Cam Hiếu, Triệu Đại, Triệu Trạch)
Liên kế website
Thống kê lượt truy cập
  • Đang truy cập128
  • Hôm nay12,576
  • Tháng hiện tại86,555
  • Tổng lượt truy cập8,180,091
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây