Nỗ lực xây dựng nông thôn mới ở Triệu Nguyên

Thứ hai - 17/10/2016 03:19
Là một xã vùng cao, Triệu Nguyên (huyện Đakrông, Quảng Trị) xác định rõ muốn thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới (NTM) trước hết phải cải thiện đời sống của người dân. Do vậy, xã đã tranh thủ các chương trình, dự án đầu tư cho phát triển sản xuất trên địa bàn để phát triển kinh tế địa phương.
Sản xuất lạc ở xã Triệu Nguyên, Đakrông
Sản xuất lạc ở xã Triệu Nguyên, Đakrông
Trong năm 2015, từ nguồn vốn phát triển sản xuất của Chương trình 135, xã đã hỗ trợ 13 con giống lợn thịt F1 và trên 383 kg thức ăn chăn nuôi cho 6 hộ dân có hoàn cảnh khó khăn tại thôn Vạn Na Nẫm, hướng dẫn thêm cho các hộ dân về kỹ thuật chăn nuôi, cách xây dựng chuồng trại. Từ nguồn lợn giống được hỗ trợ, những hộ gặp khó khăn về kinh tế đã chủ động phát triển các mô hình chăn nuôi, trồng trọt nâng cao chất lượng cuộc sống của gia đình. Hay từ 85 triệu đồng của nguồn vốn Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững, xã Triệu Nguyên đã chọn lựa các hộ phù hợp để xây dựng mô hình nuôi dê nhốt chuồng đang đem lại kết quả khả quan. Theo đó, trên cơ sở đàn dê sẵn có tại địa phương nhưng chăn nuôi theo hình thức thả rông truyền thống, địa phương đã sử dụng nguồn vốn trên để hỗ trợ thêm về con giống cho các hộ, đồng thời hướng dẫn thêm về kỹ thuật chăn nuôi, cách xây dựng chuồng trại..., thành lập tổ hợp tác nuôi dê nhốt chuồng với 5 hộ tham gia. Hiện nay, toàn bộ đàn dê của tổ hợp tác đang sinh trưởng và phát triển tốt, đây là mô hình kinh tế khá phù hợp với điều kiện địa phương, có thể nhân rộng trong thời gian tới.
 
Bên cạnh sự hỗ trợ từ cấp trên, chính quyền địa phương cũng có chính sách khuyến khích người dân chủ động phát triển các mô hình kinh tế phù hợp để nâng cao thu nhập. Nhờ vậy, trong thời gian qua, nhiều mô hình chăn nuôi hiệu quả đã hình thành, mang lại nguồn thu nhập khá cao cho người dân. Tiêu biểu như mô hình chăn nuôi trâu sinh sản của hộ ông Ngô Xuân Quang, thôn Xuân Lâm, mỗi năm thu nhập từ 60-70 triệu đồng. Mô hình nuôi ong lấy mật của tổ hợp tác Rừng Lá Ngàn tại thôn Na Nẫm do Hội Nông dân thành lập từ đầu năm 2014. Hiện tổ hợp tác đang nuôi trên 40 đàn ong, sản lượng mật lấy được đạt từ 15-16 lít/tháng, theo giá thị trường hiện nay mỗi lít mật ong bán với giá từ 300-350 ngàn đồng, mô hình đã đem lại nguồn thu nhập khá cao cho các thành viên tổ hợp tác. 

Trên lĩnh vực trồng trọt, xã Triệu Nguyên đã có bước chuyển đổi cơ cấu cây trồng phù hợp, các loại giống lúa, ngô, lạc, đậu xanh của địa phương đã thoái hóa đã được thay thế bằng các loại giống cây trồng mới có phẩm cấp tốt, tạo ra năng suất, sản lượng, giá trị cao hơn trên thị trường. Trong phát triển rừng trồng, xã cũng đang chọn lựa để xây dựng thí điểm mô hình trồng rừng thâm canh gỗ lớn và chuyển hóa rừng cung cấp gỗ nhỏ sang gỗ lớn để giúp người dân tăng thu nhập trên một đơn vị diện tích. Bên cạnh đó, nhiều ngành nghề phi nông nghiệp cũng được hình thành như dịch vụ vận tải, buôn bán, mộc, nề ... đã góp phần giải quyết việc làm, tăng thu nhập cho lao động nông thôn. 

Nhờ chú trọng phát triển kinh tế nên thu nhập của người dân đã được cải thiện rõ nét qua từng năm. Nếu năm 2011, thu nhập bình quân của xã Triệu Nguyên chỉ đạt 6,5 triệu đồng/người/năm thì đến năm 2015 thu nhập đã tăng lên trên 16,4 triệu đồng/người/năm. Tỷ lệ hộ nghèo cũng giảm từ 15,2 % (năm 2011) xuống còn 5,21% (cuối năm 2015). 

Để phục vụ sản xuất, hệ thống thủy lợi cũng từng bước được hoàn thiện. Tranh thủ các nguồn vốn từ các chương trình, dự án và sự đóng góp của nhân dân, hiện tại đã có 85% hệ thống kênh mương trên địa bàn xã được kiên cố hóa, đảm bảo tưới tiêu phục vụ sản xuất nông nghiệp. Giao thông nông thôn từng bước được hoàn thiện, các tuyến đường chính đến trung tâm xã và các thôn đã được rải nhựa và bê tông hóa. Cơ sở vật chất văn hóa được xây dựng khá hoàn thiện, cơ bản đáp ứng nhu cầu học tập và sinh hoạt của nhân dân. Nhà ở dân cư tiếp tục được xây mới và sửa chữa. Toàn xã hiện có 137/274 nhà được đánh giá đạt chuẩn của Bộ Xây dựng, không còn nhà tạm bợ, dột nát. Công tác chăm sóc sức khỏe ban đầu cho nhân dân được quan tâm thực hiện, tỷ lệ người dân tham gia BHYT đạt trên 75%; 100% hộ dân sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh. Tình hình chính trị xã hội của địa phương luôn ổn định, an ninh trật tự đảm bảo. Nhận thức về Chương trình xây dựng NTM trong cán bộ, đảng viên và nhân dân được nâng lên, tư tưởng trông chờ, ỷ lại trong việc thực hiện các tiêu chí đã giảm đáng kể. Phong trào thi đua xây dựng NTM được thúc đẩy thực hiện mạnh mẽ từ xã đến thôn, thu hút sự hăng hái tham gia của đông đảo người dân, nhiều hộ tuy cuộc sống còn khó khăn nhưng vẫn tự nguyện hiến hàng trăm mét vuông đất để mở rộng đường giao thông nông thôn. 

Sau hơn 5 năm nỗ lực phấn đấu, đến nay xã Triệu Nguyên đã đạt được 10/19 tiêu chí xây dựng NTM, diện mạo vùng quê nơi thung lũng Ba Lòng có nhiều khởi sắc. Với sự nỗ lực phấn đấu của một xã vùng núi khó khăn, thuần nông thì Triệu Nguyên xứng đáng là điểm sáng trong phong trào xây dựng NTM của địa phương. Đây chính là tiền đề quan trọng để xã tiếp tục khắc phục khó khăn, sớm về đích trong chương trình xây dựng NTM . 

Đối với một xã miền núi, để hoàn thành các tiêu chí trong chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM là điều không dễ thực hiện do những nét đặc thù như trình độ dân trí thấp; địa hình không bằng phẳng, bị chia cắt bởi núi rừng, sông suối; sản xuất còn nhỏ lẻ, kỹ thuật lạc hậu... Do vậy, để xây dựng thành công chương trình NTM tại các xã miền núi đòi hỏi quá trình phấn đấu lâu dài của mỗi địa phương. Bên cạnh việc huy động nội lực của địa phương, sự hỗ trợ từ cấp trên, thiết nghĩ cần có thêm chế độ đặc thù để khuyến khích các xã miền núi đẩy mạnh xây dựng NTM như tăng cường sự hỗ trợ về giống cây trồng, vật nuôi có chất lượng cao, hình thành các vùng sản xuất tập trung theo hướng trang trại, gia trại. Cần có thêm chính sách về vốn, KHKT để nâng cao năng lực sản xuất, kinh doanh cho các HTX, THT, mô hình sản xuất mới... nhằm hỗ trợ người dân trong chuỗi giá trị từ sản xuất đến tiêu thụ nông, lâm sản. 

Nguồn tin: Báo Quảng Trị

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Con số ấn tượng
69/101
Là số xã đạt chuẩn Nông thôn mới
14,5
Là số tiêu chí đạt bình quân của tỉnh
01/7 huyện đạt chuẩn nông thôn mới
(huyện Cam Lộ -đạt chuẩn năm 2019)
9 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao
(Kim Thạch, Vĩnh Thủy, Vĩnh Giang, Cam Chính, Cam Nghĩa, Cam Thành, Cam Hiếu, Triệu Đại, Triệu Trạch)
Liên kế website
Thống kê lượt truy cập
  • Đang truy cập102
  • Hôm nay10,354
  • Tháng hiện tại81,157
  • Tổng lượt truy cập8,174,693
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây