Những vấn đề đặt ra trong xây dựng nông thôn mới

Thứ ba - 30/08/2016 22:24
Sau hơn 5 năm triển khai thực hiện, chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới (NTM) thật sự là một “luồng gió mới” thổi vào các làng quê trong tỉnh Quảng Trị. Tuy nhiên, đối với những xã vùng khó, triển khai xây dựng NTM vẫn gặp rất nhiều khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện.
Nghề hấp sấy cá ở xã Gio Việt (Gio Linh)
Nghề hấp sấy cá ở xã Gio Việt (Gio Linh)
Loay hoay với tiêu chí thu nhập, hộ nghèo 

Là một trong 8 xã được tỉnh chọn điểm để xây dựng NTM, đến nay xã Mò Ó (Đakrông) đã đạt được 9/19 tiêu chí. Nhưng theo ông Hồ Văn Do, Chủ tịch UBND xã Mò Ó thì để đưa địa phương “về đích” trong xây dựng NTM vẫn còn rất nhiều khó khăn, thử thách, đặc biệt là 2 tiêu chí thu nhập và hộ nghèo. Từ năm 2011 đến nay, địa phương đã huy động được trên 28,8 tỷ đồng từ các nguồn vốn đầu tư của nhà nước lồng ghép với các chương trình, dự án để thực hiện xây dựng NTM. Trong đó dành riêng trên 1,7 tỷ đồng hỗ trợ phát triển sản xuất, nâng cao mức sống cho người dân và trên 27,1 tỷ đồng tập trung xây dựng cơ sở hạ tầng như giao thông, thủy lợi, điện, trường học, y tế, môi trường, nhà ở, cơ sở vật chất văn hóa... Từ đó, đã có nhiều mô hình sản xuất mới hình thành, dần thay thế cho các phương thức canh tác, chăn nuôi truyền thống của địa phương. Chẳng hạn như các mô hình: chăn nuôi gà, bò, dê; trồng sả nguyên liệu lấy tinh dầu; trồng cao su tiểu điền... Đi đôi với xây dựng nhiều mô hình kinh tế mới, xã cũng đã phối hợp với các đơn vị liên quan thực hiện chuyển giao KHKT đến mỗi người dân, tăng cường công tác tập huấn, đào tạo nghề nhằm nâng cao trình độ cho lao động nông thôn, nhất là đồng bào dân tộc ít người. Dù đã có nhiều nỗ lực trong phát triển sản xuất, giảm nghèo và an sinh xã hội nhưng đến nay xã Mò Ó vẫn chưa đạt tiêu chí về thu nhập và hộ nghèo. Tính đến cuối năm 2015, tỷ lệ hộ nghèo toàn xã còn chiếm trên 39,2%, thu nhập bình quân đầu người chỉ đạt trên 10 triệu đồng/năm.
 
Một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên là do việc áp dụng các tiến bộ KHKT vào sản xuất còn hạn chế, tập quán sản xuất theo hình thức quảng canh còn phổ biến, năng suất hiệu quả sản xuất trong trồng trọt và chăn nuôi chưa cao. Một số mô hình mới khi triển khai mặc dù phù hợp với điều kiện địa phương nhưng do người dân chưa chủ động đầu tư tái sản xuất và nhân rộng nên hiệu quả đem lại thấp. Khả năng tiếp thu, áp dụng các tiến bộ KHKT còn chậm do trình độ dân trí của một bộ phận người dân còn hạn chế. Thu nhập người dân ở mức thấp, tỷ lệ hộ nghèo cao nên việc thực hiện các tiêu chí về hạ tầng của xã Mò Ó cũng gặp nhiều vướng mắc dù địa phương đã thực hiện lồng ghép từ nhiều nguồn vốn khác nhau. Theo quy định, để được công nhận đạt tiêu chí giao thông, địa phương phải đạt 80% số ki lô mét đường giao thông được bê tông, cứng hóa. Do đời sống người dân còn khó khăn nên khả năng huy động nguồn lực để hoàn thiện các hệ thống đường giao thông nông thôn còn hạn chế, chủ yếu dựa vào sự đầu tư của nhà nước và các chương trình, dự án. 

Ngổn ngang những nỗi lo 

Nếu các xã miền núi gặp khó khăn trong xây dựng NTM do trình độ dân trí, điều kiện địa lý, tập quán canh tác... thì với các xã bãi ngang ven biển, để “về đích” trong xây dựng NTM vẫn còn ngổn ngang những nỗi lo, nhất là từ sau sự cố ô nhiễm môi trường biển. Chịu tác động mạnh nhất là các tiêu chí như thu nhập, tỷ lệ lao động có việc làm thường xuyên và hộ nghèo. Cùng với đó là hàng loạt các tiêu chí cần sự đóng góp của sức dân như: giao thông, thủy lợi, cơ sở vật chất văn hóa...cũng rất khó thực hiện thành công. Đây là một trong những nguyên nhân kéo dài thời gian “về đích” trong xây dựng NTM của các xã vùng biển trên địa bàn tỉnh. 

Là một xã bãi ngang ven biển, để thực hiện chương trình xây dựng NTM, thời gian qua xã Gio Việt (Gio Linh) đã có nhiều sự nỗ lực. Song song với việc đẩy mạnh khai thác, đánh bắt hải sản, xã đã đẩy mạnh các hoạt động thu mua, chế biến thủy sản, nhất là nghề phơi cá khô xuất khẩu để nâng cao thu nhập cho người dân. Toàn xã hiện có 79 lò hấp sấy cá, bình quân mỗi lò giải quyết việc làm cho từ 10-15 lao động. Có 109 tàu thuyền đánh bắt hải sản với tổng công suất 15.661CV, trong đó tàu công suất trên 90 CV 50 chiếc. Thu nhập bình quân đầu người cuối năm 2015 đạt 22,5 triệu đồng, dự kiến trong năm 2016 phấn đấu đạt 28 triệu đồng/người/năm. Đến đầu năm 2016, xã Gio Việt đã đạt 14/19 tiêu chí xây dựng NTM. Tuy nhiên, từ sau khi sự cố ô nhiễm môi trường biển xảy ra, trong một thời gian dài các tàu thuyền của địa phương không thể ra khơi, kéo theo các dịch vụ hậu cần nghề cá bị ảnh hưởng. Trong 6 tháng đầu năm 2016, địa phương chỉ khai thác được 1.362 tấn thủy sản, đạt trên 36% kế hoạch năm, giảm 14,5% so với cùng kỳ năm trước. Thu nhập của những lao động dựa vào nghề biển biển bị ảnh hưởng nặng nề, rất ít lao động tìm được nghề phụ thay thế, hoặc nếu có thì công việc còn bấp bệnh, thu nhập thấp. Bên cạnh đó, vấn đề giải quyết việc làm cho các tiểu thương cũng trở thành bài toán khó đối với địa phương, ước tính thiệt hại trong kinh doanh, buôn bán thủy sản từ đầu năm đến nay khoảng 30 tỷ đồng. Khi tỷ lệ lao động có việc làm thường xuyên giảm mạnh thì thu nhập trung bình sẽ hạ thấp. Như một chuỗi dây chuyền, tỷ lệ hộ nghèo của xã có xu hướng tăng trở lại, tỷ lệ hộ cận nghèo có nguy cơ tái nghèo cũng khá cao. 

Ông Nguyễn Thanh Thương, Chủ tịch UBND xã Gio Việt cho biết, bên cạnh việc khó khăn trong quá trình hoàn thành các tiêu chí xây dựng NTM, việc giữ gìn bền vững các tiêu chí đã đạt cũng rất khó. Chẳng hạn như tiêu chí về giáo dục, việc huy động trẻ đến trường sẽ gặp khó khăn, nhất là đối với bậc mầm non. Năm học 2016-2017, địa phương dự kiến sẽ huy động khoảng 270 trẻ em đến trường đúng độ tuổi. Song trước tình hình đang khó khăn như hiện nay, để huy động đủ số lượng cháu theo kế hoạch đặt ra sẽ khó thực hiện do nhiều gia đình sẽ giữ trẻ ở nhà để tiết kiệm chi phí thay vì cho đến lớp. Việc huy động nguồn lực trong dân để thực hiện các tiêu chí như giao thông nông thôn, trường học, cơ sở vật chất văn hóa... cũng không dễ thực hiện. Trong lúc đó, đến nay địa phương vẫn còn 18.000 m đường giao thông nông thôn vẫn chưa được kiên cố hóa. Theo tìm hiểu của chúng tôi, những khó khăn của xã Gio Việt cũng là khó khăn chung của các xã ven biển bãi ngang trên địa bàn tỉnh, nhất là sau sự cố ô nhiễm môi trường biển thời gian qua. 

Đâu là giải pháp khả thi? 

Xây dựng NTM là một chương trình mục tiêu quốc gia thực hiện lâu dài, đòi hỏi các địa phương phải có lộ trình rõ ràng, cụ thể. Thiết nghĩ, để khắc phục những khó khăn, đối với các xã miền núi nên xác định rõ mục tiêu phù hợp với điều kiện địa phương để tạo động lực vươn lên, từng bước vượt qua tâm lý ỷ lại, thụ động, trông chờ hoàn toàn vào sự hỗ trợ của nhà nước. Đồng thời, cũng cần có những điều chỉnh về cách làm, cơ chế chính sách để thực sự đảm bảo vai trò chủ thể của người dân nông thôn và cộng đồng, nhất là đồng bào dân tộc thiểu số trong xóa đói giảm nghèo, xây dựng NTM, hướng tới sự phát triển hài hòa, bền vững. Song song với đó, các xã cần chú trọng đến công tác rà soát, đánh giá kết quả các dự án hỗ trợ phát triển sản xuất của các chương trình đã đầu tư ở miền núi. Tăng cường hơn nữa công tác tuyên truyền bằng nhiều hình thức khác nhau đến mọi tầng lớp nhân dân về chương trình xây dựng NTM, qua đó từng bước giúp người dân chủ động, tự tin làm chủ, tự giác tham gia xây dựng NTM. Cần xây dựng cơ chế khen thưởng, động viên, tạo điều kiện để khơi dậy và phát huy tinh thần chủ động vươn lên của người dân vùng khó khăn. 

Đối với các xã vùng biển, các địa phương cần quan tâm đẩy mạnh xuất khẩu lao động để tạo việc làm cho thanh niên. Nhằm khuyến khích ngư dân tiếp tục ra khơi bám biển, các cấp, ngành liên quan cần quan tâm thực hiện khoanh nợ, giản nợ để các ngư dân vay vốn đóng tàu thuyền đánh bắt xa bờ, đồng thời có cam kết kiểm định đảm bảo chất lượng thủy sản, tạo điều kiện thuận lợi trong tiêu thụ sản phẩm của ngư dân. Cần có thêm các chế độ ưu đãi đối với con em ngư dân đang theo học tại các trường để giảm bớt gánh nặng cho các hộ gia đình làm nghề biển. Vấn đề chuyển đổi sinh kế cho người dân vùng biển cũng cần được quan tâm đúng mức, nhất là trong việc chọn lựa những mô hình, cách làm phù hợp để phát huy hiệu quả tại các địa phương. Khi đã ổn định sinh kế, thu nhập bền vững thì việc giữ vững và hoàn thành các tiêu chí xây dựng NTM tại các xã vùng biển sẽ thực hiện thuận lợi hơn. 

Nguồn tin: Báo Quảng Trị

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Con số ấn tượng
69/101
Là số xã đạt chuẩn Nông thôn mới
14,5
Là số tiêu chí đạt bình quân của tỉnh
01/7 huyện đạt chuẩn nông thôn mới
(huyện Cam Lộ -đạt chuẩn năm 2019)
9 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao
(Kim Thạch, Vĩnh Thủy, Vĩnh Giang, Cam Chính, Cam Nghĩa, Cam Thành, Cam Hiếu, Triệu Đại, Triệu Trạch)
Liên kế website
Thống kê lượt truy cập
  • Đang truy cập126
  • Hôm nay13,517
  • Tháng hiện tại87,496
  • Tổng lượt truy cập8,181,032
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây