Đẩy mạnh công tác giảm nghèo bền vững

Thứ hai - 17/07/2017 20:52
Thực hiện các chỉ thị, nghị quyết của Đảng và Nhà nước, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Quảng Trị (khóa XVI) đã ban hành Chỉ thị số 07-CT/TU ngày 22/6/2016 về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác giảm nghèo bền vững, giai đoạn 2016- 2020. Mục đích đề ra là nhằm phát huy kết quả đạt được, khắc phục những hạn chế, tạo sự chuyển biến mới trong công tác giảm nghèo bền vững trong giai đoạn 2016-2020, nhằm mục tiêu phấn đấu hàng năm tỉ lệ hộ nghèo toàn tỉnh giảm bình quân từ 1,5-2%
Phát triển mô hình ươm giống cây hồ tiêu ở vùng Cùa, Cam Lộ
Phát triển mô hình ươm giống cây hồ tiêu ở vùng Cùa, Cam Lộ

Thực hiện các chỉ đạo của Trung ương và Tỉnh ủy, những năm qua các cấp ủy, chính quyền địa phương, Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể nhân dân, các sở, ban, ngành trong tỉnh đã xác định đây là nhiệm vụ chính trị trọng tâm nên đã tích cực vận động các tầng lớp nhân dân tham gia với quyết tâm vươn lên thoát nghèo, góp phần hoàn thành mục tiêu giảm nghèo bền vững đã đề ra. Từ đó, các cấp, ngành đã chú trọng tập trung phát triển sản xuất, ngành nghề, chuyển giao khoa học, công nghệ, hỗ trợ dạy nghề, tạo việc làm, vay vốn, xuất khẩu lao động.

 

Ưu tiên đầu tư nguồn lực cho công tác giảm nghèo ở các xã còn khó khăn, vùng ven biển bãi ngang, thực hiện các dự án giảm nghèo đặc thù, giải quyết tốt các vấn đề liên quan đến chính sách phát triển sản xuất, đất sản xuất, chính sách tín dụng ưu đãi; chỉ đạo, hướng dẫn, tổ chức tập huấn về nông- lâm- ngư nghiệp, ngành nghề nhằm tạo sinh kế ổn định, bền vững cho người nghèo. Nhờ vậy, phần lớn hộ nghèo và hộ cận nghèo trên địa bàn tỉnh trong độ tuổi lao động, có khả năng lao động đã cố gắng học nghề, học tập kinh nghiệm trong sản xuất, tự tạo việc làm để vươn lên thoát nghèo bền vững. Tỷ lệ hộ nghèo giảm từ 19,70% năm 2011 xuống còn 6,92% vào cuối năm 2015 (theo tiêu chí chuẩn nghèo đa chiều, hiện nay tỉ lệ hộ nghèo của tỉnh là 15,43%, tỉ lệ hộ cận nghèo 7,1%)… , đó là con số đáng ghi nhận trong chỉ tiêu giảm nghèo giai đoạn 2011- 2015.

 

Để thực hiện có hiệu quả công tác xóa đói giảm nghèo, các cơ quan, ban ngành có liên quan tập trung tham mưu việc thực hiện chính sách đào tạo nghề và giải quyết việc làm nhằm tăng thu nhập cho hộ nghèo và người nghèo. Ngân hàng Chính sách xã hội đảm bảo nguồn vốn để hỗ trợ. Từ nguồn vốn vay này đã giúp cho các hộ nghèo đầu tư sản xuất, kinh doanh, chăn nuôi, trồng trọt… tạo việc làm ổn định, tăng thu nhập góp phần phát triển kinh tế gia đình và địa phương. Bên cạnh đó, tỉnh triển khai thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia về việc làm và đề án “Đào tạo nghề cho lao động nông thôn”, trong đó chú trọng việc đào tạo nghề và giải quyết việc làm cho người nghèo dựa trên nhu cầu thị trường và khả năng của từng người, để có các phương pháp, đáp ứng nhu cầu thực tế, mang tính hiệu quả sau khi học nghề.

 

Trong những năm qua, tỉnh đã hỗ trợ đào tạo nghề cho hàng nghìn lao động với những nghề chủ yếu là nấu ăn, may công nghiệp, chăn nuôi gà thả vườn, trồng và chăm sóc cây tiêu, chăm sóc và khai thác mủ cao su… Người lao động sau khi được đào tạo nghề, phần lớn đã tự tạo việc làm cho mình theo nhu cầu cá nhân và hộ gia đình, số còn lại tự giải quyết việc làm ổn định tại địa phương, góp phần giảm tỷ lệ thất nghiệp đáng kể trên địa bàn tỉnh. Chính sách về dịch vụ y tế, giáo dục đã giúp cho hộ nghèo và con em của họ yên tâm trong việc học hành và khám chữa bệnh. Việc hỗ trợ tiền điện cũng mang lại ý nghĩa thiết thực, giảm bớt khó khăn cho các hộ nghèo. Ngoài ra, hộ nghèo còn được trợ giúp pháp lý, hỗ trợ vay vốn ưu đãi trong giáo dục cho học sinh, sinh viên, hỗ trợ gạo cứu đói. 100% hộ nghèo, hộ đồng bào dân tộc thiểu số được xác định vùng có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn được nhà nước hỗ trợ mức đóng thẻ bảo hiểm y tế, đầu tư cơ sở hạ tầng cho xã đặc biệt khó khăn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số …

 

Đối với chính sách hỗ trợ nhà ở cho hộ nghèo trong giai đoạn 2011 - 2015 cơ bản đã đảm bảo. Số hộ nghèo đúng đối tượng và đủ điều kiện được hỗ trợ về nhà ở trên địa bàn tỉnh giảm mức thấp nhất. Ngoài ra, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội còn phối hợp cùng các ban, ngành, hội, đoàn thể triển khai thực hiện chính sách và các dự án, mô hình như: Tạo việc làm tăng thu nhập thông qua việc hỗ trợ cây trồng, giống vật nuôi… Đồng thời, tập huấn về kỹ thuật cách chăm sóc cây trồng và con nuôi nhằm đảm bảo thực hiện dự án một cách khoa học và hiệu quả. Ngoài ra, các cấp ủy, chính quyền đã tăng cường các nguồn lực đầu tư cơ sở hạ tầng kinh tế - xã hội và dân sinh ở các địa phương còn khó khăn, vùng ven biển bãi ngang gắn với chương trình xây dựng nông thôn mới. Tổ chức tốt việc điều tra, xác định hộ nghèo, hộ cận nghèo hàng năm đảm bảo công khai, dân chủ, đúng đối tượng để có giải pháp giúp đỡ, hỗ trợ phù hợp, đúng với nhu cầu, nguyện vọng của người nghèo.

 

Rà soát, phân loại hộ nghèo theo nguyên nhân và theo từng địa bàn khu dân cư, từ đó xây dựng kế hoạch giảm nghèo bền vững theo địa chỉ và nguyên nhân nghèo. Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đã đạt được, công tác xóa đói, giảm nghèo, nhất là giảm nghèo bền vững trên địa bàn tỉnh vẫn còn nhiều khó khăn, hạn chế nhất định. Tỉ lệ hộ nghèo vẫn còn cao hơn so với mức bình quân chung của cả nước; trình độ dân trí chưa cao, thiếu kiến thức và kinh nghiệm sản xuất, tập quán sinh hoạt lạc hậu, tốc độ tăng dân số tự nhiên khá cao, điều kiện chăm lo sức khỏe ban đầu còn nhiều hạn chế dẫn đến bệnh tật thường xuyên xảy ra, chi phí cho việc điều trị khám, chữa bệnh và đi lại còn lớn nên khó có khả năng tích luỹ tái sản xuất mở rộng, thiếu vốn sản xuất, kinh doanh. Mặt khác, tư tưởng trông chờ ỷ lại, tự ty mặc cảm, chấp nhận đói nghèo vẫn còn khá phổ biến trong người dân và một số cán bộ địa phương. Năng lực tổ chức thực hiện của cán bộ cơ sở hạn chế, đội ngũ cán bộ cơ sở còn yếu và thiếu cán bộ khoa học, kỹ thuật, cơ chế chính sách hỗ trợ xoá đói giảm nghèo chưa phù hợp, thiếu đồng bộ…

 

Vì vậy, trong thời gian tới để công tác giảm nghèo bền vững đạt được kết quả cao, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân, trước hết cần tăng cường sự lãnh đạo của các cấp ủy đảng, sự điều hành, quản lý của chính quyền, Mặt trận và các đoàn thể chính trị - xã hội trong tỉnh. Tiếp tục đẩy mạnh phổ biến, tuyên truyền sâu rộng chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước về công tác giảm nghèo bền vững sâu rộng đến các tầng lớp nhân dân. Thực hiện tốt các chủ trương, chính sách hiện có, sửa đổi, bổ sung cho phù hợp với mục tiêu giảm nghèo bền vững, đặc biệt tại các vùng đặc biệt khó khăn theo hướng khai thác có hiệu quả tiềm năng, thế mạnh của từng vùng, tăng cường ứng dụng khoa học- kỹ thuật, gắn sản xuất với bao tiêu sản phẩm, giảm hỗ trợ về tiền, tăng hỗ trợ về con giống, cây giống, vật tư nông nghiệp, chuyển giao kỹ thuật, khuyến nông, khuyến lâm.

 

Tăng cường giảm nghèo bền vững theo hướng giảm tỷ lệ sản xuất nông nghiệp thông qua việc đẩy mạnh phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, dịch vụ, thương mại, nghề truyền thống gắn với bảo vệ môi trường sinh thái. Đồng thời, để nâng cao hiệu quả việc thực hiện các chính sách giảm nghèo, cần có sự tổng kết theo từng giai đoạn, nhằm bổ sung kịp thời những thay đổi cần thiết, nhất là về chuẩn nghèo, hướng tới giảm nghèo bền vững. Bên cạnh đó, quan tâm đến việc bố trí, sử dụng đội ngũ cán bộ thực hiện chương trình xóa đói, giảm nghèo, bảo đảm tính hiệu quả của chương trình, nâng cao mọi mặt đời sống của nhân dân, cũng như khẳng định tính đúng đắn và ưu việt của chính sách giảm nghèo bền vững dưới sự lãnh đạo của Đảng.

 

Tăng cường công tác tham mưu, triển khai thực hiện chương trình giảm nghèo bền vững đi đôi với tích cực kiểm tra, giám sát, quản lý chặt chẽ công tác giảm nghèo; điều tra xác định hộ nghèo, cận nghèo, không chạy theo thành tích; đảm bảo hiệu quả, tiết kiệm, tránh lãng phí, tiêu cực. Phát huy vai trò, trách nhiệm của các cơ quan, đoàn thể và đội ngũ cán bộ, đảng viên trong công tác giảm nghèo bền vững; tiếp tục thực hiện có hiệu quả phong trào “đỡ đầu hộ nghèo” để hỗ trợ đoàn viên, hội viên của mình vươn lên thoát nghèo.

 

Nguồn tin: Báo Quảng Trị

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Con số ấn tượng
69/101
Là số xã đạt chuẩn Nông thôn mới
14,5
Là số tiêu chí đạt bình quân của tỉnh
01/7 huyện đạt chuẩn nông thôn mới
(huyện Cam Lộ -đạt chuẩn năm 2019)
9 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao
(Kim Thạch, Vĩnh Thủy, Vĩnh Giang, Cam Chính, Cam Nghĩa, Cam Thành, Cam Hiếu, Triệu Đại, Triệu Trạch)
Liên kế website
Thống kê lượt truy cập
  • Đang truy cập75
  • Hôm nay17,849
  • Tháng hiện tại81,842
  • Tổng lượt truy cập8,282,139
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây