Cần tổ chức sản xuất sản phẩm OCOP theo mô hình Nông nghiệp 4.0

Thứ bảy - 01/09/2018 04:24
Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) đang được UBND tỉnh Quảng Trị, ngành Nông nghiệp quan tâm chỉ đạo triển khai thực hiện quyết liệt, coi đây là nhiệm vụ trọng tâm của việc thực hiện xây dựng nông thôn mới (NTM) và cơ cấu lại sản xuất nông nghiệp ở địa phương. Liên quan đến vấn đề này, phóng viên Báo Quảng Trị có cuộc phỏng vấn đồng chí Trần Văn Thu, Chi Cục trưởng Chi cục Phát triển Nông thôn, Phó trưởng Văn phòng Ban chỉ đạo Chương trình mục tiêu quốc gia (MTQG) xây dựng NTM tỉnh Quảng Trị.
Các sản phẩm nông nghiệp tiêu biểu của tỉnh Quảng Trị có trong Chương trình OCOP
Các sản phẩm nông nghiệp tiêu biểu của tỉnh Quảng Trị có trong Chương trình OCOP
- Thưa đồng chí! Ngay từ khi chưa được Thủ tướng phê duyệt Chương trình mỗi xã mỗi sản phẩm (OCOP), ngành Nông nghiêp Quảng Trị đã rất quan tâm, chủ động xây dựng đề án phát triển. Đề nghị đồng chí cho biết đến nay kết quả của chương trình đạt được như thế nào và đâu là những sản phẩm lợi thế của tỉnh ta?

 

- Chương trình “mỗi xã một sản phẩm” (OCOP) nhằm phát triển kinh tế khu vực nông thôn theo hướng phát triển nội lực và gia tăng giá trị. Sau khi Bộ Nông nghiệp và PTNT ban hành Quyết định số 2277/QĐ-BNN-VPĐP ngày 5/6/2017 về việc phê duyệt Đề cương “Đề án Chương trình Quốc gia mỗi xã một sản phẩm” giai đoạn 2017-2020, định hướng đến 2030 và bộ công cụ điều tra, khảo sát; văn bản số 4914/BNN-VPĐP ngày 15/6/2017 về việc xây dựng “Chương trình quốc gia mỗi xã một sản phẩm”, UBND tỉnh Quảng Trị đã giao Sở Nông nghiệp và PTNT chủ trì phối hợp với các đơn vị liên quan triển khai điều tra, khảo sát và xây dựng Chương trình OCOP trên địa bàn tỉnh.

 

Sở Nông nghiệp và PTNT đã tổ chức hội nghị tập huấn, quán triệt cho cán bộ cốt cán ở tất cả các huyện, thành phố, thị xã trong tỉnh, đồng thời tổ chức khảo sát thu thập thông tin dữ liệu báo cáo Bộ Nông nghiệp và PTNT, làm căn cứ để xây dựng đề án Chương trình OCOP toàn quốc. Kết quả điều tra, khảo sát toàn tỉnh hiện có 35 sản phẩm thế mạnh, thuộc 6 nhóm sản phẩm. Trong đó, nhóm thực phẩm có 21 sản phẩm; nhóm đồ uống có 3 sản phẩm; nhóm thảo dược có 6 sản phẩm; nhóm vải và may mặc có 1 sản phẩm; nhóm lưu niệm - nội thất - trang trí có 3 sản phẩm; nhóm dịch vụ du lịch nông thôn có 1 sản phẩm, tiêu biểu có những sản phẩm chủ lực như nước mắm, bún, bánh, cá hấp, cao dược liệu. Ngoài ra, có những sản phẩm có thế mạnh khác như cà phê, hồ tiêu, ném, gạo, dưa hấu Vĩnh Tú, tinh dầu thiên nhiên, thủy sản chế biến…Đây là những sản phẩm có lợi thế cạnh tranh trên thị trường vì đã có thương hiệu và được người tiêu dùng tin tưởng trong thời gian qua.

 

Ngày 13 và 14/7/2018, Bộ Nông nghiệp và PTNT đã tổ chức hội nghị toàn quốc triển khai chương trình OCOP. Sau khi tham dự và tiếp thu ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT Nguyễn Xuân Cường, Sở Nông nghiệp và PTNT Quảng Trị đang xây dựng dự thảo kế hoạch thực hiện Quyết định số 490/QĐ-TTg ngày 7/5/2018 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình OCOP giai đoạn 2018-2020.

 

- Vậy trọng tâm của Chương trình OCOP ở Quảng Trị nhấn mạnh đến những nội dung nào, thưa đồng chí?

 

- Trọng tâm của Chương trình OCOP là phát triển sản phẩm nông nghiệp, phi nông nghiệp, dịch vụ có lợi thế ở mỗi địa phương theo chuỗi giá trị, góp phần tái cơ cấu nền kinh tế nông thôn theo hướng phát triển nội sinh và gia tăng giá trị. Để triển khai Chương trình OCOP tỉnh Quảng Trị giai đoạn 2018-2020 đạt hiệu quả cần lưu ý những nhiệm vụ trọng tâm sau:

Xây dựng bộ máy quản lý, điều hành chương trình từ cấp tỉnh đến cấp huyện, xã. Tổ chức tập huấn cho cán bộ quản lý chương trình các cấp và chủ thể tham gia Chương trình OCOP. Áp dụng và triển khai đồng bộ các chính sách của Trung ương, địa phương về chương trình.

 

  Cần tập trung quán triệt, tuyên truyền Chương trình OCOP tỉnh Quảng Trị giai đoạn 2018- 2020 trở thành một chiến dịch truyền thông mạnh mẽ để nâng cao nhận thức cho cộng đồng, cho cấp ủy, chính quyền các cấp, đặc biệt là cán bộ chủ chốt, người đứng đầu để thống nhất trong nhận thức và sau đó mới thống nhất hành động. Đây là vấn đề hết sức quan trọng và cấp bách hiện nay, bởi nếu không hiểu, không nhận thức đầy đủ về OCOP sẽ dễ chệch hướng, nóng vội…dễ mất phong trào.

Hoàn thiện và tổ chức thực hiện nghiêm túc chu trình OCOP thường niên, trong đó xác định khâu quan trọng là đăng ký ý tưởng sản phẩm để thúc đẩy tính sáng tạo từ dưới lên (từ người dân, nhóm hộ sản xuất, doanh nghiệp, HTX).

 

Thúc đẩy, khuyến khích phát triển các tổ chức kinh tế (tập trung tái cơ cấu và thành lập mới doanh nghiệp, HTX), thông qua việc phát huy nguồn lực địa phương (nhân lực, trí tuệ, nguyên liệu, văn hóa, cảnh quan...) và thông qua việc phát triển sản phẩm, dịch vụ OCOP; khuyến khích HTX, doanh nghiệp vừa và nhỏ ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất, điều hành theo chuỗi liên kết giá trị. Tập trung phát triển, tiêu chuẩn hóa các sản phẩm chủ lực, đặc trưng và tiềm năng của tỉnh; đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến thương mại, nhằm giới thiệu, quảng bá và tiêu thụ các sản phẩm Chương trình OCOP của tỉnh. Các sản phẩm OCOP phải đáp ứng về số lượng, gia tăng về giá trị, đảm bảo tiêu chuẩn cao của Việt Nam và từng bước chuẩn hoá theo tiêu chuẩn quốc tế, phục vụ xuất khẩu...

 

- Một vấn đề rất được người tiêu dùng quan tâm là chất lượng của các sản phẩm. Đồng chí có thể cho biết các sản phẩm của Chương trình OCOP tỉnh Quảng Trị giai đoạn 2018-2020 được các xã sản xuất theo quy trình công nghệ gì để cung cấp thị trường. Sản xuất đại trà, nông nghiệp sạch, nông nghiệp hữu cơ hay công nghệ cao?

 

- Sản phẩm của chương trình OCOP của tỉnh Quảng Trị gồm 6 nhóm (thực phẩm; đồ uống; thảo dược; vải, may mặc; lưu niệm, nội thất, trang trí; dịch vụ du lịch nông thôn- bán hàng) do vậy quy trình sản xuất rất đa dạng, có thể là thủ công truyền thống, sử dụng máy móc thiết bị hoặc ứng dụng công nghệ sạch, công nghệ hữu cơ, công nghệ cao...Để nâng cao giá trị gia tăng, chất lượng sản phẩm, một trong những giải pháp then chốt đó là ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ vào sản xuất, chế biến, bảo quản sản phẩm, khuyến khích phát triển các mô hình sản xuất nông nghiệp, chế biến sản phẩm ứng dụng công nghệ cao.

 

Các sản phẩm tham gia Chương trình OCOP phải được kiểm soát chặt chẽ để đảm bảo chất lượng, đảm bảo an toàn VSTP... xây dựng được thương hiệu OCOP có sức lan tỏa trên thị trường trong và ngoài nước. Việc đánh giá phân hạng, cấp sao, dán tem, nhãn phải có quy định chặt chẽ nhằm đảm bảo xây dựng lòng tin trong người tiêu dùng, tránh tình trạng lạm dụng.

 

- Chương trình OCOP giúp khai thác tiềm năng, lợi thế của nông nghiệp - nông thôn quy mô cấp xã, cấp huyện. Vậy hướng phát triển bền vững của chương trình được ngành Nông nghiệp xác định như thế nào?  

 

- Kết quả sau 10 năm tỉnh Quảng Trị thực hiện Nghị quyết số 26-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Khóa X về nông nghiệp, nông dân và nông thôn, 8 năm thực hiện Chương trình MTQG xây dựng NTM cho thấy, đây là chủ trương, đường lối đúng đắn, hợp lòng dân. Từ thực tiễn của việc đưa Nghị quyết trên của Đảng vào cuộc sống cho thấy có 3 ưu thế của Chương trình OCOP giúp chúng ta cần mạnh dạn, quyết liệt chỉ đạo thực hiện chương trình: Đó là Chương trình OCOP là giải pháp cụ thể để thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế ở nông thôn, rất phù hợp với nhiệm vụ cơ cấu lại sản xuất nông nghiệp và Chương trình xây dựng NTM hiện nay...Đặc biệt Chương trình OCOP tỉnh Quảng Trị giúp khai thác tiềm năng, lợi thế của nông nghiệp - nông thôn quy mô cấp xã, cấp huyện trong tổ chức sản xuất nhằm thực hiện mục tiêu đưa ngành nông nghiệp trở thành một trong những trụ cột kinh tế quan trọng của tỉnh Quảng Trị cũng như đất nước.

 

Thông qua chương trình OCOP sẽ giúp người dân nâng cao thu nhập, giảm nghèo bền vững, góp phần hoàn thành nhóm tiêu chí kinh tế và tổ chức sản xuất trong xây dựng nông thôn mới. Đồng thời, làm thay đổi tập quán sản xuất lạc hậu, hướng người dân vào kinh tế thị trường, tạo ra hướng đi mới trong sản xuất kinh doanh các sản phẩm truyền thống có lợi thế, thúc đẩy sự phát triển bền vững kinh tế nông thôn.

 

Để phát triển chương trình bền vững cần đẩy mạnh việc ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất, triển khai tổ chức sản xuất sản phẩm OCOP theo mô hình Nông nghiệp 4.0 với 3 trụ cột quan trọng là Nông trại thông minh - Nông dân thông minh và Công chức thông minh. Tập trung các sản phẩm đã có thương hiệu, đồng thời tạo ra sản phẩm mới có sức cạnh tranh, gắn sản xuất với thị trường tiêu thụ. Chương trình cần phải được nhân rộng và tạo ra sản phẩm có khối lượng lớn, chất lượng cao. Việc thực hiện chương trình phải tạo ra nhiều việc làm mới tại nông thôn, góp phần giảm lao động khu vực nông nghiệp, tái cấu trúc nông nghiệp. Phải lấy người dân, các hộ gia đình là chủ thể sản xuất, lấy doanh nghiệp, HTX làm động lực trong sản xuất, tìm kiếm thị trường, tiêu thụ sản phẩm, xây dựng thương hiệu, tổ chức sản xuất.

 

- Xin cảm ơn đồng chí!

Nguồn tin: Báo Quảng Trị

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Con số ấn tượng
69/101
Là số xã đạt chuẩn Nông thôn mới
14,5
Là số tiêu chí đạt bình quân của tỉnh
01/7 huyện đạt chuẩn nông thôn mới
(huyện Cam Lộ -đạt chuẩn năm 2019)
9 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao
(Kim Thạch, Vĩnh Thủy, Vĩnh Giang, Cam Chính, Cam Nghĩa, Cam Thành, Cam Hiếu, Triệu Đại, Triệu Trạch)
Liên kế website
Thống kê lượt truy cập
  • Đang truy cập101
  • Hôm nay26,868
  • Tháng hiện tại100,847
  • Tổng lượt truy cập8,194,383
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây