Ba xã đầu tiên về đích

Thứ tư - 23/07/2014 20:36
Theo kế hoạch đến cuối năm 2014, ba xã: Vĩnh Kim, Vĩnh Thạch và Vĩnh Thủy của huyện Vĩnh Linh (Quảng Trị) sẽ hoàn thành 19 tiêu chí NTM.
Ông Nguyễn Đức Cường chỉ đạo xã Vĩnh Kim sớm hoàn thành xây dựng NTM
Ông Nguyễn Đức Cường chỉ đạo xã Vĩnh Kim sớm hoàn thành xây dựng NTM
Hiện ba xã trên đang dồn hết sức lực để hoàn thiện các tiêu chí còn lại.
Nhiều lợi thế
Xã Vĩnh Kim nằm ở phía đông của huyện Vĩnh Linh, có 12 thôn với hơn 3.000 nhân khẩu. Ngoài thế mạnh tinh thần là truyền thống cách mạng luôn được hun đúc bền vững thì Vĩnh Kim có lợi thế phát triển kinh tế nông lâm nghiệp trên đất đỏ bazan và khai thác biển.
Ông Nguyễn Tấn Thủy, Phó Chủ tịch UBND xã Vĩnh Kim, cho biết, trong SX xã đã áp dụng cơ giới hóa gần như là 100% diện tích. Vĩnh Kim đã hoàn thiện việc dồn điền đổi thửa. Nhân dân biết tận dụng, khai thác lợi thế tiềm năng của đất đỏ bazan để phát triển SX.
Hệ thống thiết bị máy móc các loại như máy kéo, máy cấy, máy gieo hạt, máy gặt, máy bơm, máy sấy, xe vận chuyển... được người dân chủ động mua sắm phục vụ SX. Hệ số sử dụng đất tăng hơn 2,5 lần và có trên 60% diện tích cánh đồng đạt giá trị 50 triệu/ha.
Theo ông Thủy, cơ giới hóa SXNN là việc làm có ý nghĩa rất quan trọng, muốn phát triển tốt NTM thì không thể không áp dụng cơ giới hóa. Người dân Vĩnh Kim có truyền thống sử dụng máy móc vào SXNN.
Năm 1959, Bác Hồ đã tặng bà con xã Vĩnh Kim một chiếc máy cày để làm đất. Chiếc máy nay vẫn được trưng bày ở xã Vĩnh Kim, như minh chứng cho công cuộc cải tạo SXNN, xây dựng NTM ở Vĩnh Kim luôn được người dân ở đây hưởng ứng, đi đầu. Bình quân thu nhập đầu người ở xã Vĩnh Kim đạt 26 triệu đồng/năm/người.
Đến nay, xã Vĩnh Kim đã đạt 17/19 tiêu chí. Còn lại 2 tiêu chí chưa đạt là thủy lợi, hộ nghèo, xã Vĩnh Kim sẽ phấn đấu hoàn thành vào cuối năm 2014.
Còn xã Vĩnh Thủy có vị trí địa lý về phía Tây Bắc của huyện Vĩnh Linh, thế mạnh kinh tế là trang trại và gò đồi. Diện tích tự nhiên gần 5.000 ha và dân số gần 6.500 người. Thu nhập chính của người dân là SXNN, đặc biệt có hơn 1.130 ha cao su và gần 1.500 ha cây công nghiệp.
Năm 2002, Vĩnh Thủy được Nhà nước tặng danh hiệu cao quý “Anh hùng Lao động thời kỳ đổi mới” cho Đảng bộ và nhân dân nơi đây. Kết quả đó cũng là nền tảng, thuận lợi để Vĩnh Thủy bắt tay vào thực hiện cuộc vận động xây dựng NTM và đạt được những kết quả tiến bộ.
Theo ông Phan Ngọc Nghĩa, Chủ tịch UBND xã Vĩnh Thủy, việc triển khai xây dựng NTM ở Vĩnh Thủy mới 3 năm, nhưng thực chất, một số nội dung công việc gắn liền với các tiêu chí của NTM đã được Vĩnh Thủy tổ chức thực hiện từ những năm 1973 - 1975, khi Vĩnh Thủy thuộc đặc khu Vĩnh Linh.
Vì vậy, sau 3 năm tiếp tục triển khai thực hiện cùng với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, sự nỗ lực của nhân dân, đến nay Vĩnh Thủy cơ bản hoàn thành 16/19 tiêu chí NTM. Còn 3 tiêu chí cố gắng hoàn thành từ nay đến cuối năm 2014 là giao thông, thủy lợi và môi trường.
Xã thứ ba của huyện Vĩnh Linh phấn đấu sẽ về đích trong năm 2014 là Vĩnh Thạch. Đây là xã được Chủ tịch nước bảo trợ xây dựng NTM. Theo báo cáo của xã Vĩnh Thạch, xã đã được Cty CP Chứng khoán Sài Gòn hỗ trợ 100 con bò, 40 con lợn, 3.000 gà giống giúp người dân mở rộng chăn nuôi, nâng cao thu nhập.
Ông Nguyễn Viết Sinh, Chủ tịch UBND xã Vĩnh Thạch, cho biết xã đã mở 5 lớp đào tạo nghề trồng tiêu, nuôi gà, bò, 16 lớp chuyển giao kỹ thuật và lập kế hoạch tài chính, khởi sự DN cho các hộ dân với 700 người tham gia.
Xã cũng huy động được hơn 11 tỷ đồng để xây dựng kết cấu hạ tầng nông thôn, trong đó vốn nội lực của người dân hơn 2,7 tỷ đồng. Từ nguồn vốn này xã đã hoàn thành kiên cố hóa 5,2 km đường nông thôn, 382 m đường bê tông nội thôn; hoàn thành hệ thống “điện thắp sáng làng quê” có chiều dài 21 km ở 10 thôn với tổng kinh phí 511 triệu đồng…
Kết quả thực hiện Chương trình xây dựng NTM ở xã Vĩnh Thạch đã đạt 17/19 tiêu chí, tăng 4 tiêu chí so với năm 2012. Các tiêu chí chưa đạt gồm trường học, chợ. Vĩnh Thạch phấn đấu hoàn thiện vào cuối năm 2014. Hiện tại thu nhập bình quân Vĩnh Thạch đạt 26,5 triệu đồng/người/năm.
Ông Trần Hữu Hùng, Phó Chủ tịch huyện Vĩnh Linh, cho biết sau 3 năm thực hiện xây dựng NTM với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, đến nay vai trò chủ thể của cộng đồng dân cư ngày càng được phát huy.



                                                                                         Một góc xã Vĩnh Thủy
                                                                                               Một góc xã Vĩnh Thủy
Mục tiêu phấn đấu của huyện Vĩnh Linh đến cuối năm 2014 có 3 xã sẽ hoàn thành cơ bản 19 tiêu chí gồm Vĩnh Kim, Vĩnh Thạch và Vĩnh Thủy. Số xã hoàn thành từ 15-18 tiêu chí gồm Vĩnh Lâm, Vĩnh Thành, Vĩnh Nam, Vĩnh Hiền, Vĩnh Giang. Số xã hoàn thành từ 10 - 14 tiêu chí có 8 xã; số xã đạt dưới 10 tiêu chí gồm: Vĩnh Ô, Vĩnh Khê, VĩnhHà.
Huyện Vĩnh Linh cũng kiến nghị với BCĐ của tỉnh tăng kinh phí đầu tư xây dựng NTM cho các địa phương. Sớm ban hành hướng dẫn cơ chế lồng ghép các chương trình, dự án cho xây dựng NTM theo hướng đơn giản hóa thủ tục hành chính…
Đã tạo được sự đồng tình, hưởng ứng cao của nhân dân trên địa bàn huyện như hiến đất, hiến tài sản, tự nguyện giải phóng mặt bằng và đóng góp công sức xây dựng đường giao thông nông thôn cũng như các công trình phúc lợi khác. 
Chú ý cơ chế chính sách và nguồn lực
Ông Nguyễn Văn Bài, Giám đốc Sở NN-PTNT Quảng Trị, Phó trưởng BCĐ xây dựng NTM của tỉnh, chỉ rõ huyện Vĩnh Linh cần có cơ chế huy động xã hội hóa đóng góp xây dựng quê hương, thúc đẩy SX phát triển, nâng cao đời sống cho người dân. Chú ý tăng cường giám sát, không được châm chước một tiêu chí nào trong quá trình đánh giá.
Theo ông Bài, tuy mới 3 năm xây dựng NTM nhưng thực chất nhiều thành quả Vĩnh Linh đã đạt được từ trước đó. Các thiết chế văn hóa, xã hội, kinh tế... từng bước được củng cố, phát huy và giành được nhiều thành tựu cơ bản là nhờ Vĩnh Linh có cơ sở xã hội vững chắc.
Sau khi kiểm tra thực tế tại các xã NTM có kế hoạch về đích vào cuối năm 2014, ông Nguyễn Đức Cường, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị, Trưởng BCĐ xây dựng NTM tỉnh, ghi nhận những kết quả đạt của huyện Vĩnh Linh cũng như các xã Vĩnh Thủy, Vĩnh Kim, Vĩnh Thạch và nhấn mạnh cần phải chú ý cơ chế chính sách và nguồn lực xây dựng NTM.
Ông Nguyễn Đức Cường cũng chỉ rõ những hạn chế, tồn tại trong quá trình xây dựng NTM của huyện Vĩnh Linh như huy động sự đóng góp của nhân dân chưa cao, đầu tư chưa đồng đều giữa các xã, chủ yếu tập trung vào các xã điểm có điều kiện thuận lợi. Vĩnh Linh còn 3 xã dưới 5 tiêu chí nhưng huyện vẫn chưa đề ra nghị quyết cũng như chính sách đầu tư cho các xã này và nhiều vấn đề quan trọng khác.
Riêng với 3 xã có kế hoạch về đích cuối năm 2014, ông Cường lưu ý xã cần ban hành các cơ chế, chính sách để khai thác tiềm năng, lợi thế của địa phương bằng các mô hình kinh tế mang lại hiệu quả cao.
Phải huy động sức dân, nhất là con em địa phương đang sinh sống, làm ăn ở các tỉnh, thành phố trong cả nước đóng góp xây dựng NTM. Huy động nguồn tiền trong dân từ việc trồng cao su, trồng rừng để đóng góp cho địa phương xây dựng NTM.
Ông Nguyễn Đức Cường nhắc nhở hai nhiệm vụ chính mà Vĩnh Linh phải thường xuyên chú trọng sau khi đạt được các tiêu chí NTM là phải duy trì các tiêu chí đã đạt được cũng như tiếp tục đầu tư nâng cao chất lượng, hoàn thiện các tiêu chí đã được đề ra để người dân thực sự có cuộc sống không chỉ tốt về vật chất mà còn phong phú về văn hóa, tinh thần.

Tác giả bài viết: Tuyền Lâm

Nguồn tin: Báo Nông nghiệp Việt Nam

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Con số ấn tượng
69/101
Là số xã đạt chuẩn Nông thôn mới
14,5
Là số tiêu chí đạt bình quân của tỉnh
01/7 huyện đạt chuẩn nông thôn mới
(huyện Cam Lộ -đạt chuẩn năm 2019)
9 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao
(Kim Thạch, Vĩnh Thủy, Vĩnh Giang, Cam Chính, Cam Nghĩa, Cam Thành, Cam Hiếu, Triệu Đại, Triệu Trạch)
Liên kế website
Thống kê lượt truy cập
  • Đang truy cập83
  • Hôm nay8,298
  • Tháng hiện tại71,923
  • Tổng lượt truy cập8,165,459
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây