Xác định cây con trồng, con nuôi chủ lực để thúc đẩy tái cơ câu nông nghiệp

Thứ hai - 17/07/2017 20:41
Theo Đề án “Phát triển một số cây trồng, con nuôi chủ lực có lợi thế cạnh tranh trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2017-2020, định hướng đến 2025”, các cây trồng, con nuôi chủ lực, có lợi thế cạnh tranh bao gồm: Cao su, cà phê chè, hồ tiêu, cây ăn quả đặc sản và dược liệu, lúa chất lượng cao, cây gỗ nguyên liệu, con bò và con tôm. Thực tế tại các địa phương cho thấy, việc lựa chọn các cây, con chủ lực đóng vai trò quan trọng nhằm phát huy lợi thế, khắc phục hạn chế, thúc đẩy phát triển sản xuất trong giai đoạn mới. Đây cũng là chiến lược quan trọng phục vụ định hướng cơ cấu lại nông nghiệp.
Tôm được xác định là con nuôi chủ lực của các xã bãi ngang ven biển
Tôm được xác định là con nuôi chủ lực của các xã bãi ngang ven biển

Xác định được cây, con chủ lực sẽ góp phần huy động mọi nguồn lực để khai thác tối đa tiềm năng lợi thế từng vùng trên cơ sở đổi mới hình thức tổ chức sản xuất, nâng cao hiệu quả sử dụng các nguồn lực. Đồng thời nâng cao năng suất, chất lượng các sản phẩm chủ lực có khối lượng hàng hóa lớn, có độ đồng đều cao nhằm đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của thị trường, từ đó góp phần tăng thu nhập cho nông dân, xây dựng nông thôn mới. Chính việc xác định đúng cây trồng, con nuôi chủ lực đã thúc đẩy cơ cấu lại nông nghiệp, nâng cao giá trị thu nhập trên một đơn vị diện tích tại nhiều địa phương trong tỉnh.

 

Là một xã vùng đồng bằng có nền kinh tế chủ yếu dựa vào sản xuất nông nghiệp, thời gian qua xã Triệu Phước, huyện Triệu Phong đã tập trung phát triển ngành nông nghiệp toàn diện, trong đó sản xuất lúa chất lượng cao được xác định là cây trồng chủ lực. Trên cơ sở đó, địa phương đã đẩy mạnh dồn điền đổi thửa, chỉnh trang đồng ruộng, từng bước hoàn thiện hệ thống giao thông, thủy lợi theo quy hoạch, tạo điều kiện cho người dân ứng dụng tiến bộ KHKT vào sản xuất, thâm canh tăng vụ. Đến thời điểm này, cơ cấu giống lúa chất lượng cao trên địa bàn xã Triệu Phước đạt trên 80%, nhiều loại giống địa phương dài ngày, năng suất thấp đã dần được loại bỏ, năng suất lúa đạt bình quân 54 tạ/ha.

 

Song song với cây lúa, con tôm cũng được xác định là một trong những con nuôi chủ lực của địa phương. Với điều kiện sẵn có, mô hình nuôi tôm được phát triển khá mạnh tại xã Triệu Phước với tôm sú và tôm thẻ chân trắng. Để nuôi tôm đem lại hiệu quả kinh tế cao, địa phương đã hướng dẫn hộ nuôi thả theo đúng mật độ, tuân thủ đúng quy trình kỹ thuật, thời vụ, quan tâm phòng chống dịch bệnh..., nhờ vậy hàng năm sản lượng tôm nuôi liên tục tăng, doanh thu đạt trên 14 tỷ đồng. Xác định hồ tiêu là một trong những cây trồng chủ lực của địa phương, xã Cam Chính, huyện Cam Lộ cũng đã có nhiều giải pháp để phát triển cây hồ tiêu hiệu quả trên vùng đất đỏ ba dan.

 

Thực hiện đề án thí điểm phục hồi và phát triển vườn tiêu của huyện Cam Lộ, xã Cam Chính đã chỉ đạo Câu lạc bộ trồng tiêu của hai thôn Mai Đàn và Thiết Xá trồng mới 7,5 ha hồ tiêu tập trung, đến nay cây hồ tiêu đang sinh trưởng và phát triển tốt. Với phương pháp trồng tập trung, quy trình kỹ thuật đồng bộ, dưới sự hướng dẫn và giám sát của các cơ quan chuyên môn nên việc quản lý dịch bệnh và chăm sóc vườn tiêu thuận lợi hơn.

 

Ông Nguyễn Thanh Lâm, Chủ tịch UBND xã Cam Chính cho biết, xác định hồ tiêu là cây trồng chủ lực của địa phương, trên cơ sở mô hình thử nghiệm trồng tiêu tập trung, trong năm 2017 xã Cam Chính dự kiến trồng mới thêm 10 ha hồ tiêu ở các thôn trên địa bàn, trong đó có 5 ha hồ tiêu được trồng tập trung, nâng tổng diện tích trồng tiêu trên địa bàn xã đạt trên 160 ha vào cuối năm 2017. Chính việc xác định được cây trồng chủ lực đã góp phần quan trọng giúp các xã Triệu Phước, Cam Chính... đẩy mạnh cơ cấu lại nông nghiệp, hướng tới phát triển kinh tế nông nghiệp toàn diện và bền vững, nâng cao thu nhập cho người dân.

 

Theo Đề án “Phát triển một số cây trồng, con nuôi chủ lực có lợi thế cạnh tranh trên địa bàn tỉnh Quảng Trị giai đoạn 2017-2020, định hướng đến 2025”, đối với mỗi loại cây, con cụ thể, tỉnh cũng đã xác định các mục tiêu cụ thể để phấn đấu thực hiện. Chẳng hạn như đối với cây cà phê sẽ duy trì và ổn định diện tích từ 5.300- 5.500 ha, đưa năng suất đạt 2- 2,5 tấn/ha, tăng gấp 1,2-1,5 lần so với hiện nay. Đến năm 2020, xây dựng thành công các mô hình tái canh cà phê chè bằng giống mới... Riêng cây hồ tiêu phấn đấu đạt diện tích từ 2.500 ha- 2.700 ha năm 2020 và 3.000 ha năm 2025, năng suất đạt trên 2 tấn/ha, sản lượng đạt 5.000 - 6.000 tấn. Năm 2020, có 10% và năm 2025 có 15% diện tích trồng hồ tiêu ứng dụng công nghệ tưới tiết kiệm...

 

Hay đối với cây lúa chất lượng cao, phấn đấu diện tích đạt 34.500 ha năm 2020 và 37.000 ha năm 2025, tập trung ở các huyện Hải Lăng, Triệu Phong, Vĩnh Linh, Gio Linh, Cam Lộ; lựa chọn 2- 3 giống lúa chất lượng cao chủ lực để xây dựng thương hiệu “Gạo sạch Quảng Trị”. Xây dựng và mở rộng thành công các mô hình liên kết giữa HTX, tổ hợp tác với doanh nghiệp trong sản xuất gạo sạch, gạo hữu cơ... Đối với 2 con chủ lực là bò và tôm, phấn đấu ổn định đàn bò 70.000 con vào năm 2020 và 75.000 con vào năm 2025; nâng tỷ lệ đàn bò lai zebu lên trên 50% tổng đàn bò vào năm 2020 và trên 70% tổng đàn bò vào năm 2025. Tập trung phát triển nuôi thâm canh tôm thẻ chân trắng ở vùng cát bãi ngang ven biển, phát triển nuôi tôm sú thâm canh và bán thâm canh ở các vùng cửa sông...

 

Để đạt được các mục tiêu đề ra đối với 6 loại cây, con chủ lực, tỉnh sẽ đẩy mạnh thực hiện thu hút và khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn. Có các chính sách ưu đãi, hỗ trợ đặc biệt các doanh nghiệp đầu tư vào các lĩnh vực sản xuất giống cây trồng, vật nuôi có năng suất, chất lượng cao, chế biến nông sản, thương mại nông sản... Xây dựng nguồn nhân lực, đào tạo nông dân chuyên nghiệp có trình độ kỹ năng về kỹ thuật, thị trường, tổ chức sản xuất. Ưu tiên tập trung hỗ trợ đào tạo nông dân của các ngành hàng chủ lực, nông dân của các vùng sản xuất trọng điểm quy hoạch, phương thức đào tạo gắn liền với các chuỗi ngành hàng... Tăng cường tuyên truyền, xúc tiến thương mại, xây dựng thương hiệu, quản lý chất lượng nông, lâm sản, thủy sản; thực hiện các chính sách hỗ trợ dồn ghép (tích tụ ruộng đất).

 

Trong lĩnh vực tín dụng, ưu tiên cho vay vốn có hỗ trợ lãi suất để phát triển các cây trồng, vật nuôi chủ lực từ nguồn vốn chương trình xây dựng nông thôn mới của tỉnh và trung ương đã bố trí. Dự kiến tổng nguồn vốn đầu tư thực hiện đề án phát triển một số cây, con chủ lực có lợi thế cạnh tranh trên địa bàn giai đoạn 2017- 2020 trên 39,3 tỷ đồng, trong đó ngân sách tỉnh hỗ trợ 22,9 tỷ đồng; doanh nghiệp và người dân đối ứng 16,4 tỷ đồng. Ngoài ra, huy động và lồng ghép thêm nguồn lực xã hội hoá từ các chương trình, dự án khác để thực hiện đề án.

 

Cơ cấu lại nông nghiệp là nhiệm vụ quan trọng, cấp bách, nhằm làm chuyển biến nền nông nghiệp của tỉnh, nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững, mang lại những đổi thay tích cực trong cuộc sống của người nông dân. Việc xác định được cây trồng, con nuôi chủ lực cùng những giải pháp đúng đắn, phù hợp với thực tế sẽ góp phần quan trọng để các địa phương thực hiện cơ cấu lại nông nghiệp theo hướng hiệu quả và bền vững.

Nguồn tin: Báo Quảng Trị

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Con số ấn tượng
69/101
Là số xã đạt chuẩn Nông thôn mới
14,5
Là số tiêu chí đạt bình quân của tỉnh
01/7 huyện đạt chuẩn nông thôn mới
(huyện Cam Lộ -đạt chuẩn năm 2019)
9 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao
(Kim Thạch, Vĩnh Thủy, Vĩnh Giang, Cam Chính, Cam Nghĩa, Cam Thành, Cam Hiếu, Triệu Đại, Triệu Trạch)
Liên kế website
Thống kê lượt truy cập
  • Đang truy cập59
  • Hôm nay7,447
  • Tháng hiện tại124,096
  • Tổng lượt truy cập8,324,393
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây