Tập trung triển khai Chương trình mỗi xã một sản phẩm

Thứ sáu - 05/10/2018 23:13
Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) đang được triển khai ở nhiều tỉnh, thành phố trong cả nước. Tại Quảng Trị, OCOP được địa phương chỉ đạo triển khai quyết liệt, xem đây là nhiệm vụ trọng tâm của việc thực hiện xây dựng nông thôn mới (NTM) và tái cơ cấu nông nghiệp. Là địa phương với nhiều sản phẩm nông nghiệp đặc trưng, huyện Vĩnh Linh cũng đang tích cực triển khai thực hiện chương trình OCOP với nhiều cách làm, giải pháp cụ thể, hiệu quả.
Thanh long ruột đỏ là một trong những sản phẩm chủ lực của xã Vĩnh Thủy
Thanh long ruột đỏ là một trong những sản phẩm chủ lực của xã Vĩnh Thủy

Để giúp các xã, thị trấn trên địa bàn hiểu rõ hơn về chương trình OCOP, huyện Vĩnh Linh đã phối hợp với Văn phòng điều phối chương trình xây dựng NTM của tỉnh tổ chức tập huấn cho gần 60 cán bộ chủ chốt của địa phương. Trong đó tập trung chủ yếu vào các nội dung như sự cần thiết của việc thực hiện chương trình OCOP, tìm hiểu kinh nghiệm thực hiện OCOP tại một số tỉnh đã triển khai thành công. Trên cơ sở đó, các địa phương căn cứ vào tình hình thực tế, tiềm năng và các sản phẩm hiện có để tổ chức điều tra, đăng ký các sản phẩm, nhóm hàng phù hợp trên các lĩnh vực như nhóm hải sản, dược liệu, hàng mỹ nghệ... Sau khi triển khai, đến thời điểm này, các xã, thị trấn trên địa bàn huyện đã hoàn thành khâu đăng ký sản phẩm. Đây cũng là cơ sở để huyện đã hoàn thành danh mục sản phẩm OCOP chủ lực của các địa phương và dự kiến quy hoạch sản phẩm OCOP mới giai đoạn 2018-2030. Cụ thể, như xã Vĩnh Trung có sản phẩm chủ lực là tinh bột sắn dây, tinh dầu lạc; sản phẩm hạt tiêu đen, hạt tiêu đỏ đóng gói của các xã Vĩnh Hòa, Vĩnh Hiền, Vĩnh Kim, Vĩnh Nam, thị trấn Hồ Xá; sản phẩm ném củ đóng gói và sấy khô của các xã Vĩnh Hòa, Vĩnh Chấp và Vĩnh Kim; môn tây trắng và môn nịt của xã Vĩnh Hiền... Sản phẩm chủ lực thịt lợn nuôi thả của các xã Vĩnh Long, Vĩnh Ô, Vĩnh Khê, Vĩnh Hà và thị trấn Bến Quan; tôm sú, tôm thẻ của các xã Vĩnh Thái, Vĩnh Thạch, Vĩnh Sơn, Vĩnh Lâm, Vĩnh Thành và Vĩnh Hiền... Thị trường tiêu thụ của các sản phẩm chủ yếu là trong tỉnh, trong nước và một số sản phẩm sẽ xuất khẩu ra thị trường nước ngoài như tiêu đen, hạt tiêu đỏ đóng gói, tinh bột sắn dây, tinh dầu lạc..

 

Trong quá trình triển khai chương trình OCOP, huyện Vĩnh Linh đã tích cực chỉ đạo các địa phương tổ chức thực hiện, đồng thời hỗ trợ một phần kinh phí để khuyến khích các xã, thị trấn phát triển các sản phẩm chủ lực. Tiêu biểu như tập trung đầu tư mô hình ứng dụng công nghệ cao trong phát triển vườn tiêu mẫu áp dụng kỹ thuật tiên tiến tại xã Vĩnh Kim; triển khai hỗ trợ mô hình sản xuất rau, củ, quả sạch tại các xã Vĩnh Tú, Vĩnh Trung... Bên cạnh đó, huyện cũng tích cực chỉ đạo các ngành chuyên môn tại địa phương quan tâm xây dựng thương hiệu, nhãn hiệu cho sản phẩm hàng hóa tập thể về nông sản như ném Vĩnh Kim, đậu xanh tằm Vĩnh Giang; dưa hấu Vĩnh Tú, tiêu Vĩnh Linh... Cùng với đó, địa phương cũng đã đẩy mạnh việc thành lập các HTX chuyên ngành như HTX nông sản Tây Vĩnh Thủy (Vĩnh Thủy); HTX rau sạch Trường Sơn (Vĩnh Tú); HTX rau sạch Thành Công (Vĩnh Trung)... Nhìn chung sau khi thành lập mới, các HTX có quy mô gọn hơn, bộ máy linh hoạt hơn, nguồn vốn đóng góp từ các thành viên cao hơn và hoạt động có hiệu quả hơn, từ đó tạo điều kiện thuận lợi hơn trong việc tìm đầu ra cho sản phẩm nông sản. Đầu tháng 8/2018, huyện Vĩnh Linh cũng vừa khai trương gian hàng bán nông sản sạch tại chợ Hồ Xá. Việc khai trương gian hàng nông sản sạch góp phần khẳng định thương hiệu, đảm bảo đầu ra ổn định cho các loại nông sản sạch được sản xuất theo công nghệ hiện đại. Đồng thời giúp cho người tiêu dùng được tiếp cận và sử dụng các loại nông sản sạch, đảm bảo chất lượng, mở ra hướng đi mới trong phát triển kinh tế cho các địa phương, góp phần chuyển đổi cơ cấu cây trồng, nâng cao giá trị thu nhập trên một đơn vị diện tích.

 

Chương trình OCOP được triển khai ở toàn bộ khu vực nông thôn trong toàn quốc với mục tiêu chuyển dịch cơ cấu kinh tế, cơ cấu lại sản xuất nông nghiệp nhằm phát triển khu vực nông thôn, nâng cao thu nhập và đời sống người dân. Theo đó, khi thực hiện OCOP, mỗi xã sẽ chọn một hoặc nhiều sản phẩm độc đáo, có sức cạnh tranh trên thị trường để phát triển, góp phần phát triển kinh tế nông thôn. Trên địa bàn huyện Vĩnh Linh có khá nhiều sản phẩm độc đáo nhưng ít được mọi người biết đến, vì vậy, OCOP sẽ tạo cơ hội làm cầu nối để người sản xuất và người tiêu dùng gắn kết với nhau. Đây là một chương trình rất thiết thực, thúc đẩy đầu tư phát triển sản xuất gắn với chế biến, kết nối thị trường tiêu thụ sản phẩm theo chuỗi giá trị, góp phần phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập cho người dân”. Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT Lê Tiến Dũng cho biết: “Để tiếp tục triển khai có hiệu quả chương trình OCOP, chính quyền địa phương đã chỉ đạo Phòng Nông nghiệp và PTNT xây dựng một số đề án tiếp tục phát triển các mô hình ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất. Huyện cũng đang xây dựng chính sách riêng trong việc hỗ trợ tài chính nhằm góp phần giúp các doanh nghiệp, HTX trên địa bàn có thêm nguồn lực để phát triển, mở mang ngành nghề.

 

 

Nguồn tin: Báo Quảng Trị

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Con số ấn tượng
69/101
Là số xã đạt chuẩn Nông thôn mới
14,5
Là số tiêu chí đạt bình quân của tỉnh
01/7 huyện đạt chuẩn nông thôn mới
(huyện Cam Lộ -đạt chuẩn năm 2019)
9 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao
(Kim Thạch, Vĩnh Thủy, Vĩnh Giang, Cam Chính, Cam Nghĩa, Cam Thành, Cam Hiếu, Triệu Đại, Triệu Trạch)
Liên kế website
Thống kê lượt truy cập
  • Đang truy cập77
  • Hôm nay1,967
  • Tháng hiện tại65,592
  • Tổng lượt truy cập8,159,128
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây