TRIỂN VỌNG GIỐNG CAM V2

Thứ sáu - 27/04/2018 05:07
Cây ăn quả từ lâu đã được xem là một trong những hướng đi mang lại nhiều lợi ích thiết thực trong sản xuất nông nghiệp. Vừa là nguồn cung cấp các chất dinh dưỡng quý, vừa có thị trường tiêu thụ rộng lớn, đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng của người tiêu dùng. Trong đó, cam là loại quả phổ biến nhất về giá trị dinh dưỡng và giá trị sử dụng, tuổi đời, khả năng cho thu quả và lợi nhuận cao so với các loại cây ăn quả khác. Chính vì vậy, từ năm 2013 Hội Làm vườn tỉnh đã triển khai mô hình trồng giống cam V2 tại các huyện Vĩnh Linh, Gio Linh, Triệu Phong và Hải Lăng với quy mô 2 - 3 hộ mỗi huyện, mỗi hộ trồng từ 10 - 50 cây. Sau gần 4 năm trồng và chăm sóc, các cây cam này đang cho những lứa quả đầu tiên, hứa hẹn một kết quả hết sức khả quan
Mô hình trồng giống cam V2 tại xã Gio Quang – huyện Gio
Mô hình trồng giống cam V2 tại xã Gio Quang – huyện Gio
  Đến thăm vườn cam của gia đình ông Lê Nghi ở tại thôn Vinh Quang Thượng (xã Gio Quang – huyện Gio Linh), một trong những hộ tham gia trồng thử nghiệm giống cam V2. Trên diện tích đất vườn gần 1 sào (500m2), gia đình ông Nghi được Hội Làm vườn tỉnh hỗ trợ 30 cây cam giống V2 và hướng dẫn kỹ thuật trồng. Đến nay, sau 4 năm trồng và chăm sóc các cây cam này đã và đang sinh trưởng tốt, chiều cao trung bình từ 3 – 4m. Theo đánh giá của ông Nghi đây là giống cam tương đối phù hợp với điều kiện tự nhiên cũng như đất đai tại địa phương. Đặc biệt là khả năng chống chịu sâu bệnh tương đối tốt, chưa thấy hiện tượng rụng quả do bị ruồi vàng chích hút. “Hiện các cây cam V2 này đang cho thu hoạch lứa đầu tiên, ước tính của tôi mỗi cây sẽ cho thu hoạch từ 50 – 100 quả. Với giá bán khoảng 6.000 – 7.000 đ/quả thì chỉ với 30 cây cam này cũng đã mang lại cho gia đình tôi một khoản thu nhập không nhỏ. Dự kiến trong thời gian tới tôi sẽ thay thế toàn bộ các loại cây ăn quả cho giá trị kinh tế thấp trong vườn nhà sang trồng giống cam V2 này”, ông Nghi cho biết.
Được biết, giống cam V2 được Viện Di truyền nông nghiệp chọn tạo từ giống Valencia Olinda, làm sạch bệnh qua vi ghép, giúp cây khỏe và năng suất khá hơn so với giống gốc; giống cam này đã được Bộ Nông nghiệp & PTNT công nhận là giống chính thức. Đây là giống cam ngọt chín muộn, khả năng thích nghi rộng, kháng bệnh tốt, thu hoạch muộn hơn hoặc cùng lúc với cam sành ở các tỉnh phía Bắc, từ tháng 12 đến tháng 3. Kết quả sản xuất thử tại các mô hình trồng giống cam V2 này ở các tỉnh phía Bắc như: Nghệ An, Hòa Bình, Yên Bái… cho thấy, giống cam V2 cho năng suất tương đối cao. Tại Nghệ An, có nơi giống cam V2 đạt năng suất 20 tấn/ha ngay ở giai đoạn đầu cho quả, với giá bán 25.000 - 30.000 đồng/kg, mang lại thu nhập hàng trăm triệu đồng mỗi ha. Tại các mô hình mà Hội Làm vườn tỉnh triển khai cây đều sinh trưởng, phát triển tốt, phân cành đều, cân đối, khả năng ra hoa đậu quả cao. Trọng lượng quả trung bình từ 190 - 250 g/quả, có thể lưu giữ trên cây lâu mà không bị giảm chất lượng, vỏ quả mỏng, khi chín có màu vàng đẹp, lõi quả có màu vàng ươm, hàm lượng nước cao, tỷ lệ xơ thấp, chất lượng thơm ngon, vị ngọt đậm; khả năng kháng bệnh các loại bệnh như loét, chảy gôm, nấm đen gốc, khô cành tốt hơn so với các giống hiện có. Cho thu hoạch “bói” từ 50 – 150 quả/cây, cá biệt tại mô hình trồng giống cam V2 ở huyện Hải Lăng cho thu hoạch năm thứ 2 với hơn 500 quả/cây.
Ông Phùng Thế Giảng - Chủ tịch Hội Làm vườn tỉnh chia sẽ: Cây ăn quả từ lâu đã được xem là một trong những hướng đi mang lại nhiều lợi ích thiết thực trong sản xuất nông nghiệp. Vì vậy với những ưu điểm nổi trội của giống cam V2 này như khả năng sinh trưởng, phát triển tốt, năng suất chất lượng cao, phù hợp với hầu hết mọi loại đất canh tác, khả năng chống chịu sâu bệnh, chịu rét, chịu hạn cao. Đây chính là cơ sở để nhân rộng mô hình trồng giống cam V2 này ra các địa phương khác trong tỉnh.“Trong thời gian tới, Hội Làm vườn tỉnh sẽ phối hợp với các đơn vị liên quan như Trung tâm Khuyến nông, Hội Nông dân tỉnh mở các lớp tập huấn hướng dẫn kỹ thuật về trồng cũng như chăm sóc để nâng cao chất lượng quả. Tìm kiếm các nguồn hỗ trợ để nhân rộng mô hình trồng giống cam V2 này ra các địa phương khác trong tỉnh. Góp phần vào việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng, tạo ra đối tượng cây trồng mới có giá trị kinh tế cao,giúp hội viên tăng thêm thu nhập, cải thiện cuộc sống”, ông Giảng nói.

Tác giả bài viết: Thục Quyên

Nguồn tin: Trung tâm Khuyến nông- khuyến ngư tỉnh Quảng Trị

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Con số ấn tượng
69/101
Là số xã đạt chuẩn Nông thôn mới
14,5
Là số tiêu chí đạt bình quân của tỉnh
01/7 huyện đạt chuẩn nông thôn mới
(huyện Cam Lộ -đạt chuẩn năm 2019)
9 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao
(Kim Thạch, Vĩnh Thủy, Vĩnh Giang, Cam Chính, Cam Nghĩa, Cam Thành, Cam Hiếu, Triệu Đại, Triệu Trạch)
Liên kế website
Thống kê lượt truy cập
  • Đang truy cập98
  • Hôm nay19,798
  • Tháng hiện tại88,095
  • Tổng lượt truy cập8,288,392
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây