Nhân rộng mô hình khoai lang Nhật Bản ở Tân Hợp

Thứ tư - 13/03/2019 23:36
Những năm gần đây, để “lấy ngắn nuôi dài”, nông dân ở xã Tân Hợp, huyện Hướng Hóa đầu tư trồng cây khoai lang Nhật Bản. Sản phẩm của loại cây này tiêu thụ khá ổn định trên thị trường, giúp nâng cao giá trị thu nhập trên một đơn vị diện tích và góp phần đa dạng hóa cây trồng ở miền núi.
Nông dân xã Tân Hợp thu hoạch khoai lang Nhật Bản​
Nông dân xã Tân Hợp thu hoạch khoai lang Nhật Bản​

Đây là vụ thứ 4 gia đình chị Nguyễn Thị Thanh ở thôn Hòa Thành, xã Tân Hợp trồng khoai lang Nhật Bản. 3 vụ trước, chị trồng loại khoai này trên diện tích 3 sào. Bình quân mỗi sào chị thu hoạch hơn 3 tạ, thu nhập hơn 20 triệu đồng/vụ. Đây là loại khoai lang chất lượng cao nên được nhiều người ưa chuộng, vì thế nhiều lúc sản phẩm của gia đình chị cung không đủ cầu. Vụ đông xuân, gia đình chị tiếp tục duy trì và mở rộng diện tích trồng khoai lang Nhật Bản lên 5 sào. Chị vừa hoàn thành thu hoạch, tuy nhiên do thời tiết khô hạn nên so với năm ngoái, năng suất và chất lượng khoai năm nay giảm hẳn, chỉ đạt 1,5 tạ/ sào. Chị Thanh chia sẻ: “Trước đây gia đình tôi thu nhập chủ yếu từ trồng cà phê. Một số diện tích cà phê do lâu năm già cỗi nên phải chặt bỏ. Sau khi tìm hiểu một số mô hình trồng khoai lang Nhật Bản trên ti vi và internet, tôi quyết định đầu tư trồng loại cây này thay thế diện tích cà phê kém hiệu quả. 4 vụ đầu, khoai lang Nhật Bản cho thu hoạch củ to và năng suất cao. Từ khi trồng khoai lang Nhật Bản, gia đình tôi có thêm nguồn thu nhập khá hơn. Năm nay do thời tiết không thuận lợi nên vườn khoai lang bị mất mùa, năng suất và chất lượng giảm. May mắn là giá khoai vẫn giữ ở mức ổn định, nguồn cung cấp không đủ đáp ứng nhu cầu tiêu thụ nên đã động viên chúng tôi tiếp tục duy trì trồng khoai lang Nhật Bản”. Chị Nguyễn Hải Sâm, ở thôn Hòa Thành trồng 3 sào khoai lang Nhật Bản để thay thế diện tích cà phê già cỗi. Nguồn thu nhập từ giống khoai lang này đã góp phần cải thiện cuộc sống của gia đình chị. Chị Sâm cho biết: “Suy nghĩ tìm ra loại cây trồng trước mắt để tận dụng diện tích đất cà phê đốn bỏ thật nan giải. Tuy nhiên, từ khi có một số hộ trong xã chủ động tìm nguồn giống để trồng và hiệu quả bước đầu sau thu hoạch khoai lang Nhật Bản, chúng tôi đã đến tham quan, học tập, nhân rộng mô hình này. Để cây khoai lang Nhật Bản trồng có chất lượng và năng suất cao hơn, tôi rất mong các ngành chức năng quan tâm tổ chức lớp tập huấn, hướng dẫn kĩ thuật trồng, chăm sóc và thu hoạch đối với loại cây trồng mới này”.

 

Nhận thấy trồng khoai lang Nhật Bản mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn so với một số cây trồng khác như ngô, lúa, đậu…, từ năm 2017, một số hộ ở xã Tân Hợp đã mua giống từ Đà Lạt về và đầu tư trồng xen canh hoặc chuyển đổi diện tích cà phê già cỗi sang trồng loại cây này. Bước đầu, khoai lang Nhật Bản khá phù hợp khi trồng trên nền đất đỏ ba dan và khí hậu nơi đây nên cây sinh trưởng tốt, cho củ nhiều, chất lượng cao. Đặc biệt, so với khoai lang địa phương thì khoai lang Nhật Bản có năng suất và hiệu quả kinh tế cao gấp 3 4 lần. Giống khoai lang Nhật Bản sinh trưởng mạnh, thân lá phát triển, năng suất thân lá và củ cao, chất lượng củ ngon, ngọt, lượng tinh bột cao, vì thế được nhiều người lựa chọn, tiêu dùng. Ngay vụ thu hoạch đầu của những người trồng khoai lang Nhật Bản trong xã, thương lái vào mua tận vườn với giá từ 15.000 20.000 đồng/kg. Mùa vụ năm 2018 - 2019, toàn xã có hơn 30 hộ nông dân trồng khoai lang Nhật Bản với tổng diện tích gần 10 ha.

 

Theo thống kê, toàn huyện Hướng Hóa có khoảng hơn 100 ha khoai lang, chủ yếu là giống khoai địa phương, trong đó khoai lang Nhật Bản khoảng hơn 20 ha được trồng rải rác ở các xã như Tân Hợp, Hướng Tân, Hướng Phùng và thị trấn Khe Sanh (Tân Hợp chiếm khoảng 1/3 diện tích). Việc lựa chọn những loại cây trồng mới, có giá trị kinh tế cao thay thế các loại cây kém hiệu quả ở Tân Hợp như khoai lang Nhật Bản là đáng khuyến khích. Tuy nhiên, qua thực tế nông dân Tân Hợp chủ động tìm nguồn giống, trồng đại trà khi chưa được tham gia các lớp tập huấn về trồng, chăm sóc, thu hoạch thì hướng đầu tư phát triển cây khoai lang Nhật Bản và một số loại cây khác khó bền vững. Điển hình, niên vụ đông xuân 2018 - 2019, cùng với ảnh hưởng bởi thời tiết khô hạn, lượng mưa ít thì việc cải tạo đất trước khi xuống giống là rất cần thiết. Song các hộ trồng khoai lang Nhật Bản trong xã lại không chú ý đến khâu này mà lại tái trồng khoai lang Nhật Bản trên nền đất cũ. Bên cạnh đó, nguồn giống khoai được tái sử dụng chọn lọc không kĩ nên chất lượng kém. Vì vậy, vụ thu hoạch vừa qua người dân thất thu hơn so với những vụ trước do khoai mất mùa, bị sâu bệnh, chất lượng và sản lượng giảm.

 

Chia sẻ với những người trồng khoai lang Nhật Bản ở địa phương, Hội Nông dân xã Tân Hợp thường xuyên về cơ sở để động viên, hướng dẫn người dân thu hoạch đúng thời vụ và triển khai cải tạo đất trước khi xuống giống vụ mới. Chủ tịch Hội Nông dân xã Tân Hợp Nguyễn Thị Phương Mai cho biết: “Qua 4 vụ trồng khoai lang Nhật Bản, các hộ nông dân trong xã phấn khởi vì có thêm nguồn thu nhập đáng kể cho gia đình. Để giúp nông dân xây dựng và nhân rộng mô hình trồng khoai lang Nhật Bản, hội đẩy mạnh tuyên truyền, vận động người dân cần quy hoạch đất phù hợp, tìm nguồn giống chất lượng, sản xuất đúng quy trình kĩ thuật. Đồng thời, sẽ đề xuất với các cơ quan liên quan tổ chức các lớp tập huấn kĩ thuật trồng trọt cho hội viên nông dân, trong đó có kĩ thuật trồng cây khoai lang Nhật Bản”.

Nguồn tin: Báo Quảng Trị

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Con số ấn tượng
69/101
Là số xã đạt chuẩn Nông thôn mới
14,5
Là số tiêu chí đạt bình quân của tỉnh
01/7 huyện đạt chuẩn nông thôn mới
(huyện Cam Lộ -đạt chuẩn năm 2019)
9 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao
(Kim Thạch, Vĩnh Thủy, Vĩnh Giang, Cam Chính, Cam Nghĩa, Cam Thành, Cam Hiếu, Triệu Đại, Triệu Trạch)
Liên kế website
Thống kê lượt truy cập
  • Đang truy cập94
  • Hôm nay19,798
  • Tháng hiện tại96,233
  • Tổng lượt truy cập8,296,530
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây