Hiệu quả từ mô hình tổ hợp tác tiết kiệm tín dụng của phụ nữ xã Vĩnh Thành

Thứ ba - 18/09/2018 20:59
Qua 24 năm hình thành và phát triển, mô hình các nhóm phụ nữ tiết kiệm phụ nữ Hội LHPN xã Vĩnh Thành, Vĩnh Linh đã chuyển đổi thành tổ hợp tác tiết kiệm tín dụng, tạo được ý thức thực hành thói quen tiết kiệm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh trong hội viên phụ nữ, góp phần hỗ trợ, giúp đỡ nhau cùng phát triển.
Tổ tiết kiệm tín dụng tạo điều kiện cho hội viên vay vốn phát triển sản xuất
Tổ tiết kiệm tín dụng tạo điều kiện cho hội viên vay vốn phát triển sản xuất

Chị Hà Thị Tuyết, ở thôn Liêm Công Tây, xã Vĩnh Thành có hoàn cảnh khó khăn, bản thân tàn tật đi lại khó nhọc, chồng chị thường xuyên đau ốm. Tham gia vào nhóm tiết kiệm phụ nữ của thôn, chị Tuyết được vay số vốn 5 triệu đồng đầu tư nuôi ngỗng. Nhờ chăm chỉ và chịu khó, chị Tuyết đã sớm trả được số tiền vay, có thêm khoản tích lũy, tiếp tục được Hội Phụ nữ xã tạo điều kiện cho vay lại 10 triệu đồng, đồng thời đứng ra tín chấp để chị được vay vốn thoát nghèo từ Ngân hàng Chính sách xã hội mở rộng sản xuất, chăn nuôi bò, làm ao cá. Từ hộ nghèo, gia đình chị Tuyết đã vươn lên thoát nghèo, kinh tế ngày càng ổn định. Chị Tuyết chia sẻ, kênh tiết kiệm tín dụng phụ nữ chính là nguồn vốn quan trọng ban đầu giúp chị có cơ sở để mạnh dạn phát triển sản xuất, cải thiện cuộc sống gia đình.

 

Chị Trần Thị Nguyên, Chủ tịch Hội LHPNN xã Vĩnh Thành nhớ lại, vào thời điểm những năm 1994,1995 đời sống của người dân gặp rất nhiều khó khăn. Đối với phụ nữ nông thôn, gánh nặng lo toan cuộc sống gia đình càng tăng gấp bội. Để tháo gỡ khó khăn cho hội viên, Hội LHPN xã Vĩnh Thành đã nghĩ cách vận động hội viên phụ nữ tham gia mô hình tiết kiệm tín dụng. “Ban đầu công tác vận động cũng gặp nhiều trở ngại bởi đối với chị em, để vun vén đủ cho gia đình đã là khó, nói gì đến việc trích ra một khoản tiết kiệm. Nhưng các thành viên BCH Hội đã tuyên truyền hội viên chịu khó tiết kiệm chi tiêu, tích tiểu thành đại, góp vốn cho nhau vay để có số tiền lớn đầu tư phát triển kinh tế, các hội viên nghe ra thấy hợp lý nên nhiệt tình hưởng ứng”, chị Nguyên chia sẻ.

 

Ngay từ khi mới ra đời, mô hình đã nhận được sự quan tâm chỉ đạo của cấp ủy đảng, hỗ trợ tạo điều kiện của chính quyền và sự hưởng ứng tham gia tích cực của hội viên phụ nữ. Ban đầu, chỉ có 2 nhóm được thành lập với 65 hội viên tham gia tại 2 chi hội, mức tiết kiệm từ 5.000 đồng/người/tháng. Dần dần, mức tiết kiệm tăng lên từ 10.000 đồng đến 50.000 đồng/ người/tháng. Hình thức tiết kiệm ngày một phong phú, đa dạng, tiết kiệm tại các chi hội, tiết kiệm trong các tổ góp vốn quay vòng, tiết kiệm trong các chương trình dự án tín dụng do hội quản lý. Một hình thức khác là vận động tiết kiệm từ cộng đồng, xã hội hỗ trợ không hoàn lại hoặc cho vay không lãi suất. Thông qua tổ phụ nữ, chi hội để hỗ trợ vốn cho phụ nữ nghèo, phụ nữ khó khăn phát triển sản xuất. Với tính thiết thực, hiệu quả của mô hình, đến tháng 7/2018, mô hình tiết kiệm đã có 5/5 chi hội với 11 nhóm và 896 thành viên tham gia, tăng 18 lần so với những ngày đầu thành lập, chiếm 92,7% tổng số hội viên. Nguồn vốn huy động trong hội viên phụ nữ tăng dần hằng năm, dư nợ từ 2,5 triệu đồng (năm 1994) tăng lên hơn 2,4 tỷ đồng (đến tháng 7/2018), hiện đang cho 397 phụ nữ vay vốn phát triển sản xuất.

 

Mô hình nhóm tiết kiệm gắn với tín dụng đã và đang là giải pháp hữu hiệu trong việc tạo nguồn vốn tự có, đáp ứng một phần nhu cầu về vốn vay phát triển kinh tế gia đình cho hội viên phụ nữ, đã giúp cho hàng ngàn lượt hội viên vay vốn phát triển kinh tế, trong đó 215 chủ hộ phụ nữ nghèo, nhiều hội viên đã thoát nghèo bền vững, vươn lên làm giàu chính đáng. Có 255 mô hình phụ nữ làm kinh tế giỏi cũng bắt đầu từ nhóm phụ nữ tiết kiệm, đầu tư vào các mô hình như chăn nuôi lợn, cá nước ngọt, tôm sú, làm miến dong, làm nấm, bún, bánh, lập vườn …, thu nhập bình quân mỗi năm từ 80 - 200 triệu đồng/năm…. “Để đồng vốn của nhóm tiết kiệm tín dụng phát huy hiệu quả, bền vững, Hội LHPN xã thường xuyên theo dõi, tập huấn nâng cao trình độ chuyên môn trong quản lý vốn, hướng dẫn các tổ xây dựng quy chế hoạt động cụ thể. Hằng năm, tổ hợp tác tổ chức hội nghị tổng kết, báo cáo quyết toán năm, biểu dương khen thưởng các tập thể, cá nhân có nhiều đóng góp trong thực hiện mô hình, đồng thời trích nguồn kinh phí của tổ để hỗ trợ cho các thành viên tham quan, học hỏi các mô hình phát triển kinh tế. Từ đó đã giúp cho mô hình hoạt động ngày một hiệu quả”, chị Trần Thị Nguyên cho biết thêm.

 

Thông qua sinh hoạt tiết kiệm tín dụng, Hội LHPN xã lồng ghép tuyên truyền chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước và triển khai các nhiệm vụ khác của hội một cách thuận lợi. Chính vì vậy mô hình tổ hợp tác tiết kiệm tín dụng còn là một hình thức thu hút tập hợp hội viên có hiệu quả. Ngoài việc vận động chị em phụ nữ tham gia mô hình tiết kiệm, hội còn vận động chị em tiết kiệm trong chi phí sản xuất, trong việc cưới, việc tang, lễ hội, tiết kiệm trong sử dụng lương thực, thực phẩm, trong chi tiêu mua sắm, sử dụng vật dụng gia đình. Từ việc tham gia vào tổ hợp tác tiết kiệm tín dụng mà hội viên phụ nữ xã Vĩnh Thành ngày càng nêu cao tinh thần tập thể, đoàn kết gắn bó xây dựng hội ngày càng vững mạnh.

Nguồn tin: Báo Quảng Trị

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Con số ấn tượng
69/101
Là số xã đạt chuẩn Nông thôn mới
14,5
Là số tiêu chí đạt bình quân của tỉnh
01/7 huyện đạt chuẩn nông thôn mới
(huyện Cam Lộ -đạt chuẩn năm 2019)
9 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao
(Kim Thạch, Vĩnh Thủy, Vĩnh Giang, Cam Chính, Cam Nghĩa, Cam Thành, Cam Hiếu, Triệu Đại, Triệu Trạch)
Liên kế website
Thống kê lượt truy cập
  • Đang truy cập98
  • Hôm nay10,354
  • Tháng hiện tại74,726
  • Tổng lượt truy cập8,168,262
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây