HỘI NÔNG DÂN HUYỆN GIO LINH TÍCH CỰC HỖ TRỢ NÔNG DÂN PHÁT TRIỂN KINH TẾ.

Thứ sáu - 27/07/2018 04:58
Hỗ trợ Nông dân phát triển kinh tế, giảm nghèo bền vững, vươn lên làm giàu chính đáng là việc làm được các cấp Hội Nông dân huyện Gio Linh chú trọng. Trong những năm qua, các cấp Hội Nông dân trong toàn huyện đã phát huy nội lực, tranh thủ nguồn lực, đoàn kết, giúp nhau về kinh nghiệm, kiến thức sản xuất, trồng trọt, chăn nuôi, đào tạo nghề, cây con giống, vốn, xây dựng mô hình kinh tế, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, tăng thu nhập, nâng cao đời sống cho gia đình hội viên nông dân, chung sức cùng địa phương xây dựng nông thôn mới.
Nông dân Gio Linh thực hiện Mô hình trồng rau, củ quả trong nhà lưới.
Nông dân Gio Linh thực hiện Mô hình trồng rau, củ quả trong nhà lưới.
          Nâng cao kiến thức cho hội viên nông dân về phát triển kinh tế luôn được Hội Nông dân huyện tập trung thực hiện bằng nhiều hình thức như: Tuyên truyền nội dung trong phong trào thi đua “Nông dân sản xuất kinh doanh giỏi”; tổ chức các lớp tập huấn chuyển giao khoa học, kỹ thuật trong chăn nuôi, trồng trọt, các buổi hội nghị đầu bờ, tư vấn, giới thiệu xuất khẩu lao động...
Bám sát đề án tái cơ cấu nông nghiệp, vận động hội viên thực hiện tốt chủ trương dồn điền đổi thửa, cải tạo vườn tạp, ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, sản xuất, chăn nuôi có hiệu quả, xây dựng và nhân rộng mô hình kinh tế giỏi, tổ hợp tác, hợp tác xã, mô hình nông nghiệp sạch, liên kết với các doanh nghiệp đầu tư một số dự án trên lĩnh vực nông nghiệp có quy mô và thu mua, bao tiêu sản phẩm. Các cấp Hội Nông dân trong toàn huyện đã vận động hội viên và nhân dân chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi, áp dụng khoa học công nghệ vào sản xuất nông nghiệp nhằm tăng hiệu quả sản xuất, nâng cao thu nhập cho người dân đã tạo được sự chuyển biến mạnh mẽ trong sản xuất phát triển kinh tế. Phối hợp với Trung tâm Dạy nghề và hỗ trợ nông dân tỉnh Quảng Trị, Trạm khuyến nông huyện Gio Linh mở các lớp tập huấn, dạy nghề trồng nấm, trồng ném, thú y, chăm sóc và khai thác mủ cao su, chăm sóc cây tiêu, sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, phân vi sinh, hữu cơ, nuôi bò vỗ béo, nuôi lợn, nuôi thỏ, nuôi gà an toàn sinh học, sửa chữa tàu thuyền...cho hàng trăm lượt hội viên nông dân. Qua các lớp đào tạo nghề, hội viên nông dân đã nắm vững kiến thức, áp dụng vào chăn nuôi, trồng trọt, nâng cao năng suất, sản lượng các loại cây trồng vật nuôi, tăng thêm nguồn thu nhập.
          Nắm bắt tâm tư, nguyện vọng, nhu cầu của hội viên nông dân, nhiều hội viên có nhu cầu vốn vay để đầu tư chăn nuôi, sản xuất,...Các cấp Hội phối hợp với Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện tư vấn hướng dẫn bà con nông dân tiếp cận với chính sách hỗ trợ vay vốn theo Quyết định 68/2014/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về chính sách vay vốn nhằm giảm tổn thất trong nông nghiệp; tín chấp vay vốn Ngân hàng Chính sách - Xã hội; tiếp cận các nguồn vốn vay quỹ hỗ trợ Nông dân...Toàn huyện có hơn 80 tổ tiết kiệm; vốn Ngân hàng Chính sách - Xã hội  hơn 90 tỷ đồng cho hơn 3 ngàn hộ nông dân vay vốn sản xuất. Vốn  Ngân hàng Nông nghiệp & PTNT trên 57 tỷ đồng cho hơn 1.000 hộ vay...Từ nguồn vốn vay, trên địa bàn huyện đã xuất hiện nhiều mô hình phát triển kinh tế giỏi, mô hình trang trại tổng hợp, mô hình gia trại, máy gặt đập liên hợp, xe ô tô vận chuyển hàng hóa nông sản, máy phục vụ nông nghiệp, hệ thống hấp sấy sản phẩm, máy làm đất, máy có công suất lớn chủ động hoàn toàn khâu làm đất...mang lại thu nhập hàng trăm triệu đồng, giải quyết việc làm cho nông dân và các thành viên trong gia đình nông dân, đẩy mạnh cơ giới hóa nông nghiệp vào sản xuất để rút ngắn thời gian lao động.
         Hội Nông dân huyện hướng dẫn Hội Nông dân các xã xây dựng dự án chăn  nuôi, sản xuất như: “Sản xuất, đóng gói tiêu thụ sản phẩm tinh bột nghệ” tại xã Gio An, đã đề xuất Chương trình Hạnh phúc Quảng Trị hỗ trợ với tổng vốn vay 900 triệu đồng với lãi suất ưu đãi, đã mang lại những kết quả tích cực cho nhiều nông dân trồng cây nghệ vàng trên địa bàn, đã trồng hơn 100 ha cây nghệ vàng với mức thu nhập bình quân 150 triệu đồng/ha. Hội tranh thủ nguồn lực từ chương trình này hỗ trợ một nhóm hộ xây dựng nhà xưởng, máy móc chế biến sản phẩm tinh bột nghệ.  Năm 2017, xưởng sản xuất tinh bột nghệ được hình thành, tuy quy mô vẫn còn khiêm tốn so với tổng sản lượng củ nghệ tươi sản xuất của địa phương nhưng cũng phần nào giúp người dân yên tâm, phấn khởi về đầu ra sản phẩm. Mô hình trồng cây nghệ vàng của địa phương cũng tăng lên đáng kể. Ngoài dự án trồng nghệ  Hội còn hướng dẫn xây dựng mô hình trồng nấm rơm, nấm sò tại thị trấn Cửa Việt, với quy mô 5.000 bịch, mang lại thu nhập cao  như gia đình hội viên nông dân  Nguyễn Thị Thiếc, ở thị trấn Cửa Việt. Hội còn hướng dẫn ngư dân biết liên kết, thành lập nhóm, tổ hợp tác cùng nhau làm ăn, điển hình như Tổ hợp tác nuôi cá Vược lồng với 11 hộ tham gia đã tận dụng lợi thế của địa phương nằm bên cửa biển, dọc theo bờ sông Thạch Hãn và sông Hiếu tổ chức nuôi đạt kết quả cao. Hội viên nông dân tham gia thực hiện mô hình trồng mướp đắng theo tiêu chuẩn VietGAP, bà con nông dân thôn Lại An, xã Gio Mỹ hướng tới nền sản xuất nông nghiệp sạch, đáp ứng nhu cầu thị trường. Nhiều dự án, hoạt động thực hiện có hiệu quả.  Hội còn tranh thủ nguồn lực từ các dự án để hỗ trợ hội viên nông dân xây dựng mô hình nông nghiệp sạch, mô hình sản xuất theo chuỗi đã và đang là hướng đi mà các cấp Hội Nông dân huyện Gio Linh tích cực triển khai thực hiện khá hiệu quả.
         Nhằm giúp đỡ kịp thời cho hội viên nông dân về cây, con giống, phân bón, trong nhiệm kỳ 2012 - 2017, Hội Nông dân các xã, thị trấn trên địa bàn huyện Gio Linh đã tín chấp được trên 40 tấn giống lúa, lạc, đậu và 1.500 tấn phân  bón các loại  cho hội viên nông dân. Những việc làm của Hội được hội viên nông dân hưởng ứng tích cực, vui mừng phấn khởi. Anh Thái Văn Thí, một hội viên nông dân thôn Thụy Khê, xã Gio Mỹ, huyện Gio Linh chia sẻ: “Hội nông dân huyện Gio Linh đã có nhiều hoạt động giúp hội viên nông dân phát triển kinh tế như  tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật, đào tạo nghề, tư vấn giới thiệu việc làm, tín chấp cho vay vốn...nhiều hội viên được hội giúp đỡ, hỗ trợ phát triển kinh tế, thoát nghèo bền vững, vươn lên khá và giàu. Hội là điểm tựa vững chắc cho hội viên nông dân”.
Trong thời gian tới, các cấp Hội Nông dân trong toàn huyện tiếp tục thực hiện nhiều hoạt động hỗ trợ nông dân phát triển kinh tế như: tập huấn, đào tạo nghề, hướng dẫn, hỗ trợ xây dựng các mô hình kinh tế, mô hình tổ hợp tác, hợp tác xã, tín chấp cho vay vốn; vận động hội viên cùng nhau góp vốn, chia sẻ kinh nghiệm, tổ chức sản xuất mang tính hàng hóa, hướng đến tạo ra nông sản sạch, đảm bảo an toàn thực phẩm...góp phần cùng địa phương phát triển kinh tế, chung sức xây dựng nông thôn mới. 

Tác giả bài viết: Phương Thiện

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Con số ấn tượng
69/101
Là số xã đạt chuẩn Nông thôn mới
14,5
Là số tiêu chí đạt bình quân của tỉnh
01/7 huyện đạt chuẩn nông thôn mới
(huyện Cam Lộ -đạt chuẩn năm 2019)
9 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao
(Kim Thạch, Vĩnh Thủy, Vĩnh Giang, Cam Chính, Cam Nghĩa, Cam Thành, Cam Hiếu, Triệu Đại, Triệu Trạch)
Liên kế website
Thống kê lượt truy cập
  • Đang truy cập90
  • Hôm nay19,798
  • Tháng hiện tại84,027
  • Tổng lượt truy cập8,284,324
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây