Dấu ấn bảo vệ môi trường trong xây dựng nông thôn mới

Thứ năm - 28/04/2016 03:38
Xác định tiêu chí 17 về môi trường là tiêu chí khó thực hiện trong xây dựng nông thôn mới, những năm qua, huyện Cam Lộ (Quảng Trị) luôn chú trọng đẩy mạnh công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức, ý thức trách nhiệm của người dân về bảo vệ môi trường, làm cho cảnh quan môi trường nông thôn huyện trong lành và xanh- sạch- đẹp. Đến nay, sau 5 năm thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, diện mạo nông thôn Cam Lộ ngày càng phong quang, sạch, đep, đặc biệt là vấn đề rác thải sinh hoạt ở khu dân cư được quan tâm xử lý góp phần giảm thiểu ô nhiễm môi trường, bảo vệ sức khỏe nhân dân tốt hơn.
Thu gom rác thải ở Cam Lộ
Thu gom rác thải ở Cam Lộ
Dấu ấn về môi trường xanh- sạch- đẹp trong xây dựng nông thôn mới ở Cam Lộ là mô hình thu gom rác thải nông thôn đang phát huy hiệu quả tích cực ở 8/8 xã trên địa bàn. Bà Phạm Thị Luân, Giám đốc HTX Dịch vụ môi trường và công trình đô thị huyện Cam Lộ cho biết: “Năm 2015, HTX ký hợp đồng với tất cả các xã và Ban quản lý chợ, thực hiện 100% số thôn tham gia vệ sinh môi trường, chuyên chở 1.705 chuyến xe với khối lượng hơn 6.700 tấn rác thải trên địa bàn đến bãi rác tập trung của huyện để xử lý. Huyện cũng đã đầu tư xây dựng bãi xử lý rác thải tập trung của huyện ở đồi C2, xã Cam Tuyền và xe chuyên dùng trị giá 12 tỷ đồng; xây dựng hoàn thiện 30 bể trung chuyển rác thải ở 8 xã với kinh phí bình quân 35-40 triệu đồng/bể. Rác ở thị trấn Cam Lộ do công nhân HTX thu gom; còn vùng nông thôn có tổ thu gom rác của xã phụ trách, đưa về tập kết ở bể rác trung chuyển để xe của HTX Dịch vụ môi trường và công trình đô thị huyện chở đi xử lý. Hiện nay, tỷ lệ thu gom chất thải sinh hoạt ở nông thôn đạt 85%. Tình hình xử lý rác thải vệ sinh môi trường ở các xã diễn ra tương đối tốt”. 

Bên cạnh hoạt động hiệu quả của mô hình thu gom rác thải nông thôn, các cơ sở sản xuất kinh doanh trên địa bàn huyện tập trung tại các cụm công nghiệp Cam Thành, Cam Hiếu, Cam Tuyền phần lớn được đầu tư về mặt bằng, đường giao thông, hệ thống thoát nước mưa; các công ty nằm trong cụm công nghiệp cũng đã và đang tiến hành xây dựng nhà máy, đầu tư trang thiết bị máy móc hiện đại phục vụ sản xuất và giảm thiểu ô nhiễm môi trường, tuân thủ các quy định pháp luật về bảo vệ môi trường. Tại các làng nghề, HTX như: làng nghề sản xuất bún Cẩm Thạch (xã Cam An), HTX Cao chè vằng (xã Cam Nghĩa), HTX chăn nuôi lợn Thống Nhất (xã Cam Thành), HTX chăn nuôi lợn Đoàn Kết (xã Cam Nghĩa)… do còn gặp khó khăn về kinh phí nên chưa có hệ thống xử lý chất thải trong quá trình sản xuất dẫn đến gây ô nhiễm môi trường. Tuy nhiên, thông qua quy hoạch xây dựng nông thôn mới, các cơ sở sản xuất, chăn nuôi gây ô nhiễm môi trường đã dần di dời ra xa khu dân cư, từng bước đầu tư xử lý ô nhiễm môi trường, không làm ảnh hưởng đời sống đến sức khỏe của nhân dân. 

Công tác tuyên truyền bảo vệ môi trường được các cấp ủy, chính quyền, đoàn thể địa phương luôn chú trọng, vận động người dân thực hiện các biện pháp vệ sinh môi trường khu dân cư, tiêu độc khử trùng chuồng trại chăn nuôi, vệ sinh đường làng ngõ xóm, khơi thông cống rãnh, thu gom rác, xây dựng công trình nước sạch, công trình vệ sinh theo tiêu chuẩn bảo vệ môi trường. Ban chỉ đạo xây dựng nông thôn mới tăng cường vận động nhân dân thực hiện nếp sống văn minh, xây dựng gia đình văn hóa, đẩy mạnh phát triển kinh tế gắn với bảo vệ môi trường, áp dụng phương pháp sản xuất nông nghiệp hữu cơ thân thiện với môi trường, được nhân dân tích cực hưởng ứng tham gia. Đến nay, chương trình nước sạch vệ sinh môi trường trên địa bàn huyện triển khai thực hiện hiệu quả, có 95% nhà trẻ, mẫu giáo và trường học có hệ thống nước thải, 100% trạm y tế có công trình cấp nước và nhà vệ sinh; tỷ lệ dân số sử dụng nước hợp vệ sinh đạt 90%; tỷ lệ hộ gia đình có nhà tắm, nhà vệ sinh đạt tiêu chuẩn theo quy định chiếm 85%. Các cơ sở sản xuất kinh doanh đạt tiêu chuẩn về môi trường chiếm 60%; có 70% chuồng trại chăn nuôi trên địa bàn đảm bảo hợp vệ sinh. Công tác chỉnh trang nông thôn, cải tạo vườn tạp, vệ sinh môi trường xanh- sạch- đẹp được nhân dân hưởng ứng tham gia tích cực. Tỷ lệ hộ dân thực hiện cải tạo vườn tạp, chỉnh trang hàng rào, ngõ xóm không lầy lội đạt 90%. Phong trào di dời mồ mã ra khỏi khu dân cư, vùng sản xuất, xây dựng nghĩa trang theo quy hoạch chuyển biến tích cực, có 8/8 xã đã quy hoạch nghĩa trang nhân dân tập trung đảm bảo vệ sinh môi trường và phù hợp với phong tục tập quán của người dân địa phương. Từ năm 2013 đến nay, bình quân mỗi năm kinh phí sự nghiệp môi trường huyện Cam Lộ đầu tư khoảng 2 tỷ đồng, trong đó kinh phí thu gom rác thải khoảng 700 triệu đồng, góp phần bảo đảm vệ sinh môi trường xanh- sạch- đẹp, hạn chế ô nhiễm môi trường. Ngoài ra, phát huy lợi thế về diện tích đất lâm nghiệp tương đối lớn, huyện Cam Lộ chú trọng đẩy mạnh trồng, chăm sóc và bảo vệ rừng, tạo môi trường trong lành và cảnh quan xanh- sạch- đẹp. 

Với sự nỗ lực của các cấp, các ngành và sự tham gia hưởng ứng tích cực của các tầng lớp nhân dân trong công tác bảo vệ môi trường, hiện toàn huyện Cam Lộ đã có 6/8 xã đạt tiêu chí về môi trường trong xây dựng nông thôn mới; không có các hoạt động làm suy giảm môi trường. Đây là tiền đề quan trọng để huyện Cam Lộ tiếp tục chung tay bảo vệ môi trường, phấn đấu là huyện về đích xây dựng nông thôn mới vào năm 2018. 

Nguồn tin: Báo Quảng Trị

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Con số ấn tượng
69/101
Là số xã đạt chuẩn Nông thôn mới
14,5
Là số tiêu chí đạt bình quân của tỉnh
01/7 huyện đạt chuẩn nông thôn mới
(huyện Cam Lộ -đạt chuẩn năm 2019)
9 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao
(Kim Thạch, Vĩnh Thủy, Vĩnh Giang, Cam Chính, Cam Nghĩa, Cam Thành, Cam Hiếu, Triệu Đại, Triệu Trạch)
Liên kế website
Thống kê lượt truy cập
  • Đang truy cập95
  • Hôm nay19,169
  • Tháng hiện tại83,162
  • Tổng lượt truy cập8,283,459
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây