Cuộc sống ổn định nhờ mô hình kinh tế tổng hợp

Thứ năm - 24/05/2018 03:21
Từ sản xuất, chăn nuôi nhỏ lẻ, chị Ngô Thị Phước, thôn Noỗng, xã Vĩnh Kim (Vĩnh Linh) đã mở rộng quy mô để nâng cao thu nhập cho gia đình, cải thiện chất lượng cuộc sống.
Chị Phước chia sẻ kinh nghiệm về phát triển mô nình kinh tế tổng hợp
Chị Phước chia sẻ kinh nghiệm về phát triển mô nình kinh tế tổng hợp

Nhận thấy diện tích đất vườn nhà khá rộng rãi đang trồng cao su, thuận lợi để chăn nuôi gà thả vườn, chị Phước đã đầu tư vốn mua con giống, xây dựng chuồng trại chăn nuôi gà. Ban đầu do ít vốn, thiếu kinh nghiệm nên chị chỉ chăn nuôi nhỏ lẻ, mỗi lứa từ 100-200 con. Nhờ chịu khó, ham học hỏi nên chỉ sau vài năm, chị Phước đã có vốn kinh nghiệm kha khá về chăn nuôi gà. Nhận thấy nhu cầu tiêu thụ gà thịt nuôi theo phương thức thả vườn tại địa phương khá lớn, từ năm 2013, chị Phước bắt đầu mở rộng quy mô chăn nuôi, hàng năm cung cấp cho thị trường trên 4.000 gà thịt. Do đặc điểm của gà thả vườn có thịt săn chắc, ngon và ít mỡ nên được nhiều người tiêu dùng lựa chọn, việc tiêu thụ sản phẩm của chị Phước nhờ vậy khá thuận lợi. Lứa gối lứa, bình quân mỗi tháng chị Phước xuất bán ra thị trường trên 400 gà thịt, đem lại nguồn thu nhập khoảng 60 triệu đồng. Trao đổi với chúng tôi, chị Phước cho biết: “Nuôi gà thả vườn lãi hơn nuôi lợn mà tốn ít công chăm sóc, nguồn thức ăn chủ yếu là các phế phụ phẩm trong sản xuất nông nghiệp, nguồn cám gạo có sẵn trong gia đình nên tiết kiệm được chi phí. Bên cạnh đó, vốn đầu tư làm chuồng trại nuôi gà cũng không cao, chủ yếu dùng các vật liệu như tre, gỗ tạp quanh vườn.

 

Theo kinh nghiệm của tôi, để đạt hiệu quả cao trong chăn nuôi cần bảo đảm các yếu tố như: chuồng trại sạch sẽ, thoáng mát, gà phải được tiêm các loại vắc xin phòng chống dịch bệnh đầy đủ. Nuôi gà dưới vườn cao su còn có thể tận dụng được nguồn phân bón trực tiếp rất tốt cho cây trồng”. Không dừng lại ở chăn nuôi gà thả vườn, chị Phước bàn bạc với chồng mua sắm máy để mở dịch vụ xay xát lúa gạo, hằng năm chị thu mua khoảng 200 tấn lúa trên địa bàn để xay xát, lấy tấm cám phục vụ chăn nuôi còn gạo đem bán ra thị trường. Hiện nay, chị Phước đang trở thành đầu mối cung cấp sản phẩm lúa gạo lớn cho một số xã ven biển của huyện Vĩnh Linh. Sau khi dịch vụ xay xát đi vào hoạt động ổn định, đầu năm 2015, chị Phước xây dựng thêm trang trại chăn nuôi lợn thịt để tăng thu nhập, bình quân mỗi lứa chị xuất bán 80 con lợn thịt. Ngoài ra, vợ chồng chị cũng nhận thêm 2 ha cao su để chăm sóc, đến nay đã cho thu hoạch. Nhờ chăm chỉ, sáng tạo, đam mê học hỏi, dám nghĩ dám làm đã giúp chị Phước đưa gia đình vượt qua khó khăn, vươn lên khá giả.

 

Chia sẻ về kinh nghiệm làm kinh tế của mình, chị Phước cho biết thêm: “Trong quá trình làm kinh tế tôi gặp không ít khó khăn, chẳng hạn như thời điểm lợn rớt giá, rồi giá mủ cao su cũng không tăng trong thời gian dài. Nhiều hộ bỏ chăn nuôi lợn, rồi chặt cây cao su thay thế giống cây trồng mới. Còn bản thân tôi tin rằng, giá rớt rồi sẽ tăng trở lại. Mang theo niềm tin đó, tôi chuyển hướng mũi nhọn sang chăn nuôi gà, rồi phát triển dịch vụ xay xát để bù đắp cho mô hình chăn nuôi lợn và vườn cao su. Đàn lợn trong chuồng tôi vẫn nuôi, cây cao su trong vườn vẫn duy trì chế độ chăm sóc đều đặn chờ ngày cạo mủ. Sau một thời gian khi giá mủ cao su dần tăng trở lại, tôi bắt đầu có thu nhập từ mủ cao su. Và gần đây nhất khi giá lợn tăng, nhiều hộ nuôi tiếc nuối vì không có lợn thịt để bán thì lợn nhà tôi lại bán được, đem lại nguồn thu nhập đáng kể cho gia đình”. Hằng năm sau khi trừ chi phí, chị lãi ròng khoảng 200 triệu đồng từ mô hình kinh tế tổng hợp.

 

Hôm chúng tôi đến thăm, chị Phước đang bận rộn úm 500 gà con để chuẩn bị cho một lứa nuôi mới. Chia sẻ về kế hoạch làm ăn của mình, chị Phước cho biết: “Từ những thành công bước đầu của mô hình kinh tế tổng hợp, tôi mong muốn sẽ được tiếp cận với nguồn vốn vay ưu đãi của nhà nước để tiếp tục mở rộng quy mô trang trại, đồng thời mua sắm thêm một số phương tiện vận tải để thuận lợi hơn trong việc vận chuyển sản phẩm đến thị trường tiêu thụ”.

 


Nguồn tin: Báo Quảng Trị

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Con số ấn tượng
69/101
Là số xã đạt chuẩn Nông thôn mới
14,5
Là số tiêu chí đạt bình quân của tỉnh
01/7 huyện đạt chuẩn nông thôn mới
(huyện Cam Lộ -đạt chuẩn năm 2019)
9 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao
(Kim Thạch, Vĩnh Thủy, Vĩnh Giang, Cam Chính, Cam Nghĩa, Cam Thành, Cam Hiếu, Triệu Đại, Triệu Trạch)
Liên kế website
Thống kê lượt truy cập
  • Đang truy cập73
  • Hôm nay16,733
  • Tháng hiện tại80,726
  • Tổng lượt truy cập8,281,023
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây