Bước đột phá của một Hợp tác xã nông nghiệp kiểu mới

Thứ hai - 13/05/2019 04:14
Sau khi chuyển đổi hoạt động theo Luật Hợp tác năm 2012, Hợp tác xã (HTX) Sản xuất kinh doanh - Dịch vụ nông nghiệp Đại An Khê (gọi tắt là HTX Đại An Khê), xã Hải Thượng, huyện Hải Lăng đã có sự đổi mới trong nội dung và phương thức hoạt động, lấy thành viên làm trung tâm. Không chỉ đảm nhận các khâu dịch vụ cơ bản, HTX còn mở thêm một số dịch vụ mới, làm tốt vai trò là “bà đỡ” cho các hộ nông dân liên kết với nhau để chuyển từ sản xuất nhỏ manh mún phát triển thành sản xuất hàng hóa tập trung quy mô lớn, hiệu quả cao.
Tăng cường ứng dụng cơ giới hóa vào sản xuất nông nghiệp ở HTX Đại An Khê​
Tăng cường ứng dụng cơ giới hóa vào sản xuất nông nghiệp ở HTX Đại An Khê​

Sau một vụ mùa tập trung chăm sóc mô hình ruộng lúa sản xuất theo hướng hữu cơ do HTX đứng ra tổ chức, các thành viên của HTX Đại An Khê tiến hành thu hoạch lúa, phơi khô và chở đến khu vực kho bãi tập trung để bán cho HTX, “tiền tươi thóc thật” trao tay. Giá mỗi kg lúa được HTX thu mua là 8.000 đồng/kg, riêng lúa giống được mua với giá 9.000 đồng/kg. Vụ đông xuân 2018 - 2019, HTX Đại An Khê triển khai mô hình sản xuất theo hướng hữu cơ áp dụng giống lúa mới ADI 168 với tổng diện tích hơn 2,4 ha gồm 16 hộ dân thực hiện. Sản lượng lúa thu mua ước đạt khoảng 10 tấn sẽ được HTX thực hiện nốt công đoạn xay xát, đóng gói bao bì, nhãn mác để cho ra thành phẩm là gạo mang thương hiệu “gạo Hải Lăng”. Ông Nguyễn Hồ, ở khu vực 5, thôn Đại An Khê, xã Hải Thượng vui vẻ nói: “Nhờ có HTX đứng ra bao tiêu sản phẩm, người dân chúng tôi làm nông giờ nhàn và yên tâm hẳn, giá cả thu mua đối với lúa sản xuất theo hướng hữu cơ cũng hợp lí, cao hơn so với sản xuất truyền thống”.

 

Cách làm này của HTX Đại An Khê thể hiện rõ phương châm luôn đổi mới về tổ chức sản xuất, kinh doanh dịch vụ, sản xuất gắn liền với tiêu thụ sản phẩm cho các thành viên. Năm 2018, HTX tập trung thực hiện công tác dồn thửa đổi điền, tích tụ ruộng đất để tổ chức sản xuất lúa cả năm với diện tích 296 ha, bố trí 60 ha sản xuất cánh đồng lớn, 14,7 ha sản xuất lúa hữu cơ, 214 ha sản xuất cánh đồng một giống bằng các loại lúa chất lượng cao như HC 95, RVT...Việc sản xuất được chú trọng gắn liền với chất lượng sản phẩm, giá trị hàng hóa, nhờ đó năng suất đạt 107 tạ/năm, giá trị sản xuất trên đơn vị diện tích đạt từ 70-75 triệu đồng/ năm. HTX đã liên kết với Công ty Cổ phần nông sản hữu cơ Quảng Trị tổ chức sản xuất giống lúa RVT với năng suất bình quân đạt 60 tạ/ha/vụ, giá trị sản xuất trên đơn vị diện tích đạt trên 90 triệu đồng/ha. Ngoài ra, HTX còn tổ chức sản xuất 15 ha giống lúa tại chỗ để chủ động nguồn giống tốt, 100% diện tích lúa đều được gieo sạ bằng các loại giống xác nhận, tổ chức sản xuất khảo nghiệm một số giống lúa mới như NA2, Bồ Đề 668 để chọn ra giống tốt thay thế cho những loại giống lúa đã thoái hóa.

 

Ngoài thế mạnh về sản xuất lúa, HTX Đại An Khê bố trí vùng sản xuất tập trung, chuyên canh cây màu, trong đó sản xuất 80 ha sắn KM 94 làm nguyên liệu cho các nhà máy tinh bột sắn trên địa bàn, năng suất đạt 330 tạ/ha/năm, 22 ha ngô các loại cho năng suất 65 tạ/ha/vụ. Chú trọng áp dụng biện pháp xen canh, luân vụ, chăm bón đúng quy trình nên từng bước đem lại thu nhập khá cho người sản xuất. Lĩnh vực chăn nuôi cũng là một thế mạnh trong sản xuất nông nghiệp tại HTX Đại An Khê hiện nay. Tổng đàn bò ở thời điểm cuối năm 2018 là 250 con, 100% đàn bò được lai hóa, có nhiều hộ chăn nuôi theo hướng thâm canh, bán thâm canh. Đàn lợn được chú trọng phát triển trở lại, người dân chăn nuôi lợn thịt theo hướng công nghiệp, bán công nghiệp, nuôi gia công cho các nhà máy với tổng đàn lợn trong năm 2018 đạt 3.970 con, sản lượng thịt xuất chuồng 250 tấn thịt lợn hơi. Tận dụng mặt nước ao hồ, các thành viên HTX đã triển khai nuôi trồng thủy sản với diện tích 32 ha mặt nước, năng suất bình quân 2 tấn cá, thịt/ ha, sản lượng đạt 60 tấn, sản xuất và ươm nuôi hơn 20 triệu con cá bột, cá hương, 50 vạn con cá giống các loại, góp phần cung cấp con giống tốt cho thị trường trong và ngoài tỉnh. Cây ăn quả và cây dược liệu cũng mang lại nguồn thu nhập đáng kể cho các thành viên HTX. Ông Nguyễn Trung Trực, Giám đốc HTX Đại An Khê, cho biết: “HTX đã vận động hộ thành viên hoán đổi đất gò đồi tại Bàu Cộc, tạo điều kiện cho 3 hộ đầu tư vốn để chuyển đổi đất trồng cây lâm nghiệp sang trồng cây ăn quả và dược liệu. Trong hai năm 2017, 2018, các hộ đã trồng được 5,2 ha cam, 1,5 ha cây sả bước đầu phát triển tốt, hứa hẹn sẽ mang lại giá trị kinh tế cao hơn so với trồng cây lâm nghiệp”.

 

Ngoài ra, với việc thành lập Tổ hợp tác sản xuất bánh tét mặt trăng đã mang lại cho người dân nguồn thu nhập không nhỏ, tạo việc làm cho người lao động. Với gần 40 hộ tham gia, năm 2018 các thành viên đã sản xuất, tiêu thụ 15 tấn nếp thành phẩm làm bánh tét mặt trăng cung ứng ra thị trường trong và ngoài tỉnh. Tổng doanh thu năm 2018 của HTX Đại An Khê đạt 2,3 tỉ đồng, thu nhập bình quân mỗi thành viên là 42 triệu đồng/người/năm.

 

Bên cạnh tập trung cho sản xuất, kinh doanh các dịch vụ nông nghiệp, HTX Đại An Khê đã chú trọng tham gia đầu tư hệ thống giao thông nội đồng, kiên cố hóa kênh mương, xây dựng khu thể dục thể thao tại trung tâm HTX với giá trị đầu tư hàng trăm triệu đồng. Chia sẻ thêm về kinh nghiệm nâng cao hoạt động của mô hình HTX kiểu mới, ông Nguyễn Trung Trực nói: “Để HTX hoạt động hiệu quả, ngoài việc thực hiện nghiêm túc 3 dịch vụ bắt buộc, 8 dịch vụ mang tính kinh doanh khác của HTX, chúng tôi tập trung liên kết, liên doanh, tổ chức dịch vụ đầu vào, đầu ra cho hộ thành viên, tăng cường ứng dụng tiến bộ khoa học kĩ thuật, công nghệ mới vào sản xuất nhằm nâng cao sức cạnh tranh của sản phẩm nông nghiệp. Phát triển gắn với phát huy dân chủ cơ sở, xây dựng HTX thực sự theo nguyên tắc tự nguyện, tự bàn, tự quyết, tự chịu trách nhiệm của thành viên, kịp thời động viên khen thưởng để tạo khí thế thi đua sôi nổi trong sản xuất”.

 

Nguồn tin: Báo Quảng Trị

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Con số ấn tượng
69/101
Là số xã đạt chuẩn Nông thôn mới
14,5
Là số tiêu chí đạt bình quân của tỉnh
01/7 huyện đạt chuẩn nông thôn mới
(huyện Cam Lộ -đạt chuẩn năm 2019)
9 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao
(Kim Thạch, Vĩnh Thủy, Vĩnh Giang, Cam Chính, Cam Nghĩa, Cam Thành, Cam Hiếu, Triệu Đại, Triệu Trạch)
Liên kế website
Thống kê lượt truy cập
  • Đang truy cập6
  • Hôm nay671
  • Tháng hiện tại49,318
  • Tổng lượt truy cập8,142,854
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây