Hiệu quả từ nguồn vốn hỗ trợ

Thứ hai - 19/08/2013 21:22
Xã Vĩnh Thạch, huyện Vĩnh Linh, tỉnh Quảng Trị là một trong 3 xã của cả nước được Chủ tịch nước Trương Tấn Sang chọn bảo trợ xây dựng nông thôn mới (NTM). Niềm vinh dự này thực sự là "đòn bẩy" tạo đà cho chính quyền và nhân dân xã Vĩnh Thạch phấn đấu xây dựng NTM về đích đúng lộ trình. Hiện, xã đã đạt 14/19 tiêu chí với 29/39 chỉ tiêu bền vững.
Chính quyền và nhân dân xã Vĩnh Thạch đang đẩy nhanh tiến độ xây dựng hạ tầng NTM.
Chính quyền và nhân dân xã Vĩnh Thạch đang đẩy nhanh tiến độ xây dựng hạ tầng NTM.
Vĩnh Thạch có 1.082 hộ, 3.632 khẩu, phân bố dân cư thành 10 thôn. Đây là xã bãi ngang hiếm hoi của tỉnh Quảng Trị được thiên nhiên ưu đãi một vùng đất đỏ bazan màu mỡ, rất thuận lợi cho việc phát triển nông nghiệp. Hiện, toàn xã có 400ha cây cao su (trong đó có 3.600ha đang khai thác) và 72ha cây tiêu.
Ông Nguyễn Như Thanh, Phó Chủ tịch UBND xã Vĩnh Thạch cho biết, trước đây, Vĩnh Thạch từng là một trong những xã nghèo nhất của tỉnh Quảng Trị với số hộ nghèo và cận nghèo chiếm gần 18%. Là xã nghèo, nhưng có truyền thống cách mạng. Trên địa bàn có nhiều nghĩa trang liệt sĩ, di tích lịch sử, đặc biệt là địa đạo Vịnh Mốc (di tích lịch sử trong kháng chiến chống Mỹ) nên Vĩnh Thạch vinh dự được Chủ tịch nước chọn để bảo trợ xây dựng NTM.
Với vai trò là người bảo trợ, Chủ tịch nước đã kêu gọi các cá nhân, doanh nghiệp, nhà khoa học hỗ trợ kinh phí, hiến kế để Vĩnh Thạch xây dựng NTM về đích đúng lộ trình. Tuy nhiên, trong các buổi làm việc với địa phương, Chủ tịch nước cũng khẳng định rằng, yếu tố quyết định để hoàn thành xây dựng NTM vẫn chính từ phát huy nội lực của chính quyền và nhân dân xã Vĩnh Thạch. Khi NTM ở Vĩnh Thạch hoàn thành, địa phương này sẽ là địa chỉ tin cậy để các địa phương khác đến học tập kinh nghiệm về cách thức triển khai mô hình. Từ lời kêu gọi của Chủ tịch nước, tháng 6-2013, Công ty Cổ phần Chứng khoán Sài Gòn đã hỗ trợ 50 hộ nghèo và cận nghèo xã Vĩnh Thạch 100 con bò trị giá 2,2 tỷ đồng để sinh kế; UBND huyện Vĩnh Linh hỗ trợ xã 3.000 khối đá dăm; Công ty Cổ phần Xi măng Thăng Long tài trợ đợt I 1.000 tấn xi măng để làm đường bê tông...
Nhận được sự quan tâm đặc biệt của Đảng, Nhà nước, các doanh nghiệp từ năm 2011, chính quyền và nhân dân xã Vĩnh Thạch phấn khởi, đồng lòng, đồng sức bắt tay vào công cuộc xây dựng NTM. UBND xã đã thành lập Ban quản lý NTM gồm 21 đồng chí và tiến hành kiểm tra, rà soát lại toàn bộ hồ sơ NTM của các thôn. Đồng thời, xã cũng chỉ đạo các chi bộ ra nghị quyết chuyên đề lãnh đạo thực hiện xây dựng NTM trong suốt lộ trình đến năm 2015, với phương châm xuyên suốt là: "Dân biết, dân bàn, dân làm và dân hưởng lợi". Để tạo được sự đồng thuận cao trong nhân dân, hằng tháng, Ban quản lý NTM đã tổ chức các buổi họp để phổ biến cho nhân dân hiểu NTM là gì? Cách thức triển khai ra sao? Thế nào là Nhà nước và nhân dân cùng làm?... Trong 2 năm, xã đã tổ chức được 33 buổi họp dân, 24 lượt sinh hoạt cùng với các tổ chức, đoàn thể để quán triệt, triển khai xây dựng nội dung NTM. Để thay đổi nhận thức trong nhân dân, nội dung tuyên truyền tại các bảng tin, pa nô, khẩu hiệu cũng thường xuyên được Ban quản lý thay đổi cho phù hợp với thực tiễn tình hình của địa phương... Để nâng cao mức sống cho nhân dân, qua các kênh, nguồn vốn khác nhau, UBND xã đã tạo điều kiện cho các hộ vay vốn để đầu tư, chỉnh trang nhà cửa, công trình phụ. Xã cũng đã giải ngân 800 triệu đồng vốn vay cho hộ nghèo để làm công trình nước sạch và cho học sinh, sinh viên vay. Đến nay, số dư nợ tại các ngân hàng hơn 200 tỷ đồng.
Về phía người dân, bà con hăng hái hiến đất, đóng góp ngày công lao động, di dời hàng rào để phục vụ cho việc xây dựng, tu bổ các công trình dân sinh... 6 tháng đầu năm 2013, xã đã giải tỏa, san gạt được 10,1km đường giao thông nông thôn, đảm bảo đúng quy hoạch để chuẩn bị đổ bê tông, với 1.330 ngày công. Trong đó, nhân dân tự nguyện hiến 48.702m2 đất, giải tỏa 493m tường rào xây, 18.610m bờ rào xanh và nhiều công trình phụ khác với tổng trị giá đất, tài sản hơn 3,2 tỷ đồng. 10/10 thôn trong xã đã huy động được kinh phí đóng góp để xây dựng hệ thống điện chiếu sáng ở khu dân cư, với tổng kinh phí gần 400 triệu đồng và 605 ngày công, trong đó, nhân dân đóng góp hơn 320 triệu đồng...
Theo ông Nguyễn Như Thanh, đến thời điểm hiện tại, xã đã đạt 14/19 tiêu chí với 29/39 chỉ tiêu mang tính bền vững. Đó là các tiêu chí: Quy hoạch và thực hiện quy hoạch; thủy lợi; điện; bưu điện; nhà ở dân cư; thu nhập; cơ cấu lao động; hình thức tổ chức sản xuất; giáo dục; y tế; văn hóa; môi trường; hệ thống tổ chức chính trị; an ninh trật tự xã hội... Năm 2013, xã phấn đấu đạt thêm 2 tiêu chí là chợ và giao thông.
Chia tay Vĩnh Thạch, chúng tôi ấn tượng với rừng cao su bạt ngàn chảy đầy nhựa trắng, những vườn hồ tiêu xanh tươi trĩu quả đang mùa thu hoạch, những con đường bê tông rộng thênh thang, đêm đêm ánh điện sáng trưng... Và hơn cả là sự đoàn kết, đồng lòng, đồng sức từ phía chính quyền và nhân dân quê hương cách mạng. Hy vọng rằng, tương lai không xa, Vĩnh Thạch sẽ trở thành một trong những địa phương đứng đầu cả nước về tiến độ xây dựng NTM.

Tác giả bài viết: Báo Quảng Trị

Tổng số điểm của bài viết là: 1 trong 1 đánh giá

Xếp hạng: 1 - 1 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Con số ấn tượng
69/101
Là số xã đạt chuẩn Nông thôn mới
14,5
Là số tiêu chí đạt bình quân của tỉnh
01/7 huyện đạt chuẩn nông thôn mới
(huyện Cam Lộ -đạt chuẩn năm 2019)
9 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao
(Kim Thạch, Vĩnh Thủy, Vĩnh Giang, Cam Chính, Cam Nghĩa, Cam Thành, Cam Hiếu, Triệu Đại, Triệu Trạch)
Liên kế website
Thống kê lượt truy cập
  • Đang truy cập126
  • Hôm nay26,462
  • Tháng hiện tại100,441
  • Tổng lượt truy cập8,193,977
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây