Kinh tế trang trại - tiềm lực thúc đẩy xây dựng nông thôn mới

Thứ năm - 03/10/2013 22:47
Xây dựng nông thôn mới không phải là một dự án nhà nước đầu tư, Nhà nước đóng vai trò định hướng, ban hành các tiêu chí, quy chuẩn, chính sách, cơ chế hỗ trợ, đào tạo cán bộ, hướng dẫn thực hiện và hỗ trợ một phần kinh phí..... trong triển khai thực hiện. Các hoạt động cụ thể do chính cộng đồng người dân ở thôn, xã bàn bạc dân chủ để quyết định và tổ chức thực hiện. Mục tiêu cuối cùng và xuyên suốt là không ngừng nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của người dân nông thôn, nhằm hướng tới “Diện mạo mới, đời sống mới”. Như vậy, vấn đề đổi mới và phát triển các hình thức tổ chức sản xuất nói chung và loại hình kinh tế trang trại nói riêng sẽ góp phần tích cực trong việc giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập, xóa đói giảm nghèo cho người dân ở nông thôn.
Kinh tế trang trại - tiềm lực thúc đẩy xây dựng nông thôn mới
Sự phát triển của các loại hình kinh tế trong nông nghiệp nói chung và loại hình kinh tế trang trại nói riêng từng bước khẳng định vị trí rõ nét trong quá trình xây dựng nông thôn mới, đặc biệt là đã giải quyết được những vấn đề mà kinh tế hộ gia đình trước đây khó có thể làm được. Đó là, áp dụng nhanh tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất hàng hoá; tạo sự liên kết hợp tác dịch vụ sản xuất cũng như thu hút nguồn vốn nhàn rỗi của nhiều tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp; chủ động tiếp cận thị trường, tìm đầu ra cho sản phẩm… Thực tế cho thấy, mô hình kinh tế trang trại đã góp phần tích cực chuyển dịch cơ cấu kinh tế, nâng cao giá trị trên một đơn vị diện tích đất canh tác, đẩy nhanh xóa đói, giảm nghèo, giúp nông dân vươn lên làm giàu, giải quyết việc làm thường xuyên cho hàng nghìn lao động, tăng thu nhập cho nông dân và thay đổi diện mạo bộ mặt nông thôn ngày nay.
 Trong những năm qua, với yêu cầu phát triển nông nghiệp, nông dân và nông thôn, cùng với sự chỉ đạo sâu sát của các cấp ủy đảng, chính quyền và các cơ quan quản lý chuyên ngành, các mô hình kinh tế trang trại ở Quảng Trị có những chuyển biến tích cực, đóng góp đáng kể trong việc khai thác tiềm năng, lợi thế về đất đai, lao động, cung cấp nhiều loại sản phẩm hàng hóa có giá trị kinh tế cho xã hội và cộng đồng như: cao su, hồ tiêu, cà phê, thuỷ sản...., góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế của địa phương.
Tính đến cuối năm 2010, toàn tỉnh có 902 trang trại các loại, nhiều nhất là huyện Vĩnh Linh có 320 trang trại, huyện Hướng Hóa có 254 trang trại, huyện Gio Linh có 96 trang trại, huyện Hải Lăng có 79 trang trại, huyện Cam Lộ có 70 trang trại, huyện Triệu Phong có 55 trang trại... (theo tiêu chí cũ). Ngày 13/4/2011, Bộ Nông nghiệp và PTNT ban hành Thông tư số 27/2011/TT-BNNPTNT quy định tiêu chí và thủ tục cấp giấy chứng nhận kinh tế trang trại mới. Theo tiêu chí mới, tính đến hết năm 2012, toàn tỉnh có 24 trang trại đạt tiêu chí các loại, giảm 878 trang trại, trong đó 3 huyện Hướng Hóa, Đakrông và Hải Lăng không có trang trại nào đạt chuẩn. Diện tích bình quân 01 trang trại đạt 21,2 ha, giá trị sản lượng bình quân đạt 2.218 triệu đồng/ trang trại. Điển hình như trang trại trồng cao su của hộ: Nguyễn Văn Dũng ở Vĩnh Linh, doanh thu bình quân 3.200 triệu đồng/năm; Trang trại nuôi tôm của hộ: Võ Đức Thiên ở Triệu Phong, doanh thu bình quân 10.200 triệu đồng/năm. Tuy nhiên, theo quy định tại Thông tư 27 của Bộ NN&PTNT cho thấy các trang trại trên địa bàn tỉnh Quảng Trị không đạt chuẩn theo tiêu chí mới là do các trang trại củ hầu hết không đạt 02 tiêu chí hoặc có trang trại chỉ đạt 01 trong 02 tiêu chí về diện tích hoặc giá trị sản lượng.
  Tuy nhiên, việc phát triển kinh tế trang trại của tỉnh trong những năm qua vẫn còn gặp nhiều khó khăn:
- Các chính sách phát triển kinh tế trang trại được thực hiện thông qua các chính sách phát triển nông nghiệp, nông thôn nói chung như: Nghị quyết về phát triển kinh tế miền núi và gò đồi, Nghị quyết về phát triển kinh tế vùng cát ven biển...., chưa có chính sách cụ thể riêng biệt của địa phương về phát triển kinh tế trang trại.
- Việc tiếp cận các chính sách ưu đãi của nhà nước về kinh tế trang trại như: chính sách vay vốn, chuyển giao tiến bộ kỹ thuật, tiêu thụ nông sản, chưa có các chính sách thúc đẩy tạo động lực phát triển mạnh mẽ cho kinh tế trang trại... Mặc dù nhà nước đã ban hành nhiều chính sách hỗ trợ cho loại hình kinh tế này. Song việc tiếp cận từ các nguồn vốn trên từ các ngân hàng như: Ngân hàng nông nghiệp và chính sách gặp rất nhiều khó khăn, hầu hết các trang trại chưa được tiếp cận từ các nguồn vốn trên.
 - Thủ tục giao đất, cấp đất cho các chủ trang trại khi đã có đề án sản xuất kinh doanh được thẩm định còn chậm, gây cản trở đến quá trình đầu tư phát triển trang trại mới. Trong khi đó các trang trại, gia trại phần lớn nằm xen lẫn trong các khu dân cư, nên đòi hỏi cần có sự quan tâm từ chính quyền các cấp trong việc di dời cũng như quy hoạch vùng sản xuất  tập trung. Trong khi đó trình độ quản lý, kỹ thuật của các chủ trang trại nhìn chung chưa đáp ứng yêu cầu phát triển; các chủ trang trại điều hành sản xuất theo kinh nghiệm, hầu hết chưa qua đào tạo, tập huấn.  Khả năng tiếp cận thị trường và tiêu thụ sản phẩm của các chủ trang trại còn hạn chế, việc liên kết tiêu thụ còn yếu; lao động huy động làm việc trong các loại hình trang trại chưa nhiều và ít có hợp đồng lao động, chủ yếu là thuê mướn lao động thời vụ.
Trong tiến trình xây dựng nông thôn mới, việc phát triển kinh tế trang trại, gia trại là yêu cầu cấp thiết hơn bao giờ hết. Để giúp loại hình kinh tế này phát triển trong thời gian tới cần ban hành một số chủ trương, chính sách riêng của tỉnh về một số lĩnh vực như:
- Về đất đai: trên cơ sở quy hoạch chung của từng địa phương, có chính sách khuyến khích hỗ trợ cho nhân dân ở các vùng có lợi thế để phát triển kinh tế trang trại (vùng tập trung chuyên canh), cải tiến thủ tục cấp đất, giao đất, cho thuê đất, miễn thuế sử dụng đất đối với những năm đầu cho chủ trang trại khi có đầy đủ điều kiện và có phương án sản xuất kinh doanh khả thi.
- Có chính sách di dời các trang trại củ xen lẫn ở trong khu dân cư và các trang trại thành lập mới đến nơi quy hoạch tập trung, đảm bảo vệ sinh môi trường và phòng chóng dịch bệnh.
- Về tín dụng: mở rộng đối tượng cho vay vốn, nâng mức vay cho hộ nông dân, đồng thời nghiên cứu cơ chế thế chấp vay vốn từ tài sản hình thành vốn vay của trang trại. Cần có chính sách hỗ trợ lãi suất ưu đãi hoặc cấp bù lãi suất vay vốn cho loại hình kinh tế trang trại.
- Tăng cường khuyến khích liên kết sản xuất tiêu thụ giữa các trang trại và các doanh nghiệp.
- Có chính sách hỗ trợ đào tạo tập huấn về quản lý, kỹ thuật...cho các chủ trang trại.
Tuy nhiên, so với yêu cầu của thực tiễn để đưa hoạt động của các mô hình kinh tế trang trại đi vào chiều sâu và phát triển đúng hướng, góp phần đẩy nhanh tiến độ xây dựng nông thôn mới, cần có sự nhìn nhận đầy đủ hơn, đồng thời có những bước đi, giải pháp phù hợp để các mô hình kinh tế trang trại ngày càng phát triển có hiệu quả và bền vững; cần phải xây dựng một đề án quy hoạch tổng thể về phát triển các loại mô hình kinh tế trang trại, gia trại gắn với xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh đến năm 2020.
Trên cơ sở đánh giá đầy đủ, cụ thể, chính xác thực trạng của từng loại hình kinh tế trang trại theo các tiêu chí quy định tại Thông tư 27 của Bộ NN& PTNT làm cơ sở để hoạch định các chủ trương, chính sách và các nội dung triển khai thực hiện đề án trên địa bàn toàn tỉnh; đồng thời đề ra các nhiệm vụ và giải pháp hữu hiệu nhằm thúc đẩy sự phát triển của các loại hình kinh tế trang trại, gia trại trên địa bàn tỉnh.

Tác giả bài viết: Tác giả bài viết: Trần Văn Thu - Chi cục Phát triển nông thôn

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Con số ấn tượng
69/101
Là số xã đạt chuẩn Nông thôn mới
14,5
Là số tiêu chí đạt bình quân của tỉnh
01/7 huyện đạt chuẩn nông thôn mới
(huyện Cam Lộ -đạt chuẩn năm 2019)
9 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao
(Kim Thạch, Vĩnh Thủy, Vĩnh Giang, Cam Chính, Cam Nghĩa, Cam Thành, Cam Hiếu, Triệu Đại, Triệu Trạch)
Liên kế website
Thống kê lượt truy cập
  • Đang truy cập51
  • Hôm nay7,786
  • Tháng hiện tại61,202
  • Tổng lượt truy cập8,261,499
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây