KINH TẾ VAC - MỘT BỘ PHẬN CẤU THÀNH QUAN TRỌNG

Thứ ba - 15/10/2013 22:41
Kinh tế nông nghiệp được cấu thành bởi rất nhiều loại hình như chuyên canh lúa, chuyên canh màu và cây ngắn ngày, chuyên canh cây công nghiệp, chuyên trồng rừng và khai thác rừng, chuyên chăn nuôi trâu, bò, lợn, gia cầm, thuỷ sản...gắn với các hình thức tổ chức kinh tế hộ, kinh tế trang trại, gia trại, kinh tế hợp tác và HTX, kinh tế doanh nghiệp.
Trong những năm đổi mới từ những năm 80 của thế kỷ trước  trong nông nghiệp xuất hiện thêm cụm từ VAC do Hội Làm vườn Việt Nam (VACVINA) đã tập hợp các yếu tố từ các hoạt động phát triển sinh kế truyền thống gắn liền với sự hình thành, phát triển và lập nghiệp của đại bộ phận nông dân Việt Nam và đã đúc kết để nâng lên thành Mô hình sản xuất nông nghiệp tổng hợp VAC và tích cực khởi xướng và thúc đẩy phát triển mô hình này tứ đó đến nay.

VAC là cụm từ viết tắt của 3 chữ cái đầu của 3 từ “vườn”, “ao” và “chuồng”. Trong khái niệm chung : “Vườn” là yếu tố phản ánh các hoạt động trồng trọt trong vườn, “Ao” là chỉ các hoạt động nuôi cá trong ao và ‘Chuồng’ chỉ các hoạt động chăn nuôi gia súc, gia cầm... VAC là một mô hình thâm canh sinh học cao, trong đó các hoạt động trồng trọt, nuôi trồng thủy sản và chăn nuôi gia súc gia cầm là các hoạt động chính. Các hoạt động này có những mối quan hệ mật thiết và khăng khít, tương hỗ thúc đẩy phát triển lẫn nhau , tạo nên một một Hệ thống canh tác tổng thể, bền vững, giúp sử dụng hợp lý và tốt hơn nguồn đất đai, nguồn nước và năng lượng mặt trời để đạt tới hiệu quả kinh tế cao với mức đầu tư thấp.  “Vườn” cung cấp các thức ăn cho chăn nuôi (rau, cỏ, thân cây đậu, ngô, rau lang, lá sắn...), ngược lại “chuồng” cung cấp phân bón được chế biến từ chất thải gia súc, gia cầm cho cây trồng trong vườn; “Ao” cung cấp nước tưới và bùn làm tăng chất lượng đất cho cây trồng trong “Vườn”, ngược lại nhiều cây thực vật từ “Vườn” có thể làm thức ăn cho cá trong “Ao”; Rất nhiều sản phẩm và phụ phẩm từ “Ao” là nuồn thức ăn bổ xung có chất lượng cho chăn nuôi gia cầm (ruột, xương và đầu tôm, cá các loại...) làm thức ăn bổ sung với lượng đạm cao cho gia cầm. Nước từ “Ao” rất cần để rửa sạch và vệ sinh hệ thông chuồng trại chăn nuôi và sau đó có thể xử lý để quay trở lại “Ao” với nguồn dinh dưỡng tốt cho cá... Chất thải gia súc sau khi phân hủy để tạo khí sinh học thay thế chất đốt truyền thống (củi, than đá, rơm rạ...) thì bã thải của nó trở thành nguồn thức ăn có giá trị để nuôi cá, hoặc nuôi giun làm thức ăn cho cá hoặc cho gia cầm... Vì vậy, mô hình VAC có thể được quản lý và phát triển như một mô hình sản xuất tổng hợp tạo thành chuổi thức ăn  khép kín, phi chất thải.
Khái niệm VAC lúc đầu mới dừng lại ở nhận thức phát triển hẹp trong vườn các hộ gia đình, nhưng nhờ Chính sách giao đất lâu dài cho nông dân và cơ chế đổi mới quản lý kinh tế nông nghiệp của Đảng và Nhà nước ta đã trở thành động lực giúp cho VAC không chỉ giới hạn trong khuôn viên của mỗi gia đình. VAC được mở rộng khái niệm để phát triển với quy mô hàng chục và hàng trăm ha vườn đồi, trang trại, rừng, đầm, hồ...;  Khu vực chăn nuôi cũng phát triển dưới dạng trang trại với trăm nghìn gia súc, vật nuôi được hình thành. Định nghĩa của VAC vì thế cũng mở rộng:
  - V: Trở thành biểu tượng của hoạt động trồng trọt, vì “làm vườn” không chỉ trong vườn nhà mà còn mở rộng trong rừng, trên nương rẫy, ngoài đồng...
  - A: Biểu tượng của nuôi trồng thủy sản đa dạng để khai thác nguồn lợi nước mặt trong ao, hồ, mương, sông, suối, biển ... với các sản phẩm cá, tôm, cua, ếch, rong biển, tảo, ba ba, cá chình v.v..
  - C: Biểu tượng của các hoạt động chăn nuôi ở các trang tại quy mô lớn như trâu, bò, dê, lợn, gà, vịt... Ở một số nơi, C cũng bao gồm nuôi số đặc sản như: hươu, nai, thỏ,...
    VAC gắn liền các yếu tố “truyền thống” và “hiện đại”: Các yếu tố truyền thống về giống cây, con bản địa được hỗ trợ để phát triển bằng các công nghệ sinh học tiên tiến và hiện đại. Phát triển VAC là để thiết lập một phần quan trọng của nông nghiệp sinh học, một nền nông nghiệp sạch và bền vững.
      Vai trò của  VAC thể hiện qua các mặt cụ thể sau:
      - Về mặt kinh tế: VAC cấu thành một phần của kinh tế nông nghiệp và nông thôn  và là một bộ phận quan trọng của thu nhập hộ gia đình nông dân.  VAC phát triển sẽ góp phần chuyển dịch cơ cấu sản xuất nông nghiệp thâm canh, đa dạng và bền vững. Nó sẽ cung cấp sản phẩm nhiều hơn cho tiêu thụ, xuất khẩu và cho sự phát triển của các ngành công nghiệp chế biến liên quan. Góp phần quan trọng vào việc tăng thu nhập, giảm nghèo, cải thiện mức sinh hoạt cho nhiều hộ gia đình nông dân. Thực tiễn  cho thấy ở nhiều gia đình nông dân đã đạt tới 70% tổng thu nhập và trở nên giàu có bằng thực hành VAC.
- Về mặt dinh dưỡng: VAC cải thiện tiêu chuẩn dinh dưỡng theo các chế độ ăn uống trong các gia đình bằng cung cấp các loại rau, hoa quả có giá trị dinh dưỡng cao (rau dền, rau đậu, cà rốt, chuối, đu đủ, trái cây có múi...), hay trứng, cá, thịt cho nhu cầu tiêu dùng trong các gia đình. VAC trong vườn xung quanh nhà có thể giải quyết vấn đề thiếu đói trong các thời kỳ “giáp hạt” giữa các vụ thu hoạch và đặc biệt là các loại rau, củ có thể nhanh chóng phục hồi sau các thảm họa thiên tai. Thực hành mô hình VAC tạo ra cơ hội làm việc trong một môi trường lành mạnh và tiếp cận với thực phẩm tươi sống và an toàn, góp phần cải thiện điều kiện sức khỏe của con người.  Mô hình VAC cũng được thiết kế cho các  lớp mẫu giáo và trường học để cải thiện dinh dưỡng của trẻ em và học sinh.
- Về mặt xã hội: VAC ngày càng đóng một vai trò quan trọng trong việc giải quyết các vấn đề xã hội liên quan tới đói nghèo. Thực hành VAC giúp tăng thu nhập và cải thiện các tiêu chuẩn của đời sống. Thực hành VAC sẽ tạo việc làm và công việc sản suất tốt hơn cho những gia đình đông người trước tình trạng nông nhàn hiện nay (tình trạng thất nghiệp hiện nay cao trong các khu vực nông thôn), qua đó giảm bớt áp lực di cư của người dân nông thôn vào các thành phố. VAC cũng cung cấp các sản phẩm và tăng thêm thu nhập cho người cao tuổi khi về hưu với đồng lương hưu thấp. Thực hành VAC cho phép phụ nữ làm việc trong môi trường lành mạnh, gần nhà và có thêm nhiều thời gian chăm sóc con cái của họ. VAC trong các trường học có thể được sử dụng như là trung tâm trình diễn để giới thiệu các kỹ thuật VAC cho học sinh và người nông dân. VAC tại các bản làng có thể cho phép trẻ mồ côi, người tàn tật... có thể làm việc cùng nhau tạo ra nguồn thực phẩm đa dạng và thu nhập.
      - VAC góp phần tu bổ cải tạo môi trường: Sự phát triển của hệ thống VAC có thể góp phần hạn chế ô nhiễm và cải thiện môi trường. Bên cạnh yêu tố quan trọng do VAC giúp sử dụng tối ưu nguồn tài nguyên đất, nước và năng lượng mặt trời, tất cả các chất thải qua chu trình sản xuất khép kín (khí sinh học, phân sinh học) được xử lý bằng các công nghệ sinh học sẽ giúp cho chất lượng môi trường nước, đất và không khí được cải thiện theo thời gian khi hệ thống VAC phát triển rộng rãi.
      Lợi ich của VAC rất rõ, chính vì vậy trong thời gian qua trên địa bàn Quảng Trị có nhiều hộ gia đình nhân dân bao gồm cả nông dân và cán bộ công nhân viên chức lao động trong các cơ quan, doanh nghiệp đã năng động sáng tạo tìm quỹ đất, huy động các nguồn vốn để khai thác tiềm năng, lợi thế, cải tạo vườn tạp, phát triển kinh tế gia trại, trang trại. Theo thống kê trong số 902 trang trại của tỉnh theo tiêu chí cũ có 160 trang trại tổng hợp phát triển theo mô hình VAC đang hoạt động có hiệu quả. Ở các vùng đất gò đồi miền tây của tỉnh xuất hiện ngày càng nhiều mô hình kết hợp trồng cây công nghiệp, lâm nghiệp ( cà phê, hồ tiêu, cao su, rừng ) với chăn nuôi bò, dê, lợn, be bờ đắp đập  các suối, lấy nước tưới cây, nuôi cá; Ở vùng đồng bằng có các mô hình Lúa - Cá, Lúa - Cá - Vịt, Lợn - Cá, Nuôi gà thả vườn dưới vườn cây ăn quả, cây công nghiệp,...Nhiều hộ gia đình thoát nghèo đói và vươn lên khá giả, giàu có từ các mô hình này.
      Tuy nhiên do nhiều yếu tố khách quan và chủ quan việc phát triển VAC trên địa bàn Quảng Trị cũng còn nhiều hạn chế như: Sự phát triển VAC không đồng đều giữa các vùng, các vườn gia đình của đồng bào kinh có chất lượng khá hơn vườn của dồng bào dân tộc miền núi. Phần lớn các vườn của hộ gia đình nông thôn đang là vườn tạp theo dạng tự sản tự tiêu, số lượng nông sản sản xuất ra ít với mục đích tiêu dùng cho gia đình hàng ngày là chính, số dôi dư cũng chỉ đủ cho việc trao đổi ở các chợ nông thôn. Mô hình VAC theo dạng gia trại, trang trại chủ yếu còn ở quy mô nhỏ, đơn lẽ, khối lượng và chất lượng nông sản thấp, các tiến bộ khoa học kỹ thuật được ứng dụng vào chưa nhiều. Chưa có sự hợp tác liên kết giữa các gia trại, trang trại để trao đổi kinh nghiệm, khoa học kỹ thuật, chế biến tiêu thụ sản phẩm.
      Nguyên nhân của những hạn chế đó thể hiện ở các khía cạnh sau: (1): Nhận thức về vai trò, lợi ích của thực hành VAC đối với các hộ gia đình chưa đầy đủ ; (2):  Khả năng về vốn, kiến thức khoa học kỹ, kiến thức về thị trường của các hộ gia đình làm VAC còn nhiều hạn chế; (3): Nhà nước các cấp chức có chính sách cụ thể để khuyến khích, hỗ trợ tuyên truyền nhân rộng các mô hình VAC có hiệu quả. 
      Quảng Trị là một tỉnh có đất đai, mặt nước đa dạng: miền núi, gò đồi, đồng bằng và vùng cát ven biển, do đó kinh tế VAC có một tiềm năng rất lớn, cần được kết hợp vào các chiến lược phát triển kinh tế- xã hội tại các địa phương.
Để tiếp tục  phát triển kinh tế VAC có hiệu quả, trong thời gian tới cần chú trọng thực hiện tốt các nội dung:
            Một là, hội Làm vườn tỉnh và chi hội Làm vườn các huyện cần kết hợp chặt chẽ với các đơn vị trong ngành nông nghiệp làm tốt công tác tuyển chọn, ươm tạo giống cây, con chất lượng tốt để cung cấp cho nhân dân. Hướng dẫn, khuyến cáo bà con nông dân lựa chọn thực hành các mô hình VAC phù hợp: Tùy thuộc vào điều kiện địa phương và điều kiện thổ nhưỡng và khí hậu từng vùng, từng chân đất để hình thành các mô hình VAC cho các vùng sinh thái khác nhau, không máy móc rập khuôn. Có nơi hệ thống VAC có thể bao gồm tất cả 3 thành phần V-A-C  hoặc chỉ có 2 thành phần như V-A, V-C  hoặc A-C, VACR ( vườn - ao - chuồng - rừng ) nhằm đảm bảo tính hiệu quả và bền vững trong quá trình phát triển.
            Hai là, chính quyền, các tổ chức đoàn thể các cấp cần tích cực hướng dẫn hỗ trợ các hộ gia đình các thành viên, hội viên phát triển VAC về:
- Tổ chức tập huấn hướng dẫn kỹ thuật trồng trọt, chăn nuôi, nuôi trồng thuỷ sản, làm vườn;
- Xây dựng các mô hình mẫu để tham quan, trao đổi kinh nghiệm trong các cộng đồng... là giải pháp tốt nhất để phát triển nhân rộng trong các cộng đồng.
Ba là, Nhà nước cần có chính sách khuyến khích hỗ trợ các hộ gia đình cải tạo vườn tạp thành vườn hàng hoá. Hỗ trợ các gia trại, trang trại hợp tác liên doanh, liên kết trao đổi kinh nghiệm, kiến thức khoa học kỹ thuật, chế biến, tiêu thụ sản phẩm.
Quảng Trị là một tỉnh có đất đai, mặt nước đa dạng: miền núi, gò đồi, đồng bằng và vùng cát ven biển, do đó kinh tế VAC có một tiềm năng rất lớn, cần được kết hợp vào các chiến lược phát triển kinh tế - xã hội tại các địa phương. Các xã, thôn, bản cần coi VAC là một nội dung quan trọng trong việc xây dựng nông thôn mới, nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống cho người dân. Chính quyền và Các tổ chức đoàn thể cơ sở cần chú trọng đưa nội dung nay vào hoạt động thường xuyên của  tổ chức mình./.
 
 

Tác giả bài viết: Nguyễn Văn Bài-Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT Quảng Trị

Nguồn tin: Kỷ yếu Hội thảo Phát triển kinh tế VAC-Xây dựng nông thôn mới Quảng Trị

Tổng số điểm của bài viết là: 3 trong 1 đánh giá

Xếp hạng: 3 - 1 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Con số ấn tượng
69/101
Là số xã đạt chuẩn Nông thôn mới
14,5
Là số tiêu chí đạt bình quân của tỉnh
01/7 huyện đạt chuẩn nông thôn mới
(huyện Cam Lộ -đạt chuẩn năm 2019)
9 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao
(Kim Thạch, Vĩnh Thủy, Vĩnh Giang, Cam Chính, Cam Nghĩa, Cam Thành, Cam Hiếu, Triệu Đại, Triệu Trạch)
Liên kế website
Thống kê lượt truy cập
  • Đang truy cập112
  • Hôm nay19,798
  • Tháng hiện tại93,453
  • Tổng lượt truy cập8,293,750
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây