Vĩnh Linh khởi sắc sau gần 10 năm xây dựng nông thôn mới

Thứ hai - 14/10/2019 22:35
Sau gần 10 năm thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới (NTM), nhờ có sự chung sức, đồng lòng của Đảng bộ, chính quyền và các tầng lớp nhân dân, diện mạo nông thôn Vĩnh Linh đã có sự thay đổi căn bản và toàn diện. Kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội ngày càng khang trang, hiện đại; đời sống vật chất tinh thần của người dân không ngừng được cải thiện.
Đường hoa ở thôn Gia Lâm, Vĩnh Long, Vĩnh Linh​
Đường hoa ở thôn Gia Lâm, Vĩnh Long, Vĩnh Linh​

Huyện Vĩnh Linh có 22 đơn vị hành chính, trong đó có 16 xã nông thôn và 3 xã miền núi. Năm 2010, sau khi tiếp thu, quán triệt chủ trương của Đảng và Nhà nước về xây dựng NTM, huyện Vĩnh Linh đã chỉ đạo rà soát, đánh giá thực trạng các tiêu chí (TC) trên địa bàn; kết quả toàn huyện mới chỉ đạt trung bình 7,2 TC/xã.

Với xuất phát điểm tương đối thấp, huyện Vĩnh Linh xác định xây dựng NTM là một nhiệm vụ trọng tâm và xuyên suốt cần có sự vào cuộc của cả hệ thống chính cùng toàn thể nhân dân. Do đó cấp ủy, chính quyền từ huyện đến cơ sở đã tập trung triển khai, chỉ đạo tổ chức thực hiện chương trình theo đúng trình tự. Trước hết, đối với cấp huyện đã sớm kiện toàn ban chỉ đạo xây dựng NTM và tổ chuyên viên giúp việc, xây dựng kế hoạch với lộ trình cụ thể gắn với kiểm tra, hướng dẫn giúp cơ sở tháo gỡ khó khăn,vướng mắc. Đối với cấp xã, đảng ủy các địa phương có nghị quyết chuyên đề để thực hiện, đồng thời chú trọng công tác tuyên truyền bằng nhiều hình thức như qua hệ thống truyền thanh, hội nghị, họp dân, pa nô, áp phích. Các ngành, đoàn thể đã lồng ghép nhiều hoạt động truyền tải nội dung xây dựng NTM tới người dân. Thông qua đó giúp người dân hiểu được ý nghĩa, mục đích của chương trình để tham gia thực hiện một cách tích cực.

Trong gần 10 năm, huyện Vĩnh Linh đã huy động được gần 1.274 tỉ đồng; trong đó vốn ngân sách gần 500 tỉ đồng, người dân đóng góp gần 192 tỉ đồng tiền mặt và trên 140 tỉ đồng quy đổi từ hiến đất, hiện vật và ngày công lao động để xây dựng NTM. Nhờ đó, nhiều công trình cơ sở hạ tầng thiết được đầu tư xây dựng. Đến nay, 100% tuyến đường do huyện quản lí đảm bảo ô tô đi lại thuận tiện quanh năm và kết nối tới trung tâm hành chính các xã; 215,9km/254km đường do huyện quản lí được nhựa hóa hoặc bê tông hóa; hơn 150 thôn, bản có hệ thống điện “thắp sáng đường quê”... Điện sinh hoạt, trường học, trạm y tế ngày càng được hoàn thiện, đáp ứng tốt nhu cầu của người dân. Từ khi kết thúc giai đoạn 2010-2015 đến tháng 8/2019 toàn huyện có 16/19 xã đạt TC giao thông, 19/19 xã đạt TC điện, 15/19 xã đạt TC trường học, 17/19 xã đạt TC cơ sở vật chất văn hóa, 13/19 xã đạt TC cơ sở hạ tầng thương mại nông thôn.

Là huyện thuần nông nên phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập cho người dân được Vĩnh Linh quan tâm hàng đầu, đồng thời xem đây là mục tiêu cốt lõi của chương trình NTM. Do đó, huyện đã chú trọng phát triển sản xuất, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi theo hướng sản xuất hàng hóa gắn với chế biến và tiêu thụ sản phẩm theo chuỗi giá trị; đổi mới các hình thức tổ chức sản xuất phù hợp. Toàn huyện đã xây dựng được 66 HTX hoạt động hiệu quả với 58 HTX Dịch vụ Nông nghiệp tổng hợp; 1 HTX Vận tải; 3 HTX Nuôi trồng thủy sản; 2 HTX Chăn nuôi và 2 HTX Trồng cây ăn quả. Nhiều mô hình cây trồng, con nuôi đã mở ra hướng đi mới cho ngành nông nghiệp địa phương như: Mô hình rau củ quả sạch, chuối dacca, tiêu sạch, lúa hữu cơ, cây ăn quả (chanh leo, ổi, bưởi da xanh, thanh long ruột đỏ…), dứa nguyên liệu, nuôi tôm 2 giai đoạn, chăn nuôi gia trại, trang trại tổng hợp… Đặc biệt xây dựng và phát triển thành công 3 vùng sản xuất nông nghiệp tập trung với các sản phẩm chủ lực gồm: Vùng sản xuất cây hồ tiêu ở các xã phía Đông với quy mô đất đai trên 1.000 ha; vùng sản xuất cây cao su tại phía Tây với trên 5.000 ha đất và vùng lúa hàng hóa tại các xã vùng đồng (như Vĩnh Lâm, Vĩnh Sơn, Vĩnh Thủy…) với quy mô trên 2.000 ha. Quá trình sản xuất tại các vùng này đều được cơ giới hóa đồng bộ từ 80-100%. Nhờ đó, thu nhập bình quân đầu người tăng lên 46,2 triệu đồng/người/năm 2018, tỉ lệ hộ nghèo đa chiều giảm xuống còn 5,26%.

Song song với đó, công tác xây dựng văn hóa - xã hội, chăm sóc sức khỏe cho người dân cũng có nhiều thay đổi rõ nét. Hoạt động giáo dục- đào tạo được nâng cao, đến nay đã có 33/57 trường đạt chuẩn, 100% cán bộ giáo viên tại các trường đạt chuẩn và trên chuẩn. Các cơ sở y tế trên địa bàn luôn duy trì đạt chuẩn Bộ tiêu chí quốc gia về y tế giai đoạn 2011-2020. Tỉ lệ người dân tham gia BHYT đến nay đạt trên 92%, hơn 100.486 hồ sơ sức khỏe cá nhân được thiết lập qua đó đảm bảo tốt cho các hoạt động chăm sóc sức khỏe. Các phong trào thi đua xây dựng NTM như: “Chung sức trợ giúp xóa đói giảm nghèo ở 11 thôn bản miền núi”, “Thanh niên chung tay xây dựng NTM”, “Gia đình 5 không 3 sạch”, “Đường hoa yêu thương”, “Tuyến đường tự quản”… đã có sức lan tỏa trong cộng đồng dân cư qua đó góp phần làm thay đổi diên mạo nông thôn. Các hoạt động văn hóa, thể dục - thể thao diễn ra sôi nổi, các loại hình văn hóa truyền thống được gìn giữ và phát triển. Hệ thống chính trị từ huyện đến cơ sở được củng cố và ngày càng vững mạnh.

Với những bước đi chắc chắn và phù hợp, qua gần 10 năm xây dựng NTM, đến nay toàn huyện đạt trung bình 17,42 TC/ xã. Trong đó có 15/19 xã đạt chuẩn. Có hai xã được công nhận đạt chuẩn NTM kiểu mẫu là Vĩnh Kim và Vĩnh Thủy. Về 9 TC xây dựng huyện NTM, Vĩnh Linh cũng đã đạt 4 tiêu chí bao gồm: Thủy lợi, sản xuất, an ninh - trật tự và chỉ đạo xây dựng NTM.

Những kết quả đạt được trong gần 10 năm qua chính là động lực tiếp thêm sức mạnh to lớn, niềm tin vững chắc để Đảng bộ, chính quyền và nhân dân huyện Vĩnh Linh tiếp tục nỗ lực thực hiện các mục tiêu tiếp theo, phấn đấu trở thành huyện nông thôn mới trong giai đoạn 2021-2025, phát triển nông thôn bền vững và nâng cao hơn nữa chất lượng cuộc sống của người dân. Thời gian tới, huyện tiếp tục huy động mọi nguồn lực để hoàn thiện, nâng cao chất lượng hệ thống cơ sở hạ tầng nông thôn, nhất là các công trình phục vụ sản xuất và đời sống dân sinh. Đồng thời nhân rộng các mô hình sản xuất có hiệu quả; tổ chức thí điểm các mô hình có thế mạnh và mời gọi các doanh nghiệp đầu tư, thực hiện đồng bộ các chính sách khuyến khích phát triển mối liên kết giữa nông dân với các doanh nghiệp, hợp tác xã và thị trường tiêu thụ sản phẩm. Đẩy mạnh công tác giảm nghèo, tạo việc làm cho lao động địa phương. Đặc biệt, huy động sức mạnh tổng hợp của khối đại đoàn kết toàn dân để cùng chung tay xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp, văn minh.

 

Nguồn tin: Sưu tầm: Báo Quảng Trị:

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Con số ấn tượng
69/101
Là số xã đạt chuẩn Nông thôn mới
14,5
Là số tiêu chí đạt bình quân của tỉnh
01/7 huyện đạt chuẩn nông thôn mới
(huyện Cam Lộ -đạt chuẩn năm 2019)
9 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao
(Kim Thạch, Vĩnh Thủy, Vĩnh Giang, Cam Chính, Cam Nghĩa, Cam Thành, Cam Hiếu, Triệu Đại, Triệu Trạch)
Liên kế website
Thống kê lượt truy cập
  • Đang truy cập125
  • Hôm nay11,995
  • Tháng hiện tại85,974
  • Tổng lượt truy cập8,179,510
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây