Trăn trở A Dơi

Thứ sáu - 26/06/2020 05:05
Gần 10 năm xây dựng nông thôn mới, xã biên giới A Dơi của huyện Hướng Hóa (Quảng Trị) đã đạt được 9 tiêu chí.
Ông Hồ Xa Cách, Chủ tịch UBND xã A Dơi, huyện Hướng Hóa, tỉnh Quảng Trị. Ảnh: Kế Toại. 
Ông Hồ Xa Cách, Chủ tịch UBND xã A Dơi, huyện Hướng Hóa, tỉnh Quảng Trị. Ảnh: Kế Toại. 

Thu nhập của người dân còn thấp, tỷ lệ hộ nghèo cao, thiếu hình thức tổ chức sản xuất… Những trăn trở này vượt ra ngoài các tiêu chí trong những bản báo cáo của địa phương.

Những con số biết nói

A Dơi là xã biên giới, vùng sâu, vùng xa, đặc biệt khó khăn, nằm cách trung tâm huyện Hướng Hóa 40 km về phía Nam. Một phần của A Dơi tiếp giáp với nước bạn Lào, dài chừng 9 km.

Trong điều kiện cả nội lực, ngoại lực vô cùng khó khăn, năm 2020, xã A Dơi vẫn đặt ra mục tiêu phấn đấu đạt từ 16 – 18 tiêu chí. Chúng tôi không dám hoài nghi cố gắng, nhưng liệu, mục tiêu này có quá sức với một xã biên giới có gần 50% hộ nghèo hay không!

Toàn xã có 6 thôn thì cả 6 thôn đều thuộc diện đặc biệt khó khăn, trên 46% dân số nằm thuộc diện hộ nghèo.

Diện tích đất tự nhiên của A Dơi khoảng 30 nghìn ha, trong khi chỉ có hơn 3 nghìn nhân khẩu, dân cư thưa thớt. Đồng bào dân tộc sinh sống chủ yếu tại đây là Vân Kiều với 473 hộ, 2.243 nhân khẩu, chiếm 65,3% số dân toàn xã A Dơi.

Ông Hồ Xa Cách, Chủ tịch UBND xã A Dơi cho biết, dù là xã đặc biệt khó khăn, nhưng ngay từ năm 2011, địa phương đã bắt tay vào xây dựng NTM. A Dơi xây dựng NTM từ có số 0 tròn trĩnh khi đời sống của người dân khó khăn, cơ sở vật chất nghèo nàn. Xa trung tâm, việc huy động nguồn lực đầu tư từ bên ngoài vô cùng khó khăn, nội lực trong nhân dân thì càng khó.

Minh chứng rõ nhất là những con số biết nói mà xã A Dơi cung cấp cho chúng tôi.

Tổng số vốn huy động thực hiện xây dựng NTM giai đoạn 2016 tới 2019 của xã A Dơi là 57,5 tỷ đồng. Trong đó, toàn bộ là ngân sách Trung ướng đầu tư; nguồn vốn lồng ghép các dự án khác: 0 đồng; nguồn vốn nhân dân đóng góp: 0 đồng.

Quang cảnh trung tâm xã biên giới A Dơi. Ảnh: Kế Toại. 

Quang cảnh trung tâm xã biên giới A Dơi. Ảnh: Kế Toại. 


       Nội lực duy nhất được ghi nhận là có 8 hộ dân tự nguyện hiến hơn 3.600m2 đất làm đường giao thông và công trình trường học. Và gần như không có nguồn lực xây dựng, nên A Dơi không có tình trạng nợ đọng vốn cơ bản trong cả khoảng thời gian gần 10 năm qua.

Và như vậy, từng ấy thời gian, xã biên giới A Dơi đạt được 9 tiêu chí, chưa hẳn là một kỳ tích, nhưng cũng có thể coi là một sự nỗ lực phi thường.

Kỳ vọng cây cao su

Đặt tiêu chí sang một bên, trăn trở lớn nhất của chính quyền xã A Dơi là làm sao để cải thiện đời sống của người dân. Trong khi, cuộc sống chủ yếu phụ thuộc vào sản xuất nông nghiệp, nghịch lý là địa phương chưa hề có hình thức tổ chức sản xuất.

Theo ông Cách, bao đời nay, người dân A Dơi chỉ bám lấy cây sắn để tạo nguồn thu. Nhưng từ 2006 đến nay, theo hướng dẫn của huyện Hướng Hóa, xã A Dơi đã vận động người dân chuyển một số diện tích sắn kém hiệu quả sang trồng cây cao su. Đặc biệt, từ 2018 tới nay, việc chuyển đổi mạnh mẽ hơn, khi có thêm hơn 180ha cao su được trồng mới.

Người dân xã A Dơi chuyển bắt đầu chuyển đổi từ sắn sang cây cao su từ năm 2006. Ảnh: Kế Toại. 

Người dân xã A Dơi chuyển bắt đầu chuyển đổi từ sắn sang cây cao su từ năm 2006. Ảnh: Kế Toại. 

Cuối năm 2019, A Dơi đã tổng kết và đánh giá giá trị của cây cao su trên địa bàn là khoảng 3 tỷ đồng/năm. Theo ông Cách, điều đáng mừng là đồng bào dân tộc thiểu số đã ủng hộ chuyển đổi và tham gia sản xuất.

Thời gian qua, để phát triển cây cao su, xã A Dơi đã phối hợp với Phòng NN-PTNT huyện Hướng Hóa tổ chức các lớp tập huấn chăm sóc, cách cạo mủ cao su. Mới đây, xã đã có văn bản gửi UBND huyện xin thành lập HTX chuyên về cây cao su.

 

   Bởi hiện nay, việc cạo xuất bán mủ cao su của người dân vẫn mang tính tự phát, giá cả bấp bênh. Để bán được mủ cao su, người dân phải vận chuyển về cho một công ty tại huyện Cam Lộ, cách khoảng 80 km.

Theo nghị quyết của xã A Dơi, thời gian tới, sẽ tiếp tục vận động 4 thôn chủ yếu là đồng bào dân tộc thiểu số thực hiện chuyển đổi sản xuất. Làm sao, diện tích cao su mỗi hộ đạt khoảng 2ha, từng bước xóa đói giảm nghèo.

Chính quyền xã sẽ phối hợp với cấp trên, tìm các dự án lồng ghép để hỗ trợ người dân mở rộng diện tích cao su. Đồng thời, vận động người dân vay vốn, đầu tư cây giống để sản xuất. Về quỹ đất, theo ông Cách, 95% diện tích tự nhiên của xã A Dơi là đất sản xuất nông nghiệp. Mỗi hộ ít nhất cũng có khoảng 3ha đất để sản xuất, vì vậy, việc mở rộng phát triển cây cao su là hoàn toàn có cơ sở.

Nhưng về lâu dài, với diện tích sắn khoảng 700ha, đây vẫn là loài cây lấy ngắn nuôi dài, không thể thay thế hoàn toàn. Trong khi phát triển cây cao su, trung bình mỗi hộ vẫn thu được khoảng 50 triệu đồng/năm từ cây sắn.

Vẫn ngóng chờ…

Câu hỏi đặt ra là, dù cây cao su đứng chân ở A Dơi 14 năm và đã cho sản phẩm, nhưng đến nay, chưa một doanh nghiệp hay tổ chức nào “nhảy” vào đầu tư, hỗ trợ người dân sản xuất. 

14 năm trồng cao su, nhưng người dân A Dơi vẫn phụ thuộc thương lái, giá cả bấp bênh. Ảnh: Kế Toại.

14 năm trồng cao su, nhưng người dân A Dơi vẫn phụ thuộc thương lái, giá cả bấp bênh. Ảnh: Kế Toại.

           Chia sẻ với chúng tôi, ông Cách cho biết, trong đợt họp HĐND vừa qua, rất nhiều ý kiến phát biểu về vấn đề này. Trong đó, đề nghị UBND huyện kêu gọi một doanh nghiệp về đứng chân tại địa bàn, trước mắt là thu mua, sơ chế, bảo quản mủ cao su cho người dân. Sau đó, huyện đã trả lời, đã nhiều lần kêu gọi nhưng chưa doanh nghiệp nào mặn mà tham gia.

Ông Lý Văn Thinh, người dân thôn Đồng Tâm, xã A Dơi cho biết, gia đình luôn đồng lòng ủng hộ địa phương trong mọi chính sách, đặc biệt là xây dựng NTM. Ai cũng mong muốn cho thôn, xã đổi thay, đời sống của người dân ấm no.

Hiện tại, gia đình ông Thinh trồng đồng thời hơn 1 ha cao su và hơn 1ha sắn. Mỗi năm, cây cao su cho thu nhập khoảng 50 triệu đồng, cộng với vài chục tấn sắn, kinh tế gia đình cũng gọi là đủ chi tiêu sinh hoạt, nuôi con ăn học.

Năm 2006, khi bắt tay trồng cây cao su, ông Thinh cũng được tham gia lớp tập huấn kỹ thuật từ khâu xuống giống, quá trình chăm sóc. Đặc biệt, khi cây cao su chuẩn bị cho khai thác mủ, người trồng tiếp tục được cán bộ nông nghiệp về tận nơi, hướng dẫn cầm tay chỉ việc cách cạo mủ.

Nói về loài cây này, ông Thinh bảo, khó khăn nhất đối với người trồng cao su hiện nay vẫn là đầu ra cho sản phẩm. Người dân làm ra, chỉ trông ngóng vào thương lái thu mua, nhưng năm được, năm thua, giá cả bấp bênh.

Đã từng có một nhóm hộ tự thuê xe vận chuyển mủ tới bán thẳng cho nhà máy, nhưng rồi đành bỏ cuộc. Đường xa, chi phí vận chuyển đắt, thêm vào đó, chất lượng cũng như sản lượng mủ doanh nghiệp yêu cầu nhưng người dân không đáp ứng được.     

Dù khó khăn đầu ra, xã A Dơi vẫn kỳ vọng mở rộng diện tích cây cao su, mỗi hộ dân khoảng 2ha. Ảnh: Kế Toại. 

Dù khó khăn đầu ra, xã A Dơi vẫn kỳ vọng mở rộng diện tích cây cao su, mỗi hộ dân khoảng 2ha. Ảnh: Kế Toại. 

      “Gia đình tôi nói riêng và cả người dân ở đây nói chung đều mong muốn được mở rộng sản xuất, nhưng quan trọng hơn là đầu ra ổn định. Mỗi sản phẩm, mồ hôi công sức bỏ ra, nếu giá cả bấp bênh, người dân nói thật là rất buồn. Chúng tôi rất mong có một doanh nghiệp về đây liên kết sản xuất hoặc đứng ra thu mua mủ cao su cho người dân”, ông Thinh chia sẻ.

Mới đây, tại một hội nghị diễn ra ở Quảng Trị, Thứ trưởng NN-PTNT Trần Thanh Nam chia sẻ, đang rất trăn trở với đề án phát triển 3.514 thôn, bản khó khăn. Tới đây, Bộ sẽ phối hợp với các trường nông lâm nghiệp để đưa sinh viên, kỹ sẽ về đây giúp người dân triển khai mô hình sinh kế.

Bởi theo Thứ trưởng Nam, nhiệm vụ xuyên suốt của NTM vẫn là làm sao đảm bảo sinh kế bền vững cho người dân.

Riêng đối với các xã vùng khó khăn, Thứ trưởng Trần Thanh Nam đề nghị các địa phương rà soát ngay lại 45 huyện còn xã “trắng” tiêu chí NTM. Từ đó, tìm ra nguyên nhân, các vấn đề tồn tại, tham mưu cho lãnh đạo tỉnh để tập trung hỗ trợ.

 

Nguồn tin: Báo Nông nghiệp Việt Nam

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Con số ấn tượng
69/101
Là số xã đạt chuẩn Nông thôn mới
14,5
Là số tiêu chí đạt bình quân của tỉnh
01/7 huyện đạt chuẩn nông thôn mới
(huyện Cam Lộ -đạt chuẩn năm 2019)
9 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao
(Kim Thạch, Vĩnh Thủy, Vĩnh Giang, Cam Chính, Cam Nghĩa, Cam Thành, Cam Hiếu, Triệu Đại, Triệu Trạch)
Liên kế website
Thống kê lượt truy cập
  • Đang truy cập67
  • Hôm nay2,311
  • Tháng hiện tại117,900
  • Tổng lượt truy cập8,318,197
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây