Quả ngọt nơi vùng quê lúa Hải Lăng

Thứ năm - 31/10/2019 04:11
Theo chuyến đi thực tế của các phóng viên Chi hội Nhà báo Văn phòng thường trú tỉnh Quảng Trị, chúng tôi được tiếp cận một số mô hình kinh tế có hiệu quả ở huyện Hải Lăng.
Các nhà báo tác nghiệp tại một vườn cam trên vùng đồi K4, xã Hải Phú, Hải Lăng​
Các nhà báo tác nghiệp tại một vườn cam trên vùng đồi K4, xã Hải Phú, Hải Lăng​

Qua tiếp xúc với lãnh đạo huyện và các ngành chức năng huyện Hải Lăng, chúng tôi được biết, những năm trở lại đây Hải Lăng đang tích cực chuyển dịch cơ cấu cây trồng, con nuôi trong sản xuất nông nghiệp để không ngừng nâng cao đời sống cho người dân. Chính vì thế, từ một vùng “rốn lũ”, Hải Lăng đã trở thành vùng trọng điểm nông nghiệp với sản lượng lúa hằng năm chiếm gần 1/2 tổng sản lượng lúa toàn tỉnh. Hơn 8 vạn tấn thóc hằng năm của huyện đã góp phần bảo đảm an ninh lương thực của tỉnh, đồng thời từng bước xây dựng thương hiệu “Gạo Hải Lăng” chất lượng cao, được thị trường đón nhận. Người nông dân Hải Lăng hôm nay đã thực sự làm chủ đồng ruộng của mình bằng việc ứng dụng mạnh mẽ tiến bộ khoa học kĩ thuật, hướng đến phát triển một nền nông nghiệp hiệu quả và bền vững.

Quyền Chủ tịch UBND huyện Hải Lăng Phạm Đình Lợi cho biết, ở Hải Lăng có nhiều mô hình sản xuất nông nghiệp mang lại hiệu quả kinh tế khá cao, đó là sự sáng tạo trong tư duy làm ăn của người dân nơi đây. Tiêu biểu như mô hình trồng rau công nghệ cao trong nhà kính của HTX Nông nghiệp công nghệ cao Nguyên Khang - Hải Lăng Garden - đơn vị tiên phong trồng rau sạch trên địa bàn của huyện, của tỉnh. Cùng với đó, các mô hình mới, sản xuất theo hướng sản phẩm sạch, công nghệ cao ngày càng xuất hiện nhiều trên vùng đất Hải Lăng như mô hình trồng lúa hữu cơ ở xã Hải Quế, trồng giống tiêu Campuchia sử dụng phân hữu cơ tại xã Hải Chánh, trồng ném trên cát ở xã Hải Dương, trồng bưởi thanh trà ở xã Hải Hòa, trồng cây sả ở xã Hải An, mở rộng diện tích trồng cam trên vùng đồi K4, xã Hải Phú sang các xã Hải Lâm, Hải Thượng, Hải Thọ, Hải Sơn với diện tích trên 60 ha.

Cùng các nhà báo đến với vùng trồng cam K4, xã Hải Phú, chúng tôi không khỏi ngỡ ngàng trước những vườn cam trĩu quả đang trong mùa chín rộ. Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Hồ Đại Nam, nguyên Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện Hải Lăng cùng đi thực tế cho biết, dịp này anh đi theo đoàn với tư cách là một “hướng dẫn viên” cho các nhà báo về mảnh đất và con người vốn gắn bó với anh trong những năm anh được phân công về nhận công tác ở đây. Theo anh Hồ Đại Nam, để có được vùng trồng cam cho nhiều quả ngọt, ngon và sạch như ở Hải Phú, lãnh đạo huyện và người nông dân lúc bấy giờ đã phải trăn trở, tìm tòi rất nhiều, từ khâu chọn giống, chế độ chăm sóc, bón phân, tạo tán, phòng trừ sâu bệnh… sao cho cây cam có thể phát triển tốt, cho năng suất cao, phù hợp với đất đai, khí hậu khắc nghiệt ở Quảng Trị. Huyện cũng đã hỗ trợ người dân bằng cách huy động các nguồn lực đầu tư xây dựng đường giao thông, điện thắp sáng lên tận vùng chuyên canh trồng cam, tạo điều kiện cho người dân yên tâm sản xuất, tiêu thụ sản phẩm. Biết bao mồ hôi, công sức đổ xuống mới biến vùng đất hoang hóa này cho những mùa quả ngọt như hôm nay. Lãnh đạo huyện và tỉnh rất trân trọng những người đi tiên phong trong khai thác tiềm năng của địa phương và tạo mọi điều kiện thuận lợi để người dân phát triển các mô hình kinh tế có hiệu quả.

Chúng tôi đã được ông Trần Ngọc Nhơn dẫn đi thăm vườn cam rộng hơn 3ha với những cành trĩu quả. Qua câu chuyện ông kể, chúng tôi mới biết rằng ông là người tiên phong lên vùng gò đồi K4 lập trang trại cách đây hơn 20 năm về trước. Vào thời điểm đó, quyết định mang cây cam về trồng ở vùng đất đồi hoang sơ còn nhiều bom đạn sót lại sau chiến tranh này là vô cùng táo bạo và khó khăn. Sau bao nhiêu mồ hôi, công sức, lần hồi khai phá, cải tạo ròng rã gần chục năm trời ông Nhơn mới khuất phục được vùng đất này. Đến nay, trang trại của ông có 6 ha, trong đó 3ha trồng cam. Giống cam ở đây chủ yếu là giống Vân Du và Xã Đoài, được du nhập từ vùng chuyên canh cam nổi tiếng ở thành phố Vinh (Nghệ An). Ông Nhơn cho biết: “Hiện nay, ngoài gia đình tôi thì ở vùng K4 này đã có nhiều gia đình lên đây mở trang trại trồng cam, từ 3 ha của gia đình tôi, đến nay diện tích trồng cam ở đây đã lên tới 39 ha, tăng cả về diện tích, năng suất lẫn giá trị kinh tế. Mỗi héc ta cam gia đình tôi thu nhập một vụ khoảng 500 triệu đồng. Nhiều gia đình trồng sau chúng tôi học hỏi được nhiều kinh nghiệm nên thu nhập cao hơn, nhờ đó đã giúp nhiều hộ gia đình vươn lên khá giả”. Ngoài trồng cam, bưởi, ông Nhơn còn dành riêng 1 ha đất, đầu tư 500 triệu đồng để trồng thử nghiệm nhiều loại cây trái khác như măng cụt, thanh long, nhãn, vải, mít và xen canh các loại sả, ớt... Xung quanh trang trại của mình, ông Nhơn còn trồng 1 ha cây chè, đào hồ nuôi cá nước ngọt với diện tích 1ha, vừa nâng cao thu nhập về kinh tế vừa tận dụng cung cấp nguồn nước tưới cho cây trồng. Nhờ chăm sóc kĩ lưỡng, đúng cách, phòng trừ sâu bệnh hiệu quả nên vườn cam của ông luôn xanh tốt, cho năng suất cao.

Trưởng Phòng Nông nghiệp huyện Hải Lăng Dương Viết Hải cho biết, hiện nay vùng cam K4 ở xã Hải Phú đang được UBND tỉnh, Bộ Khoa học và Công nghệ chọn làm đề tài: Ứng dụng các tiến bộ khoa học và công nghệ xây dựng mô hình phát triển cây cam sạch bệnh trên địa bàn tỉnh Quảng Trị; mô hình thâm canh cây cam theo hướng hữu cơ. Chính vì vậy, cam vùng đồi K4 dần chiếm được niềm tin và chỗ đứng trên thị trường. Theo anh Hải, cam ở vùng này không phun thuốc bảo vệ thực vật nên rất sạch, được người tiêu dùng ưa chuộng. Nhiều tư thương trong và ngoài tỉnh vào mùa thu hoạch trực tiếp đến mua tại vườn với giá 20.000 đồng/kg.

Qua tìm hiểu, chúng tôi được biết trong những năm qua, huyện Hải Lăng và xã Hải Phú đã có nhiều chính sách khuyến khích người dân phát triển mạnh cây cam, đồng thời hỗ trợ 60% giá giống cây, ưu tiên cấp đất để mở rộng vùng chuyên canh cam. Chủ trương của xã Hải Phú là mỗi năm phát triển thêm được từ 3-5 ha cam vì đất phù hợp với phát triển cây cam trên vùng gò đồi K4 vẫn còn dồi dào. Nhờ những chính sách hỗ trợ thiết thực nên đã thu hút người dân lên trồng cam ở vùng gò đồi K4 ngày càng nhiều, từ chỗ chỉ có 3-6 ha nay đã phát triển thêm gần 40 ha, trong đó có 16 ha với thu nhập từ 400-500 triệu đồng/ha. Gia đình ông Trần Kim Phúng trồng 2,5 ha, trong đó có 0,7 ha đang trồng theo mô hình hữu cơ, bình quân mỗi héc ta gia đình ông thu hoạch trên 35 tấn, thu nhập từ 500-600 triệu đồng/ha. Cây cam mang lại thu nhập cao đã góp phần ổn định kinh tế gia đình cho nhiều người dân trong vùng. Địa phương cũng đã có phương án quy hoạch những vùng đất mới để người dân có thể lên mở rộng diện tích trồng cam…

Đi vào vùng gò đồi K4 bây giờ không còn ánh dèn dầu leo lét trong đêm, đường giao thông lầy lội như ngày trước, thay vào đó là hệ thống điện thắp sáng đã đến với từng hộ gia đình, đường bê tông được nhà nước đầu tư khá bằng phẳng, xe ô tô cỡ lớn đến trực tiếp tại các vườn cam thu mua sản phẩm tại chỗ cho người nông dân, khách du lịch cũng rất thuận lợi khi đến nơi này tham quan, học hỏi kinh nghiệm và ngắm nhìn những vườn cam trĩu quả... Tin tưởng rằng khi cây cam phát triển bền vững, người trồng cam thực hành sản xuất nông nghiệp theo mô hình thâm canh theo hướng hữu cơ, cam K4 sẽ là một thương hiệu uy tín của huyện Hải Lăng có mặt ở khắp các hệ thống siêu thị trong và ngoài tỉnh, mang quả ngọt đến với mọi nhà.

Nguồn tin: Sưu tầm: Báo Quảng Trị:

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Con số ấn tượng
69/101
Là số xã đạt chuẩn Nông thôn mới
14,5
Là số tiêu chí đạt bình quân của tỉnh
01/7 huyện đạt chuẩn nông thôn mới
(huyện Cam Lộ -đạt chuẩn năm 2019)
9 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao
(Kim Thạch, Vĩnh Thủy, Vĩnh Giang, Cam Chính, Cam Nghĩa, Cam Thành, Cam Hiếu, Triệu Đại, Triệu Trạch)
Liên kế website
Thống kê lượt truy cập
  • Đang truy cập90
  • Hôm nay10,354
  • Tháng hiện tại81,346
  • Tổng lượt truy cập8,174,882
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây