Nhiều chuyển biến trong phát triển kinh tế, xã hội ở Cam Nghĩa

Thứ năm - 05/03/2020 21:04
Nằm ở vùng Cùa, xã Cam Nghĩa, huyện Cam Lộ là một trong những địa phương có nhiều chuyển biến trong phát triển kinh tế - xã hội những năm qua. Phát huy thế mạnh của một xã trung du có nhiều diện tích đất đỏ ba dan, bên cạnh việc trồng cây lúa nước, cây hoa màu nhằm đảm bảo lương thực, thực phẩm, xã Cam Nghĩa tập trung phát triển các loại cây công nghiệp dài ngày mà chủ yếu là cây tiêu và cao su.
Đường giao thông nông thôn ở Cam Nghĩa đã được mở rộng. Ảnh: PA
Đường giao thông nông thôn ở Cam Nghĩa đã được mở rộng. Ảnh: PA
  
Diện tích trồng cao su của xã không ngừng mở rộng ở khắp các thôn, xóm, đồi nương, đạt 870 ha, trong đó diện tích khai thác là 766,6 ha, sản lượng năm 2019 gần 1.000 tấn, trở thành một trong những xã có diện tích cao su lớn nhất huyện Cam Lộ. Dù giá cả có lúc lên xuống nhưng nhiều gia đình có thu nhập mỗi tháng hàng chục triệu đồng nhờ trồng cao su. Bên cạnh cao su thì cây tiêu cũng được coi là cây chủ lực của xã Cam Nghĩa, diện tích trồng tiêu hiện có 155 ha, trong đó diện tích kinh doanh là 110 ha, sản lượng đạt 80 tấn/năm. Chủ tịch UBND xã Lê Hữu Phương cho biết, hiện tại xã có 20 trang trại quy mô tương đối lớn. Các trang trại này kết hợp trồng cây lâu năm với chăn nuôi, một số trang trại phát triển theo hướng đa cây, đa con, mỗi năm mang lại nguồn thu khá lớn, có trang trại thu mỗi năm từ 3-5 tỉ đồng.
 
Không chỉ tập trung phát triển nông nghiệp mà xã còn đẩy mạnh phát triển ngành nghề, thương mại dịch vụ, nâng cao tỉ trọng phi nông nghiệp. Hiện tại trên địa bàn đã thành lập được một công ty may xuất khẩu thu hút hơn 50 lao động. Xã cũng đang triển khai xây dựng chợ Chiều Cam Nghĩa, đáp ứng nhu cầu mua bán, trao đổi hàng hóa của người dân địa phương. Chợ được xây dựng với hình thực xã hội hóa, trong đó kinh phí từ nguồn ngân sách của huyện hỗ trợ 2 tỉ đồng để xây dựng mặt bằng, cổng chợ, nền chợ và các hạng mục khác, còn lại hàng chục ki ốt sẽ do người dân tự đầu tư xây dựng (khi tiểu thương đăng ký vào buôn bán ở chợ). Khi xây dựng xong, chợ đi vào hoạt động sẽ trở thành trung tâm thương mại của xã, giải quyết việc làm và tăng thêm thu nhập cho nhiều lao động.
 
Thời gian gần đây xã cũng khuyến khích và tạo điều kiện để người dân trồng thêm các loại cây dược liệu cung cấp cho thị trường, tăng thêm giá trị trên mỗi diện tích canh tác, tạo nên nét riêng trong phát triển kinh tế của Cam Nghĩa. Nhiều vùng trồng lúa hiệu quả thấp đã chuyển sang trồng cây dược liệu. Trong đó diện tích cây chè vằng từ vài sào nay đã lên tới 5,2 ha; cây ngưu tất 1 ha; sâm bố chính 0,85 ha; cây đinh lăng 0,8 ha; hà thủ ô 0,7 ha; cà gai leo 0,7 ha; trạch tả 0,5 ha; bạch chỉ 0,3 ha. Cây nghệ cũng đã được trồng với diện tích lên tới 30 ha. Thực hiện chương trình “mỗi xã một sản phẩm”, Cam Nghĩa đã thành lập Tổ hợp tác gà Cùa với số lượng 10 thành viên, dự kiến quy mô chăn nuôi 5.000 con/lứa. Tổ hợp tác được ưu tiên cung cấp giống, được học tập, trao đổi kiến thức về chăn nuôi, phòng trừ dịch bệnh và tiếp cận thị trường. Trong phát triển kinh tế, xã cũng đã xây dựng 3 mô hình hiệu quả là mô hình trồng bưởi ở thôn Phương An 2; trồng ổi ở thôn Quật Xá và trồng xen cây hà thủ ô trên diện tích trồng cây cao su. Xã cũng xây dựng được 9/9 vườn mẫu để người dân tham quan, học tập phát triển kinh tế.
 
Một chuyển biến đáng ghi nhận ở Cam Nghĩa đó là người dân thực hiện tốt phong trào xã hội hóa trong xây dựng cơ sở hạ tầng, xây dựng nông thôn mới. Nhiều tuyến đường được mở rộng lên 6 -7m nhờ hiến đất, hiến vườn cây của người dân, đường bê tông trải dài đến các ngõ xóm, tỉ lệ đường bê tông hóa đạt 90%.
 
Nhằm tăng thêm nguồn thu, giải quyết việc làm, trong những năm gần đây xã Cam Nghĩa tích cực tuyên truyền, vận động để người dân tham gia xuất khẩu lao động. Hằng năm có khoảng 30 người đi lao động nước ngoài theo con đường chính ngạch. Hiện tại có khoảng hơn 150 người đang làm việc theo diện xuất khẩu lao động. Xã cũng rất nỗ lực xây dựng thương hiệu gà Cùa, tinh bột nghệ, cao dược liệu, tạo nên một dấu ấn riêng của Cam Nghĩa.
 
Đến Cam Nghĩa những ngày này chứng kiến sự vươn mình, trỗi dậy ở một xã vùng chiến khu xưa, cả một không gian phủ đầy màu xanh. Giao thông đi lại không còn cách trở mà nhiều tuyến đường được mở rộng, kết nối từ trung tâm xã đến các xóm làng vùng xa.
 
Về văn hóa xã hội, xã tích cực thực hiện cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa gắn với thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới- đô thị văn minh”. An ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được giữ vững, phòng chống có hiệu quả các tệ nạn xã hội, xây dựng cuộc sống hòa thuận, văn minh. Đã có 3 dòng họ cam kết không có người vi phạm pháp luật. Cơ sở vật chất cho hoạt động giáo dục- đào tạo được xây dựng khang trang, bảo đảm cho con em được học tập trong môi trường tốt. Xã duy trì vững chắc kết quả phổ cập giáo dục cho trẻ 5 tuổi, phổ cập giáo dục tiểu học chống mù chữ đúng độ tuổi và phổ cập giáo dục trung học cơ sở. Công tác chăm sóc sức khỏe người dân cũng có chuyển biến, tỉ lệ người dân tham gia bảo hiểm y tế đạt 88,5%.
 
Chủ tịch UBND xã Lê Hữu Phương cho rằng bước đột phá của Cam Nghĩa trong thời gian qua là đã tuyên truyền, vận động để người dân di dời hơn 3.500 ngôi mộ ra khỏi khu dân cư. Trước đây vì nhiều lý do mà người dân chôn cất, xây dựng mồ mả gần khu vực dân cư, trên đất sản xuất, vừa không tiện lợi cho sản xuất, thiếu mỹ quan vừa ảnh hưởng đến môi trường, đời sống của người dân nên xã đã có nghị quyết di dời mồ mả ra khỏi khu dân cư. Xác định đây là việc khó khăn khi mà đời sống tâm linh của người dân vẫn rất nặng nề, hơn nữa một số ngôi mộ được xây dựng kiên cố với số tiền hàng chục triệu đồng, nay phải di dời là chuyện không dễ. Nhưng cả hệ thống chính trị vào cuộc, tuyên truyền, vận động để bà con thấy rõ lợi ích của cách làm này, đồng thời có chế độ, chính sách hỗ trợ khi người dân di dời mồ mả. Qua việc di dời hàng ngàn ngôi mộ đã giải phóng được quỹ đất lớn cho sản xuất, cho dân cư.
 
Với nhiều nỗ lực, cố gắng đến nay bộ mặt của xã đã có nhiều đổi thay. Thu nhập bình quân đầu người năm 2019 đạt hơn 35 triệu đồng, tỉ lệ hộ nghèo còn 2,06%, xã cũng đã hoàn thành mục tiêu xây dựng xã đạt chuẩn nông thôn mới.
 
Trong những năm tới xã Cam Nghĩa tập trung đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng nâng cao chất lượng hiệu quả bền vững. Phấn đấu đến năm 2022 đạt tiêu chí xã nông thôn mới kiểu mẫu, tích cực giải quyết việc làm, chăm lo đời sống các đối tượng chính sách và từng bước nâng cao đời sống người dân địa phương.
 

Nguồn tin: Báo Quảng Trị

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Con số ấn tượng
69/101
Là số xã đạt chuẩn Nông thôn mới
14,5
Là số tiêu chí đạt bình quân của tỉnh
01/7 huyện đạt chuẩn nông thôn mới
(huyện Cam Lộ -đạt chuẩn năm 2019)
9 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao
(Kim Thạch, Vĩnh Thủy, Vĩnh Giang, Cam Chính, Cam Nghĩa, Cam Thành, Cam Hiếu, Triệu Đại, Triệu Trạch)
Liên kế website
Thống kê lượt truy cập
  • Đang truy cập50
  • Hôm nay26,845
  • Tháng hiện tại110,636
  • Tổng lượt truy cập8,310,933
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây