Mặt trận xã Gio Quang chung tay xây dựng nông thôn mới

Thứ hai - 25/11/2019 03:12
Gio Quang là xã nằm ở vùng đông huyện Gio Linh, gồm 4 thôn, tổng diện tích đất tự nhiên 186,54 ha, 719 hộ, 3115 nhân khẩu. Điều kiện phát triển kinh tế của xã chủ yếu là nông nghiệp độc canh cây lúa, dân cư phân bố không đồng đều. Gio Quang còn là xã nằm trong vùng chịu nhiều thiệt hại do thiên tai như lũ lụt, hạn hán, đời sống nhân dân còn gặp nhiều khó khăn.
Lễ công bố xã Gio Quang đạt chuẩn nông thôn mớ​i
Lễ công bố xã Gio Quang đạt chuẩn nông thôn mớ​i
  
Khi tiếp thu chủ trương của Đảng, Nhà nước để thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, xã Gio Quang vẫn còn rất nhiều khó khăn như xuất phát điểm thấp, điều kiện vật chất, cơ sở hạ tầng còn thiếu và yếu, đường làng ngõ xóm nhiều tuyến nhỏ hẹp, vào mùa mưa thường hay lầy lội; hệ thống điện xuống cấp, trạm y tế, trường học chưa đáp ứng yêu cầu, đời sống nhân dân chưa được cải thiện...
 
Dưới sự lãnh đạo của các cấp ủy đảng, sự quản lí điều hành của chính quyền, bằng quyết tâm chính trị cao nhất, UBMT xã đã cùng với các đoàn thể từ xã đến thôn xây dựng kế hoạch thực hiện từng tiêu chí với quyết tâm cao đưa Gio Quang về đích nông thôn mới. UBMT xã đã tích cực tuyên truyền vận động nhân dân về mục đích, ý nghĩa của chương trình xây dựng nông thôn mới, trong đó nhân dân là chủ thể.
 
Qua 8 năm triển khai chương trình xây dựng nông thôn mới, bộ mặt nông thôn ở các khu dân cư ngày càng khang trang, xanh, sạch, đẹp; cơ sở hạ tầng thiết yếu về giao thông, thủy lợi, các thiết chế văn hóa được quan tâm đầu tư; sản xuất nông nghiệp tiếp tục phát triển mang lại hiệu quả kinh tế và thu nhập cao. Thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở thực sự phát huy hiệu quả; các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước được chuyển tải kịp thời đến với người dân; các chương trình, dự án, các khoản đóng góp của nhân dân được công khai minh bạch, xét hỗ trợ đúng người, đúng đối tượng. Cùng với đó nhân dân đã tích cực tham gia hưởng ứng và chủ động thực hiện các phong trào thi đua, các cuộc vận động do trung ương, địa phương phát động; vận động nhân dân hăng hái thi đua trong lao động sản xuất, phát triển kinh tế, chỉnh trang nhà ở, công trình vệ sinh, bảo vệ môi trường, chăm lo công tác xã hội hóa về sự nghiệp giáo dục, y tế, đặc biệt là huy động nguồn lực trong nhân dân tham gia đóng góp công sức, tiền của, hiến đất, hiến cây, hiến kế… để xây dựng nông thôn mới.
 
Qua 5 năm triển khai đã tập trung vận động nhân dân hiến 90.000m2 đất, 40.000 cây, 500m tường rào mở rộng 16 km đường giao thông nông thôn, đóng góp hàng ngàn ngày công chỉnh trang nông thôn mới trị giá trị trên 5 tỉ đồng. Tiêu biểu có hộ gia đình các ông Hoàng Đình Út, Hoàng Đình Lịch, Nguyễn Hữu Thứ, Nguyễn Hữu Quỳnh đã hiến 5.000m2 đất sản xuất nông nghiệp để xây dựng sân vận động trung tâm xã, trạm y tế xã; ông Phan Linh ở thôn Kỳ Lâm hiến 40m tường rào, 120m2 đất ở, 30 cây các loại trị giá 60 triệu đồng, ông Hoàng Xuân Mừng ở thôn Kỳ Trúc hiến 30m tường rào, 100m2 đất ở, 20 cây các loại trị giá 50 triệu đồng, hộ ông Trần Hữu Dũng ở thôn Quang Thượng đã hiến 20m tường rào, 80m đất ở, 20 cây các loại trị giá 45 triệu đồng, hộ ông Hoàng Đạm ở Trúc Lâm hiến 300m2 đất, 150 cây các loại trị giá 50 triệu đồng…
 
Mặt trận đã tích cực vận động nhân dân đóng góp xây dựng công trình điện thắp sáng đường quê với với chiều dài 10km, số tiền 300 triệu đồng. Đến nay 4/4 thôn trên địa bàn xã đã có điện đường thắp sáng; vận động nhân dân đóng góp đối ứng bê tông hóa giao thông nông thôn đến nay tỉ lệ đường trục thôn, liên thôn được cứng hóa đạt chuẩn 90 % (14,2/15,77 km). Bên cạnh đó Mặt trận xã, Ban công tác Mặt trận các thôn đã vận động các nhà hảo tâm, con em quê hương ở xã đóng góp xây dựng quê hương, tiêu biểu như ông Nguyễn Đăng Hương ở Thành phố Hồ Chí Minh tài trợ cho thôn Quang Hạ 1,5 tỉ đồng xây dựng hội trường, đường bê tông thôn, xây dựng sân vận động trung tâm xã, cổng nghĩa trang liệt sĩ xã; ông Lê Xuân Tùng ở Đà Nẵng tài trợ cho thôn Quang Thượng xây dựng nhà văn hóa thôn, công trình điện thắp sáng đường quê với trị giá 1,2 tỉ đồng.
 
Phong trào khuyến học, khuyến tài được các cấp, các ngành quan tâm và xã hội hóa cao. Đến nay các cơ quan, trường học đều có ban khuyến học; các thôn có chi hội khuyến học và 12 dòng họ có ban khuyến học. Hội khuyến học xã phối hợp với đoàn thể xã và hội cha mẹ học sinh làm tốt công tác vận động con em đến trường, không có học sinh bỏ học. Công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân được quan tâm, không có dịch bệnh xảy ra, việc tiêm phòng vắc xin cho trẻ dưới 5 tuổi được thực hiện nghiêm túc, không có trường hợp trẻ em không tham gia tiêm vắc xin theo quy định. Công tác dân số- KHHGĐ được thường xuyên quan tâm, tỉ lệ sinh con thứ 3 giảm qua các năm. Công tác tuyên truyền vận động nhân dân tham gia BHYT toàn dân được quan tâm, đến nay tỉ lệ người dân tham gia BHYT đạt 95%.
 
Hằng năm UBMT xã tổ chức thăm hỏi, động viên giúp đỡ các đối tượng chính sách gặp khó khăn, hộ nghèo trên địa bàn xã từ 40 - 50 suất quà mỗi suất trị giá từ 300.000, - 500.000 đồng, hỗ trợ các gia đình hộ nghèo, cận nghèo khó khăn về nhà ở sửa chữa và xây mới với 7 nhà trị giá 75 triệu đồng.
 
Phong trào xây dựng làng văn hóa, gia đình văn hóa được quan tâm chỉ đạo. Kết quả hằng năm được công nhận là gia đình văn hóa đạt tỉ lệ trên 85% . Đến nay, trên địa bàn xã các khu dân cư đã cơ bản hoàn thiện các thiết chế văn hóa bao gồm: Trung tâm học tập cộng đồng, cổng chào, bảng tin tuyên truyền… Chất lượng và số lượng gia đình được công nhận gia đình văn hóa qua các năm đều được nâng lên năm sau cao hơn năm trước, năm 2015 có 85,5% gia đình đạt gia đình văn hóa đến cuối năm 2018 có 630 gia đình đạt 88,5% đạt gia đình văn hóa. Có 5/5 làng đạt làng văn hóa trong đó có 2 làng đạt văn hóa xuất sắc cấp tỉnh, 2/2 đơn vị trường học đạt đơn vị văn hóa.
 
Công tác giám sát đầu tư cộng đồng được Mặt trận xã hết sức quan tâm. Qua 8 năm xây dựng nông thôn mới, Mặt trận xã đã thành lập các tổ giám sát 35 công trình trị giá 51,9 tỉ đồng. Các công trình xây dựng tại địa phương được các đơn vị thi công đảm bảo chất lượng, tiến độ, thời gian. Mặt trận xã đã vận động nhân dân chỉnh trang vườn tược, đầu tư xây dựng, sửa chữa nhà ở, chỉnh trang nông thôn mới gần 30 tỉ đồng, góp phần làm cho bộ mặt nông thôn được khởi sắc.
 
Từ những kết quả trên, năm 2018 UBMT xã đã tổ chức lấy ý kiến sự hài lòng của nhân dân trong xây dựng nông thôn mới, các tiêu chí đánh giá được nhân dân hài lòng rất cao trên 94% số hộ được hỏi ý kiến và xã Gio Quang đã được UBND tỉnh công nhận xã đạt chuẩn nông thôn mới.
 
 

Nguồn tin: Báo Quảng Trị

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Con số ấn tượng
69/101
Là số xã đạt chuẩn Nông thôn mới
14,5
Là số tiêu chí đạt bình quân của tỉnh
01/7 huyện đạt chuẩn nông thôn mới
(huyện Cam Lộ -đạt chuẩn năm 2019)
9 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao
(Kim Thạch, Vĩnh Thủy, Vĩnh Giang, Cam Chính, Cam Nghĩa, Cam Thành, Cam Hiếu, Triệu Đại, Triệu Trạch)
Liên kế website
Thống kê lượt truy cập
  • Đang truy cập109
  • Hôm nay18,848
  • Tháng hiện tại102,639
  • Tổng lượt truy cập8,302,936
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây