Đỡ đầu xây dựng nông thôn mới

Chủ nhật - 03/01/2021 21:41
Đối với nhiều xã vùng khó, việc xây dựng nông thôn mới cũng giống như hành trình leo núi đầy gian nan, càng lên cao càng gặp nhiều khó khăn, thách thức. Để giúp các địa phương này tháo gỡ những khó khăn, 26 sở, ngành, đơn vị liên quan trong tỉnh đã vào cuộc, nhận đỡ đầu 42 xã miền núi, bãi ngang trên địa bàn và có những hoạt động hỗ trợ cụ thể, hiệu quả.
Người dân vùng cao giúp nhau phát triển kinh tế, chung tay xây dựng nông thôn mới - Ảnh: T.L​
Người dân vùng cao giúp nhau phát triển kinh tế, chung tay xây dựng nông thôn mới - Ảnh: T.L​
 
Từ sáng sớm, người dân xã Triệu Nguyên, huyện Đakrông đã í ới gọi nhau ra đồng. Ai cũng vui khi thấy những mầm xanh vừa ươm trồng đã tách hạt, vươn vai dưới ánh mặt trời. Cách đây hơn 1 tháng, phần lớn những gương mặt này đều hằn sâu nỗi âu lo. Mưa bão, lũ lụt kéo dài khiến không ít hộ dân ở xã Triệu Nguyên mất trắng, nhất là những thành quả nông thôn mới mà chính quyền và người dân địa phương dày công xây dựng đã bị tổn thất không ít. Sau thiên tai, nhiều tiêu chí nông thôn mới của xã Triệu Nguyên như thủy lợi, giao thông, tổ chức sản xuất… bị ảnh hưởng đáng kể. Trong lúc chính quyền và người dân trong xã đang tìm cách khắc phục hậu quả mưa bão, lũ lụt, “giữ chuẩn” nông thôn mới, sự tiếp sức của các cấp, ngành, đơn vị, tổ chức, cá nhân hảo tâm, đặc biệt là Sở Nông nghiệp và PTNT đã giúp những nỗi lo vơi bớt. Chủ tịch UBND xã Triệu Nguyên Trương Văn Hoài cho biết: “Không phải đến khi xã Triệu Nguyên gặp khó khăn, Sở Nông nghiệp & PTNT mới có mặt để hỗ trợ. Trước đó, cán bộ, viên chức của sở đã về tận địa phương tìm hiểu những khó khăn của xã, qua đó chung tay tháo gỡ, giải quyết. Việc chúng tôi vừa đạt 19/19 tiêu chí xây dựng nông thôn mới có sự đóng góp rất lớn của đơn vị đỡ đầu là Sở Nông nghiệp và PTNT”.
 
Tại một số địa phương miền núi, bãi ngang, việc xây dựng nông thôn mới còn gặp rất nhiều khó khăn. Có nhiều nguyên nhân dẫn đến thực trạng này mà cơ bản nhất vẫn là điểm xuất phát của các xã nói trên quá thấp. Ở một số địa phương, việc huy động người dân đóng góp xây dựng nông thôn mới không khả thi bởi chính bà con nơi đây còn đang phải vật lộn với sự đói nghèo, lạc hậu. Nếu không có ngoại lực, đích đến nông thôn mới của các xã miền núi, bãi ngang sẽ rất xa xôi. Hiểu rõ thực tế ấy, những năm qua, các cấp, ngành, đơn vị liên quan trong tỉnh đã nỗ lực vào cuộc, hỗ trợ các xã vùng khó xây dựng nông thôn mới. Phó Chánh Văn phòng chuyên trách nông thôn mới tỉnh Trần Trọng Tuấn cho biết: “Trước khi nhận đỡ đầu, các sở, ngành, đơn vị liên quan trên địa bàn đã có nhiều hoạt động hỗ trợ các xã vùng khó xây dựng nông thôn mới. Tuy nhiên, sự hỗ trợ này còn mang tính dàn trải, chưa có chiều sâu. Vì thế, việc UBND tỉnh phân công đỡ đầu xây dựng nông thôn mới sẽ góp phần giúp các xã vùng khó khắc phục khó khăn một cách cụ thể, hiệu quả hơn”.
 
Ngay sau khi nhận được sự phân công, đề nghị, 26 sở, ngành, đơn vị liên quan trong tỉnh đã nhanh chóng vào cuộc. Các tổ công tác của lãnh đạo các sở, ngành, đơn vị đã về từng xã vùng khó để khảo sát thực tế, qua đó xây dựng chương trình, kế hoạch giúp đỡ xã đỡ đầu. Những khó khăn, thách thức, vướng mắc nảy sinh trong xây dựng nông thôn mới của các xã được quan tâm, chú ý để tìm biện pháp tháo gỡ, giải quyết, trong đó tập trung chỉ đạo, hướng dẫn, giám sát các xã triển khai, thực hiện từng nội dung của Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới. Đặc biệt, việc huy động nguồn lực để giúp các xã hoàn thành xây dựng nông thôn mới theo lộ trình của tỉnh được các sở, ngành, đơn vị rất chú ý. Không chỉ hỗ trợ bằng các hoạt động, chương trình, dự án của riêng mình, các sở, ngành, đơn vị còn huy động sự tham gia, hỗ trợ từ nhiều nguồn lực khác. Định kỳ, kết quả thực hiện các tiêu chí nông thôn mới của xã đỡ đầu đều được ra soát, đánh giá kỹ. Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT Hồ Xuân Hòe cho biết: “Mỗi đơn vị nhận đỡ đầu các xã vùng khó xây dựng nông thôn mới đều có một cách làm riêng. Với Sở Nông nghiệp & PTNT, chúng tôi thường xuyên có những chuyến công tác về cơ sở, cùng ăn, cùng ở, cùng làm với bà con. Lãnh đạo sở cũng đã giao trách nhiệm cụ thể cho từng đơn vị trực thuộc triển khai các giải pháp hỗ trợ hai xã Triệu Nguyên, Ba Lòng xây dựng nông thôn mới theo đúng chức năng, nhiệm vụ mình”.
 
Sự vào cuộc đầy trách nhiệm của các sở, ngành, đơn vị trên địa bàn tỉnh đã góp phần quan trọng giúp các xã được đỡ đầu có nhiều bước tiến. Qua những buổi làm việc với đơn vị đỡ đầu, lãnh đạo các xã vùng khó đã cơ bản tìm ra nguyên nhân, giải pháp phù hợp để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc của địa phương mình. Không chỉ hiến kế, nhiều sở, ngành, đơn vị đã có những cách làm hay giúp người dân vùng khó như: Xây dựng các mô hình phát triển kinh tế; truyền thông nâng cao nhận thức cho người dân; tập huấn cho đội ngũ cán bộ… Từ sự huy động của các sở, ngành, đơn vị được phân công đỡ đầu, nhiều tổ chức, cá nhân đã đến để giúp các xã “giải quyết” các tiêu chí khó về: cơ sở hạ tầng, thu nhập, giao thông, môi trường… Đặc biệt, trong và sau đợt dịch bệnh, thiên tai vừa qua, sự hỗ trợ kịp thời, tích cực của các sở, ngành, đơn vị đã giúp chính quyền, người dân xã đỡ đầu vượt qua thách thức. Đây chính là động lực thôi thúc bà con nỗ lực nhiều hơn nữa, cùng nhau đoàn kết để có thể tiến nhanh, mạnh, vững chắc trên con đường xây dựng nông thôn mới.

Nguồn tin: Tây Long, Báo Quảng Trị

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Con số ấn tượng
69/101
Là số xã đạt chuẩn Nông thôn mới
14,5
Là số tiêu chí đạt bình quân của tỉnh
01/7 huyện đạt chuẩn nông thôn mới
(huyện Cam Lộ -đạt chuẩn năm 2019)
9 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao
(Kim Thạch, Vĩnh Thủy, Vĩnh Giang, Cam Chính, Cam Nghĩa, Cam Thành, Cam Hiếu, Triệu Đại, Triệu Trạch)
Liên kế website
Thống kê lượt truy cập
  • Đang truy cập99
  • Hôm nay19,798
  • Tháng hiện tại90,975
  • Tổng lượt truy cập8,291,272
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây