Diện mạo mới ở vùng đồng bào dân tộc tiểu số và miền núi Hướng Hóa

Thứ sáu - 29/11/2019 20:41
Huyện Hướng Hóa có 22 xã, thị trấn, trong đó có 16 xã và 9 thôn, bản thuộc diện đầu tư Chương trình 135 về phát triển kinh tế- xã hội các xã đặc biệt khó khăn, xã biên giới, xã an toàn khu, các thôn, bản đặc biệt khó khăn. Những năm qua, Đảng bộ, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc huyện rất quan tâm đến công tác dân tộc và thực hiện tốt các chủ trương, chính sách phát triển kinh tế- xã hội, xóa đói, giảm nghèo vùng dân tộc thiểu số và miền núi, làm cho diện mạo nền kinh tế địa phương từng bước khởi sắc.
Phát triển sản xuất ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số Hướng Hóa​
Phát triển sản xuất ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số Hướng Hóa​
  
Với đặc thù địa bàn miền núi biên giới có gần 50% dân số là đồng bào dân tộc thiểu số Vân Kiều, Pa Kô sinh sống, trong quá trình xây dựng và phát triển, huyện Hướng Hóa đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện tốt công tác định canh, định cư đến nơi ở thuận lợi, ổn định cuộc sống cho người dân. Các chương trình mục tiêu quốc gia như giảm nghèo bền vững, xây dựng nông thôn mới; các chính sách dân tộc, chính sách đối với hộ nghèo người đồng bào dân tộc thiểu số miền núi, vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn… luôn được huyện triển khai thực hiện hiệu quả. Hằng năm, Chương trình 135 trên địa bàn huyện hỗ trợ phát triển sản xuất khoảng 5 tỉ đồng; chính sách hỗ trợ trực tiếp cho người dân thuộc diện hộ nghèo vùng khó khăn theo Quyết định 102 của Thủ tướng Chính phủ hỗ trợ kinh phí gần 3 tỉ đồng cấp các loại giống cây trồng, muối, bột canh cho các hộ nghèo.
 
Nhờ đó, kinh tế vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi huyện Hướng Hóa có bước phát triển, cơ cấu kinh tế chuyển dịch đúng hướng, từ chỗ sản xuất nông nghiệp tự cung tự cấp nay đã chuyển theo hướng sản xuất hàng hóa, đáp ứng nhu cầu thị trường, hình thành được các vùng sản xuất nông nghiệp tập trung chuyên canh có giá trị cao như cà phê, chuối, sắn nguyên liệu, cao su, chanh leo, cây dược liệu… Ngày càng có nhiều hộ gia đình, nhóm hộ gia đình vươn lên làm kinh tế giỏi, thu nhập cao như câu lạc bộ thu nhập 100 triệu đồng/năm từ trồng cây sắn ở các xã vùng Lìa. Đến nay, thu nhập bình quân đầu người trên địa bàn huyện Hướng Hóa đạt 31 triệu đồng/năm; tỉ lệ hộ nghèo giảm xuống còn 24,5%, trong đó tỉ lệ hộ nghèo người đồng bào dân tộc thiểu số chiếm 22,8%. Đời sống vật chất và tinh thần của người dân cải thiện rõ rệt. Tình hình an ninh chính trị ổn định, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn huyện được giữ vững.
 
Song song với hỗ trợ phát triển sản xuất, tăng thu nhập, kết cấu hạ tầng kinh tế- xã hội vùng dân tộc và miền núi, đặc biệt là các công trình trọng điểm như hệ thống điện, đường, trường học, trạm y tế…, được huyện Hướng Hóa quan tâm đầu tư xây dựng đồng bộ. Bình quân mỗi năm hợp phần xây dựng cơ sở hạ tầng Chương trình 135 đầu tư gần 20 tỉ đồng, duy tu bảo dưỡng công trình kinh phí khoảng hơn 1 tỉ đồng. Đồng thời huyện còn huy động các nguồn lực, lồng ghép các chương trình, dự án khác đầu tư trên địa bàn từng bước hoàn thiện hệ thống cơ sở hạ tầng vùng đồng bào dân tộc và miền núi, cơ bản đáp ứng nhu cầu sản xuất, kinh doanh và phục vụ đời sống nhân dân. Hiện nay, 100% số xã có đường ô tô đến trung tâm xã được cứng hóa; 100% thôn, bản, khối, khóm có điện lưới quốc gia; 100% xã, thị trấn có đủ 3 cấp học từ mầm non đến trung học cơ sở và có trạm y tế đạt chuẩn quốc gia. Sự nghiệp giáo dục- đào tạo có nhiều tiến bộ. Hệ thống y tế được quan tâm đầu tư, đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi có điều kiện tiếp cận các dịch vụ chăm sóc sức khỏe, người nghèo được hưởng chính sách bảo hiểm y tế và khám, chữa bệnh miễn phí theo quy định. Toàn huyện có 5/20 xã đạt chuẩn nông thôn mới.
 
Để thúc đẩy vùng đồng bào dân tộc và miền núi phát triển nhanh, bền vững, công tác nâng cao năng lực cộng đồng và cán bộ cơ sở, đào tạo cán bộ là đồng bào dân tộc thiểu số, bố trí công tác cho con em người đồng bào dân tộc thiểu số luôn được huyện Hướng Hóa đặc biệt quan tâm, xem công tác cán bộ là cái gốc của mọi công việc. Từ chỗ thiếu hụt nguồn nhân lực và trình độ chưa đạt chuẩn, đến nay về cơ bản cán bộ cấp xã là người dân tộc thiểu số được quan tâm đào tạo, bồi dưỡng về trình độ lí luận chính trị, chuyên môn nghiệp vụ, nên khi xây dựng đề án nhân sự nhiệm kì 2015- 2020, đội ngũ cán bộ của huyện đã cơ bản đạt chuẩn theo quy định. Cán bộ chủ chốt các xã, thị trấn là người dân tộc thiểu số trình độ học vấn được nâng lên rõ rệt. Trong số 353 cấp ủy viên cơ sở thì trình độ đại học, cao đẳng có 154 người, tăng 21 người so với nhiệm kì trước; chỉ có 13 cán bộ thôn, bản có trình độ học vấn THCS. Cán bộ người dân tộc thiểu số đã thể hiện tốt tinh thần trách nhiệm, năng lực công tác, góp phần cùng với cấp ủy, chính quyền các cấp thực hiện có hiệu quả nhiệm vụ phát triển kinh tế- xã hội và các chính sách dân tộc, công tác dân vận trên địa bàn. Bên cạnh đó, huyện Hướng Hóa cũng quan tâm thực hiện tốt chính sách đối với người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số, củng cố và phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, tuyên truyền và vận động đồng bào thực hiện hiệu quả công tác dân tộc và chính sách dân tộc, tạo sự đồng thuận và điều kiện để đồng bào phát huy nội lực, vươn lên xây dựng quê hương giàu đẹp.

Nguồn tin: Báo Quảng Trị:

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Con số ấn tượng
69/101
Là số xã đạt chuẩn Nông thôn mới
14,5
Là số tiêu chí đạt bình quân của tỉnh
01/7 huyện đạt chuẩn nông thôn mới
(huyện Cam Lộ -đạt chuẩn năm 2019)
9 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao
(Kim Thạch, Vĩnh Thủy, Vĩnh Giang, Cam Chính, Cam Nghĩa, Cam Thành, Cam Hiếu, Triệu Đại, Triệu Trạch)
Liên kế website
Thống kê lượt truy cập
  • Đang truy cập68
  • Hôm nay9,187
  • Tháng hiện tại132,223
  • Tổng lượt truy cập8,332,520
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây