Để nền nông nghiệp tiếp tục phát triển toàn diện, hiệu quả

Thứ hai - 07/09/2020 03:59
Có thể khẳng định đối với tỉnh Quảng Trị, hiện nay nông nghiệp, nông dân, nông thôn tiếp tục thể hiện là trụ cột của nền kinh tế. Vì vậy việc đẩy mạnh tái cơ cấu nông nghiệp gắn với thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới (NTM) sẽ trở thành động lực thúc đẩy sản xuất phát triển, giúp nông nghiệp của tỉnh có bước phát triển toàn diện theo hướng nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp sạch, gắn sản xuất với chế biến, thị trường.
Các sản phẩm nông sản tiêu biểu được quảng bá, giới thiệu trong ngày Cam Lộ nhận Bằng huyện đạt chuẩn nông thôn mới - Ảnh: PV​
Các sản phẩm nông sản tiêu biểu được quảng bá, giới thiệu trong ngày Cam Lộ nhận Bằng huyện đạt chuẩn nông thôn mới - Ảnh: PV​
 
Đến thời điểm này hầu hết các chỉ tiêu của Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVI trên lĩnh vực nông nghiệp đều đạt và vượt kế hoạch, như: Tốc độ tăng giá trị sản xuất nông nghiệp đạt 3,8%/năm; sản lượng lương thực có hạt đạt 27,5 vạn tấn (vượt 2,5 vạn tấn); diện tích rừng trồng mới hằng năm đạt 7.200 ha (vượt 2.000 ha); độ che phủ rừng ổn định 50,1%. Dự kiến đến cuối năm 2020 toàn tỉnh sẽ có 57 - 58 xã đạt chuẩn NTM, đạt tỉ lệ 56,4 - 57,4%, không còn huyện trắng xã đạt chuẩn NTM, không còn xã miền núi dưới 8 tiêu chí, xã đồng bằng dưới 16 tiêu chí.
 
Các sản phẩm nông nghiệp chủ lực, có lợi thế cạnh tranh của Quảng Trị đã dần hình thành được vùng sản xuất, gắn với doanh nghiệp, chế biến và thị trường tiêu thụ. Nông sản hữu cơ của tỉnh đã có mặt trên nhiều hệ thống các chuỗi siêu thị lớn trong cả nước. Tỉnh cũng đang dần xây dựng được giá trị thương hiệu nông sản hữu cơ trên bản đồ nông sản Việt Nam với nhiều sản phẩm như: Gạo hữu cơ Quảng Trị, cà gai leo, chè vằng, hồ tiêu hữu cơ, cà phê Khe Sanh… Đã có các sản phẩm xuất khẩu mang về ngoại tệ cho tỉnh như: Tôm thẻ chân trắng, tinh bột sắn, mủ cao su, gỗ dăm,… Quảng Trị cũng nằm trong nhóm các tỉnh dẫn đầu cả nước về trồng rừng nguyên liệu được cấp chứng chỉ FSC với diện tích hơn 23.400 ha. Thành quả đạt được từ lĩnh vực nông nghiệp tiếp tục khẳng định vai trò “bệ đỡ”, “xương sống” của nền kinh tế, nhất là trong bối cảnh COVID-19 gây ảnh hưởng nghiêm trọng trên phạm vi toàn cầu.
 
Tuy nhiên, so với tiềm năng và lợi thế hiện có thì giá trị sản xuất trên 1 ha đất nông nghiệp của tỉnh hiện đang ở mức trung bình. Tỉ trọng giá trị sản xuất ngành chăn nuôi trong nội ngành nông nghiệp chỉ đạt 31,68%, thấp hơn 3,32% so với chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVI đề ra; quy mô sản xuất nhỏ, manh mún; công nghiệp hóa trong nông nghiệp vẫn còn chậm; hợp tác xã kiểu mới còn chiếm tỉ lệ thấp (dưới 20%); việc liên kết giữa nông dân, hợp tác xã, doanh nghiệp chưa bài bản, tính liên kết vùng trong sản xuất còn thiếu và yếu.
 
Xuất phát từ những tồn tại, hạn chế nêu trên, câu hỏi đặt ra trong thời gian tới là làm gì để nền nông nghiệp của tỉnh phát triển hiệu quả, bền vững, theo hướng hàng hóa gắn với thị trường tiêu thụ, phấn đấu giá trị gia tăng toàn ngành bình quân đạt 2,5 - 3%, nâng cao giá trị trên một đơn vị diện tích canh tác lên 1,2 - 1,5 lần so với hiện nay. Từ thực tế phát triển trong những năm qua, Quảng Trị xác định tiếp tục khai thác tiềm năng lợi thế, dư địa từng vùng miền, từng lĩnh vực, ngành hàng sản xuất, kịp thời nắm bắt thời cơ, vượt qua thách thức, đẩy mạnh tái cơ cấu ngành nông nghiệp gắn với xây dựng NTM.
 
Để đạt được mục tiêu nêu trên, tỉnh đang tập trung xây dựng chiến lược, quy hoạch, kế hoạch, các đề án phát triển cho từng lĩnh vực mang tính ổn định, hiệu quả. Trong đó, ưu tiên chính sách hỗ trợ theo 2 trục sản phẩm chính là sản phẩm chủ lực cấp tỉnh và sản phẩm đặc sản địa phương. Tập trung khuyến khích phát triển các hình thức liên doanh, liên kết từ sản xuất đến phân phối, chế biến và tiêu thụ sản phẩm. Đẩy mạnh quá trình tập trung, tích tụ ruộng đất; nâng cao chất lượng công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn phù hợp với nhu cầu của doanh nghiệp và định hướng phát triển của thị trường. Ưu tiên nghiên cứu khoa học công nghệ tập trung chủ yếu ở 2 khâu, đó là cải thiện chất lượng đầu vào bằng cách ứng dụng công nghệ sinh học nhằm đổi mới khâu giống và nâng cao chất lượng đầu ra bằng việc ứng dụng công nghệ chế biến, bảo quản sản phẩm sau thu hoạch. Tập trung nguồn lực để hỗ trợ các sản phẩm chủ lực của tỉnh đó là: Gạo, trái cây, dược liệu, hồ tiêu hữu cơ, tôm và sản phẩm từ gỗ rừng trồng. Quan tâm mở rộng thị trường cho nông sản Quảng Trị, trong đó hướng đến các thị trường cao cấp như: Châu Âu, Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc; đẩy mạnh công tác xúc tiến thương mại và xây dựng thương hiệu cho các nông sản có lợi thế cạnh tranh trên thị trường. Nâng cao chất lượng, năng lực quản trị của HTX nông nghiệp; hình thành và phát triển các liên hiệp HTX kiểu mới nhằm hình thành các vùng sản xuất liên vùng, tạo ra sản phẩm có chất lượng đồng đều, sản lượng lớn đáp ứng nhu cầu của thị trường. Đẩy mạnh tuyên truyền về những cách làm tốt, sáng kiến hay nhằm tạo sự đồng thuận, quyết tâm của cả hệ thống chính trị và người dân thực hiện thắng lợi mục tiêu tái cơ cấu ngành nông nghiệp gắn với xây dựng NTM, góp phần làm cho bộ mặt nông thôn Quảng Trị ngày càng văn minh, giàu đẹp, người dân càng ngày càng ấm no, hạnh phúc.
 
 

Nguồn tin: Báo Quảng Trị

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Con số ấn tượng
69/101
Là số xã đạt chuẩn Nông thôn mới
14,5
Là số tiêu chí đạt bình quân của tỉnh
01/7 huyện đạt chuẩn nông thôn mới
(huyện Cam Lộ -đạt chuẩn năm 2019)
9 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao
(Kim Thạch, Vĩnh Thủy, Vĩnh Giang, Cam Chính, Cam Nghĩa, Cam Thành, Cam Hiếu, Triệu Đại, Triệu Trạch)
Liên kế website
Thống kê lượt truy cập
  • Đang truy cập86
  • Hôm nay10,354
  • Tháng hiện tại80,352
  • Tổng lượt truy cập8,173,888
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây