Đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ trong sản xuất nông nghiệp

Thứ ba - 19/04/2022 23:47
Xác định khoa học công nghệ (KHCN) là khâu đột phá góp phần chuyển đổi sản xuất theo hướng năng suất, chất lượng, hiệu quả, thời gian qua, Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật (TT&BVTV) đã đẩy mạnh việc nghiên cứu, áp dụng, chuyển giao các tiến bộ KHCN trong sản xuất nông nghiệp, góp phần giúp tăng thu nhập, nâng cao hiệu quả kinh tế và cải thiện đời sống của người dân.
Mô hình trồng rau thủy canh trong nhà màng - Ảnh: L.A  
Mô hình trồng rau thủy canh trong nhà màng - Ảnh: L.A  
 
Trong những năm qua, hoạt động nghiên cứu và phát triển công nghệ trong sản xuất nông nghiệp đã có những bước tiến quan trọng, nhiều tiến bộ kỹ thuật mới đã được chuyển giao trên diện rộng, góp phần nâng cao năng suất, chất lượng, tăng hiệu quả kinh tế, giảm ô nhiễm môi trường... Cụ thể, đã bổ sung nhiều giống cây trồng mới ngắn ngày, có năng suất, chất lượng cao vào sản xuất như các giống lúa Thiên Ưu 8, RVT, ST24, TBR279, HN6, Đài Thơm 8, VNR20, DCG6; giống ngô HN88, HN68, MX10, CP888, CP333; giống sắn mới KM140, SM937-26, HN3, HN5… đã được khảo nghiệm và cơ cấu bổ sung vào bộ giống chủ lực của tỉnh. Tỉ lệ sử dụng giống đảm bảo phẩm cấp, giống xác nhận đạt trên 90%. Nhiều giống cây trồng được nhập nội và khẳng định có hiệu quả với thổ nhưỡng địa phương như giống chanh leo Đài Nông 1, giống cam Vân Du, cam Valencia, quýt PQ1, bưởi da xanh, bưởi Diễn, bưởi Tiến Vua, ổi Đài Loan, ổi không hạt, bơ 034, sầu riêng…
 
Nhiều giải pháp kỹ thuật tiến bộ được áp dụng vào sản xuất có hiệu quả như thâm canh lạc cải tiến mật độ dày 45 cây/m2 có che phủ nilon và hệ thống tưới phun mưa áp lực thấp; “3 giảm 3 tăng”, “1 phải 5 giảm” trên lúa; IPM trên lúa, cây trồng cạn và cây công nghiệp dài ngày; ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao như tưới nhỏ giọt, thủy canh, nhà kính, nhà lưới, thử nghiệm bón phân, thuốc BVTV bằng thiết bị không người lái (drone)... vào trong sản xuất. Ngoài ra, với sự đầu tư hỗ trợ của Dự án Cải thiện nông nghiệp có tưới, tỉnh Quảng Trị đã xây dựng thành công các mô hình nông nghiệp thông minh thích ứng với biến đổi khí hậu trên các loại cây trồng cạn như lúa, ngô, lạc, dưa hấu với tổng diện tích đã thực hiện từ năm 2016 - 2020 là hơn 5.500 ha…
 
Diện tích ứng dụng KHCN mới vào sản xuất ngày càng tăng, nhiều mô hình ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp thông minh gắn với liên kết tiêu thụ sản phẩm trong sản xuất như mô hình trồng rau bằng hệ thống thủy canh hồi lưu, trồng dưa lưới sử dụng hệ thống tưới nhỏ giọt Israel trong nhà màng; mô hình trồng dưa lưới theo công nghệ Nhật Bản, áp dụng công nghệ nhà màng, hệ thống tưới nhỏ giọt kết hợp bón phân tại vùng cát và vùng đồi của tỉnh; mô hình hệ thống nhà lưới, nhà màng để trồng rau thủy canh, dưa hấu, dưa lưới áp dụng hệ thống tưới nhỏ giọt và tưới phun mưa tự động, dung dịch dinh dưỡng và nước tưới được cung cấp đồng thời qua hệ thống tưới nhỏ giọt; áp dụng công nghệ tưới tiết kiệm cho hàng trăm héc ta cây trồng như hồ tiêu, cà phê, rau màu các loại, giúp tăng năng suất, chất lượng; áp dụng công nghệ cao và nông nghiệp hữu cơ trong sản xuất chanh leo xuất khẩu… Đến nay, toàn tỉnh đã có hơn 30 nhà kính, nhà lưới sản xuất rau củ quả an toàn ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất; hơn 500 ha cây trồng sử dụng hệ thống tưới tiết kiệm; gần 325,72 ha nông sản được chứng nhận tiêu chuẩn. Trong đó, có 143,42 ha nông sản được chứng nhận tiêu chuẩn hữu cơ gồm có 23,67 ha hồ tiêu, 46,08 ha lúa, 5,3 ha bưởi, cam đạt tiêu chuẩn hữu cơ Việt Nam và 68,37 ha hồ tiêu đạt tiêu chuẩn hữu cơ quốc tế; có 17,5 ha chứng nhận chuyển đổi hữu cơ gồm 7,5 ha tiêu, 5 ha ổi và 5 ha cam; 39,9 ha chứng nhận VietGap và 157,02 ha chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm.
 
Tỉ lệ cơ giới hóa tăng liên tục qua các năm. Đến nay cơ giới hóa khâu làm đất đạt trên 90%; diện tích thu hoạch bằng máy đạt trên 80%; diện tích sử dụng công cụ sạ hàng tăng lên 50%; diện tích sử dụng máy gặt đập liên hợp đạt trên 70%. Hơn 70% diện tích trồng rau màu được làm đất bằng máy. Gần 1.000 ha lúa ứng dụng drone phun thuốc BVTV, góp phần giảm chi phí sản xuất, nâng cao hiệu quả phòng trừ sâu bệnh, tăng thu nhập cho người dân.
 
Chi cục trưởng Chi cục TT&BVTV Bùi Phước Trang cho biết, việc ứng dụng các tiến bộ KHCN trong quá trình sản xuất đã giúp nâng cao năng suất các loại nông sản chủ lực của tỉnh so với trước đây. Cụ thể, đối với lúa, năm 2012 đạt 49,1 tạ/ha thì đến năm 2021 đạt 55,66 tạ/ha; ngô năm 2012 đạt 25,9 tạ/ha đến năm 2021 đạt 34,45 tạ/ha; cây lạc năm 2012 đạt 18,2 tạ/ ha đến năm 2021 đạt 23,57 tạ/ha… Sản lượng lương thực năm 2012 đạt 25,03 vạn tấn thì đến năm 2021 đã đạt 29,4 vạn tấn. Nhiều nông sản chủ lực trên địa bàn tỉnh đã được cấp chứng nhận, nhãn hiệu như chỉ dẫn địa lý cho hồ tiêu Quảng Trị; nhãn hiệu tập thể cam K4 Hải Phú, cà phê Khe Sanh, gạo hữu cơ Quảng Trị, gạo canh tác tự nhiên Triệu Phong, gạo sạch Hải Lăng, ném Vĩnh Linh, ném Hải Lăng, khoai môn Vĩnh Linh, chuối Hướng Hóa, rau Đông Hà, dưa hấu Gio Linh.
 
Đã có 87 sản phẩm đạt chứng nhận sản phẩm OCOP, trong đó có 16 sản phẩm 4 sao, 71 sản phẩm 3 sao. Nhiều nông sản được xây dựng thương hiệu và có chỗ đứng trên thị trường như gạo hữu cơ Quảng Trị hiện đã có mặt trên thị trường 30 tỉnh, thành phố trong cả nước, được phân phối trong chuỗi siêu thị lớn 7 eleven, US Mart, Queenland; gạo canh tác tự nhiên Triệu Phong được chứng nhận sản phẩm hữu cơ Việt Nam; hồ tiêu của Gio Linh, Vĩnh Linh được chứng nhận hồ tiêu hữu cơ quốc tế; cà gai leo An Xuân, chè vằng hòa tan, cao dược liệu Định Sơn, cà phê Khe Sanh đã thâm nhập vào thị trường Đức, Nhật Bản, Hà Lan...; hồ tiêu Cùa, hồ tiêu Vĩnh Linh thâm nhập vào thị trường Mỹ, Pháp; sản phẩm cao An Xoa xuất khẩu sang thị trường Mỹ… Qua đó từng bước định hình một nền sản xuất hàng hóa, quy mô lớn, đảm bảo an toàn thực phẩm.
 
Theo ông Bùi Phước Trang, trong thời gian tới, Chi cục TT&BTV sẽ tiếp tục duy trì, nhân rộng và chuyển giao các kết quả KHCN đã đạt được trong thời gian qua như lúa hữu cơ, tiêu hữu cơ, cà phê hữu cơ sinh thái, các mô hình nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao… Tăng cường ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp công nghệ 4.0 tập trung vào một số vùng, lĩnh vực, một số cây trồng, vật nuôi tiềm năng, thế mạnh của tỉnh; tập trung vào một số khâu quan trọng, nhằm tạo đột phá mạnh mẽ trong phát triển sản phẩm nông nghiệp theo hướng chất lượng, an toàn. Phấn đấu đến năm 2030, hình thành ít nhất 6 vùng sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao và nông nghiệp hữu cơ; trong đó gồm 2 vùng lúa, 2 vùng hồ tiêu, 1 vùng cà phê và 1 vùng cây ăn quả, dược liệu.
 
“Để đạt được các mục tiêu trên, đề nghị tỉnh ưu tiên nguồn lực KHCN để tập trung giải quyết một số tồn tại, hạn chế; tập trung phát triển một số cây trồng chủ lực như lúa, hồ tiêu, cà phê, cây ăn quả, cây dược liệu… Đẩy mạnh ứng dụng các thành tựu như internet kết nối vạn vật (IoT), drone để chăm sóc cây trồng; ứng dụng hệ thống nhà kính, nhà lưới trong sản xuất cây ăn quả; ứng dụng phần mềm quản lý cây trồng, xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu của lĩnh vực, trí tuệ nhân tạo (AI)…; ứng dụng các tiến bộ KHCN, đặc biệt là công nghệ sinh học trong nhân giống cây trồng vào sản xuất nông nghiệp để nâng cao năng suất, chất lượng, giảm sâu bệnh,… nâng cao giá trị của sản xuất nông nghiệp”, ông Trang đề xuất.

Nguồn tin: Báo Quảng Trị

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Con số ấn tượng
69/101
Là số xã đạt chuẩn Nông thôn mới
14,5
Là số tiêu chí đạt bình quân của tỉnh
01/7 huyện đạt chuẩn nông thôn mới
(huyện Cam Lộ -đạt chuẩn năm 2019)
9 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao
(Kim Thạch, Vĩnh Thủy, Vĩnh Giang, Cam Chính, Cam Nghĩa, Cam Thành, Cam Hiếu, Triệu Đại, Triệu Trạch)
Liên kế website
Thống kê lượt truy cập
  • Đang truy cập125
  • Hôm nay23,834
  • Tháng hiện tại97,813
  • Tổng lượt truy cập8,191,349
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây