Chương trình OCOP: Thúc đẩy chủ thể sản xuất sáng tạo liên tục

Thứ năm - 07/01/2021 20:58
Số lượng sản phẩm tham gia đánh giá Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP) tăng gần gấp đôi so với năm 2019, có nhiều sản phẩm được chứng nhận quản lý chất lượng tiên tiến, hình thức, mẫu mã sản phẩm dự thi đã được quan tâm cải tiến theo hướng bắt mắt, hiện đại… Đây chính là những điểm nổi bật của Chương trình OCOP năm 2020. Qua hai kỳ đánh giá, phân hạng sản phẩm, có thể nhận thấy chương trình đã góp phần quan trọng làm thay đổi tư duy sản xuất của người dân, nâng cao giá trị sản phẩm, từng bước đưa nông sản Quảng Trị vươn ra trên thị trường.
Chương trình OCOP: Thúc đẩy chủ thể sản xuất sáng tạo liên tục
 

Với việc đóng gói sản phẩm bằng hộp cứng, thiết kế vỏ hộp màu đỏ bắt mắt, sang trọng, hình ảnh sản phẩm đẹp, hạt tiêu đỏ hữu cơ của Hợp tác xã sản xuất kinh doanh hồ tiêu Vĩnh Linh- một trong những sản phẩm được chứng nhận sản phẩm OCOP 4 sao năm 2020 được lựa chọn để định hướng phát triển thành sản phẩm 5 sao trong thời gian tới. Sản phẩm được đầu tư khá bài bản trong các khâu sản xuất, có đầy đủ thông tin về truy xuất nguồn gốc, bảo hộ nhãn hiệu tập thể, chỉ dẫn địa lý, hệ thống nhận diện đầy đủ, có chứng nhận vùng sản xuất hữu cơ, thể hiện sự chuyên nghiệp khi xây dựng để tham gia dự thi Chương trình OCOP. Có thể thấy, riêng việc chăm chút hình thức cho sản phẩm, có phụ kiện đi kèm là lọ xay tiêu thuận tiện cho người sử dụng đã là điểm cộng để nâng giá trị sản phẩm lên gấp nhiều lần. Không riêng đối với sản phẩm hạt tiêu đỏ hữu cơ, ấn tượng đối với các sản phẩm dự thi OCOP năm 2020 là hầu hết các chủ thể sản xuất đã chú trọng đầu tư cải tiến hình thức, mẫu mã, bao bì sản phẩm đẹp mắt, chỉnh chu, sang trọng hơn.

Khi đánh giá từng tiêu chí xếp hạng của các sản phẩm OCOP, một yếu tố được hội đồng đánh giá, phân hạng OCOP cấp tỉnh quan tâm gợi mở cho các chủ thể sản xuất là không nên xem nhẹ việc viết “câu chuyện sản phẩm”. Nội dung này có thể vẫn chưa được chủ thể sản xuất quan tâm nhiều, nhưng là một yếu tố khá quan trọng góp phần thu hút người tiêu dùng quan tâm tới sản phẩm. Bởi mỗi sản phẩm đưa ra thị trường đều hàm chứa trong đó câu chuyện của quá trình sản xuất, lịch sử văn hóa đậm đà dấu ấn địa phương. Đó cũng có thể là câu chuyện về việc tại sao sản vật chỉ ở vùng đất đó mới có sự khác biệt, hoặc cách thức, nguyên liệu, quy trình sản xuất của vùng miền này không giống những nơi khác… Việc chuyển tải thông tin về quy trình sản xuất, nguyên liệu, lịch sử hình thành trên mỗi sản phẩm đặc trưng được chọn của địa phương chính là cách tạo dựng niềm tin với khách hàng, thêm cơ hội thành công khi đưa sản phẩm ra thị trường trong nước và xuất khẩu.

Giá trị thu nhận được ý nghĩa nhất qua hai năm triển khai Chương trình OCOP tỉnh Quảng Trị là các chủ thể sản xuất, kinh doanh, các hợp tác xã, doanh nghiệp đã nhận thấy được những lợi ích khi tham gia thực hiện chương trình, tích cực phối hợp, luôn nỗ lực để phát triển các sản phẩm theo yêu cầu của bộ tiêu chí nhằm ngày càng hoàn thiện sản phẩm. Cũng có thể khẳng định, việc tham gia đánh giá sản phẩm theo Chương trình OCOP là cách để chủ thể sản xuất mạnh dạn đặt mình vào những phân tích, đánh giá cụ thể để được các chuyên gia, đơn vị tư vấn chỉ ra những hạn chế, thiếu sót, tiếp tục đúc rút kinh nghiệm để hoàn thiện sản phẩm. Đặc biệt, việc các địa phương lựa chọn kỹ các sản phẩm để tham gia Chương trình OCOP đã góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh, đáp ứng nhu cầu của thị trường. Chương trình OCOP khi đưa vào thực hiện đã khuyến khích chủ thể sản xuất làm ra sản phẩm đạt mức tiện lợi, hiệu quả nhất trong sử dụng.

Bên cạnh đó, thông qua các hoạt động xúc tiến thương mại, nhiều sản phẩm của chủ thể tham gia Chương trình OCOP đã tìm được nhà phân phối, đại lý trong và ngoài tỉnh. Đồng thời có thêm nhiều cơ hội để tìm hiểu về sản phẩm, điều kiện của nhà phân phối, của thị trường nhằm hoàn thiện và nâng cấp sản phẩm của đơn vị mình. Ngoài nỗ lực của chủ thể sản xuất khi tham gia Chương trình OCOP, tỉnh đã chủ động bố trí nguồn kinh phí để hỗ trợ các chủ thể đổi mới, nâng cấp công nghệ, máy móc, hỗ trợ công bố chất lượng, chứng nhận chất lượng, hỗ trợ thiết kế và in ấn bao bì, nhãn mác, hỗ trợ phát triển vùng nguyên liệu… để nâng cấp, hoàn thiện và phát triển sản phẩm. Cụ thể, đã có 17 sản phẩm được hỗ trợ đổi mới, nâng cấp công nghệ, máy móc; 14 sản phẩm được hỗ trợ công bố chất lượng, chứng nhận chất lượng; 13 sản phẩm được hỗ trợ thiết kế bao bì, nhãn mác, 35 sản phẩm được hỗ trợ in ấn bao bì, nhãn mác; 52 sản phẩm được xây dựng hệ thống truy xuất nguồn gốc; 2 sản phẩm được hỗ trợ đăng ký sở hữu trí tuệ; 2 sản phẩm được hỗ trợ xây dựng vùng nguyên liệu… Ngoài ra, việc được đánh giá và trao Giấy chứng nhận OCOP cấp tỉnh, được hỗ trợ để phát triển sản phẩm và kết nối mở rộng thị trường tiêu thụ cũng đã làm cho các tổ chức kinh tế có nhiều động lực phấn đấu hoàn thiện sản phẩm và tham gia chương trình ngày càng nhiều. Sau 2 kỳ đánh giá, đến nay, toàn tỉnh có 19 sản phẩm đạt chứng nhận OCOP cấp tỉnh năm 2019, đến cuối năm 2020 có 38 sản phẩm đề nghị công nhận 3 - 4 sao.

Bản chất của Chương trình OCOP là một quá trình sáng tạo không ngừng, luôn có sản phẩm mới và giá trị mới được tạo ra, theo tư duy ngày càng tốt hơn, chương trình chỉ có điểm khởi đầu mà không có điểm kết thúc. Có ba nguyên tắc quan trọng của Chương trình OCOP là: Hành động địa phương - hướng tới toàn cầu (nhận biết và khai thác các nguồn lực sẵn có ở địa phương và phát triển chúng thành các sản phẩm có khả năng tiếp cận thị trường toàn cầu bằng cách gia tăng giá trị cho chúng và theo tiêu chuẩn đáp ứng nhu cầu thị trường quốc tế); Tự lực - tự tin và sáng tạo (để có thể cạnh tranh trên thị trường toàn cầu, người dân cần liên tục phát triển giá trị độc đáo của riêng mình, bằng tinh thần sáng tạo của chính mình); Phát triển nguồn nhân lực (tạo ra nguồn nhân lực bền vững, có trình độ và có tính mạng lưới, thông qua OCOP, lãnh đạo cộng đồng, người đứng đầu các tổ chức kinh tế). Trong chương trình này, người dân là chủ thể chính thực hiện, còn chính quyền đóng vai trò hỗ trợ kỹ thuật, quảng bá, xúc tiến tiêu thụ sản phẩm, xây dựng cơ sở hạ tầng, trợ giúp tài chính và đào tạo nguồn nhân lực…

Việc triển khai Chương trình OCOP không thể nóng vội, mà phải bền bỉ và thực hiện liên tục theo chu trình. Để triển khai chương trình ngày càng thực chất, hiệu quả và đi vào chiều sâu, cần đẩy nhanh chuyển dịch cơ cấu sản xuất hàng hóa theo hướng tập trung chuyên môn hóa vào các ngành có lợi thế của từng địa phương và từng ngành để xây dựng chiến lược phát triển. Đồng thời, chính quyền địa phương nơi có sản phẩm OCOP nên có chính sách khuyến khích, hỗ trợ người dân trong việc gìn giữ và phát triển các sản phẩm mang tính truyền thống. Từ đó thúc đẩy sự sáng tạo liên tục và khát vọng của người dân - chủ thể của Chương trình OCOP. Đối với các sản phẩm đã được chứng nhận OCOP, các cơ quan quản lý nhà nước trên địa bàn làm tốt hơn nữa vai trò cầu nối, hỗ trợ, tạo sự liên kết chặt chẽ giữa doanh nghiệp và người dân trong việc khai thác, phát huy các giá trị của sản phẩm đã được bảo hộ.

 

 

 

Nguồn tin: Thanh Trúc, Báo Quảng Trị

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Con số ấn tượng
69/101
Là số xã đạt chuẩn Nông thôn mới
14,5
Là số tiêu chí đạt bình quân của tỉnh
01/7 huyện đạt chuẩn nông thôn mới
(huyện Cam Lộ -đạt chuẩn năm 2019)
9 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao
(Kim Thạch, Vĩnh Thủy, Vĩnh Giang, Cam Chính, Cam Nghĩa, Cam Thành, Cam Hiếu, Triệu Đại, Triệu Trạch)
Liên kế website
Thống kê lượt truy cập
  • Đang truy cập10
  • Hôm nay672
  • Tháng hiện tại116,261
  • Tổng lượt truy cập8,316,558
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây