Về vùng nông thôn mới Quảng Trị

Thứ hai - 26/01/2015 02:38
Theo báo cáo của UBND tỉnh Quảng Trị, trong 4 năm qua toàn tỉnh huy động hơn 11.266 tỷ đồng xây dựng nông thôn mới, trong đó nguồn vốn đầu tư trực tiếp của Trung ương 127,5 tỷ đồng, còn lại là vốn đầu tư xây dựng cơ bản từ ngân sách địa phương, vốn lồng ghép từ các chương trình dự án khác và vốn từ huy động sức dân. Chính nhờ vậy bộ mặt xóm làng, thôn bản ngày càng đổi thay, nhiều công trình phúc lợi được xây dựng phục vụ cho dân sinh và sản xuất.
Phát triển nghề làm nước mắm ở Mỹ Thủy
Phát triển nghề làm nước mắm ở Mỹ Thủy
         Đưa chúng tôi đi thăm những con đường bê tông rộng rãi, những mô hình kinh tế trang trại tổng hợp, ông Lê Ngọc Anh, Chủ tịch UBND xã Hải Thượng, huyện Hải Lăng phấn khởi nói rằng: Năm 2010 khi được tỉnh chọn là 1 trong 8 xã làm điểm triển khai chương trình xây dựng nông thôn mới, cấp ủy và chính quyền hết sức lo lắng. Thế nhưng với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị đặc biệt là sự đồng thuận của người dân, đến nay Hải Thượng đã đạt 18/19 tiêu chí.
 
         Có được điều đó chính là nhờ Đảng bộ xã Hải Thượng đã có sự phân công trách nhiệm rõ ràng, phát huy tối đa vai trò, trách nhiệm của từng Chi bộ, từng tổ chức đoàn thể cũng như các Hợp tác xã và tạo ra nhiều hoạt động cụ thể để người dân địa phương bàn bạc thực hiện. Đặc biệt đã xác định xây dựng nông thôn mới là hướng vào 5 nội dung cơ bản: làng xã văn minh, sạch đẹp, hạ tầng hiện đại, sản xuất bền vững, theo hướng hàng hóa, đời sống vật chất tinh thần của người dân ngày càng được nâng cao, bản sắc văn hóa dân tộc được giữ gìn, phát triển và xã hội nông thôn được quản lý tốt, dân chủ.
 
          Không chỉ ở Hải Thượng mà 117 xã ở tỉnh Quảng Trị khi thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới đều bám vào 5 nội dung trên để triển khai. Tùy theo đặc điểm từng nơi, mỗi xã có những cách làm sáng tạo, phù hợp. Xác định cái khó nhất chính là hoàn thiện hệ thống cơ sở hạ tầng, các xã đã tích cực tuyên truyền, vận động sức dân, không chỉ tham gia đóng góp tiền của, công sức mà quan trọng hơn là tự nguyện hiến đất, hiến cây, di dời mồ để mở rộng đường giao thông, đường ra nội đồng.
         Điều rất đáng quý ở Quảng Trị là trong 4 năm qua  điều này được đông đảo người dân hưởng ứng, riêng trong năm 2014 nười dân đã tự nguyện hiến hơn 50 nghìn m2 mà không nhận bất cứ 1 khoản đền bù nào. Ở vùng nông thôn mảnh vườn, thước đất, hàng rào cây xanh là thứ tài sản gắn bó với mỗi gia đình nên ai cũng yêu quý, thê nhưng để bộ mặt nông thôn mới khang trang, sạch đẹp hơn, nhiều hộ đã tự nguyện hiến để góp cùng bà con thôn xóm xây dựng các công trình phúc lợi. Điển hình như ông Phạm Như Cẩn ở xã Hải Tân, huyện Hải Lăng tự nguyện đập bỏ bức tường rào bê-tông dài gần 40 m mới xây để mở rộng đường giao thông, anh Hồ Văn Loi ở xã A Dơi, huyện Hướng Hóa hiến 3 ngàn m2 đất xây dựng Trường mầm non mặc dù đời sống gia đình đang còn khó khăn, tài sản vỏn vẹn chỉ có căn nhà sàn đơn sơ, bên trong không có vật dụng gì đắt tiền. Ở xã Hướng Linh,  huyện Hướng Hóa ai cũng tấm tắc khen ngợi vợ chồng anh Hồ Văn Khai tự nguyện hiến 15 ngàn m2 đất để xây dựng nhà văn hóa cộng đồng.
           Cùng với việc hoàn thiện hệ thống cơ sở hạ tầng, tỉnh Quảng Trị chỉ đạo lấy phát triển kinh tế làm khâu đột phá, làm nền tảng cho thực hiện các tiêu chí khác trong xây dựng nông thôn mới. Các xã đã tập trung khai thác tiềm năng, thế mạnh của địa phương mình, tạo điều kiện cho người dân thực hiện chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, mở mang ngành nghề, dịch vụ, xây dựng các mô hình kinh tế mang lại giá trị cao. Hiện nay ở vùng gò đồi, miền núi, người dân tích cực tham canah và mở rộng diện tích cây công nghiệp dài ngày như cao su, cà phê, hồ tiêu, chăn nuôi đại gia súc. Ở vùng đồng bằng, cùng với việc hoàn thành công tác dồn điền đổi thửa, các xã triển khai quy hoạch lại đồng ruộng, tạo điều kiện cho người dân ứng dụng các tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất, thực hiện cơ giới hóa, xây dựng các vùng lúa chất lượng cao, nhân rộng mô hình lúa-cá, sen-cá, lợn-lúa-cá. Ở vùng ven biển, ngoài việc cải tạo đất đai, chọn lựa các loại cây trồng phù hợp đưa vào sản xuất theo phương thức luân canh, xen canh, gối vụ, các xã đã tạo tuyên truyền, vận động và tạo điều kiện cho người dân nuôi trồng thủy sản, đặc biệt vay vốn, cải hoán, mua sắm tàu thuyền có công suất cao, nâng cao năng lực khai thác hải sản và tham gia bảo vệ chủ quyền lãnh hải của Tổ Quốc.
 
         Một trong những việc làm mang lại kết quả cao ở tỉnh Quảng Trị trong xây dựng nông thôn mới đó là người dân đã tự giác chỉnh trang nhà cửa, vườn tược, đầu tư kinh phí xây dựng công trình nước sinh hoạt, nhà vệ sinh, thường xuyên ra quân làm vệ sinh sạch đẹp đường thôn ngõ xóm. Đặc biệt phong trào toàn dân tham gia bảo vệ môi trường phát triển mạnh, thôn bản nào cũng có tổ thu gom rác thải, trên đồng ruộng bây giờ không còn bao bì, vỏ chai thuốc bảo vệ thực vật vứt bừa bãi như trước nữa, xác súc vật chất, rác thải cũng không còn trôi nổi trên các dòng sông, kênh mương.
 
           Với sự nỗ lực của các cấp ủy Đảng, chính quyền và của người dân trong xây dựng nông thôn mới, đến cuối năm 2014 tỉnh Quảng Trị có 6 xã đạt từ 15 đến 19 tiêu chí, 7 xã đạt từ 13 đến 14 tiêu chí và 36 xã đạt từ 10 đến 12 tiêu chí. Đến thăm xã Vĩnh Kim, huyện Vĩnh Linh, 1 trong 3 xã của tỉnh Quảng Trị hoàn thành 19 tiêu chí mới thấy hết vai trò chủ thể của người dân trong xây dựng nông thôn mới bằng nội lực và nhiều cách làm sáng tạo. Ông Ông Nguyễn Xuân Tú, Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy xã Vĩnh Kim cho hay: Chúng tôi chọn lựa những khâu dễ làm trước, khó làm sau, ưu tiên phát triển nông nghiệp, thực hiện dồn điền đổi thửa, quy hoạch đất đai, xóa tình trạng canh tác manh mún, tạo ra diện tích quy mô lớn để chuyển dịch cơ cấu cây trồng, con nuôi, áp dụng khoa học kỹ thuật tiên tiến vào sản xuất, chăn nuôi. Bên cạnh đó chú trọng công tác đào tạo nghề, hỗ trợ và khuyến khích người dân mở mang ngành nghề, dịch vụ canh tác. Hiện nay toàn xã có 60% cánh đồng cho thu nhập từ 50 đến 100 triệu đồng/ha, hàng trăm ha hồ tiêu, gần 420 ha cây cao su cùng nhiều mô hình kinh tế chăn nuôi, trồng trọt, đạt giá trị hàng chục tỷ đồng mỗi năm, thu nhập bình quân đầu người đạt hơn 26 triệu đồng/năm. Trong tổng số hơn 700 gia đình của xã, có một phần ba là hộ khá, giàu, số hộ nghèo là 4,6% đang được các chi bộ, đảng viên tích cực giúp đỡ, bằng những việc làm thiết thực, hiệu quả.
 
        Có thể nói với 1 tỉnh nghèo như Quảng Trị đạt được những kết quả nói trên chính là nhờ biết tranh thủ sự hỗ trợ của Trung ương, huy động các nguồn lực, đặc biệt là đã tạo được sự đồng thuận trong dân.
 
         Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Quân Chính, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị cho biết: Trong những năm tới, điều quan trọng nhất vẫn là tiếp tục tuyên truyền, vận động để mọi người dân nâng cao nhận thức, khắc phục tính trông chờ ỷ lại, xác định rõ trách nhiệm của mình đối với gia đình và cộng đồng. Bên cạnh đó tỉnh sẽ chỉ đạo cơ cấu lại sản xuất, tập trung chuyên canh, thâm canh, nâng giá trị sản phẩm nông nghiệp, tạo điều kiện cho người dân được tiếp cận các nguồn tín dụng để phát triển kinh tế, chú trọng hơn nữa công tác dạy nghề cũng như chuyển giao các tiến bộ kỹ thuật. Đồng thời lồng ghép các chương trình dự án vì đây là một chương trình xã hội hóa, đồng thời có cơ chế chính sách khuyến khích, thu hút doanh nghiệp, HTX đầu tư sản xuất, kinh doanh trên lĩnh vực sản xuất nông nghiệp, ưu tiên chế biến nông, lâm, thủy sản và dịch vụ nông thôn.

Nguồn tin: www.quangtritv.vn

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Con số ấn tượng
69/101
Là số xã đạt chuẩn Nông thôn mới
14,5
Là số tiêu chí đạt bình quân của tỉnh
01/7 huyện đạt chuẩn nông thôn mới
(huyện Cam Lộ -đạt chuẩn năm 2019)
9 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao
(Kim Thạch, Vĩnh Thủy, Vĩnh Giang, Cam Chính, Cam Nghĩa, Cam Thành, Cam Hiếu, Triệu Đại, Triệu Trạch)
Liên kế website
Thống kê lượt truy cập
  • Đang truy cập90
  • Hôm nay8,682
  • Tháng hiện tại72,675
  • Tổng lượt truy cập8,272,972
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây