Vai trò người dân luôn được phát huy

Thứ hai - 06/01/2014 13:53
Sau 3 năm (2010 - 2013) thực hiện Chương trình MTQG xây dựng NTM, tỉnh Quảng Trị đạt được nhiều kết quả tích cực. Báo NNVN có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Đức Cường (ảnh), Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị, Trưởng BCĐ xây dựng NTM tỉnh Quảng Trị.
Vai trò người dân luôn được phát huy

           Xin ông cho biết vấn đề tuyên truyền để người dân và các cấp, ngành hiểu rõ những chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước trong quá trình thực hiện Chương trình MTQG xây dựng NTM 3 năm qua được Quảng Trị thể hiện như thế nào?

           Hội nghị lần thứ 7 BCH Trung ương Đảng (khóa X) đã ban hành Nghị quyết 26-NQ/TW ngày 5/8/2008 về nông nghiệp, nông dân, nông thôn. Để triển khai thực hiện có hiệu quả Nghị quyết 26, BCH Đảng bộ tỉnh Quảng Trị đã xây dựng và ban hành Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết 72-CTHĐ/TU ngày 31/8/2008 về nông nghiệp, nông dân, nông thôn trên địa bàn tỉnh. Cùng với thực hiện Nghị quyết Trung ương 7 và Chương trình hành động số 72 của Tỉnh ủy, Chương trình MTQG xây dựng NTM và Cuộc vận động cả nước chung tay xây dựng NTM đã được tỉnh Quảng Trị tập trung chỉ đạo thực hiện kịp thời.

            Các Sở, ngành, cấp ủy Đảng, chính quyền các cấp, các tổ chức chính trị, xã hội từ tỉnh đến huyện, thị, xã đã có chương trình hành động cụ thể, triển khai thực hiện cuộc vận động xây dựng NTM trên địa bàn Quảng Trị và đã tổ chức tuyên truyền, học tập sâu rộng đến tận các đảng bộ, chi bộ cơ sở và các tầng lớp nhân dân trên toàn tỉnh.

          Có thể khẳng định rằng, xây dựng NTM là một chương trình tổng hợp có nội dung toàn diện, bao gồm kinh tế, xã hội, chính trị, an ninh quốc phòng, có ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống vật chất, tinh thần của hơn 70% dân số đang sống ở vùng nông thôn Quảng Trị.

          Chúng tôi luôn xác định các hoạt động truyền thông có vai trò hết sức quan trọng, nhằm đúc rút kinh nghiệm và bài học từ kết quả thực hiện chương trình để phục vụ công tác hoạch định chính sách ngày càng hoàn thiện với những cách làm sáng tạo, phù hợp với thực tế của từng địa phương.

           Kinh nghiệm triển khai ở cấp cơ sở cho thấy nếu công tác tuyên truyền, giải thích ở cấp địa phương không được tiến hành tốt, sẽ không làm cho người dân hiểu hết ý nghĩa, không khuyến khích họ chủ động tham gia một cách đầy đủ cuộc vận động. Vì vậy, phải chú trọng tuyên truyền để tạo ra phong trào thi đua sôi nổi trong xã hội, và giúp cho người dân, cộng đồng chủ động và sáng tạo hơn trong việc đóng góp xây dựng cũng như hưởng lợi từ Chương trình xây dựng NTM.

         Trong 3 năm qua, các cơ quan truyền thông, báo chí của tỉnh và Trung ương đóng trên địa bàn mở các chuyên trang, chuyên mục tuyên truyền về NTM. Có hàng trăm tin, bài, ảnh, phóng sự đăng tải, phát sóng trên các phương tiện thông tin đại chúng về những chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, những mô hình làm ăn sáng tạo trong cuộc vận động xây dựng NTM trên địa bàn. Website nông thôn mới tỉnh Quảng Trị chuyển tải kịp thời các chủ trương, chính sách, văn bản hướng dẫn, các mô hình hay, kinh nghiệm tốt về xây dựng NTM tới các địa phương, đơn vị và cộng đồng dân cư.

Sau 3 năm xây dựng NTM, Quảng Trị đạt được những kết quả cụ thể như thế nào, thưa ông?

           Trước hết, về công tác đào tạo, tập huấn, UBND tỉnh, BCĐ tỉnh đã chỉ đạo và giao cho các Sở, ngành xây dựng kế hoạch tổ chức tập huấn cho đội ngũ cán bộ theo dõi Chương trình MTQG xây dựng NTM từ tỉnh đến thôn, bản với các nội dung gồm chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, những nguyên tắc, phương pháp thực hiện của chương trình, công tác lập quy hoạch NTM mới cấp xã, kỹ năng lập kế hoạch có sự tham gia, phương pháp lập đề án xây dựng NTM, phương pháp tuyên truyền và hướng dẫn cơ chế tài chính trong quá trình xây dựng NTM cấp xã...

            Về quy hoạch xây dựng NTM. Tất cả các huyện, thị đã hoàn thành công tác lập quy hoạch xây dựng NTM; 100% xã đã có quyết định phê duyệt quy hoạch. Chất lượng các đồ án quy hoạch xã NTM khá cao, thể hiện rõ định hướng không gian NTM của xã gắn với quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Hiện nay, UBND các xã đang tổ chức công khai thực hiện quy hoạch. Đến 30/11/2013, có 86 xã đã hoàn thành đề án và được UBND huyện phê duyệt, còn 31 xã chưa hoàn thành.
 

 

                                                     (Nông nghiệp luôn là bệ phóng giúp Quảng Trị xây dựng NTM)
 


           Về công tác chỉ đạo rà soát 30 xã điểm. Sở NN-PTNT đã chỉ đạo rà soát thực trạng NTM của 30 xã, khái toán kinh phí đầu tư thực hiện 19 tiêu chí theo lộ trình thực hiện của xã. Đến nay, đã hoàn thành công tác tổng hợp kết quả rà soát. Cụ thể tổng nhu cầu kinh phí đầu tư cho 30 xã điểm để đạt chuẩn vào năm 2015 hơn 3.000 tỷ đồng.

            Trong quá trình thực hiện Chương trình MTQG xây dựng NTM, vai trò chủ thể của người dân, cộng đồng dân cư luôn được phát huy, thể hiện ở sự đồng tình hưởng ứng cao của người dân trong các hoạt động xây dựng NTM.

           Bà con chủ động hiến đất, hiến tài sản, tự nguyện giải phóng mặt bằng, đóng góp công sức xây dựng đường GTNT và các công trình phúc lợi xã hội khác. Bây giờ, tâm nguyện của nông dân không chỉ muốn thoát nghèo mà cần có cơ hội để được làm giàu chính đáng, hết cực nhọc, có cuộc sống nhàn hạ, không chỉ hưởng thụ về vật chất mà cả đời sống văn hoá mới để phát triển toàn diện. Nên cả hệ thống chính trị phải giúp dân thực hiện mục tiêu này.

           Kết quả lớn nhất sau 3 năm chung sức xây dựng NTM là đời sống vật chất, tinh thần của nông dân có nhiều thay đổi đáng mừng. Thu nhập trung bình năm 2013 đạt đến 27 triệu đồng/người. Tổng nguồn lực huy động đầu tư cho xây dựng NTM đạt gần 8.500 tỷ đồng. Về xã hội, giáo dục luôn luôn được coi trọng, mạng lưới trường, lớp ở vùng nông thôn, trạm y tế, tỷ lệ dân số được dùng nước sạch được tăng lên rõ rệt.

          Hơn 17 ngàn lao động nông thôn được đào tạo nghề. Nguồn ngân sách của chương trình và đóng góp của nhân dân đã xây dựng được 50 mô hình phát triển SX và ngành nghề có chất lượng cao, qua đó không ngừng tạo việc làm, nâng cao thu nhập cho nông dân....

           Phấn đấu đến năm 2015, Quảng Trị có 20% số xã đạt chuẩn xã NTM. Ngoài những cách làm hay trong thời gian qua, tôi mong muốn thời gian tới có nhiều xã của Quảng Trị đạt chuẩn NTM, xã nào đã đạt thì phải bền vững.

           Tập trung hỗ trợ hơn nữa các nguồn lực để tổ chức SX tốt, phát triển SX hàng hoá gắn với quy hoạch SXNN, đẩy mạnh liên kết SX, hình thành những cánh đồng lớn, năng suất cao, giúp bà con nông dân giải quyết tốt đầu vào và đầu ra sản phẩm. Phát triển nông nghiệp theo hướng chiều sâu, bền vững gắn liền nông thôn và nông dân, không ngừng cải thiện đời sống vật chất, tinh thần cho người dân. Sớm tổng kết mô hình sáng tạo, hiệu quả trong xây dựng NTM làm hạt nhân nhân rộng cho các xã còn lại.

Vậy đâu là những khó khăn mà Quảng Trị đang gặp phải, thưa ông?

             Bên những kết quả đạt được của cuộc vận động xây dựng NTM ở Quảng Trị thì vẫn còn tồn tại nhiều khó khăn. Mặc dù Quảng Trị có nhiều cố gắng phát huy nội, ngoại lực nhưng nguồn vốn đầu tư cho chương trình rất hạn chế. Đây là thách thức cho Quảng Trị. Trong lúc đó cơ chế huy động nguồn lực ngoài ngân sách phục vụ đầu tư NTM chưa phát huy hiệu quả tối đa. Ngân sách của tỉnh hạn hẹp nên việc phân bổ nguồn vốn để xây dựng NTM rất khó khăn. Vì vậy, trong những năm qua, mới chỉ tập trung cho các xã điểm của tỉnh, huyện.

             Ngoài ra, việc huy động nguồn lực đóng góp của DN, nhân dân và cộng đồng vào xây dựng NTM chưa nhiều. Công tác lồng ghép các chương trình, dự án phục vụ xây dựng NTM còn lúng túng. Các địa phương còn nặng về phát triển cơ sở hạ tầng. Một số Sở, ban, ngành và địa phương triển khai thực hiện Chương trình xây dựng NTM chưa quyết liệt... Những khó khăn thách thức này đặt ra yêu cầu cả hệ thống chính trị của tỉnh Quảng Trị vào cuộc quyết liệt hơn nữa để cuộc vận động có ý nghĩa lớn này sớm đạt kết quả như mong đợi.

 

Xin cảm ơn ông!

Có 4 xã gần về đích

Hiện trạng NTM Quảng Trị có nhiều biến chuyển tích cực so với thời điểm cuối năm 2010. Đến 30/11/2013, tỉnh Quảng Trị có 4/117 xã đạt từ 15 - 18 tiêu chí, chiếm 3,4%, xã có tiêu chí đạt nhiều nhất là xã Vĩnh Kim của huyện Vĩnh Linh, đạt 16 tiêu chí.

Có 3 xã đạt 15 tiêu chí là Vĩnh Thủy, Vĩnh Lâm và Vĩnh Thạch. Đạt từ 10 - 14 tiêu chí có 31/117 xã, tăng thêm 31 xã so với năm 2010. Số xã đạt từ 5 - 9 tiêu chí có 67, tăng 28 xã so với năm 2010. Đạt dưới 5 tiêu chí có 15 xã, giảm 63 xã so với năm 2010.

Phấn đấu đến năm 2014 có 2 xã đạt 19 tiêu chí, không còn xã nào đạt dưới 5 tiêu chí. Năm 2015, có 20% số xã đạt 19 tiêu chí, 30% số xã đạt 15 - 18 tiêu chí, 30% số xã đạt 12 - 14 tiêu chí, 20% số xã đạt 10 - 12 tiêu chí.


Tác giả bài viết: Lâm Quang Huy

Nguồn tin: Báo Nông nghiệp Việt Nam

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Con số ấn tượng
69/101
Là số xã đạt chuẩn Nông thôn mới
14,5
Là số tiêu chí đạt bình quân của tỉnh
01/7 huyện đạt chuẩn nông thôn mới
(huyện Cam Lộ -đạt chuẩn năm 2019)
9 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao
(Kim Thạch, Vĩnh Thủy, Vĩnh Giang, Cam Chính, Cam Nghĩa, Cam Thành, Cam Hiếu, Triệu Đại, Triệu Trạch)
Liên kế website
Thống kê lượt truy cập
  • Đang truy cập94
  • Máy chủ tìm kiếm1
  • Khách viếng thăm93
  • Hôm nay10,354
  • Tháng hiện tại82,221
  • Tổng lượt truy cập8,175,757
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây