Tháo gỡ khó khăn trong xây dựng nông thôn mới.

Thứ hai - 15/08/2016 04:17
Với những nỗ lực của cả hệ thống chính trị và sự đồng thuận của người dân, đặc biệt các địa phương khi xây dựng nông thôn mới đã triển khai quyết liệt, đồng bộ nhiều giải pháp và có những bước đi thích hợp nên đến 30 tháng 6 năm 2016, toàn tỉnh có 18 xã đạt 19 tiêu chí. Hiện nay UBND tỉnh đang tập trung chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ xây dựng nông thôn mới, trong đó ưu tiên dành cho 13 xã để về đích vào cuối năm nay, tuy nhiên do nhiều nguyên nhân, đặc biệt do ảnh hưởng của sự cố môi trường biển nhiều xã ở vùng bãi ngang đang gặp khó khăn trong xây dựng nông thôn mới.
Mô hình nuôi tôm ở xã Hải Khê - huyện Hải Lăng
Mô hình nuôi tôm ở xã Hải Khê - huyện Hải Lăng
       Để đạt chuẩn nông thôn mới vào cuối năm 2016, từ đầu năm đến nay, xã Triệu Đông, huyện Triệu Phong tập trung chỉ đạo phát triển kinh tế, hạ thấp tỷ lệ hộ nghèo vì đây là 1 trong những tiêu chí đạt còn thấp. Trong đó, xã đã tích cực thực hiện chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi bằng nhiều việc làm thiết thực như xây dựng cánh đồng lớn, nâng diện tích lúa chất lượng cao lên 92% và tập trung thâm canh, đưa năng suất lúa vụ Đông Xuân vừa qua đạt gần 60 tạ/ha. Bên cạnh đó có chính sách hỗ trợ người dân tận dụng đất vườn và chuyển những chân ruộng trồng lúa kém hiệu quả sang trồng xen canh gối vụ nhiều loại rau màu thực phẩm, làm tăng hệ số sử dụng đất, mang lại nguồn thu nhập không nhỏ. Đồng thời các hộ gia đình đã mở mang ngành nghề, dịch vụ, chú trọng phát triển đàn gia súc, gia cầm, lập trang trại, gia trại, áp dụng các tiến bộ kỹ thuật vào các khâu từ chọn giống, chăm sóc cho đến phòng trừ dịch bệnh nên các loại con nuôi sinh trưởng, phát triển tốt. Nhờ vậy đã nâng thu nhập bình quân đầu người hiện nay lên 23 triệu đồng, giảm tỷ lệ hộ nghèo xuống còn 8%.
      Ông Lê Cảnh Tường, Bí thư Đảng ủy xã Triệu Đông, huyện Triệu Phong cho biết: Cùng với phát triển kinh tế, xã tiếp tục tranh thủ nhiều nguồn lực và huy động sức dân ở trên địa bàn và con em xa quê hương đóng góp công sức, tiền của cùng với nguồn lực của địa phương tập trung xây dựng hoàn thiện hệ thống cơ sở hạ tầng thiết yếu ở nông thôn, nhất là bê tông hóa đường giao thông, kiên cố hóa kênh mương, ưu tiên xây dựng các công trình phúc lợi phục vụ sản xuất và dân sinh, các thiết chế văn hóa. Đồng thời đẩy mạnh cuộc vận động Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư, tuyên truyền, vận động các hộ gia đình tích cực cải tạo vườn tạp, chỉnh trang nhà cửa, tường rào, xây dựng công trình nước sạch, tham gia bảo vệ môi trường.      
      Còn ở Hải Tân, 1 xã nằm trong vùng úng trũng của huyện Hải Lăng, ông Bùi Xuân Giang, Chủ tịch UBND xã nhấn mạnh: Để đạt chuẩn nông thôn mới vào cuối năm nay, cùng với việc ưu tiên đầu tư các công trình phúc lợi và sử dụng có hiệu quả hệ thống đê bao do nhà nước đầu tư, xã đã tập trung chỉ đạo chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, phát triển kinh tế hộ gia đình gắn với kinh tế hợp tác. Ngoài việc thâm canh 945 ha lúa, trong đó lúa chất lượng cao 658 ha, xã đã hỗ trợ hơn 510 triệu đồng và thường xuyên mở các lớp tập huấn chuyển giao các tiến bộ kỹ thuật giúp cho hộ gia đình xây dựng các mô hình sen-cá, lúa-cá, chăn nuôi lợn siêu nạc, nuôi bò bán thâm canh, nuôi cá chình lồng, duy trì và phát triển làng nghề truyền thống. Đồng thời với số tiền huy động được từ nhiều nguồn hơn 91,2 tỷ đồng, trong 5 năm qua Hải Tân đã sử dụng có hiệu quả, đầu tư cho kết cấu hạ tầng kinh tế xã hội thiết yếu, nhất là hệ thống giao thông, công trình thủy lợi, điện, trường học, trạm y tế, môi trường, hỗ trợ xóa nhà tạm, nhà dột nát cho hộ nghèo và thiết chế văn hóa cơ sở cũng như các dịch vụ thông tin truyền thông.
       Ngoài sự chủ động vươn lên của các địa phương, từ đầu năm đến nay Ban chỉ đạo chương trình xây dựng nông thôn mới của tỉnh phân bổ 94,4 tỷ đồng cho đầu tư cơ sở hạ tầng tại các xã, trong đó ưu tiên đối với các tiêu chí chưa hoàn thành, các công trình hạ tầng cơ bản thật sự cần thiết cho sản xuất và dân sinh, ưu tiên nguồn lực cho các xã có số tiêu chí đạt còn thấp và các xã đã đạt trên 15 tiêu chí. Bên cạnh đó, các địa phương đã hỗ trợ phát triển sản xuất, tạo điều kiện cho việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng, áp dụng các tiến bộ kỹ thuật, nâng cao năng suất, chất lượng nông sản hàng hóa, Nhờ vậy tình hình sản xuất nông nghiệp 6 tháng đầu năm đạt được những kết quả tốt, năng suất lúa đạt 56,2 tạ/ha, cao nhất từ trước đến nay, năng suất, sản lượng các loại cây trồng, vật nuôi khác đều tăng so với cùng kỳ năm trước. Cho đến hết tháng 6 năm 2016, toàn tỉnh có 18 xã đạt 19 tiêu chí, 11 xã đạt từ 15 đến 18 tiêu chí, 51 xã đạt từ 10 đến 14 tiêu chí, 37 xã đạt từ 5 đến 9 tiêu chí.
      Tuy nhiên chương trình xây dựng nông thôn mới trong những tháng còn lại của năm 2016 và những năm tới ở Quảng Trị gặp rất nhiều khó khăn, nhất là do hậu quả của sự cố môi trưởng biển vừa qua đã làm ảnh hưởng đến sản xuất và sinh hoạt của 15 xã vùng biển. Ở các xã này không chỉ mức tăng trưởng thấp mà thu nhập bình quân đầu người sẽ giảm, tỷ lệ hộ nghèo sẽ tăng, tỷ lệ lao động có việc làm thấp nếu không sớm có giải pháp khôi phục sản xuất, chuyển đổi ngành nghề, hướng đến chuyển đổi sinh kế, nâng cao thu nhập về lâu dài.
      Chẳng hạn như ở xã Triệu An, huyện Triệu Phong, trong 5 năm qua chỉ huy động được nguồn vốn hơn 19,4 tỷ đồng nên hiện nay đường giao thông nhiều nơi chưa được bê tông hóa, kênh mương nội đồng chưa được kiên cố hóa, chợ, trường học, các thiết chế văn hóa chưa được đầu tư hoàn thiện. Trao đổi với chúng tôi, ông Hoàng Cộng Hòa, Bí thư kiêm Chủ tịch UBND xã Triệu An, huyện Triệu Phong cho biết: Điều đáng lo nhất là cuối năm 2015 tỷ lệ hộ nghèo còn hơn 16% và có khả năng sẽ còn tăng trong thời gian tới, tỷ lệ lao động thiếu việc làm sẽ lớn, thu nhập của người dân sẽ giảm. Hiện tại xã mới đạt 11 tiêu chí, còn 8 tiêu chí chưa đạt, trong đó có những tiêu chí rất khó đạt nếu không có sự hỗ trợ, giúp đỡ của các cấp, các ngành.
      Còn ông Trần Văn Thận, Bí thư Đảng ủy xã Vĩnh Thái cho hay: Thu nhập của người dân Vĩnh Thái lâu nay chủ yếu dựa vào khai thác biển nhưng chủ yếu là đánh bắt gần bờ, hiện nay số tàu thuyền này không hoạt đông nên đời sống của người dân rất khó khăn. Trong lúc đó mặc dù xã có diện tích tự nhiên khá lớn 1430 héc ta nhưng ngoài việc trồng các loại cây lâm nghiệp để chắn cát, chắn gió, không có điều kiện để canh tác nông nghiệp, toàn xã chỉ có 32 ha diện tích gieo cấy lúa, 128 ha trồng hoa màu. Do đó muốn tạo sinh kế bền vững cho người dân, ngoài sự chủ động của xã như quy hoạch, chuyển đổi đất sang trồng các loại cây như ném, lạc, đậu, xây dựng các điểm chăn nuôi tập trung, mở rộng diện tích nuôi cá nước ngọt, xã rất mong tỉnh và huyện nghiên cứu xin chuyển đổi khoảng 1 nửa diện tích đất quy hoạch khu phát triển du lịch chưa sử dụng khoảng 250 ha, tạm thời giao lại cho người dân để đầu tư mô hình trồng trọt áp dụng công nghệ cao.
      Để tạo điều kiện cho các địa phương đẩy nhanh tiến độ xây dựng nông thôn mới, tháo gỡ khó khăn các xã vùng miền núi, vùng đồng bào dân tộc ít người, nhất là tạo sinh kế bền vững cho người dân các xã vùng biển, ông Hà Sĩ Đồng, Phó chủ tịch UBND tỉnh nhấn mạnh: Hiện nay tỉnh đang chỉ đạo ban hành quy định, danh mục, định mức hỗ trợ phát triển sản xuất và ngành nghề, dịch vụ nông thôn, phân bổ nguồn vốn hỗ trợ lãi suất vốn vay phát triển sản xuất kinh doanh. Đồng thời ưu tiên vốn để thực hiện các dự án đầu tư cơ sở hạ tầng, tạo điều kiện cho người dân phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập, quan tâm đúng mức thực hiện các nội dung về phát triển văn hóa xã hội, môi trường. Riêng đối với các xã vùng biển, tỉnh đã có những giải pháp quan trọng giúp nhân dân ổn định cuộc sống, chuyển đổi nghề nghiệp trước mắt và lâu dài. Cùng với tạo điều kiện cho người dân đóng mới hoặc cải hoán tàu thuyền có công suất lớn, khai thác xa bờ, có chính sách hỗ trợ người nuôi trồng thủy sản, tăng cường công tác giám sát, cấp giấy chứng nhận thủy sản khai thác ở vùng biển an toàn, tạo thuận lợi trong việc tiêu thụ sản phẩm. Đồng thời hỗ trợ cho mỗi xã 200 triệu xây dựng mô hình sản xuất nông nghiệp phù hợp trên đất cát, đánh giá, rút kinh nghiệm để nhân rộng, cho ngư dân vay vốn để mở rộng diện tích lúa, rau màu, chăn nuôi, hỗ trợ lãi suất ưu đãi cho phát triển kinh tế trang trại hoặc các hình thức sản xuất nông, lâm, ngư nghiệp tổng hợp. Mặt khác, tỉnh chỉ đạo rà soát quy hoạch, hỗ trợ thêm cho mỗi xã 200 triệu để đầu tư hoàn thiện hệ thống hạ tầng, xây dựng, nâng cấp các công trình thủy lợi hiện có, xây dựng các đê chắn cát với việc trồng rừng phòng hộ nhằm ứng phó với biển đối khí hậu và cải tạo môi sinh, muôi trường vùng cát. Ngoài ra tỉnh sẽ ưu tiên về việc dạy nghề, học nghề, giải quyết việc làm và xuất khẩu lao động, mua bảo hiểm y tế cho người dân, miễn giảm học phí cho con em trong năm học tới. 

Tác giả bài viết: Bá Thuần

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Con số ấn tượng
69/101
Là số xã đạt chuẩn Nông thôn mới
14,5
Là số tiêu chí đạt bình quân của tỉnh
01/7 huyện đạt chuẩn nông thôn mới
(huyện Cam Lộ -đạt chuẩn năm 2019)
9 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao
(Kim Thạch, Vĩnh Thủy, Vĩnh Giang, Cam Chính, Cam Nghĩa, Cam Thành, Cam Hiếu, Triệu Đại, Triệu Trạch)
Liên kế website
Thống kê lượt truy cập
  • Đang truy cập89
  • Hôm nay10,354
  • Tháng hiện tại82,412
  • Tổng lượt truy cập8,175,948
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây