Tạo bước đột phá trong xây dựng nông thôn mới

Thứ năm - 21/12/2017 21:00
Thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới (NTM), thời gian qua nhiệm vụ quan trọng này ở Quảng Trị đã được hệ thống chính trị từ tỉnh đến cơ sở thực hiện tốt, các tầng lớp nhân dân đồng thuận, tích cực hưởng ứng và đạt được những kết quả tích cực trên nhiều lĩnh vực, tạo bước đột phá trong diện mạo nông nghiệp, nông thôn và đời sống vật chất, tinh thần của người dân. Để tạo động lực, kết quả mới và bền vững hơn trong “tam nông”, cần tiếp tục triển khai hiệu quả các chủ trương, chính sách về xây dựng NTM.

Theo dự kiến, đến hết năm 2017 toàn tỉnh có 39 xã/117 xã được công nhận đạt chuẩn NTM; bình quân số tiêu chí đạt được của các xã trong toàn tỉnh là 14,3 tiêu chí/xã. Trong giai đoạn 2016 - 2020, UBND tỉnh chọn các huyện Cam Lộ, Vĩnh Linh làm huyện chỉ đạo điểm phấn đấu đạt chuẩn huyện NTM. Đến tháng 9/2017, huyện Cam Lộ đạt 5/9 tiêu chí huyện NTM, có 4/8 xã đạt chuẩn NTM, tiêu chí bình quân toàn huyện đạt 17,5 tiêu chí/xã; huyện Vĩnh Linh đã đạt 4/9 tiêu chí huyện NTM, có 11/19 xã đạt chuẩn NTM, tiêu chí bình quân toàn huyện 16 tiêu chí/xã...

 

Đạt được kết quả quan trọng này, rất nhiều nguồn lực đã được các cấp, các ngành đầu tư, nhân dân trong toàn tỉnh đóng góp nhiều công sức, kinh phí, đất đai để thực hiện. Chỉ tính riêng từ năm 2015 đến tháng 9/2017, tổng nguồn vốn huy động cho xây dựng NTM trên địa bàn tỉnh đạt 19.278.036 triệu đồng. Trong đó, ngân sách nhà nước đầu tư trực tiếp cho chương trình 535.915 triệu đồng; nguồn lồng ghép các chương trình, dự án 1.190.935 triệu đồng; nguồn huy động trong nhân dân quy đổi ra tiền là 421.047 triệu đồng; nguồn vốn của các doanh nghiệp và hợp tác xã 204.417 triệu đồng...

 

Bên cạnh những kết đạt được, xây dựng NTM vẫn bộc lộ một số khó khăn, hạn chế và rào cản lớn nhất vẫn là nguồn lực kinh phí đầu tư cho xây dựng NTM vẫn chưa theo kịp nhu cầu. Nguồn huy động từ ngân sách tỉnh được bố trí ở mức tối thiểu 20 tỷ đồng/năm; việc lồng ghép các nguồn vốn từ các chương trình, dự án chưa phát huy tối đa hiệu quả do mỗi chương trình, dự án có quy chế quản lý riêng, bên cạnh đó các chương trình mục tiêu quốc gia đã bị cắt giảm, chỉ còn hai chương trình là xây dựng NTM và giảm nghèo bền vững. Số lượng doanh nghiệp tham gia đầu tư vào lĩnh vực này còn rất hạn chế, việc huy động vốn từ doanh nghiệp còn nhiều khó khăn; các hợp tác xã hoạt động chưa thực sự hiệu quả. Việc huy động vốn giữa các địa phương không đồng đều, nguồn lực huy động từ cộng đồng dân cư ngày càng giảm, ở các xã miền núi đóng góp kinh phí từ người dân còn rất khó khăn. Một số định mức quy định khá cao không phù hợp và vượt khả năng đóng góp của người dân như xây dựng nhà văn hóa, xây dựng đường giao thông. Các phong trào thi đua xây dựng NTM ở một số địa phương chưa được duy trì liên tục; kết quả thực hiện không đồng đều ở các địa phương, có sự chênh lệch lớn giữa khu vực đồng bằng và miền núi...

 

Để tiếp tục tạo bước đột phá trong xây dựng NTM giai đoạn 2018 - 2020 nhằm nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho người dân, từng bước xây dựng kết cấu hạ tầng nông thôn đồng bộ, có cơ cấu kinh tế và các hình thức tổ chức sản xuất hợp lý, môi trường sinh thái được bảo vệ và trật tự an toàn xã hội được đảm bảo, tỉnh đã đề ra các mục tiêu, giải pháp để thực hiện. Trong đó xác định phấn đấu đến năm 2020 có 1 huyện đạt chuẩn NTM và có từ 50% - 55% số xã đạt chuẩn NTM; không còn huyện không có xã đạt chuẩn NTM; số tiêu chí đạt bình quân là 16 - 16,5 tiêu chí/xã, không còn xã miền núi dưới 8 tiêu chí, không còn xã đồng bằng dưới 16 tiêu chí. Thu nhập bình quân đầu người khu vực nông thôn tăng ít nhất gấp 1,8 lần so với năm 2015; giảm tỷ lệ hộ nghèo bình quân từ 1,5% - 2%/năm, riêng huyện Đakrông giảm 4%/năm theo chuẩn nghèo quốc gia. Phấn đấu mỗi huyện có 1 - 2 xã NTM kiểu mẫu...

 

Để thực hiện mục tiêu này, ngoài việc huy động hiệu quả nguồn lực kinh phí, các cấp, ngành cần tiếp tục tổ chức quán triệt, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động để tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức và hành động của các thành phần kinh tế và các tầng lớp nhân dân. Kinh nghiệm xây dựng NTM ở nhiều địa phương cho thấy, khi người dân hiểu, đồng thuận, doanh nghiệp thấy được lợi ích của mình và chính quyền công khai, minh bạch các nguồn kinh phí thì việc huy động công sức, kinh phí sẽ thuận lợi hơn rất nhiều. Thường xuyên cập nhật, thông tin phổ biến những cách làm hay, các mô hình hiệu quả, gương điển hình tiên tiến về xây dựng NTM trên các phương tiện thông tin đại chúng; kịp thời khuyến khích, động viên, khen thưởng các tập thể, cá nhân điển hình. Nâng cao vai trò, trách nhiệm của cấp ủy đảng, chính quyền các cấp, nhất là vai trò của người đứng đầu trong triển khai thực hiện Nghị quyết 04 - NQ/TU ngày 20/4/2017 của Tỉnh ủy về Đẩy mạnh tái cơ cấu nông nghiệp gắn với thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM giai đoạn 2017 - 2020. Tập trung rà soát, điều chỉnh quy hoạch, đề án xây dựng NTM phù hợp với tái cơ cấu nông nghiệp gắn với ứng phó biến đổi khí hậu, quá trình đô thị hóa của các xã ven đô thị và đảm bảo tiêu chí môi trường. Chú trọng đổi mới các hình thức tổ chức sản xuất, nhất là việc ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, công nghệ cao, liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị để nâng cao năng suất, chất lượng và giá trị sản phẩm nông sản gắn với phát triển, đa dạng hóa các ngành nghề kinh doanh, dịch vụ. Tạo môi trường thuận lợi nhất cho các doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp và hỗ trợ các hợp tác xã nông nghiệp phát triển, nhân rộng mô hình các hợp tác xã, tổ hợp tác, các liên kết hiệu quả trong sản xuất, chế biến, tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp.

 

Các địa phương phải xác định rõ tiêu chí NTM trọng tâm để chỉ đạo, trong đó cần tập trung vào các tiêu chí về đời sống của người dân, giảm nghèo, nâng cao thu nhập, an toàn vệ sinh thực phẩm, khắc phục tình trạng ô nhiễm môi trường, trật tự an toàn xã hội; các tiêu chí về văn hóa, giữ gìn và phát huy các giá trị văn hóa của các vùng, miền, xây dựng hệ thống chính trị vững mạnh. Trong quá trình triển khai thực hiện, các địa phương cần cân nhắc kỹ, xác định bước đi, cách làm phù hợp với thực tiễn, tránh hình thức, chạy theo phong trào. Tổ chức các phong trào, hoạt động thi đua xây dựng NTM phải căn cứ vào nhu cầu, nguyện vọng của nhân dân; không huy động quá sức dân, huy động sức dân bằng mọi cách. Khuyến khích tinh thần tự nguyện đóng góp của các hộ gia đình, cá nhân, doanh nghiệp và chỉ tính toán triển khai những công trình hạ tầng cơ sở thật sự cần thiết cho sản xuất, sinh hoạt của nhân dân và có đủ nguồn lực đầu tư. Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát việc quản lý, sử dụng các nguồn lực đầu tư cho xây dựng NTM đảm bảo hiệu quả, đúng quy định của pháp luật…

 

Để xây dựng NTM đạt được mục tiêu đề ra, kết quả của xây dựng NTM chính là sự hài lòng của người dân về điều kiện sản xuất, sinh hoạt và đời sống vật chất, tinh thần, các cấp, các ngành cần phối hợp đồng bộ và quyết liệt, bám sát thực tiễn trong triển khai cũng như quan tâm bố trí đội ngũ cán bộ có năng lực và tâm huyết làm công tác xây dựng NTM để tạo bước đột phá trong thực hiện nhiệm vụ quan trọng này.

 

Nguồn tin: Báo Quảng Trị

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Con số ấn tượng
69/101
Là số xã đạt chuẩn Nông thôn mới
14,5
Là số tiêu chí đạt bình quân của tỉnh
01/7 huyện đạt chuẩn nông thôn mới
(huyện Cam Lộ -đạt chuẩn năm 2019)
9 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao
(Kim Thạch, Vĩnh Thủy, Vĩnh Giang, Cam Chính, Cam Nghĩa, Cam Thành, Cam Hiếu, Triệu Đại, Triệu Trạch)
Liên kế website
Thống kê lượt truy cập
  • Đang truy cập104
  • Hôm nay14,216
  • Tháng hiện tại98,007
  • Tổng lượt truy cập8,298,304
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây