Quyết tâm xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu

Thứ ba - 02/10/2018 21:33
Cách đây khoảng 7 năm, khi tiếp nhận chủ trương xây dựng nông thôn mới, Đảng ủy, chính quyền và người dân xã Tân Hợp, huyện Hướng Hóa rất quan ngại. Tân Hợp là xã miền núi, có người Kinh và đồng bào dân tộc Vân Kiều cùng sinh sống, cuộc sống còn nhiều khó khăn. Đối chiếu với 19 tiêu chí đề ra, nhiều người cho rằng, rất khó để xã Tân Hợp có thể về đích xây dựng nông thôn mới. Bằng những nỗ lực vượt bậc, Đảng ủy, chính quyền và người dân địa phương đã biến điều tưởng chừng không thể thành có thể. Năm 2015, xã Tân Hợp được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới.
Người dân chung tay, góp sức làm thay đổi diện mạo quê hương
Người dân chung tay, góp sức làm thay đổi diện mạo quê hương

Hân hoan trong niềm vui về đích nông thôn mới song từ đó đến nay, lãnh đạo xã Tân Hợp vẫn còn nhiều trăn trở. Tại địa phương, một số tiêu chí chỉ mới đủ điểm để được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới, chuyện “rớt chuẩn” hoàn toàn có thể xảy ra. “Chúng tôi đã tập trung rà soát tất cả các tiêu chí nông thôn mới và xây dựng kế hoạch, giải pháp củng cố với quyết tâm nâng cao chất lượng các tiêu chí. Theo ghi nhận, các tiêu chí như thu nhập, môi trường, trường học, văn hóa… có khả năng biến động lớn. Vì vậy, chúng tôi chưa thực sự yên tâm và đặt ra mục tiêu là phải nỗ lực để giữ vững, nâng cao chất lượng các tiêu chí đạt được”, Chủ tịch UBND xã Tân Hợp Trần Vinh cho biết.

 

Tại huyện Hải Lăng, Hải Thượng là một trong hai xã đầu tiên hoàn thành 19/19 tiêu chí xây dựng nông thôn mới. Từ một địa phương thuần nông, giờ đây xã Hải Thượng đã có sự phát triển tương đối toàn diện trên tất cả các lĩnh vực. Cuộc sống người dân đã được cải thiện nhiều so với trước. Ít ai biết, thời gian đầu cán đích xây dựng nông thôn mới, lãnh đạo xã Hải Thượng luôn trăn trở tìm cách để tiếp tục nâng cao chất lượng các tiêu chí. Trong khi đó, một bộ phận người dân có biểu hiện thỏa mãn với kết quả đạt được. Vì vậy, phong trào xây dựng nông thôn mới trên địa bàn có phần chững lại. Chủ tịch UBND xã Hải Thượng Lê Ngọc Anh chia sẻ: “Khi được UBND tỉnh chọn là một trong 8 xã điểm xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu, chúng tôi rất vui mừng vì đã tìm được hướng đi đúng đắn, phù hợp. Người dân xã Hải Thượng cũng phấn khởi, nêu cao quyết tâm xây dựng quê hương giàu đẹp hơn”.

 

Sau 7 năm triển khai, chương trình xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh đã đạt được những kết quả quan trọng. Xây dựng nông thôn mới trở thành phong trào phát triển sâu rộng, thu hút sự đồng thuận, hưởng ứng cao từ người dân. Tại các xã, cấp ủy, chính quyền, nhân dân địa phương quan tâm nhiều hơn đến chất lượng, tính bền vững của việc xây dựng nông thôn mới. Đến nay, toàn tỉnh có 42 xã/117 xã đã đạt chuẩn nông thôn mới, chiếm 36% số xã của tỉnh. Số tiêu chí đạt bình quân của toàn tỉnh là 14,25 tiêu chí/xã.

 

Tuy vậy, sau khi đạt chuẩn nông thôn mới, lãnh đạo một số địa phương vẫn còn lúng túng, chưa xác định được nội dung chỉ đạo tiếp theo để nâng cao chất lượng các tiêu chí, tiến đến xây dựng nông thôn mới bền vững. Thực tế, nhiều xã chỉ mới đạt các tiêu chí nông thôn mới ở mức tối thiểu theo quy định. Từ đây, chuyện “rớt chuẩn” sau khi đạt chuẩn xây dựng nông thôn mới rất dễ xảy ra. Trong khi đó, một số xã tuy đã đạt chuẩn xây dựng nông thôn mới nhưng thu nhập, đời sống người dân còn thấp; môi trường, cảnh quan nông thôn chưa thực sự sáng, xanh, sạch, đẹp; đời sống tinh thần của người dân địa phương chưa cao… Sau khi xây dựng thành công nông thôn mới, Đảng ủy, chính quyền và người dân một số địa phương tạm thỏa mãn với kết quả đạt được. Do đó, phong trào xây dựng nông thôn mới có phần chững lại. Công tác huy động nguồn lực, phát huy vai trò chủ thể của người dân chưa đáp ứng được xu hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn trong tình hình mới.

 

Trăn trở trước thực tế đó, UBND tỉnh đã sớm đưa ra bộ tiêu chí xã nông thôn mới kiểu mẫu trên địa bàn. Bộ tiêu chí này gồm 12 tiêu chí, làm cơ sở để các địa phương triển khai xây dựng nông thôn mới cho giai đoạn tới. Sau khi ban hành bộ tiêu chí xã nông thôn mới kiểu mẫu, UBND tỉnh đã có quyết định phê duyệt danh sách các địa phương chỉ đạo điểm xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu giai đoạn 2018 - 2020. Theo đó, các xã điểm xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu gồm: Vĩnh Thủy, Vĩnh Kim (Vĩnh Linh), Gio Sơn (Gio Linh), Triệu Đại (Triệu Phong), Hải Thượng (Hải Lăng), Cam Chính, Cam Nghĩa (Cam Lộ), Tân Hợp (Hướng Hóa). Nhờ được tuyên truyền sâu rộng, người dân trên địa bàn đã hiểu rằng, xây dựng nông thôn mới là một hành trình dài và họ chính là chủ thể trong xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu.

 

Thực tế, cốt lõi của việc xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu là nâng cao nhận thức của người dân, góp phần gắn kết cộng đồng, tạo nên một “vùng quê đáng sống”. Trong xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu, có 4 nhóm tiêu chí được đặt ra, cụ thể là: Sản xuất - thu nhập - hộ nghèo; giáo dục - y tế - văn hóa; môi trường; an ninh - trật tự. Ở nhóm tiêu chí sản xuất - thu nhập - hộ nghèo, các địa phương phải chú trong xây dựng vùng sản xuất hàng hóa; phát triển hợp tác xã kiểu mới theo hướng liên kết làm ăn có hiệu quả; nâng cao thu nhập của người dân nông thôn từ 1,2 - 1,5 lần, giảm hộ nghèo xuống còn 1,5%... Trong nhóm tiêu chí về giáo dục - y tế - văn hóa, cần chú trọng phổ cập giáo dục, đào tạo nghề, giải quyết việc làm; nâng cao tỷ lệ tham gia bảo hiểm y tế của người dân lên 95%; xây dựng các mô hình hoạt động văn hóa tiêu biểu, thu hút từ 60% trở lên số người dân thường trú trên địa bàn tham gia… Ở nhóm tiêu chí môi trường, các xã cần nâng cao tỉ lệ thu gom và xử lý chất thải rắn, chuồng trại chăn nuôi đảm bảo vệ sinh; hình thành các mô hình bảo vệ môi trường hoạt động thường xuyên, hiệu quả, thu hút được sự tham gia của cộng đồng... Về an ninh - trật tự, các địa phương phải đảm bảo an ninh - trật tự, bình yên ở khu vực nông thôn; kiềm chế tệ nạn xã hội; công khai minh bạch, đầy đủ các thủ tục hành chính, quy trình giải quyết thủ tục hành chính; có mô hình về cải cách thủ tục hành chính hoạt động hiệu quả…

 

Theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hà Sỹ Đồng, xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu không thực sự tốn nhiều kinh phí. Điều quan trọng là phải làm sao tạo động lực trực tiếp cho người dân và cộng đồng tham gia. Ông Hà Sỹ Đồng bày tỏ sự tin tưởng: “Phong trào xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu sẽ là bước đột phá trong việc thay đổi toàn diện bộ mặt nông thôn của tỉnh”. Để tiếp tục đẩy mạnh phong trào xây dựng nông thôn mới trên phạm vi toàn tỉnh, hướng đến xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hà Sỹ Đồng cho rằng, trước tiên phải coi trọng công tác tuyên truyền, vận động về mục đích, ý nghĩa, nội dung của việc xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu, từ đây tiếp tục huy động sức dân. Bên cạnh đó, cần phát huy vai trò của các tổ chức hội, đoàn thể ở cấp xã, thôn. Việc xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu phải được gắn kết chặt chẽ với các phong trào khác như: “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”, “5 không, 3 sạch”, thắp sáng đường quê, chỉnh trang nông thôn… Việc bảo vệ môi trường nông thôn, xây dựng cảnh quan sáng, xanh, sạch, đẹp cần được đặc biệt quan tâm. Ngoài ra, các địa phương phải thực hiện tốt quy chế dân chủ cơ sở; đảm bảo việc dân biết, dân giám sát, kiểm tra và hưởng lợi; kịp thời động viên, khen thưởng các tập thể, cá nhân có nhiều thành tích trong thực hiện phong trào…

Nguồn tin: Báo Quảng Trị

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Con số ấn tượng
69/101
Là số xã đạt chuẩn Nông thôn mới
14,5
Là số tiêu chí đạt bình quân của tỉnh
01/7 huyện đạt chuẩn nông thôn mới
(huyện Cam Lộ -đạt chuẩn năm 2019)
9 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao
(Kim Thạch, Vĩnh Thủy, Vĩnh Giang, Cam Chính, Cam Nghĩa, Cam Thành, Cam Hiếu, Triệu Đại, Triệu Trạch)
Liên kế website
Thống kê lượt truy cập
  • Đang truy cập136
  • Hôm nay24,638
  • Tháng hiện tại98,617
  • Tổng lượt truy cập8,192,153
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây