Đoàn công tác Ban chỉ đạo tổng kết Nghị quyết số 26-NQ/TW khóa X làm việc với tỉnh Quảng Trị

Thứ ba - 13/08/2013 03:41
Ngày 9/8/2013, đoàn công tác Ban chỉ đạo tổng kết Nghị quyết số 26-NQ/TW của Hội nghị Trung ương 7 khóa X về nông nghiệp, nông dân, nông thôn do đồng chí Phạm Vũ Luận, UVTƯ Đảng, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) dẫn đầu đã có buổi làm việc với lãnh đạo tỉnh Quảng Trị. Tham gia đoàn có lãnh đạo các Cục, Vụ, Văn phòng và đơn vị trực thuộc Bộ. Tiếp và làm việc với đoàn về phía tỉnh Quảng Trị có các đồng chí: Lê Hữu Phúc, UVTƯ Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh; Thái Vĩnh Liệu, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy; Nguyễn Đức Chính, UVTVTU, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh; đại diện lãnh đạo các sở, ban, ngành, đơn vị liên quan.
Đồng chí Phạm Vũ Luận, UVTƯ Đảng, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT làm việc với lãnh đạo tỉnh - Ảnh: THÀNH DŨNG
Đồng chí Phạm Vũ Luận, UVTƯ Đảng, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT làm việc với lãnh đạo tỉnh - Ảnh: THÀNH DŨNG
Sau 5 năm thực hiện Nghị quyết 26- NQ/TW, nhận thức cũng như trách nhiệm của các cấp, ngành đối với sự nghiệp phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn trên địa bàn tỉnh đã thực sự chuyển biến. Công tác tuyên truyền góp phần quan trọng nâng cao nhận thức của nhân dân về xây dựng nông thôn mới. Từ đó, người dân đã tích cực đóng góp công sức thực hiện nhiều chương trình phát triển kinh tế; thực hiện đổi thửa, dồn điền để tạo vùng chuyên canh; hiến đất xây dựng đường giao thông, trường học, kiên cố hóa kênh mương...

Hiện nay, trên địa bàn tỉnh có 29/117 xã đạt từ 10 – 14 tiêu chí về xây dựng nông thôn mới; 70/117 xã đạt từ 5 – 9 tiêu chí; 18/117 xã đạt dưới 5 tiêu chí. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch tích cực theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Năm 2008, tỷ trọng nông nghiệp chiếm 33,5%, công nghiệp – xây dựng chiếm 31,3%, dịch vụ chiếm 35,2%. Đến năm 2012, cơ cấu kinh tế đã có sự chuyển dịch khá rõ nét: nông nghiệp giảm còn 26,3%, công nghiệp và xây dựng tăng lên 37,1%, dịch vụ tăng lên 36,6%. Nông nghiệp chuyển sang hướng sản xuất hàng hóa với năng suất, chất lượng, giá trị sản xuất đạt cao hơn trên một đơn vị diện tích. Cơ sở hạ tầng nông thôn tiếp tục được đầu tư xây dựng đồng bộ. Nông dân đã có sự thay đổi cơ bản về tư duy, tập quán canh tác; đời sống được cải thiện; tỉ lệ hộ đói nghèo, nhà cửa tạm bợ giảm rõ rệt... Thu nhập bình quân đầu người đến cuối năm 2012 đạt 23,8 triệu đồng/năm.

Hiện, địa bàn tỉnh đã hình thành các vùng sản xuất thâm canh, chuyên canh gắn với công nghiệp chế biến như: sản xuất cao su, hồ tiêu ở Vĩnh Linh, Gio Linh, Cam Lộ; vùng sắn, cà phê ở Hướng Hóa; nuôi tôm công nghiệp ở ven sông Hiếu, sông Hiền Lương... Kết cấu hạ tầng nông thôn được tăng cường đáng kể, ngày càng đáp ứng nhu cầu sản xuất, bảo vệ an ninh quốc phòng và sinh hoạt của người dân. Hệ thống điện, đường, trường, trạm được chú trọng đầu tư xây dựng.

Bên cạnh kết quả đạt được, nông nghiệp, nông thôn Quảng Trị còn một số mặt hạn chế cụ thể là: Công tác tuyên truyền vẫn mang tính hình thức; tiềm năng, thế mạnh địa phương chưa được khai thác triệt để; sản xuất hàng hóa còn nhỏ lẻ, phân tán, trình độ khoa học và công nghệ hạn chế; công tác xúc tiến thương mại, xây dựng thương hiệu sản phẩm nông – lâm – thủy sản chưa được quan tâm đúng mức; kết cấu hạ tầng kém hoàn chỉnh, thiếu sự đồng bộ; việc phát triển ngành nghề nông thôn chưa đáp ứng được các yêu cầu đề ra...

Để tiếp tục triển khai có hiệu quả Nghị quyết số 26-NQ/TW, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Quảng Trị xác định phương hướng cụ thể trong thời gian tới là: Không ngừng nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của dân cư nông thôn; xây dựng nền nông nghiệp phát triển toàn diện theo hướng hiện đại, bền vững, sản xuất hàng hóa lớn, có năng suất, chất lượng và khả năng cạnh tranh cao; xây dựng nông thôn mới với kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội hiện đại, cơ cấu kinh tế và các hình thức tổ chức sản xuất hợp lý; hệ thống chính trị ở nông thôn dưới sự lãnh đạo của Đảng được tăng cường... Một số mục tiêu cụ thể được đưa ra là: Tốc độ tăng trưởng nông nghiệp đạt 3,5 – 4%/năm; thu nhập và điều kiện sống của dân cư nông thôn đến năm 2015 tăng hai lần, năm 2020 tăng ba lần so với hiện nay; tỷ lệ hộ nghèo nông thôn hàng năm giảm từ 2,5 – 3%; tạo việc làm mới hàng năm cho trên 9.500 lao động; phấn đấu đến năm 2015 có 20% số xã và đến năm 2020 có 40 – 45% số xã đạt chuẩn nông thôn mới...

Xuất phát từ tình hình thực tế, tỉnh đề nghị Trung ương tăng mức hỗ trợ hàng năm cho các dự án xóa đói giảm nghèo và chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới; tạo điều kiện đầu tư, nâng cấp các tuyến đê điều và công trình thủy lợi đã xuống cấp; có chính sách cho ngư dân vay vốn trung hạn, dài hạn với lãi suất ưu đãi; tiếp tục thực hiện một số chính sách hỗ trợ đất sản xuất, đất ở và nước sinh hoạt cho đồng bào dân tộc thiểu số nghèo; ban hành chính sách khuyến khích doanh nghiệp, hợp tác xã đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn; sớm ban hành Thông tư về việc sáp nhập các trung tâm dạy nghề, giáo dục thường xuyên của các huyện, thị xã, thành phố và tăng cường cơ sở vật chất, trang thiết bị, đội ngũ nhằm đáp ứng yêu cầu đào tạo nghề; tăng mức trồng rừng phòng hộ...

Phát biểu tại cuộc họp, đồng chí Phạm Vũ Luận, UVTƯ Đảng, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT bày tỏ sự vui mừng khi biết Nghị quyết số 26-NQ/TW đã đi vào thực tế ở tỉnh Quảng Trị. Thành quả ấy có được là nhờ sự chỉ đạo sát sao của lãnh đạo tỉnh; việc cụ thể hóa chủ trương, chính sách vào thực tế địa phương; công tác tuyên truyền thực hiện nghiêm túc, đúng bài bản... Đặc biệt, sự ủng hộ tích cực của nhân dân trên cả ba lĩnh vực nông nghiệp, nông dân, nông thôn đã mang lại nhiều tín hiệu khả quan. Tuy nhiên, trong thực hiện Nghị quyết, tỉnh vẫn còn điểm hạn chế đó là một số chỉ tiêu đặt ra chưa đúng yêu cầu thực tế; tiềm năng, thế mạnh địa phương chưa được khai thác triệt để; số lượng hộ nghèo còn cao; cơ cấu kinh tế chuyển dịch chậm...

Đồng chí khẳng định, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Quảng Trị cần nỗ lực nhiều hơn nữa trong việc thực hiện Nghị quyết số 26-NQ/TW của Hội nghị Trung ương 7 khóa X về nông nghiệp, nông dân, nông thôn. Về phía các kiến nghị của tỉnh, đoàn công tác sẽ tiếp thu, tổng hợp, trao đổi và xem xét giải quyết.

Sáng cùng ngày, đoàn công tác Ban chỉ đạo tổng kết Nghị quyết số 26-NQ/ TW cũng đã có buổi làm việc với lãnh đạo xã Triệu Đông, huyện Triệu Phong. Trong khuôn khổ buổi làm việc, đồng chí Phạm Vũ Luận, UVTƯ Đảng, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT tuyên dương nỗ lực chung của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân xã Triệu Đông. Có thể khẳng định, quá trình thực hiện Nghị quyết đã tạo nên sự chuyển biến rõ rệt trong nhận thức cũng như trách nhiệm của cán bộ, đảng viên và nhân dân trên địa bàn xã đối với sự nghiệp phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn. Nhờ thế, đời sống vật chất cũng như tinh thần của người dân đã được nâng lên đáng kể. Thu nhập bình quân đầu người đến cuối năm 2012 đạt 14,8 triệu đồng/ năm. Phong trào toàn dân chung sức xây dựng nông thôn mới có sự chuyển biến về chất. Hiện, xã đã đạt 8/19 tiêu chí về xây dựng nông thôn mới. Đặc biệt, cơ cấu kinh tế địa phương đã có sự chuyển dịch đúng hướng; cơ sở hạ tầng nông thôn tiếp tục được đầu tư xây dựng đồng bộ; hình thành vùng chuyên canh, thâm canh...

Đồng chí Phạm Vũ Luận bày tỏ mong muốn, thời gian tới, cán bộ, nhân dân xã Triệu Đông tiếp tục nỗ lực vượt qua khó khăn để sớm đạt được những chỉ tiêu, yêu cầu đã đề ra.


 

Nguồn tin: Báo Quảng Trị

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Con số ấn tượng
69/101
Là số xã đạt chuẩn Nông thôn mới
14,5
Là số tiêu chí đạt bình quân của tỉnh
01/7 huyện đạt chuẩn nông thôn mới
(huyện Cam Lộ -đạt chuẩn năm 2019)
9 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao
(Kim Thạch, Vĩnh Thủy, Vĩnh Giang, Cam Chính, Cam Nghĩa, Cam Thành, Cam Hiếu, Triệu Đại, Triệu Trạch)
Liên kế website
Thống kê lượt truy cập
  • Đang truy cập86
  • Hôm nay10,354
  • Tháng hiện tại78,391
  • Tổng lượt truy cập8,171,927
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây